| Hotline: 0983.970.780

“Việt hoá” lê Tai Nung

Thứ Hai 18/07/2011 , 10:02 (GMT+7)

Những kết quả trong việc “Việt hoá” giống lê Tai Nung 6 ở Lào Cai đã cho thấy nhiều triển vọng thay thế những giống cây ăn quả đã qua thời hoàng kim…

Mấy chục năm qua tỉnh Lào Cai đưa nhiều giống cây ăn quả ôn đới trồng trên các huyện vùng cao. Cho đến nay, ngoài cây mận Tam Hoa đã mang lại nguồn thu cho người dân, còn lại nhiều giống cây vẫn chỉ dừng lại dưới dạng thử nghiệm. Những kết quả trong việc “Việt hoá” giống lê Tai Nung 6 ở Lào Cai đã cho thấy nhiều triển vọng thay thế những giống cây ăn quả đã qua thời hoàng kim…

Chiều 11/7, khi tôi đang ngồi làm việc với ông Dương Đức Huy - GĐ TT Giống nông lâm nghiệp Lào Cai, thì thấy một người khệ nệ bê một thúng lê vào phòng. Ông Huy cầm mấy quả lê đặt lên bàn: Đây là giống lê Tai Nung 6, được ghép bằng mắt hoa do kỹ sư Mai Trung Kiên lấy mắt từ Trại rau quả Bắc Hà mang về ghép tại vườn của Trung tâm giống… Tôi quá bất ngờ, tại sao dưới vùng thấp có thể trồng được lê Tai Nung 6, thời gian thu hoạch sớm cả tháng như thế này?

Từ “Việt hoá” lê Tai Nung…

Giống lê Tai Nung 6 có nguồn gốc ở Đài Loan, năm 2002 giống lê này du nhập vào Việt Nam theo con đường không chính thức với hơn 10 đoạn cành giống, Trung tâm giống NLN Lào Cai tiếp nhận số cành giống này tiến hành nhân giống theo phương pháp ghép mắt trồng khảo nghiệm tại Trại rau quả Bắc Hà.

Huyện Bắc Hà nằm trên thượng nguồn sông Chảy, có độ cao trung bình từ 900-1.200m, thời tiết quanh năm mát mẻ, tại đây có giống lê địa phương tên gọi là “Mắc coọc”. Giống lê này quả nhỏ, vỏ màu nâu và dày, khi bổ ra thịt thâm ăn chát lạo xạo như cát. Là giống lê địa phương nên cây có sức sống mãnh liệt, khả năng chống chịu được khô hạn, băng giá rất cao nên chọn làm gốc ghép. Tháng 8/2002 tiến hành ghép được 13 cây, qua theo dõi số cành ghép phát triển tốt, một số cây giống được chuyển cho Trại thực nghiệm & sản xuất giống cây ăn quả Sa Pa, Vườn cây ăn quả Tả Phìn và một số hộ dân ở xã Tả Chải của huyện Bắc Hà với tổng số 1.098 cây giống.

Tất cả các cây ghép ở những địa điểm khác nhau đều sinh trưởng tốt từ độ cao 800m trở lên, độ lạnh trung bình từ 300-600 CU, đến năm thứ 3-4 đều cho quả bói, số lượng quả tăng nhanh từ năm thứ 5, năm thứ 6 tăng 39 lần so khi bói. Lê Tai Nung 6 sau khi “Việt hoá”, quả có hình tròn dẹt gần giống hình dạng Mắc coọc, núm hơi lõm, vỏ mỏng, màu vàng mịn to gấp 2-3 lê địa phương và Mắc coọc, thịt trắng mịn, lõi nhỏ, hương vị thơm, ngọt mát. Trọng lượng trung bình 245gram, quả to 520gram, hàm lượng đường 12,5%.

So sánh với giống lê xanh Bắc Hà và lê đường Sa Pa thì giống lê Tai Nung 6 có ưu thế nổi trội: Cây thấp, quả to và nhiều gấp 4-5 lần hai giống lê địa phương, bình quân mỗi cây đến tuổi trưởng thành thu từ 25-30 kg, mỗi ha trồng 350 cây thì năng suất đạt từ 10-12 tấn/ha, nếu chăm sóc tốt, đúng kỹ thuật có thể đạt 18-20 tấn/ha. Thời gian ra hoa vào giữa tháng 3 nên tránh được giá rét, thu hoạch vào cuối tháng 7 hoặc đầu tháng 8, sớm hơn các giống lê địa phương khoảng 1 tháng, nên có lợi thế về thị trường khi các loại hoa quả: vải, mận, đào đã hết hoặc cuối vụ, giá bán trung bình từ 20.000-25.000đ/kg, có thể cạnh tranh với lê Trung Quốc.

Nếu giá cả như hiện nay, trung bình mỗi ha trồng lê Tai Nung 6 cho thu từ 80-100 triệu/ha, trừ chi phí và công lao động, người trồng lãi ròng từ 40-50 triệu/ha là điều không khó.

Tuy nhiên, giống lê Tai Nung 6 mẫn cảm với ánh sáng và mưa đá, dễ mắc các bệnh đốm đen quả, gỉ sắt và bệnh sém lá; 4 loài gây hại: rệp hại lá, dòi đục quả, ong vàng khoang đen, bọ cánh cứng hại lá. Do đó phải bọc quả bằng túi giấy 3 lớp chống thấm nước mưa, ánh sáng và các loại côn trùng gây hại quả, đồng thời tạo cho quả có màu sắc đẹp, đồng đều.

Ông Dương Đức Huy cho biết: Qua 9 năm theo dõi chúng tôi có đủ cơ sở khoa học khẳng định giống lê Tai Nung 6 sau khi đã “Việt hoá” phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu vùng cao Lào Cai, cũng như các tỉnh miền núi phía Bắc có độ cao tương ứng. Đây là giống cây ăn quả mới, phát triển tốt ở điều kiện độ lạnh trung bình, năng suất cao, phẩm chất quả ngon.

Tuy nhiên, giống lê Tai Nung 6 đòi hỏi kỹ thuật canh tác, chế độ chăm sóc cao. Do đó, chỉ phù hợp với các hộ có điều kiện kinh tế và trình độ canh tác. Cây mận tam hoa hiện đang ở giai đoạn thoái trào, cây lê Tai Nung 6 có đủ các điều kiện thay thế, nhưng đây là cây của nhà giàu, muốn trở thành hàng hoá thì không thể trồng theo kiểu phong trào.

Đến ghép mắt hoa

Năm 2010 TT giống NLN Lào Cai thử nghiệm lấy mắt hoa ghép vào những cành lê trồng trong vườn của Trung tâm đặt tại TP. Lào Cai do kỹ sư Mai Trung Kiên thực hiện. Kỹ sư Kiên cho biết: Tháng 12 chọn các mắt hoa lê Tai Nung 6 trồng trên Trại rau quả Bắc Hà ghép vào các cành lê trồng trong vườn Trung tâm. Mặc dù từ tháng 12 đến tháng 2 thời tiết ở vùng thấp vẫn đang rét nhưng nhiệt độ vẫn cao hơn ở vùng cao, nên đã kích thích lê Tai Nung 6 nở hoa vào đầu tháng 2, sớm hơn ở vùng cao từ 25-30 ngày.

Thời gian ra hoa vẫn nằm trong khung thời tiết lạnh nên hoa thụ phấn và đậu quả đạt từ 90-95%. Mỗi mắt hoa có từ 2-3 trái. Do ra hoa sớm nên quả chín sớm hơn trồng ở vùng cao 20-25 ngày. Nếu được chăm sóc tốt, trung bình 3 quả được 1 kg.

Khi nếm thử quả lê Tai Nung 6 thu hoạch từ vườn của TTG Lào Cai, chúng tôi thấy: Hình dáng, màu sắc quả không khác gì trồng ở vùng cao, thơm, ngọt mát không lạo xạo như lê Trung Quốc, nhất là không bị ngâm tẩm hóa chất. Ông Huy khẳng định: Qua hai vụ ghép mắt hoa chúng tôi thấy việc đưa cây lê trồng ở vùng thấp là khả thi. Việc chuyển giao kỹ thuật cũng như phát triển giống lê Tai Nung 6 ở vùng thấp cũng như ở vùng cao cần có một chiến lược lâu dài…

Xem thêm
Chuyển giao kỹ thuật chăn nuôi vịt cho hộ nghèo ở Thanh Hóa

Tập đoàn Mavin và Tổ chức Tầm nhìn Thế giới Việt Nam (World Vision) vừa tổ chức tập huấn, chuyển giao kỹ thuật chăn nuôi vịt tại huyện Thường Xuân, Thanh Hóa.

Số hóa quản lý chó, mèo để phòng, chống bệnh dại

Để công tác phòng, chống bệnh dại có hiệu quả, chó, mèo nuôi ở các địa phương cần được quản lý chặt chẽ, nhất là thông qua việc áp dụng số hóa.

Cần chế biến sâu cho 'tứ đại danh dược'

HÀ TĨNH Nhung hươu là một trong 'tứ đại danh dược' (sâm, nhung, quế, phụ), tuy nhiên giá trị gia tăng từ chế biến sâu sản phẩm nhung hươu hiện đang bị bỏ ngỏ.

Bình luận mới nhất

Tòa soạn chuyển cho tôi ý kiến bình luận của bạn đọc Kỳ Quang Vinh từ Cần Thơ, nguyên văn như sau: “Tôi cám ơn TS Tô Văn Trường đã có cái đầu lạnh của một người làm khoa học. Tôi thấy nội dung chính của bài báo là rất đáng suy nghĩ và làm theo. Tôi chỉ có một thắc mắc về kiểm soát lưu lượng bình quân ngày lớn nhất qua tuyến kênh là 3,6 m3/s”. Bạn đọc nên hiểu con số 3,6 m3/s chỉ là mở van âu thuyền cho nước đầy vào âu thuyền như thiết kế trong báo cáo của Campuchia. Chuyện mất nước trong bài báo tôi đã nói rõ rồi, đương nhiên hạn tháng 3-4 sẽ bị tác động lớn nhất theo tỷ lệ phần trăm vì lưu lượng thời kỳ này là thấp nhất. Lưu ý là ba kịch bản diễn giải như trường hợp 1 lưu lượng max bình quân ngày là 3,6 m3/s qua âu nghĩa là vận hành có kiểm soát theo thông báo của Campuchia. Các trường hợp 2 và 3 là vượt ra ngoài thông báo của Campuchia nghĩa là mở tự do bằng kịch bản 2 cộng gia tăng sản lượng nông nghiệp. Nhẽ ra, tôi nên viết rõ hơn là trường hợp 3 phải là như trường hợp 2 mở tự do kết hợp với gia tăng phát triển nông nghiệp. Tòa soạn cũng chuyển cho tôi bình luận của bạn đọc Nat về vị trí 3 tuyến âu, việc sử dụng nước và đánh giá chung là tác động của kênh đào Funan Techo không đáng kể đến đồng bằng sông Cửu Long. Điều tôi quan ngại nhất là khi Campuchia có ý định làm đập kiểm soát nguồn nước ở Biển Hồ hay là làm thủy điện ở sát gần biên giới Việt Nam. Trả lời bạn đọc thì mất thời gian trong khi quỹ thời gian của tôi rất eo hẹp nhưng cũng là niềm vui vì sản phẩm của mình làm ra được nhiều người quan tâm, đón đọc và bình luận. Tòa soạn cho biết ngay lúc đang buổi trưa 25/4 có gần nghìn người đang đọc bài viết của tiến sĩ Tô Văn Trường.
+ xem thêm