| Hotline: 0983.970.780

Việt kiều mê mía

Thứ Tư 04/01/2012 , 09:49 (GMT+7)

Đang sinh sống yên ổn bên nước Úc với thu nhập cao, anh lại quyết định từ bỏ công việc, giã từ người thân để về lại quê hương Việt Nam lập nghiệp.

Anh Trần Đạt Duy
Đang sinh sống yên ổn bên nước Úc với thu nhập cao, anh lại quyết định từ bỏ công việc, giã từ người thân để về lại quê hương Việt Nam lập nghiệp. Rồi khi về quê hương, anh lại bỏ trống “chiếc ghế tổng giám đốc” của hệ thống nhà hàng, khách sạn nơi thị thành náo nhiệt để về rốn lũ Tứ giác Long Xuyên đầu tư trồng mía. Đó là những suy nghĩ và việc làm “quái chiêu” của Việt kiều Trần Đạt Duy.

Neo đậu bến quê

Trần Đạt Duy, sinh năm 1964 tại thị xã Bạc Liêu, tỉnh Bạc Liêu. Ở tuổi cắp sách đến trường, Duy là đứa trẻ thông minh và hiếu động. Suốt 12 năm học phổ thông, Duy luôn đạt loại xuất sắc. Duy học đều các môn, nhưng nổi trội là các môn khoa học tự nhiên, nhất là môn toán. Năm học 1982-1983, Duy đạt học sinh giỏi toán toàn quốc và được Bộ GD-ĐT chọn vào đội thi toán quốc tế.

Đang tập trung ôn luyện để chuẩn bị bay sang Đức thi đấu thì Duy nhận được tin báo của gia đình là phải về nhà gấp. “Không hiểu chuyện gì đang xảy ra nên tôi tức tốc về quê. Đến tối, khi được dẫn lên chiếc tàu biển tôi mới biết gia đình đã chọn cho mình một lối đi khác, đó là… vượt biên. Dù không muốn nhưng tôi cũng đành chấp nhận vì tất cả mọi người trong gia đình đều đi” – anh Duy nhớ lại bước ngoặt cuộc đời.

Sang Úc, Trần Đạt Duy không theo học ngành toán như đam mê thời phổ thông mà chọn học ngành quản trị kinh doanh để sau khi ra trường dễ kiếm việc làm. Chân ướt chân ráo nơi xứ người, hoàn cảnh khó khăn nên Duy phải vừa học, vừa làm thêm để trang trải cuộc sống, hết đi rửa chén bát cho nhà hàng, lại đi cắt cỏ công viên… Nhờ có năng lực học tốt nên Duy đã may mắn được một tập đoàn chuyên kinh doanh nhà hàng, khách sạn ở nước sở tại để mắt tới và chọn để tài trợ học bổng giúp học thêm hai năm nữa nhưng với đều kiện là khi ra trường phải phục vụ ít nhất 5 năm cho tập đoàn.

Ra trường, Trần Đạt Duy vào làm việc cho tập đoàn như cam kết và nhanh chóng được cất nhắc lên vị trí quản lý với mức lương hậu hĩnh. Những tưởng anh sẽ gắn bó cuộc đời với công việc đúng ngành nghề đã học. Thế nhưng, khi vừa “hoàn thành nghĩa vụ”, Duy đã quyết định bỏ việc để trở về quê hương lập nghiệp. Vì lý do gì mà anh lại quyết định tìm về “neo đậu bến quê” khi con đường thăng tiến đang rộng mở - tôi hỏi?

Anh Duy tươi cười: “Đơn giản vì không đâu bằng quê hương mình. Hơn nữa, với một, hai triệu đô ở bên đó thì mình chẳng thể mở công ty, vì không thể cạnh tranh được với ai. Nhưng đem về Việt Nam thì đó lại là số vốn tương đối lớn. Những kiến thức, kinh nghiệm mình đã học tập được ở nước ngoài, về Việt Nam áp dụng, thực hiện trong kinh doanh cũng là lợi thế lớn”.

Bỏ phố về quê

Sau khi về Việt Nam (năm 1992), Trần Đạt Duy đã đi khắp nơi, bỏ nhiều công sức và vốn liếng đầu tư vào nhiều lĩnh vực như du lịch, nhà hàng, khách sạn và nông nghiệp. Trong đó, tỉnh Kiên Giang là nơi anh chọn để đầu tư nhiều dự án nhất. Nhiều lần tìm đến Cty Cổ phần Du lịch Kiên Giang, nơi anh Trần Đạt Duy đang làm Tổng Giám đốc nhưng không gặp, tôi liền bấm máy để hẹn, đầu dây bên kia tiếng anh Duy trong trẻo: “Mấy tháng nay anh cắm chốt trong trang trại mía, em muốn gặp thì lên đây”.

Đúng hẹn, tôi phóng xe tìm về trang trại mía của Cty TNHH Kiên Dũng, xã Bình Giang, Hòn Đất, Kiên Giang để gặp anh. Từ quốc lộ 80, đi qua bến phà Xóm Đạo vượt kênh xáng Rạch Giá – Hà Tiên, tôi men theo con đường giao thông nông thôn ấp kênh 9 để vào trang trại. Mặc dù nước lũ đã rút xuống nhưng nhiều đoạn đường vẫn còn ngập chìm trong nước, xung quanh nước lũ bao phủ trắng xóa cả cánh đồng như biển nước mênh mông.

Tuy nhiên, khi vào đến trang trại tôi lại có cảm giác như mình đang lạc vào cao nguyên nào đó. Xen kẽ những con đê là những đường mương lớn đang nằm cạn trơ đáy, sâu hút. Hàng trăm công nhân đang thu hoạch mía, chất lên những chiếc xe công nông để chở ra bờ kênh Võ Văn Kiệt đưa xuống ghe tải mang đi tiêu thụ. Anh Duy lúc nào cũng tất bật công việc, vừa chỉ đạo công nhân thu hoạch mía, vừa hướng dẫn nhóm thợ sửa chữa máy móc. Chốc chốc, chuông điện thoại lại reo lên, anh lại dừng việc để chỉ đạo công việc kinh doanh từ xa.

Đã từng thành công với nhiều dự án trồng mía từ khi mới trở về nước như ở Phú Yên (200 ha), Tây Ninh (300 ha), Bình Thuận (721 ha) nhưng dự án ở Tứ giác Long Xuyên là anh Duy tâm đắc nhất và cũng tốn nhiều công sức nhất. Kỷ niệm lớn nhất với anh là ngày đầu tiên cùng lãnh đạo tỉnh Kiên Giang vào đây nhận đất. Lúc đó là vào mùa lũ năm 2000. Ca nô đang chạy xé nước trên cánh đồng ngập lũ thì bỗng dưng dừng lại, đồng chí Chủ tịch tỉnh đứng lên chỉ tay bảo “ở đây có 2 thửa đất, một thửa rộng 1.000 ha, thửa còn lại gần 2.000 ha, anh nhận thửa nào”. Anh Duy ngơ ngác hỏi lại: “Nước mênh mông thế này thì làm sao mà trồng mía?”. Mọi người bật cười rồi giải thích: “Khi nào nước lũ rút đi thì sẽ thấy có đất”. Thấy vậy, anh chỉ xin nhận 1.000 ha vì sợ kham không nổi.

Nhớ về những ngày đầu anh Duy vẫn còn cảm giác ngao ngán do nơi đây vốn là nông trường trồng tràm của Cty Kiên Tài (liên doanh giữa Kiên Giang và Đài Loan) làm ăn thua lỗ vừa rút đi. Năm đầu tiên nhận đất, anh tranh thủ làm đê bao, cho khoanh vùng để trồng 50 ha mía làm giống. Mía đang xanh tốt thì nước lũ tràn về, đê mới đắp nên không chịu nổi, bị vỡ, thế là mía chết úng hết. Những năm sau, khi diện tích mía được mở rộng thì Nhà máy Đường Kiên Giang do làm ăn thua lỗ kéo dài, buộc phải ngưng hoạt động, mía làm ra không biết bán cho ai. Cánh thương lái đến thu mua thì họ ép giá với lý do phải chở đi tận Hậu Giang, Cà Mau tiêu thụ, chi phí tốn kém.

Tại sao anh không chọn những cây, con mà Việt Nam có thế mạnh để đầu tư mà lại chọn cây mía? Trả lời câu hỏi của tôi, anh phân tích: “Hồi ở bên Úc, tôi đã có dịp tìm hiểu về cách trồng mía tiên tiến theo quy mô công nghiệp. Mía là cây dễ trồng, không đòi hỏi phải chăm sóc theo quy trình nghiêm ngặt, tốn nhiều nhân công như các cây, con khác nên có thể trồng trên quy mô đại điền. Trồng mía phải đầu tư lâu dài nên nhiều người ngại trồng. Nông dân tiểu điền thường rất nhạy bén, nên những cây, con có thời gian canh tác ngắn, sinh lời nhanh họ sẽ tập trung đầu tư nhiều dẫn đến cạnh tranh cao. Hơn nữa, cây mía hiện nay còn được coi là cây năng lượng xanh nên tương lai rất rộng mở”.

“Kinh doanh duy nhất một ngành nghề trong bối cảnh kinh tế khó khăn như hiện nay là rất mạo hiểm vì sẽ gặp rủi ro cao. Mình đầu tư vào nhiều lĩnh vực, nếu cái này bị thua lỗ thì còn cái khác bù lại. Ngay cả trong cùng một ngành kinh doanh cũng không nên tập trung ở một chỗ, một khu vực mà nên “rải” ra ở nhiều nơi, nhất là trong lĩnh vực nông nghiệp. Vì làm như vậy, lỡ có gặp rủi ro thiên tai, dịch bệnh thì cũng không bị mất trắng hoàn toàn. Đó là lý do tại sao tôi đầu tư kinh doanh nhiều ngành nghề và tham gia trồng mía ở rất nhiều nơi” - Trần Đạt Duy chia sẻ kinh nghiệm.

Để trồng được mía ở vùng rốn lũ này, anh Duy đã phải đầu tư gần 40 tỷ đồng làm hệ thống đê bao khép kín, kéo điện, xây trạm bơm tưới. Nhằm tận dụng tối đa diện tích, anh Duy không tiến hành lên liếp chống úng cho mía mà đào nhiều kênh mương lớn và sâu. Anh chia sẻ: “Đào kênh mương vừa có đất để đắp đê, vừa có đường dẫn nước, rửa phèn. Khi trời mưa lớn hơn công suất máy bơm thì nơi đây sẽ là chỗ chứa nước, chống úng cho mía”.

Do có đê bao chống lũ tốt nên trang trại mía của anh Duy có thể trồng rải vụ nhiều tháng trong năm, mía đủ chữ đường mới thu hoạch. Hơn nữa, chỉ cần đầu tư giống vụ đầu, có thể lưu gốc 5-6 năm mới phải trồng lại. Theo tính toán của anh Duy, chỉ riêng khoản này anh đã tiết kiệm được chi phí cả chục triệu đồng/ha mỗi năm so với vùng mía ngập lũ ở các tỉnh lân cận.

Hiện nay, trang trại mía của anh Duy đang trong thời kỳ thu hoạch, với 400 ha thực trồng, dự kiến niên vụ mía năm nay cho thu hoạch khoảng 2.500 tấn mía cây. Nói về dự định thời gian tới, anh Duy cho biết, đang tập trung trồng thêm để mở rộng hết diện tích lên 600 ha. Đồng thời đầu tư thêm 15 tỷ đồng cho dự án chuyên sâu nhằm chuyển đổi giống, nâng cao năng suất, chất lượng để đến năm 2015 nâng sản lượng lên 40.000 tấn và năm 2020 là 60.000 tấn mía cây. Anh Duy còn ấp ủ dự án xây dựng khu du lịch sinh thái ngay trong trang trại mía của mình.

Bằng tình yêu quê hương xứ sở, Trần Đạt Duy đã đem những kiến thức, kinh nghiệm học được nơi xứ người về áp dụng vào thực tiễn sản xuất, với quyết tâm cháy bỏng là biến vùng đất phèn chua thành vị ngọt cho đời.

Xem thêm
Chuyển giao kỹ thuật chăn nuôi vịt cho hộ nghèo ở Thanh Hóa

Tập đoàn Mavin và Tổ chức Tầm nhìn Thế giới Việt Nam (World Vision) vừa tổ chức tập huấn, chuyển giao kỹ thuật chăn nuôi vịt tại huyện Thường Xuân, Thanh Hóa.

Số hóa quản lý chó, mèo để phòng, chống bệnh dại

Để công tác phòng, chống bệnh dại có hiệu quả, chó, mèo nuôi ở các địa phương cần được quản lý chặt chẽ, nhất là thông qua việc áp dụng số hóa.

Cao điểm phòng trừ sâu cuốn lá nhỏ hại lúa xuân vào dịp nghỉ lễ 30/4

Theo Trung tâm BVTV phía Bắc, thời điểm phòng trừ tập trung sâu cuốn lá nhỏ từ 25/4 - 5/5. Sau khi phun lần 1, nếu mật độ còn cao tổ chức phun trừ lần 2.

Cần chế biến sâu cho 'tứ đại danh dược'

HÀ TĨNH Nhung hươu là một trong 'tứ đại danh dược' (sâm, nhung, quế, phụ), tuy nhiên giá trị gia tăng từ chế biến sâu sản phẩm nhung hươu hiện đang bị bỏ ngỏ.

Bình luận mới nhất

Tòa soạn chuyển cho tôi ý kiến bình luận của bạn đọc Kỳ Quang Vinh từ Cần Thơ, nguyên văn như sau: “Tôi cám ơn TS Tô Văn Trường đã có cái đầu lạnh của một người làm khoa học. Tôi thấy nội dung chính của bài báo là rất đáng suy nghĩ và làm theo. Tôi chỉ có một thắc mắc về kiểm soát lưu lượng bình quân ngày lớn nhất qua tuyến kênh là 3,6 m3/s”. Bạn đọc nên hiểu con số 3,6 m3/s chỉ là mở van âu thuyền cho nước đầy vào âu thuyền như thiết kế trong báo cáo của Campuchia. Chuyện mất nước trong bài báo tôi đã nói rõ rồi, đương nhiên hạn tháng 3-4 sẽ bị tác động lớn nhất theo tỷ lệ phần trăm vì lưu lượng thời kỳ này là thấp nhất. Lưu ý là ba kịch bản diễn giải như trường hợp 1 lưu lượng max bình quân ngày là 3,6 m3/s qua âu nghĩa là vận hành có kiểm soát theo thông báo của Campuchia. Các trường hợp 2 và 3 là vượt ra ngoài thông báo của Campuchia nghĩa là mở tự do bằng kịch bản 2 cộng gia tăng sản lượng nông nghiệp. Nhẽ ra, tôi nên viết rõ hơn là trường hợp 3 phải là như trường hợp 2 mở tự do kết hợp với gia tăng phát triển nông nghiệp. Tòa soạn cũng chuyển cho tôi bình luận của bạn đọc Nat về vị trí 3 tuyến âu, việc sử dụng nước và đánh giá chung là tác động của kênh đào Funan Techo không đáng kể đến đồng bằng sông Cửu Long. Điều tôi quan ngại nhất là khi Campuchia có ý định làm đập kiểm soát nguồn nước ở Biển Hồ hay là làm thủy điện ở sát gần biên giới Việt Nam. Trả lời bạn đọc thì mất thời gian trong khi quỹ thời gian của tôi rất eo hẹp nhưng cũng là niềm vui vì sản phẩm của mình làm ra được nhiều người quan tâm, đón đọc và bình luận. Tòa soạn cho biết ngay lúc đang buổi trưa 25/4 có gần nghìn người đang đọc bài viết của tiến sĩ Tô Văn Trường.
+ xem thêm