| Hotline: 0983.970.780

“Vua” xương rồng Tiền Giang

Thứ Ba 09/02/2010 , 08:56 (GMT+7)

Ở Tiền Giang, nói đến chuyện chơi xương rồng cảnh, mọi người nghĩ ngay đến anh Võ Văn Phan Minh Vĩnh Thụy (Thanh Tùng).

Ở Tiền Giang, nói đến chuyện chơi xương rồng cảnh, mọi người nghĩ ngay đến anh Võ Văn Phan Minh Vĩnh Thụy (Thanh Tùng). Năm nay mới 35 tuổi nhưng Thanh Tùng đã có hàng chục năm trong nghề và được giới sinh vật cảnh tại tỉnh nhà tôn là “vua” xương rồng bởi sự thành thuộc, am hiểu và đam mê xương rồng cảnh của anh. Đam mê – chơi - trồng – nhân giống – kinh doanh, Thanh Tùng tự tóm tắt những đặc điểm nổi bật của mình trong lĩnh vực này qua tám chữ “vàng” như thế (!).

Thanh Tùng kể khởi đầu sự nghiệp với cây xương rồng cảnh bởi niềm đam mê từ người cha truyền sang – anh Võ Văn Ngầu vốn trước đây là giáo viên Trường Trung học Nông nghiệp Long Định (tiền thân của Viện Nghiên cứu Cây ăn quả Miền Nam ngày nay). Thế nhưng anh Ngầu mê chơi phong lan còn Thanh Tùng ngã sang một nhánh rẽ thú vị khác: xương rồng. Những cây xương rồng tua tủa gai, hình thù kỳ lạ và nở những bông hoa đỏ, hoa vàng và trăm màu sặc sỡ khác đúng vào dịp Tết Nguyên đán cứ như hút lấy hồn anh.

Ban đầu, Thanh Tùng mua vài chậu xương rồng hiếm, rồi trao đổi, sưu tập cùng bạn bè. Nghĩa là bằng nhiều cách anh sưu tập xương rồng đồng thời học, tìm hiểu nguồn gốc, xuất xứ, cách trồng và chăm sóc tiến tới nhân giống bán rộng rãi phục vụ nhu cầu thị trường. Từng bước, từng bước đi thích hợp như thế để chỉ sau dăm năm anh đã có trong tay bộ sưu tập trên 500 giống xương rồng quí ngoại nhập, chủ yếu từ Nam Mỹ, Trung Quốc, Thái Lan, Úc, Trung Mỹ... những nơi nổi tiếng về xương rồng kiểng.

Nguồn giống phong phú được anh đưa về, ươm dưỡng, nhân giống để bán quanh năm đặc biệt trong dịp Tết Nguyên đán. Đam mê xương rồng nhưng anh vẫn quan tâm đến phong lan, đến kiểng bonsai. Trong khu vườn nhà anh rộng chưa đầy 4.000 m2 lúc nào cũng lúc lỉu phong lan rũ những chùm hoa thật đẹp. Bên phong lan cao sang, tao nhã là những chậu kiểng bonsai, những chậu xương rồng hình thù lạ mắt. Cả một vườn bạt ngàn bonsai, xương rồng mà ai đến tham quan đều hết sức vui thích, mến mộ.

Đam mê cây cảnh và cũng làm giàu nhờ cây cảnh, Thanh Tùng tự hào như thế. Với mức thu nhập mỗi năm vài trăm triệu đồng, ông “vua” xương rồng đã có cuộc sống khá giả lên nhờ vào nghề có một không hai của mình. Tết Canh Dần, Thanh Tùng tung ra thị trường hàng vạn gốc xương rồng đủ loại, vài trăm gốc kiểng bonsai, vài trăm giò phong lan. Hoa kiểng và xương rồng của nghệ nhân Thanh Tùng có mặt tại hầu khắp các chợ hoa xuân lớn khu vực phía Nam: Thành phố Hồ Chí Minh, thành phố Mỹ Tho, thành phố Cần Thơ, thành phố Bến Tre... không chỉ mang lại thu nhập cao cho anh mà còn thiết thực mang đến mùa xuân mới muôn màu nghìn tía cho mọi người, mọi nhà.

Xem thêm
Chuyển giao kỹ thuật chăn nuôi vịt cho hộ nghèo ở Thanh Hóa

Tập đoàn Mavin và Tổ chức Tầm nhìn Thế giới Việt Nam (World Vision) vừa tổ chức tập huấn, chuyển giao kỹ thuật chăn nuôi vịt tại huyện Thường Xuân, Thanh Hóa.

Số hóa quản lý chó, mèo để phòng, chống bệnh dại

Để công tác phòng, chống bệnh dại có hiệu quả, chó, mèo nuôi ở các địa phương cần được quản lý chặt chẽ, nhất là thông qua việc áp dụng số hóa.

Cao điểm phòng trừ sâu cuốn lá nhỏ hại lúa xuân vào dịp nghỉ lễ 30/4

Theo Trung tâm BVTV phía Bắc, thời điểm phòng trừ tập trung sâu cuốn lá nhỏ từ 25/4 - 5/5. Sau khi phun lần 1, nếu mật độ còn cao tổ chức phun trừ lần 2.

Cần chế biến sâu cho 'tứ đại danh dược'

HÀ TĨNH Nhung hươu là một trong 'tứ đại danh dược' (sâm, nhung, quế, phụ), tuy nhiên giá trị gia tăng từ chế biến sâu sản phẩm nhung hươu hiện đang bị bỏ ngỏ.

Bình luận mới nhất

Tòa soạn chuyển cho tôi ý kiến bình luận của bạn đọc Kỳ Quang Vinh từ Cần Thơ, nguyên văn như sau: “Tôi cám ơn TS Tô Văn Trường đã có cái đầu lạnh của một người làm khoa học. Tôi thấy nội dung chính của bài báo là rất đáng suy nghĩ và làm theo. Tôi chỉ có một thắc mắc về kiểm soát lưu lượng bình quân ngày lớn nhất qua tuyến kênh là 3,6 m3/s”. Bạn đọc nên hiểu con số 3,6 m3/s chỉ là mở van âu thuyền cho nước đầy vào âu thuyền như thiết kế trong báo cáo của Campuchia. Chuyện mất nước trong bài báo tôi đã nói rõ rồi, đương nhiên hạn tháng 3-4 sẽ bị tác động lớn nhất theo tỷ lệ phần trăm vì lưu lượng thời kỳ này là thấp nhất. Lưu ý là ba kịch bản diễn giải như trường hợp 1 lưu lượng max bình quân ngày là 3,6 m3/s qua âu nghĩa là vận hành có kiểm soát theo thông báo của Campuchia. Các trường hợp 2 và 3 là vượt ra ngoài thông báo của Campuchia nghĩa là mở tự do bằng kịch bản 2 cộng gia tăng sản lượng nông nghiệp. Nhẽ ra, tôi nên viết rõ hơn là trường hợp 3 phải là như trường hợp 2 mở tự do kết hợp với gia tăng phát triển nông nghiệp. Tòa soạn cũng chuyển cho tôi bình luận của bạn đọc Nat về vị trí 3 tuyến âu, việc sử dụng nước và đánh giá chung là tác động của kênh đào Funan Techo không đáng kể đến đồng bằng sông Cửu Long. Điều tôi quan ngại nhất là khi Campuchia có ý định làm đập kiểm soát nguồn nước ở Biển Hồ hay là làm thủy điện ở sát gần biên giới Việt Nam. Trả lời bạn đọc thì mất thời gian trong khi quỹ thời gian của tôi rất eo hẹp nhưng cũng là niềm vui vì sản phẩm của mình làm ra được nhiều người quan tâm, đón đọc và bình luận. Tòa soạn cho biết ngay lúc đang buổi trưa 25/4 có gần nghìn người đang đọc bài viết của tiến sĩ Tô Văn Trường.
+ xem thêm