| Hotline: 0983.970.780

4 quyết sách phát triển lúa lai

Thứ Tư 19/09/2012 , 10:30 (GMT+7)

Hôm qua (18/9), Bộ NN-PTNT tổ chức hội nghị tổng kết phát triển lúa lai giai đoạn 2001-2012, định hướng 2013-2020.

* 2015, sẽ đạt 5.000 ha SX hạt lai F1  

Hôm qua (18/9), Bộ NN-PTNT tổ chức hội nghị tổng kết phát triển lúa lai giai đoạn 2001-2012, định hướng 2013-2020. Theo đó, mục tiêu trước mắt là tiếp tục mở rộng diện tích lúa lai thương phẩm, tăng gấp đôi diện tích SX lúa lai F1 vào năm 2015. 

>> Phát triển lúa lai là tất yếu
>> Lúa lai vẫn có chỗ đứng

SX hạt lai F1: Thất vọng! 

Đánh giá về sự biến chuyển của SX lúa lai ở nước ta trong giai đoạn từ 2001-2012, đông đảo các ý kiến trong số hơn 300 đại biểu tham dự hội nghị là lãnh đạo ngành nông nghiệp các tỉnh, các DN, Hiệp hội, cơ quan khoa học lẫn cơ quan quản lý Nhà nước thuộc Bộ NN-PTNT đều đã thẳng thắn thừa nhận, mặc dù SX lúa lai đã có những thành công nhất định, đóng góp quan trọng vào SX lúa của cả nước, song về cơ bản thì trong suốt chặng đường 10 năm qua, việc phát triển lúa lai chưa đạt được nhiều điều như mong đợi; đặc biệt là công tác nghiên cứu và SX hạt lai F1 khá bế tắc. 

Ông Nguyễn Thanh Lâm, Tổng Thư ký Hiệp hội Thương mại giống cây trồng VN dẫn chứng: Mặc dù đã có nhiều chủ trương khuyến khích mở rộng diện tích lúa lai thương phẩm, nhưng suốt 10 năm qua, diện tích vẫn chỉ quẩn quanh ở con số 600.000 ha. Nhà nước đã chú trọng đầu tư không ít tiền cho các chương trình nghiên cứu, SX giống lúa lai F1 nhằm từng bước đảm bảo nhu cầu SX lúa lai thương phẩm trong nước, hạn chế nhập khẩu, nhưng đến nay diện tích SX lúa lai F1 vẫn “dậm chân tại chỗ” quanh con số 2.000 ha.  

Đáng buồn hơn, bộ giống lúa lai do VN tự nghiên cứu SX đến nay vẫn vô cùng đơn điệu, chỉ có vài dòng đáng chú ý như VL, TH, HYT. Thế nhưng giống lúa lai trong các dòng này thì cũng đều na ná như nhau, bởi đa số đều có chung dòng mẹ, chỉ khác dòng bố. “Dòng mẹ quá đơn điệu. Chỉ có vài dòng mẹ NK từ Trung Quốc loay hoay chọn tạo với các dòng bố trong nước mà thôi. Cùng mẹ mà khác bố thì con nào chẳng giống nhau”, ông Lâm ví von.

Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Bùi Bá Bổng thất vọng dẫn chứng: Một cường quốc XK gạo như VN, nhưng đến nay vẫn phải NK tới 70% lượng giống lúa lai của TQ. Đây là điều khiến xã hội không thể chấp nhận được! “Các nhà khoa học của chúng ta đang ở đâu? Các DN của chúng ta đang làm gì? Vì sao không tự SX được hạt lai F1 mà vẫn phải NK tới 70% từ Trung Quốc?”, ông Bổng đặt dấu hỏi.

Trả lời chất vấn của Thứ trưởng Bùi Bá Bổng, PGS.TS Nguyễn Trí Hoàn, Viện trưởng Viện Cây lương thực & cây thực phẩm kiêm GĐ Trung tâm Nghiên cứu & phát triển lúa lai, đơn vị “đầu đàn” nghiên cứu lúa lai của VN khá bi quan khi cho rằng, SX lúa lai của ta sẽ khó theo kịp Trung Quốc.  

Dẫn chứng cho điều này, ông Hoàn kêu khổ rằng: Trước đây, đội ngũ cán bộ của  Viện CLT-CTP còn dồi dào, thế nhưng vì thu nhập thấp, đời sống quá chật vật nên được anh nào “ngon lành” thì đã bỏ ra ngoài làm cho các DN tư nhân hay Cty giống của nước ngoài hết cả. Thành ra, Trung tâm NC&PT lúa lai mang tiếng là cốt cán của cả nước nhưng bây giờ chỉ còn vẻn vẹn có 10 người. Một trung tâm mà chỉ có 10 người thì nghiên cứu nổi cái gì?

“Cái khó nữa là các cơ quan nghiên cứu và DN SX lúa lai F1 gần như chẳng liên kết gì với nhau. Cơ quan khoa học nghiên cứu ra giống, thì cũng chỉ SX được 50-70 tấn F1 là cùng, còn để mở rộng ra SX thì phải là DN, DN có quyết định đầu tư SX giống đó ra diện rộng hay không là quyền của họ chứ!”, ông Hoàn lý giải.

Về cơ chế, ông Hoàn so sánh thêm, hiện ngay cả những nước trong khu vực như Indonesia, Philippines… cũng đều đang phải NK phần lớn lúa lai từ Trung Quốc. Nhưng để bảo hộ và thúc đẩy lúa lai trong nước, họ chỉ cho phép DN nhập khẩu 2 năm, sau đó thì buộc DN phải tự SX, còn VN thì hiện nay vẫn để “xả láng” cho các Cty giống của nước ngoài thỏa sức tung hoành mấy năm cũng được (!). Trong khi đó, nhiều địa phương có chính sách trợ giá giống, thậm chí còn ưu tiên cho giống lúa lai “ngoại” vào “cơ cấu” nữa. 

Chưa hài lòng về ý kiến của ông Nguyễn Trí Hoàn, ông Mai Bá Luyến, Phó GĐ Sở NN-PTNT Thanh Hóa cho rằng, 10 năm qua, việc nghiên cứu và ứng dụng mở rộng "lúa lai nội” thực chất là chưa làm được gì nhiều.  

Ông Luyến chỉ rõ, một số giống lúa lai 2 dòng do VN nghiên cứu SX như Việt lai 20; TH 3-3; TH 3-4… dù có ưu điểm là chủ động được nguồn giống bố mẹ trong nước nhưng thực chất năng suất cũng chỉ ngang với một số giống lúa thuần, còn chất lượng thì kém xa. Trong khi đó, một vài giống lúa lai 3 dòng có chất lượng tốt, có thể cạnh tranh được với giống ngoại như HYT 100; HYT 83… thì hạt lai F1 lại cho năng suất và hiệu quả quá thấp, vừa không thể mở rộng SX thương phẩm ra đại trà, vừa không mặn mà với DN làm giống lúa. 

Theo ông Luyến, Thanh Hóa đã hình thành được nhiều vùng chuyên SX giống lúa lai F1 rất bài bản mang tính chất như làng nghề. Vì thế về trình độ SX lúa giống thì chỉ cần đưa cho nông dân giống bố mẹ, rồi tập huấn thêm chút ít là họ SX được ngon lành chứ chẳng có gì khó khăn. 

“Vấn đề vẫn là các nhà khoa học của chúng ta có nghiên cứu ra giống đủ cạnh tranh với giống NK hay không mà thôi. Nếu giống đủ cạnh tranh, đáp ứng được nhu cầu SX thương phẩm của nông dân, đồng thời DNSX giống có lời, nông dân SX lúa giống có lời thì việc nhân rộng diện tích SX lúa F1 đủ đáp ứng cho nhu cầu trong nước là chẳng có gì khó khăn cả”, ông Luyến khẳng định.

Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Bùi Bá Bổng: 

“Từ một nước thiếu lương thực trở thành một cường quốc NK gạo, vai trò và thành tựu mà lúa lai mang lại cho SX lúa của VN là hết sức to lớn. Về định hướng, lúa lai vẫn sẽ có hiệu quả cao, đặc biệt là đối với các vùng khó khăn. Dù còn nhiều hạn chế, diện tích lúa lai thương phẩm nhiều năm qua chưa mở rộng, tuy nhiên ngoại trừ TQ ra, chúng ta có quyền tự hào là quốc gia có tỷ lệ diện tích lúa lai cao nhất trong các quốc gia trồng lúa trên thế giới với tỷ lệ 10% (so với Ấn Độ là 4%; Indonesia 5%; Banglades 7%; Myanmar 1%; Philippines 4%...).

Đồng tình với quan điểm này, PGS.TS Nguyễn Thị Trâm, Viện Nghiên cứu lúa- Trường ĐH Nông nghiệp Hà Nội nêu ý kiến: “Lâu nay, dù là một Viện không mấy khi được cấp đề tài nhà nước nghiên cứu giống lúa, nhưng Viện chúng tôi vẫn phải sống bằng việc bán bản quyền hay chuyển giao. Vấn đề là DN chấp nhận mua được giống, nông dân có chấp nhận được giống của mình SX ra mà thôi …". 

Ông Dương Đức Huy, Phó GĐ Sở NN-PTNT Lào Cai phân tích thêm: Cứ theo định hướng của Cục Trồng trọt đến năm 2015, chúng ta phải nâng diện tích lúa lai thương phẩm lên khoảng 800 nghìn héc ta, đồng thời SX giống lúa lai F1 trong nước phải cung cấp được 50-60% nhu cầu trong nước, nếu tính ra thì tới năm 2015, chúng ta sẽ phải nâng diện tích SX hạt lai F1 lên đạt mức khoảng 5.000 ha.  

"Với diện tích này, các DN trong nước hoàn toàn có thể thực hiện được dễ dàng. Tuy nhiên, vấn đề cốt lõi nằm ở chỗ dòng mẹ để SX lúa lai của VN hiện nay quá nghèo nàn. Vì vậy, bên cạnh việc chọn tạo nghiên cứu dòng mẹ trong nước, nếu đồng thời NK các dòng mẹ có bản quyền từ nước ngoài thì việc SX ra giống lúa lai F1 có đủ sức cạnh tranh với giống NK là chẳng có gì khó khăn!", vẫn theo ông Huy. 

Cũng theo ông Huy: “Giống lúa lai LC 25 do Trung tâm Giống nông lâm nghiệp Lào Cai NK dòng mẹ lai với dòng bố trong nước, dù mới chỉ được công nhận chính thức 1 năm mà hiện nay đã bán được tới 500-600 tấn giống F1/vụ. Về giá, năm nay giống lai F1 của TQ có chất lượng cũng tới 100.000 đồng/kg, trong khi đó giá thành SX trong nước cùng lắm chỉ 50.000 đồng/kg. Điều này cho thấy giá thành lúa lai của VN hoàn toàn có thể cạnh tranh được với giống của TQ”.

Về định hướng phát triển, Bộ NN-PTNT sẽ có 4 định hướng nhằm từng bước chủ động nguồn giống lúa lai F1 trong nước phù hợp với việc mở rộng diện tích lúa lai thương phẩm, cụ thể là:

1. Nâng diện tích SX hạt lai F1 từ 2.000 ha như hiện nay lên 5.000 ha vào năm 2015.

2. Sẽ cải tổ, thiết kế lại một cách quyết liệt, khoa học và hiệu quả đối với hệ thống nghiên cứu giống lúa lai hiện nay.

3. Đối với hạt lúa lai F1 của các Cty nước ngoài SX giống tại VN, sau 2 hoặc 3 năm công nhận chính thức giống quốc gia, sẽ chỉ cho phép tiêu thụ sản phẩm lúa lai F1 có nguồn gốc SX tại VN mà thôi. Cty nào đưa giống F1 đó mà được SX từ nước khác vào VN tiêu thụ sẽ bị tước giấy phép.

4. Nhà nước sẽ cấp tiền đầy đủ cho bất kỳ đơn vị nào (kể cả DN tư nhân, DN nhà nước, đơn vị nghiên cứu…) mua được bản quyền dòng mẹ từ nước ngoài để SX lúa lai F1 trong nước.

Xem thêm
Chuyển giao kỹ thuật chăn nuôi vịt cho hộ nghèo ở Thanh Hóa

Tập đoàn Mavin và Tổ chức Tầm nhìn Thế giới Việt Nam (World Vision) vừa tổ chức tập huấn, chuyển giao kỹ thuật chăn nuôi vịt tại huyện Thường Xuân, Thanh Hóa.

Số hóa quản lý chó, mèo để phòng, chống bệnh dại

Để công tác phòng, chống bệnh dại có hiệu quả, chó, mèo nuôi ở các địa phương cần được quản lý chặt chẽ, nhất là thông qua việc áp dụng số hóa.

Cao điểm phòng trừ sâu cuốn lá nhỏ hại lúa xuân vào dịp nghỉ lễ 30/4

Theo Trung tâm BVTV phía Bắc, thời điểm phòng trừ tập trung sâu cuốn lá nhỏ từ 25/4 - 5/5. Sau khi phun lần 1, nếu mật độ còn cao tổ chức phun trừ lần 2.

Cần chế biến sâu cho 'tứ đại danh dược'

HÀ TĨNH Nhung hươu là một trong 'tứ đại danh dược' (sâm, nhung, quế, phụ), tuy nhiên giá trị gia tăng từ chế biến sâu sản phẩm nhung hươu hiện đang bị bỏ ngỏ.

Bình luận mới nhất

Tòa soạn chuyển cho tôi ý kiến bình luận của bạn đọc Kỳ Quang Vinh từ Cần Thơ, nguyên văn như sau: “Tôi cám ơn TS Tô Văn Trường đã có cái đầu lạnh của một người làm khoa học. Tôi thấy nội dung chính của bài báo là rất đáng suy nghĩ và làm theo. Tôi chỉ có một thắc mắc về kiểm soát lưu lượng bình quân ngày lớn nhất qua tuyến kênh là 3,6 m3/s”. Bạn đọc nên hiểu con số 3,6 m3/s chỉ là mở van âu thuyền cho nước đầy vào âu thuyền như thiết kế trong báo cáo của Campuchia. Chuyện mất nước trong bài báo tôi đã nói rõ rồi, đương nhiên hạn tháng 3-4 sẽ bị tác động lớn nhất theo tỷ lệ phần trăm vì lưu lượng thời kỳ này là thấp nhất. Lưu ý là ba kịch bản diễn giải như trường hợp 1 lưu lượng max bình quân ngày là 3,6 m3/s qua âu nghĩa là vận hành có kiểm soát theo thông báo của Campuchia. Các trường hợp 2 và 3 là vượt ra ngoài thông báo của Campuchia nghĩa là mở tự do bằng kịch bản 2 cộng gia tăng sản lượng nông nghiệp. Nhẽ ra, tôi nên viết rõ hơn là trường hợp 3 phải là như trường hợp 2 mở tự do kết hợp với gia tăng phát triển nông nghiệp. Tòa soạn cũng chuyển cho tôi bình luận của bạn đọc Nat về vị trí 3 tuyến âu, việc sử dụng nước và đánh giá chung là tác động của kênh đào Funan Techo không đáng kể đến đồng bằng sông Cửu Long. Điều tôi quan ngại nhất là khi Campuchia có ý định làm đập kiểm soát nguồn nước ở Biển Hồ hay là làm thủy điện ở sát gần biên giới Việt Nam. Trả lời bạn đọc thì mất thời gian trong khi quỹ thời gian của tôi rất eo hẹp nhưng cũng là niềm vui vì sản phẩm của mình làm ra được nhiều người quan tâm, đón đọc và bình luận. Tòa soạn cho biết ngay lúc đang buổi trưa 25/4 có gần nghìn người đang đọc bài viết của tiến sĩ Tô Văn Trường.
+ xem thêm