Để rộng đường dư luận, chúng tôi đã có buổi làm việc với ông Đỗ Quang Dương, Tổng giám đốc Cty CP Đại Dương (xã Thụy Hải, huyện Thái Thụy, tỉnh Thái Bình), đơn vị đóng con tàu nói trên.
Ông Đỗ Quang Dương, TGĐ Công ty Cổ phần Đại Dương |
PV: Ông Nguyễn Duy Muộn phản ánh: Hệ thống tổ máy phát điện chính của tàu gồm 2 máy, trị giá 1,6 tỷ. Nhưng trong quá trình khởi động ở xưởng lại không thể tải điện xuống, ông đã yêu cầu phải thay máy mới. Công ty đồng ý, nhưng đặt điều kiện là chủ tàu phải nộp thêm 350 triệu. Thứ hai, theo thỏa thuận thì ngư lưới cụ do chủ tàu tự trang bị, dưới sự giám sát của công ty. Ông Muộn đã sắm ngư lưới cụ hết 2,572 tỷ, nhưng công ty lại yêu cầu ông phải nộp cho mình 15% số tiền đó, tương đương với 385 triệu. Ông Muộn cho rằng công ty đã có động thái dồn ép, gây khó dễ cho chủ tàu để trục lợi. Ông nói sao về ý kiến này?
Ông Đỗ Quang Dương: Theo thiết kế đã được thẩm định, thì 2 máy phát điện chính có công suất 200 kW. Với công suất này, máy không đủ tải với 320 bóng đèn cộng với tời chính. Vì vậy ông Muộn đã yêu cầu công ty thay máy có công suất phù hợp là 350 kW. Công ty đồng ý, mua vé cho ông đi Sài Gòn làm việc với nhà cung cấp về giá cả và chất lượng máy. Vì công suất của máy tăng lên, nên theo thỏa thuận, ông Muộn phải trả thêm cho công ty 350 triệu. Nhưng đến nay, ông cũng chưa trả cho công ty một đồng nào.
Còn về ngư lưới cụ, thì do ngân hàng không tin tưởng ông Muộn, nên không giải ngân cho ông đi mua, mà yêu cầu công ty phải giám sát. Tuy vậy, công ty vẫn để chủ tàu trực tiếp thỏa thuận giá cả, chất lượng với nhà cung cấp. Số 15% giá trị ngư lưới cụ, tương đương 385 triệu mà công ty yêu cầu ông Muộn nộp đó, thì có 5% là tiền bảo hành lưới, công ty đã trả cho nhà cung cấp theo yêu cầu của ông Muộn. 6% là thu nhập chịu thuế tính trước công ty được hưởng theo đúng thông tư của Bộ Xây dựng. 4% còn lại bù vào phần chi phí sản xuất chung 5,5% theo đúng tinh thần dự toán. Như vậy công ty chịu lỗ 1,5%. Sự thỏa thuận giữa công ty và chủ tàu là hoàn toàn tự nguyện. Ông Muộn không hề bị ép buộc. Và công ty cũng không trục lợi gì trong sự thỏa thuận này.
PV: Ông có thể cho biết về quá trình thi công đóng mới con tàu 01 Muộn Chương?
Ông Đỗ Quang Dương: Ngày 16/5/2015, giữa Cty Cổ phần Đại Dương và ông Nguyễn Duy Muộn đã ký hợp đồng số 10/2015/HĐKT về việc đóng mới 1 tàu cá vỏ thép. Thiết kế con tàu là của Cty Cổ phần Công nghệ Hàng hải. Việc thẩm định giá dự toán của con tàu do Cty Cổ phần thông tin và thẩm định Nam Bộ thực hiện. Sau khi nhận được tiền do ngân hàng giải ngân, ngày 25/10/2015, công ty bắt đầu khởi công.
Trong quá trình thi công, công ty luôn luôn tuân thủ hai thứ. Một là bản vẽ thiết kế cùng dự toán. Hai là những ý kiến thay đổi của chủ tàu. Ý kiến của chủ tàu luôn được công ty lắng nghe. Các bước nghiệm thu đăng kiểm, chủ tàu đều được mời tham gia. Đến ngày tàu được bàn giao, thì tổng số tiền phát sinh thêm theo yêu cầu của chủ tàu (thay thế các thiết bị tốt hơn) là 590 triệu (lấy tròn). Ông Muộn đã xin công ty số tiền phát sinh này.
PV: Còn quá trình bảo hành thì sao, thưa ông?
Ông Đỗ Quang Dương: Ông Nguyễn Duy Muộn luôn nói với báo chí là ông bị lừa trong quá trình bảo hành. Nhưng điều đó hoàn toàn không đúng. Nghị định 67/2014/NĐ-CP của Chính phủ không hề quy định thời gian bảo hành bắt buộc phải là 12 tháng. Điều đó có nghĩa là thời gian bảo hành bao nhiêu, là sự thỏa thuận giữa cơ quan đóng tàu và chủ tàu. Giữa Cty Cổ phần Đại Dương và chủ tàu 01 Muộn Chương là ông Nguyễn Duy Muộn đã thỏa thuận với nhau: Thời gian bảo hành tàu là 6 tháng. Sự thỏa thuận này được sự chấp nhận của hai ngân hàng là BIDV Thanh Hóa và BIDV Thái Bình. Như vậy thì ông Muộn bị lừa ở chỗ nào?
Trong thời gian bảo hành 6 tháng kể từ ngày bàn giao, công ty đã 6 lần cử cán bộ kỹ thuật vào tận nơi để thực hiện trách nhiệm bảo hành. Kể từ ngày hết hạn bảo hành là ngày 21/2/2017 đến nay, công ty vẫn tiếp tục hỗ trợ sau bảo hành cho ông Muộn chứ không phải bỏ mặc như một số báo đã đưa tin. Tổng chi phí trong và sau bảo hành là 366,42 triệu đồng, có chứng từ đầy đủ.
PV: Ông Nguyễn Duy Muộn cho báo chí biết, trong 9 lần đi biển thì tàu của ông hỏng cả 9. Ông đang lâm cảnh phải bán nhà để trả ngân hàng. Ông nghĩ gì về thông tin này?
Ông Đỗ Quang Dương: Đó là thông tin do ông Muộn cung cấp cho báo chí. Và các báo đều đăng theo lời ông. Còn có thật sự hỏng cả 9 lần không, hỏng do nguyên nhân gì, thì phải được xác minh bởi cơ quan có chuyên môn, có chức năng, và có kết luận một cách cụ thể, khách quan. Ông Muộn nói với báo chí như thế, là muốn quy trách nhiệm cho cơ quan đóng tàu. Điều đó không thỏa đáng. Cty Cổ phần Đại Dương đã đóng 12 tàu cá vỏ thép. Các tàu khác đều hoạt động bình thường, chỉ tàu của ông Muộn là có những thông tin như trên. Nói với báo chí thì thế. Còn nói với chúng tôi, thì ông lại cho biết, có những chuyến đi biển, ông thu được từ 700 đến 900 triệu đồng.
Tại cuộc họp chiều ngày 5/7/2017 tại Thanh Hóa, giữa Cty Cổ phần Đại Dương, ông Nguyễn Duy Muộn và BIDV Thanh Hóa, do UBND TP Sầm Sơn chủ trì. Ông Phó chủ tịch UBND TP Sầm Sơn, người chủ trì cuộc họp, đã kết luận: Sự cố hư hỏng tàu vỏ thép 67 cần được xem xét từ 3 nguyên nhân: Thiết kế, chế tạo và sử dụng. Như vậy là cần có sự thẩm định một cách độc lập, khách quan, để kết luận chính xác sự cố hư hỏng là do cơ quan thiết kế, do đơn vị đóng tàu là Cty Cổ phần Đại Dương hay do quá trình sử dụng tàu của chủ tàu, từ đó mới xác định trách nhiệm cụ thể được.
Cty Cổ phần Đại Dương không lẩn tránh trách nhiệm. Nếu tàu cá vỏ thép của ông Muộn hư hỏng là lỗi của công ty, thì công ty sẵn sàng nhận trách nhiệm và khắc phục. Nhưng cái chúng tôi cần là một sự thẩm định khách quan, vô tư và công bằng.