| Hotline: 0983.970.780

Lúa khó thay ngô

Thứ Ba 09/10/2012 , 10:04 (GMT+7)

Việc Bộ NN-PTNT đặt vấn đề trồng lúa phẩm cấp thấp làm TĂCN đã thu hút được sự quan tâm của dư luận, nhất là các chuyên gia về chăn nuôi, sản xuất TĂCN, chủ trang trại. Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng lúa không thể thay thế được cho ngô trong sản xuất và sử dụng làm TĂCN.

Việc Bộ NN-PTNT đặt vấn đề trồng lúa phẩm cấp thấp làm TĂCN đã thu hút được sự quan tâm của dư luận, nhất là các chuyên gia về chăn nuôi, sản xuất TĂCN, chủ trang trại. Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng lúa không thể thay thế được cho ngô trong sản xuất và sử dụng làm TĂCN.

>> Trồng lúa làm thức ăn chăn nuôi: Tại sao không?

Về mặt dinh dưỡng, nhiều chuyên gia chăn nuôi và sản xuất TĂCN đều chung một nhận định rằng dinh dưỡng trong hạt gạo phẩm cấp thấp cũng rất tốt. Thạc sỹ Hồ Mộng Hải, chuyên viên Cục Chăn nuôi, khẳng định, dinh dưỡng trong gạo không thua gì so với trong ngô, nên sẽ rất thích hợp làm TĂCN. Bằng chứng là những khi giá ngô cao, nhiều nhà máy sản xuất TĂCN đã mua tấm về thay thế. Ông Đàm Văn Hoạt, TGĐ Cty TNHH Trại Việt (TP.HCM), cũng cho rằng về mặt dinh dưỡng, gạo phẩm cấp thấp có thể thay thế được cho ngô. Hiện nay, trong sản xuất TĂCN, người ta cũng đã dùng nhiều sản phẩm xay ra từ lúa như cám, tấm. Nhưng theo khẳng định của ông Phạm Đức Bình, Chủ tịch HĐQT Cty TNHH Thanh Bình (Đồng Nai), hàm lượng dinh dưỡng nói chung trong hạt ngô vẫn cao hơn so với trong hạt lúa phẩm cấp thấp.

Theo các nhà sản xuất TĂCN, lúa dùng làm TĂCN sẽ có một trở ngại không nhỏ, đó là nếu ngô rất dễ để làm thức ăn cho nhiều loại gia súc, gia cầm và cả các đối tượng thủy sản nuôi như tôm, cá tra, thì lúa gạo phẩm cấp thấp lại khó làm được tương tự. Ông Phạm Đức Bình cho hay: “Chúng tôi cũng đã bắt đầu triển khai việc dùng lúa phẩm cấp thấp làm TĂCN. Nhưng nói thực, TĂCN làm từ lúa chỉ phù hợp với con gia cầm, nhất là vịt. Bởi để có giá thành cạnh tranh, sản xuất thức ăn từ lúa đơn giản nhất là xay nguyên cả vỏ. Mà với thức ăn như thế, dạ dày của con vịt có thể tiêu hóa được tốt nhất. Loại thức ăn này cũng phù hợp với việc nuôi gà lấy trứng. Còn nếu nuôi gà thịt, đòi hỏi tốc độ tăng trọng nhanh, thì thức ăn từ lúa không phù hợp. Thức ăn từ lúa như trên cũng không phù hợp với sự tăng trọng của heo và nhiều gia súc khác. Nó cũng không thể làm thức ăn cho các đối tượng thủy sản nuôi như tôm, cá tra”. Ông Đàm Văn Hoạt, cũng nhận định thức ăn làm từ lúa không tốt cho heo, mà chỉ hợp với gia cầm.


Sử dụng ngô làm thức ăn cho gà

Nhưng trở ngại lớn nhất của việc dùng lúa làm TĂCN là ở giá thành. Theo ông Hoạt, nếu một nhà máy mua ngô hay đậu nành về làm TĂCN, họ không phải thực hiện khâu bóc vỏ. Còn nếu mua lúa để làm TĂCN cho nhiều loại gia súc, gia cầm khác nhau, bắt buộc các nhà máy phải đầu tư thêm những thiết bị chuyên bóc tách vỏ trấu, do đó chi phí sẽ đội lên nhiều. Ông Bình cho biết thêm, người tiêu dùng Việt Nam thích mua những con gà, vịt mà khi luộc lên có da màu vàng. Trong hạt ngô có chất carotene có thể giúp gà, vịt có được màu da như vậy. Nếu dùng lúa thay thế cho ngô để làm thức ăn cho gà, vịt, bắt buộc phải thêm chất tạo màu vào. Do đó cũng làm tăng giá thành.

Mặt khác, theo ý kiến của một số chuyên gia lúa gạo, khi so sánh giá lúa phẩm cấp thấp với giá ngô, người ta thường thấy giá lúa IR 50404 thấp hơn giá ngô. Nhưng lại quên mất rằng nếu bóc vỏ trấu đi, thì lượng gạo thu được chỉ còn khoảng 60% trọng lượng lúa, thành ra giá thành của việc dùng gạo làm TĂCN sẽ cao hơn so với dùng ngô. Tham khảo giá thị trường đầu tháng 10 sẽ thấy rõ điều này. Theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam, ngày 4/10, giá gạo nguyên liệu (gạo lứt) làm ra gạo 25% tấm (gạo phẩm cấp thấp) ở ĐBSCL từ 7.450-7.550 đ/kg, gạo thành phẩm 25% tấm từ 8.050-8.150 đ/kg. Cũng trong ngày 4/10, giá ngô hạt khô ở Đồng Nai là 7.050 đ/kg, ở Đăk Lăk là 6.530 đ/kg.

Là một người nuôi gà đã hơn 20 năm nay, bà Cao Thị Ten, chủ trại gà ở ấp 3, xã Phú Ngọc (Định Quán, Đồng Nai), nắm rất vững những công thức pha trộn thức ăn sao cho con gà vừa có sự tăng trưởng nhanh, vừa có chất lượng thịt tốt. Những công thức này đã được bà Ten đúc rút qua thực tế chăn nuôi của mình và qua tham khảo từ sách báo, tài liệu chăn nuôi. Bà Ten khẳng định gà có thể tiêu hóa tốt hạt lúa nhưng muốn gà tăng trưởng và có thịt ngon, dễ bán, ngô vẫn phải là thành phần chính trong thức ăn. Bởi trong ngô có carotene là chất tạo màu tự nhiên, nên con gà sẽ có màu da đẹp. Nếu con gà chỉ nuôi bằng lúa, da sẽ xấu, luộc lên có màu trắng bệch. Ngô lại có độ ngọt cao hơn, nên con gà thích ăn ngô hơn lúa.

Ngô lại rất giàu vitamin A mà trong lúa không có. Vitamin A rất tốt cho gà, thiếu loại vitamin này, gà con sẽ còi cọc, chậm lớn, dễ bị bệnh hô hấp hay những bệnh nhiễm trùng, tỷ lệ chết cao... Vì thế, công thức chuẩn mà bà Ten thường áp dụng cho đàn gà của mình khi phối trộn thức ăn là ngô 55%, lúa 5% và những chất khác. Bà Ten nói: “Để nuôi gà tốt, không nên chỉ dùng một loại nguyên liệu thức ăn nào đó, mà phải dùng tổng hợp nhiều loại nguyên liệu như ngô, lúa, đạm động vật… Trong đó, ngô không thể dưới 50%”.

Do những hạn chế của lúa gạo trong việc thay thế ngô để chế biến và sử dụng làm TĂCN nên ông Phạm Đức Bình nêu ý kiến rằng cách tốt nhất để giải quyết tình trạng nhập khẩu nhiều ngô như hiện nay là đẩy mạnh công nghiệp hóa ngành ngô, mà quan trọng nhất là sớm đưa những giống biến đổi gen vào sản xuất đại trà.

Xem thêm
Ngành sắn đặt mục tiêu giá trị xuất khẩu đạt 2 tỷ USD vào năm 2030

Bộ NN-PTNT vừa phê duyệt Đề án 'Phát triển bền vững ngành hàng sắn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050' với mục tiêu đến năm 2030 xuất khẩu 1,8 - 2 tỷ USD.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Quy tụ 66.000 chậu sen để tổ chức lễ hội sen Đồng Tháp 2024

Lễ hội Sen Đồng Tháp lần thứ II năm 2024 thu hút 66.000 chậu sen, với 57 giống sen được sắp xếp, bố trí đẹp mắt sẽ tạo nên không gian trải nghiệm thú vị.

Bình luận mới nhất