| Hotline: 0983.970.780

Ngư dân Thanh Hóa hoang mang vì hàng loạt tàu 67 gặp sự cố

Thứ Năm 29/06/2017 , 09:15 (GMT+7)

Chỉ mới đưa vào khai thác một thời gian ngắn, thế nhưng rất nhiều tàu vỏ thép được đóng theo Nghị định 67 trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa đã bộc lộ hàng loạt vấn đề.

Điều này khiến cho ngư dân hết sức hoang mang, ngày đêm sống trong tình trạng thấp thỏm, âu lo.

Sáng 28/6, trao đổi với PV NNVN, ông Nguyễn Đức Cường, Chi cục phó Chi cục Khai thác và Bảo vệ nguồn lợi thủy sản – Sở NN-PTNT tỉnh Thanh Hóa cho biết, trên địa bàn có tổng cộng 23 chiếc tàu vỏ thép đóng theo Nghị định 67. Qua khảo sát, nắm bắt tình hình có trên 10 phương tiện gặp sự cố, trong số này có 2 tàu của ông Nguyễn Duy Muộn và Nguyễn Văn Hồng ở TP Sầm Sơn.

15-24-19_1
15-24-19_2
15-24-19_3
Hàng loạt bộ phận trên tàu của ông Muộn có vấn đề

Suốt 1 tháng nay, con tàu mang số hiệu TH-93968-TS (công suất 829 CV, chuyên hành nghề lưới chụp) của ông Nguyễn Duy Muộn, trú tại khối phố Tiến Lợi, phường Quảng Cư, TP Sầm Sơn không thể vươn khơi, nguyên nhân là do hệ thống máy phát điện chính của con tàu lại “giở chứng”.

Qua tìm hiểu được biết, tàu của ông Muộn có tổng vốn đầu tư gần 18 tỉ đồng, trong đó vốn vay ngân hàng 16 tỉ 800 triệu đồng, vốn đối ứng hơn 886 triệu đồng. Đơn vị đóng tàu là Công ty CP Đại Dương, địa chỉ tại xã Thụy Hải, Thái Thụy, Thái Bình.

Không giấu nổi bức xúc, ông Nguyễn Duy Muộn khẳng định: “Gia đình tôi có truyền thống đi biển từ nhiều năm nay, quá trình hoạt động tương đối thuận lợi nên cũng tích góp được ít nhiều. Khi tiếp cận với Nghị định 67, nhận thấy có nhiều ưu điểm nên mọi người trong nhà bàn bạc, thống nhất bán tàu cũ và vay mượn thêm từ ngân hàng để triển khai.

Cứ ngỡ mọi việc xuôi chèo mát mái, ngờ đâu đi chuyến nào lỗ chổng vó chuyến đó, tính ra từ ngày nhận tàu đến giờ gia đình tôi lỗ trên dưới 1 tỷ đồng”.

Theo vợ chồng ông Muộn, cả 9 chuyến vươn khơi đến lúc này đều gặp bất trắc. Ngay chuyến đầu tiên, tất cả mọi người đều hoảng loạn khi phát hiện 4 pít tông tời thủy lực bị vỡ, cực chẳng đã phải đánh tàu về xưởng của Cty Đại Dương chỉ sau đúng… 1 ngày vươn khơi.

15-24-19_4
Ông Muộn khẳng định, hệ thống dây điện trên tàu không đảm bảo nên thường xuyên gặp sự cố và dẫn đến cháy nổ

Tưởng rằng đây chỉ là sự cố ngoài ý muốn, ngờ đâu chuyến tiếp theo tình hình càng nghiêm trọng hơn. Lần này không chỉ hệ thống pít tông mà hàng loạt bộ phận khác như máy phát điện, xi lanh cũng gặp sự cố. Trong 6 chuyến tiếp theo, tình trạng trên vẫn tiếp diễn.

Cho rằng chất lượng tàu vỏ thép có vấn đề, ông Muộn đã viết đơn kiến nghị gửi đến các cơ quan chức năng yêu cầu có phương án giải quyết để đảm bảo quyền lợi chính đáng cho ngư dân. Trong đơn nêu rõ: Tàu cá của gia đình mới hoàn thiện và đưa vào sử dụng chưa được bao lâu thì bị hư hỏng, các thiết bị đánh bắt không đảm bảo kỹ thuật. Trong đó bộ phận tời thủy lực, máy phát điện thường xuyên gặp sự cố; hệ thống điện không phù hợp nên tính ổn định chưa cao, hay bị cháy nổ; thùng bảo quản đá, chân vịt không đảm bảo theo khái toán được phê duyệt; chất lượng sơn có vấn đề, sau khi xuất xưởng chỉ một thời gian đã xuống cấp, gia đình phải tiến hành thuê thợ sơn lại…

15-24-19_5
Hệ thống tời cũng tương tự

Trong vòng 1 tháng qua, gia đình ông Muộn đã nhiều lần liên lạc với Cty Đại Dương để thống nhất phương án xử lý, thế nhưng đối tác cố tình lảng tránh, hứa hẹn hết lần này lượt khác đến nay vẫn mất hút. Điều này khiến cho ông Muộn càng thêm phần bất an: “Mỗi quý gia đình tôi phải trả tiền lãi từ các khoản vay trên dưới 300 triệu đồng, riêng quý 3 này chưa biết phải xoay xở ở đâu. Để phục vụ công việc khai thác, tôi phải thuê 10 nhân công, người ít nhất 8 triệu đồng, người cao nhất 11 triệu đồng, tính ra hàng tháng tiền trả lương đã mất đứt 100 triệu, đó là chưa kể kinh phí duy tu, bảo dưỡng và hao mòn”.

Xâu chuỗi các vấn đề, chúng tôi nhận thấy hàng loạt bất cập xung quanh đơn vị chịu trách nhiệm thi công, cụ thể ở đây là Cty CP đóng tàu Đại Dương. Trong hợp đồng kinh tế ràng buộc giữa đôi bên có thống nhất, sau thời gian 6 tháng bên B (Cty Đại Dương) phải tiến hành bàn giao tàu cho bên A (ông Nguyễn Duy Muộn). Tuy nhiên phải hơn 1 năm sau (8/2016) tàu mới chính thức hoàn thành.

15-24-19_6
Ông Nguyễn Duy Muộn bức xúc vì chất lượng của tàu quá kém

Đáng nói hơn, việc một tài sản có giá trị suýt soát 18 tỷ đồng nhưng thời gian bảo hành chỉ gói gọn “trong vòng 6 tháng kể từ ngày bàn giao” là điều hết sức bất cập, rủi ro đối với chủ tàu là vô cùng lớn. Thế nên việc Cty Đại Dương bặt vô âm tín suốt những ngày qua (đã quá thời gian bảo hành) là điều hoàn toàn dễ hiểu.

Không riêng gì tàu ông Muộn, nhiều tàu vỏ thép khác cũng liên tục gặp phải sự cố khó hiểu. Điển hình như trường hợp của ông Lê Văn Lực (trú tại xã Hoằng Trường, H.Hoằng Hóa, Thanh Hóa), là chủ của tàu số hiệu TH-91709-TS, công suất 811 CV do Cty TNHH đóng tàu Đại Nguyên Dương, địa chỉ tại tỉnh Nam Định thực hiện. Sau 4 tháng, tàu bị hư hỏng hệ thống cẩu tời, bục ti-ô dầu nhờn thủy lực, cháy chấn lưu…

Hay như tàu của anh Đỗ Quang Nam (số hiệu TH-91692-TS) ở xã Hoằng Phụ, Hoằng Hóa do Cty Hoàng Linh, địa chỉ tại TP Thanh Hóa thực hiện cũng gặp một số vấn đề trong quá trình hoạt động, từng phải tiến hành xử lý, sửa chữa hơn 10 ngày trời mới có thể tiếp tục vươn khơi.

15-24-19_7
Tàu vỏ thép trị giá gần 18 tỷ đồng nhưng đi chuyến nào hư hỏng chuyến đó
Liên quan đến những vấn đề nêu trên, ông Nguyễn Đức Cường, Chi cục phó Chi cục Khai thác và Bảo vệ nguồn lợi thủy sản khẳng định: “Sở NN-PTNT đã thành lập đoàn kiểm tra thực tế, tiến hành làm việc với các địa phương và chủ tàu để nắm rõ tình hình hoạt động của các tàu vỏ thép. Sau đó gửi công văn cho các đơn vị đóng tàu, đề nghị phối hợp với chủ tàu để khắc phục sự cố”.

 

Xem thêm
Sầu riêng 'tắc đường' sang Trung Quốc: Kinh nghiệm 10 ngày thần tốc của Thái Lan

Cả hệ thống nông nghiệp Thái Lan đã vào cuộc, nhằm giải quyết dứt điểm việc tồn dư vàng O trên sầu riêng xuất khẩu sang Trung Quốc.

Làng nghề sản xuất bột gạo Sa Đéc rộn ràng mùa Tết

Đồng Tháp TP Sa Đéc có hơn 180 hộ, cơ sở và doanh nghiệp, với hơn 2.000 lao động tham gia sản xuất bột và các sản phẩm sau bột.

Agribank Tây Nam bộ tặng quà Tết cho các hoàn cảnh khó khăn

ĐBSCL Các chi nhánh Agribank khu vực Tây Nam bộ đang tích cực trao những phần quà Tết thiết thực, ý nghĩa đến tận tay các hoàn cảnh khó khăn trước thềm năm mới.

Phê duyệt Quy hoạch phân khu xây dựng Khu công nghiệp Yên Sơn

UBND tỉnh Bắc Giang ban hành Quyết định phê duyệt quy hoạch phân khu xây dựng Khu công nghiệp Yên Sơn, huyện Lục Nam, tỉnh Bắc Giang, tỷ lệ 1/2000.

Bình luận mới nhất