| Hotline: 0983.970.780

Thứ Tư 22/04/2015 , 06:15 (GMT+7)

06:15 - 22/04/2015

Xin lỗi dân, nét văn hóa mới

Việc xin lỗi người dân của những vị lãnh đạo đã trở thành điểm sáng, thành một nét văn hóa mới của nền hành chính công, được dư luận đồng tình và hoan nghênh.

Mới đây, Giám đốc BHXH TP Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai vừa viết thư xin lỗi anh Nguyễn Tấn Đạt (ngụ tại phường Quyết Thắng, TP Biên Hòa), do hai nhân viên của BHXH TP Biên Hòa đùn đẩy công việc, gây khó khăn cho anh trong việc nhờ hướng dẫn thủ tục hưởng trợ cấp BHXH một lần.

Trước đó, tại phiên họp Giám sát giữa hai kỳ họp thứ 12 và 13 của HĐND TP Đà Nẵng, ngày 17/4, Bí thư Thành ủy TP Đà Nẵng Trần Thọ đã công khai xin lỗi bà Nguyễn Thị Đăng Nghĩa, vì các sở, ban, ngành của TP né tránh trách nhiệm, cố tình không giải quyết khiếu nại về chế độ hưu trí cho bà.

Và từ tháng 9/2014 đến nay, lãnh đạo UBND huyện Nhơn Trạch, tỉnh Đồng Nai cũng đã gửi 409 thư xin lỗi đến người dân, vì việc giải quyết thủ tục hành chính trong lĩnh vực đất đai không đúng hẹn.

Xin lỗi vốn là việc làm bình thường của bất kỳ người dân nào trong xã hội, mỗi khi mình có lỗi. Nhưng với những người đứng đầu các cơ quan của ta, thì việc xin lỗi nhân dân, mỗi khi cơ quan mình gây lỗi, kể cả những lỗi tày trời, gây thiệt hại lớn cho nền kinh tế hay cho các cá nhân là điều rất hiếm.

Hãy thử điểm lại một vài vụ thì thấy ngay: Để xảy ra vụ án nhận hối lộ lớn ở Đại lộ Đông - Tây, lãnh đạo TP Hồ Chí Minh không một lời xin lỗi. Dự án đường sắt trên cao Hà Nội bị nhà thầu Trung Quốc kéo dài, gây tai nạn chết người, đội vốn đến trên 300 triệu USD, nhưng từ đó đến nay Bộ GTVT chưa một lần xin lỗi nhân dân. Để dịch sởi xảy ra khiến hơn 100 cháu bé vĩnh viễn ra đi, Bộ Y tế cũng lờ tịt, không một lời xin lỗi…

Hơn thế nữa, trước những vụ việc đại loại như trên, thì “bài ca đổ lỗi” thường được cất lên một cách réo rắt.

Ngay cả với những vụ án oan, mặc dù luật đã quy định cơ quan gây oan bắt buộc phải xin lỗi người bị oan, nhưng những cơ quan gây oan thường tỏ ra quá “khó nhọc” khi cất lên một lời xin lỗi.

Phải 3 năm sau kể từ khi được Tòa phúc thẩm TANDTC tại Hà Nội tuyên vô tội, ông Lương Ngọc Phi, người bị oan trong vụ án “Lợi dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản XHCN” xảy ra ở Thái Bình năm 1998, mới được TAND tỉnh Thái Bình, cơ quan đã gây oan cho ông, xin lỗi.

Và gần đây nhất, kể từ ngày 25/1/2014, khi được đại diện Bộ Công an trao quyết định đình chỉ điều tra vụ án “giết người” xảy ra tại thôn Me, xã Nghĩa Trung, huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang, xảy ra năm 2003 cho mình, nhưng phải 14 tháng sau, ngày 17/4/2015, ông Nguyễn Thanh Chấn mới được TANDTC, cơ quan gây oan cho ông, xin lỗi.

Đó là chỉ nói riêng việc xin lỗi, còn việc bồi thường những tổn thất về tinh thần, về vật chất cho ông Phi, ông Chấn, cũng như nhiều người bị oan khác, thì chưa biết bao giờ mới được thực hiện, dù luật cũng đã quy định rõ ràng.

Trong điều kiện ấy, thì việc xin lỗi người dân của những vị đứng đầu các cơ quan trên trở thành điểm sáng, thành một nét văn hóa mới của nền hành chính công, được dư luận đồng tình và hoan nghênh. Bởi lẽ, một khi còn đổ lỗi, còn né tránh, thì việc giải quyết những vụ việc đó chắc chắn còn kéo dài. Ngược lại, một khi đã nhận thấy cái sai, đã công khai xin lỗi người dân, thì sau lời xin lỗi, việc giải quyết vụ việc đó chắc chắn là sẽ được tiến hành nhanh, gọn, thấu tình đạt lý.

Mong sao nét văn hóa đó càng ngày càng trở nên phổ biến.

Bình luận mới nhất

Trong bài này, tác giả (sau đây xưng là Nattoi) để cập chủ yếu 03 vấn đề, trong đó chủ yếu tập trung cho giải quyết vấn đề số 1, hai vấn đề còn lại chỉ được nhắc đến: Một: Phương pháp thiết kế điều tiết lũ hiện hành chưa đưa thông số mực nước an toàn ở hạ du vào tính toán nên yêu cầu phòng chống lũ cho hạ du chưa được đảm bảo và không có tiêu chí để xác định hiệu quả vận hành giảm lũ. Vấn đề này đã được Nattoi giải quyết cả về mặt lý thuyết và thực hành (trình bày ở mục 3.4). Hai: Tiêu chí xác định MNCNTL, MNTNĐL không được công khai, minh bạch, làm cho việc kiến nghị điều chỉnh hạ thấp 2 mực nước đối với các hồ chứa thủy điện nhằm tăng dung tích trống phòng lũ là điều bất khả. Về vấn đề này (trình bày tại Mục 3.1), Nattoi chưa nêu cụ thể phương án giải quyết là để tập trung nội dung vào vấn đề số 1 như đã nêu, nhưng hướng giải quyết là đã có. Ba: Vấn đề bán con trâu mà tiếc sợi dây thừng: Thiết kế xây dựng đập, hồ chứa nước được tính toán an toàn ổn định lật, trượt đến mực nước lớn nhất thiết kế và kiểm tra với mực nước lớn nhất kiểm tra, cho phép giữ mực nước hồ không vượt quá mực nước lớn nhất kiểm tra nhưng lại chỉ cho phép sử dụng dung tích trống phòng lũ đến mực nước dâng bình thường là sự lãng phí ghê gớm trong đầu tư xây dựng và quản lý an toàn đập, hồ chứa nước. Hướng giải quyết vấn đề số 3 (trình bày tại Mục 3.2) vốn là tự nhiên đã có nhưng không được sử dụng vì không nghĩ đến giảm lũ cho hạ du.
+ xem thêm