| Hotline: 0983.970.780

Rào cản vụ đông

Thứ Tư 23/11/2011 , 10:20 (GMT+7)

Cho dù có những hỗ trợ mạnh mẽ trong SX vụ đông nhưng điều này vẫn không thể níu chân được nông dân ở lại với đồng ruộng. Vì sao vậy?

Sự bất lực của nông dân

Chính sách hỗ trợ mạnh mẽ cho vụ đông từ TƯ đến địa phương đã không giữ được nông dân SX vụ đông

Nhiều năm qua, SX vụ đông ở miền Bắc đã được sự chỉ đạo kèm theo các chính sách hỗ trợ rất mạnh mẽ ở cả TƯ và địa phương. Thế nhưng điều đó không thể níu chân được nông dân ở lại với đồng ruộng. Vì sao vậy?

Hệ lụy tất yếu

Vụ đông năm 2011 được đánh giá là có sự chỉ đạo sát sao của ngành nông nghiệp. Ở TƯ, Bộ NN-PTNT tổ chức nhiều cuộc họp chung, tới họp chuyên đề bàn phương án cho từng loại cây trồng chủ lực ngay từ khi bắt đầu gieo cấy lúa vụ mùa. Ở địa phương, đa số các tỉnh đều có chính sách hỗ trợ để khuyến khích SX.

Ví dụ như đối với cây khoai tây là cây ưa lạnh, Trung ương có chủ trương mở rộng trong vụ đông năm nay, tỉnh Thái Bình hỗ trợ 7.000đ/kg khoai giống. Đa số cấp huyện ở tỉnh này cũng đều có chính sách hỗ trợ thêm 2.000đ/kg. Ở cấp xã, nhiều nơi còn trích kinh phí hỗ trợ cho nông dân thêm 2.000đ/kg giống khoai tây. Với giá khoai tây giống năm nay khoảng 14- 15 nghìn đồng/kg, nông dân Thái Bình nói họ chỉ phải chi trả khoảng 3- 5 nghìn đồng/kg tiền giống.

Việc triển khai SX, các xã đều có đề án hẳn hoi, triển khai họp bàn tới từng thôn xóm. Cũng như nhiều năm qua, các HTX nông nghiệp đều duy trì chính sách miễn phí công bơm tưới, công bảo vệ… Chính sách hỗ trợ, lẫn chỉ đạo SX ở TƯ và địa phương như thế có thể nói là mạnh mẽ.

Tôi về xã Thăng Long (huyện Đông Hưng, Thái Bình)- một địa phương thường có phong trào SX vụ đông rất sôi động hỏi nông dân về giá trị sản phẩm cây vụ đông ra sao, phần đa họ đều thừa nhận rằng, ở Đông Hưng nói chung, không ai làm giàu được nhờ vào mấy sào lúa, nhưng vụ đông thì nhiều hộ có thể làm giàu.

 Thế nhưng nghịch lí buồn là năm nay, tổng diện tích gieo trồng vụ đông ở xã Thăng Long chỉ bằng nửa so với năm 2010. Diện tích giảm mạnh nhất là cây đậu tương, từ chỗ 50 – 60 hecta trong vụ đông năm 2010 – 2011, năm nay gần như “xóa sổ”, các diện tích khác như ngô, rau màu, và đặc biệt là cây khoai tây vốn được kỳ vọng mở rộng diện tích lớn ở vụ đông năm nay đều không đạt kế hoạch, giảm từ 30 – 50% so với vụ đông năm trước.

Cả tỉnh Thái Bình, tính đến đầu tháng 11/2011 là thời điểm cơ bản kết thúc việc gieo trồng cây ưa ấm, nhưng tổng diện tích cây vụ đông mới chỉ đạt 60% kế hoạch, nhiều loại cây trồng truyền thống như đậu tương, khoai tây đều chỉ đạt 40% kế hoạch. Tuyến QL 39 dọc theo các huyện Hưng Hà, Đông Hưng (Thái Bình) những năm trước vốn là vùng rau đậu phủ xanh kín, nhưng năm nay chỉ thấy ruộng đồng bỏ hoang trắng phếch.

Cũng như những địa phương khác ở vùng ĐBSH, sự tụt giảm nghiêm trọng diện tích cây vụ đông một phần được lí giải là do lịch thời vụ bị muộn so với mọi năm. Thế nhưng về sâu xa, nhiều ý kiến cho rằng, thực trạng này là hệ quả tất yếu từ những bất cập nảy sinh từ thực tiễn SX đã khiến nông dân buộc phải bỏ ruộng.

Luẩn quẩn công lao động

Anh Phạm Xuân Cường – chủ nhiệm HTX Tiến Đức (Hưng Hà, Thái Bình) kể buồn rằng, năm nay tỉnh và huyện chủ trương mở rộng diện tích khoai tây. Chủ trương, chính sách hỗ trợ thế nào HTX ra cả đề án SX vụ đông hẳn hoi, triển khai rốt ráo tới tận từng thôn. Năm nay, cộng với mức hỗ trợ 2.000đ/kg tiền giống của HTX, thì nông dân chỉ phải đóng 3.000đ/kg tiền giống. Ngoài ra, HTX miễn toàn bộ công bơm tát, làm thủy lợi, trông coi.  

Những nông dân xã Hồng Việt (huyện Đông Hưng, Thái Bình) vẫn phải cuốc đất thế này để trồng khoai tây

Thực ra, trước đây nông dân Tiến Đức cũng đã từng trồng khoai tây rất nhiều nên chẳng lạ gì chuyện lời lãi. Tuy đầu tư ban đầu lớn, nhưng với giá khoai tây thương phẩm cứ cho là duy trì tầm 10 nghìn đồng/kg như hiện nay, thì mỗi sào khoai tây năng suất chỉ cần 5 – 7 tạ, trừ chi phí cũng đã lãi 4 – 5 triệu đồng. Nếu so với lợi nhuận của cây đậu tương hiện nay nếu được mùa chỉ tầm 4 – 5 trăm nghìn đồng/sào, thì lợi nhuận trồng khoai tây cao hơn hàng chục lần.

Năm nay, chi phí tiền giống lớn nhất thì đã được hỗ trợ 80%. Ấy thế mà phát động mãi, HTX Tiến Đức cũng chỉ nâng được diện tích khoai tây lên chưa đầy 10 hecta (trong tổng số gần 270 hecta cây vụ đông). Lợi nhuận cao, hỗ trợ lớn, nhưng tại sao nông dân lại không mặn mà mở rộng SX khoai tây?

Trả lời câu hỏi này, chủ nhiệm HTX Thăng Long (huyện Đông Hưng, Thái Bình), ông Nguyễn Ngọc Hương vốn là một người có kinh nghiệm dày dạn trong việc trồng khoai tây phân tích: Nếu chân đất thuận lợi, máy có thể cày được đất thì một sào vẫn phải mất ít nhất hai ngày công băm xới để lên luống, hai công đi gánh đất cát pha rải lót chân luống để đặt củ, một công đặt củ giống, vun xới và bón phân đợt một mất hai công, vun xới đợt hai mất một công, đến lúc thu hoạch mất hai công nữa, tổng cộng phải mất ít nhất là bảy đến tám ngày công/sào. Bây giờ ở quê làm gì người ta cũng quy hết ra giá ngày công, tám ngày công ít nhất phải 650 nghìn, tính theo tiền công phụ vữa.

Anh Phạm Xuân Cường – Chủ nhiệm HTX Tiến Đức:

Nông dân hiện nay thấy SX vụ đông có thể làm giàu, nhưng họ gần như bất lực vì công lao động quá lớn khiến lợi nhuận trong SX không thể cạnh tranh được với những việc làm khác. Vấn đề cót lõi theo tôi là phải đưa được cơ giới hóa vào đồng ruộng để giảm bớt công lao động.

Đối với cây khoai tây, ít nhất phải cơ giới được ba khâu: cày đất, vun luống và thu hoạch. Tôi nghĩ đây là những máy cơ giới đơn giản, nhưng không hiểu sao ngành cơ khí nông nghiệp nước ta lại chưa chú trọng.

Vả lại, không phải chân đất nào sau khi thu hoạch lúa xong cũng có thể cày được đất để trồng khoai tây. Hiện nay, có những chân đất có thể trồng được khoai tây, nhưng khi vừa thu hoạch lúa xong, đất dở khô dở ướt, không có loại máy cày nào có thể cày được đất nên muốn trồng được khoai tây thì phải cuốc đất. Như thế, tuy mang tiếng là tổng thu lớn, nhưng nếu trừ tiền công, cộng cả chi phí tiền giống, phân bón thì lợi nhuận còn lại của một sào khoai tây chẳng còn là bao.

Trong khi đó, do công quá lớn, nên một lao động khỏe mạnh chỉ có thể làm được 1 – 2 sào khoai tây là cùng. Với diện tích như thế, trong một vụ, lợi nhuận thu được sẽ không thể cạnh tranh được so với việc họ đi làm thuê trên thành phố.

Anh Phạm Xuân Cường – chủ nhiệm HTX Tiến Đức sau một hồi phân tích về cái khó của việc mở rộng cây khoai tây đã gút lại: Trước đây cũng đã từng có một Cty về hợp tác với dân trồng khoai tây ở Tiến Đức. Thế nhưng tốn công lao động, lợi nhuận không cạnh tranh được so với những việc làm khác khiến nông dân khỏe mạnh ào ào tìm đường lên thành phố mỗi khi hết vụ thu hoạch lúa mùa, kéo theo lao động khỏe mạnh làm vụ đông gần như không còn.

Xem thêm
Chuyển giao kỹ thuật chăn nuôi vịt cho hộ nghèo ở Thanh Hóa

Tập đoàn Mavin và Tổ chức Tầm nhìn Thế giới Việt Nam (World Vision) vừa tổ chức tập huấn, chuyển giao kỹ thuật chăn nuôi vịt tại huyện Thường Xuân, Thanh Hóa.

Số hóa quản lý chó, mèo để phòng, chống bệnh dại

Để công tác phòng, chống bệnh dại có hiệu quả, chó, mèo nuôi ở các địa phương cần được quản lý chặt chẽ, nhất là thông qua việc áp dụng số hóa.

Cao điểm phòng trừ sâu cuốn lá nhỏ hại lúa xuân vào dịp nghỉ lễ 30/4

Theo Trung tâm BVTV phía Bắc, thời điểm phòng trừ tập trung sâu cuốn lá nhỏ từ 25/4 - 5/5. Sau khi phun lần 1, nếu mật độ còn cao tổ chức phun trừ lần 2.

Cần chế biến sâu cho 'tứ đại danh dược'

HÀ TĨNH Nhung hươu là một trong 'tứ đại danh dược' (sâm, nhung, quế, phụ), tuy nhiên giá trị gia tăng từ chế biến sâu sản phẩm nhung hươu hiện đang bị bỏ ngỏ.

Bình luận mới nhất

Tòa soạn chuyển cho tôi ý kiến bình luận của bạn đọc Kỳ Quang Vinh từ Cần Thơ, nguyên văn như sau: “Tôi cám ơn TS Tô Văn Trường đã có cái đầu lạnh của một người làm khoa học. Tôi thấy nội dung chính của bài báo là rất đáng suy nghĩ và làm theo. Tôi chỉ có một thắc mắc về kiểm soát lưu lượng bình quân ngày lớn nhất qua tuyến kênh là 3,6 m3/s”. Bạn đọc nên hiểu con số 3,6 m3/s chỉ là mở van âu thuyền cho nước đầy vào âu thuyền như thiết kế trong báo cáo của Campuchia. Chuyện mất nước trong bài báo tôi đã nói rõ rồi, đương nhiên hạn tháng 3-4 sẽ bị tác động lớn nhất theo tỷ lệ phần trăm vì lưu lượng thời kỳ này là thấp nhất. Lưu ý là ba kịch bản diễn giải như trường hợp 1 lưu lượng max bình quân ngày là 3,6 m3/s qua âu nghĩa là vận hành có kiểm soát theo thông báo của Campuchia. Các trường hợp 2 và 3 là vượt ra ngoài thông báo của Campuchia nghĩa là mở tự do bằng kịch bản 2 cộng gia tăng sản lượng nông nghiệp. Nhẽ ra, tôi nên viết rõ hơn là trường hợp 3 phải là như trường hợp 2 mở tự do kết hợp với gia tăng phát triển nông nghiệp. Tòa soạn cũng chuyển cho tôi bình luận của bạn đọc Nat về vị trí 3 tuyến âu, việc sử dụng nước và đánh giá chung là tác động của kênh đào Funan Techo không đáng kể đến đồng bằng sông Cửu Long. Điều tôi quan ngại nhất là khi Campuchia có ý định làm đập kiểm soát nguồn nước ở Biển Hồ hay là làm thủy điện ở sát gần biên giới Việt Nam. Trả lời bạn đọc thì mất thời gian trong khi quỹ thời gian của tôi rất eo hẹp nhưng cũng là niềm vui vì sản phẩm của mình làm ra được nhiều người quan tâm, đón đọc và bình luận. Tòa soạn cho biết ngay lúc đang buổi trưa 25/4 có gần nghìn người đang đọc bài viết của tiến sĩ Tô Văn Trường.
+ xem thêm