| Hotline: 0983.970.780

10 bước xử lý, bảo quản vải thiều Bắc Giang đi Nhật Bản

Thứ Ba 08/06/2021 , 20:12 (GMT+7)

Để có thể đưa vải thiều Bắc Giang sang Nhật Bản tiêu thụ với giá cao ngất ngưởng thì các bước từ thu hoạch đến lúc lên kệ đều được giám sát nghiêm ngặt.

Khắt khe từ A-Z

Theo Sở Công thương tỉnh Bắc Giang, năm 2020, Bộ Nông, lâm, ngư nghiệp Nhật Bản (MAFF) đã chính thức cấp bằng bảo hộ chỉ dẫn địa lý đối với vải thiều của Bắc Giang và cho phép nhập khẩu loại nông sản này. Ngay sau đó, trong năm đầu tiên này, khoảng 200 tấn vải thiều đã được xuất khẩu sang Nhật Bản với giá cao gấp gần 10 lần so với thị trường trong nước.

Năm 2021, dù dịch Covid-19 lan rộng khi vải thiều sắp vào vụ nhưng tỉnh Bắc Giang vẫn quản lý tốt dịch bệnh, không để lây ra cộng đồng và triển khai các giải pháp hết sức cụ thể, quyết liệt để bảo vệ vùng vải thiều. Qua đó, đã đảm bảo vùng trồng vải thiều Lục Ngạn là địa bàn sạch, không Covid, được thị trường nước bạn chấp nhận và dự kiến sẽ tiếp tục xuất khẩu khoảng 1.000 tấn vải thiều sang thị trường Nhật Bản.

Lô vải thiều Bắc Giang đầu tiên năm 2021 lên đường sang Nhật Bản. Ảnh: BGP.

Lô vải thiều Bắc Giang đầu tiên năm 2021 lên đường sang Nhật Bản. Ảnh: BGP.

Để có kết quả tốt đẹp này, ngoài việc chủ vườn phải tuân thủ các quy chuẩn chất lượng khắt khe trong suốt thời gian canh tác, thì các công tác thu mua cũng phải tuân thủ nghiêm ngặt các bước từ khâu lựa chọn vải, xử lý cho đến bảo quản.

Theo một số doanh nghiệp tham gia xuất khẩu vải thiều sang Nhật Bản, để đảm bảo chất lượng quả vải thiều Bắc Giang tươi ngon tại thị trường Nhật Bản, các khâu trong chuỗi sản xuất phải được tuân thủ nghiêm ngặt và trong quá trình sơ chế bảo quản đều được các chuyên gia công nghệ của VIAEP giám sát chặt chẽ.

Với quy trình VIAEP, để đưa được quả vải thiều sang Nhật Bản với giá cao ngất ngưởng thì phải trải qua 13 bước, trong đó riêng việc xử lý sau thu hoạch và bảo quản phải trải qua 10 bước.

Trong đó, mỗi bước đều được thực hiện tỷ mỉ, kỹ lưỡng và giám sát chặt chẽ từ khâu từ cắt cuống, lựa chọn kích cỡ, trọng lượng, đóng rổ, khử trùng, rửa, xử lý bằng dung dịch, làm ráo, đóng gói/đóng thùng, làm lạnh sơ bộ… cho đến việc vận chuyển xuất khẩu.

Cụ thể, với bước cắt cuống phải thực hiện bằng kéo sắc, để cuống dài từ 0,3-0,5, làm sạch các tạp chất cơ học bám trên bề mặt quả, loại bỏ các quả không đạt yêu cầu và tuyệt đối không dùng tay bẻ cuống quả vải.

Vải thiều Bắc Giang được thực hiện các quy trình nghiêm ngặt trước khi xuất khẩu sang Nhật Bản. Ảnh: DT.

Vải thiều Bắc Giang được thực hiện các quy trình nghiêm ngặt trước khi xuất khẩu sang Nhật Bản. Ảnh: DT.

Với bước lụa chọn vải phải theo yêu cầu khách hàng về theo màu sắc, kích thước, sau đó mới cho vải vào trong sọt có lỗ, chuẩn bị cho các công đoạn xử lý tiền bảo quản. Còn đối với công đoạn đóng rổ, vải tuyệt đối không được rửa nước, đóng trong các sọt nhựa, thùng carton theo quy định của Cục Bảo vệ thực vật và Nhật Bản, mỗi thùng từ 5 - 18 kg.

Trong việc khẩu khử trùng, các thùng, sọt vải sau khi được đưa lên pallet sẽ được đưa vào thiết bị khử trùng để đảm bảo thể thích sản phẩm tối đa bằng 38% thể tích bên trong buồng… quy trình xử lý được điều khiển tự động hoàn toàn.

Trong khâu xử lý, quả vải sau khi rửa để ráo hết nước được tiếp tục chuyển sang xử lý với dung dịch V-treat, còn việc làm lạnh sơ bộ, vải trước khi xuất kho phải được làm lạnh trong kho lạnh sơ bộ với nhiệt độ từ 0-4°C cho đến khi nhiệt độ tâm quả 4±0,5ºC, 90-95%RH mới được xuất hàng.

Riêng với khâu vận chuyển xuất khẩu, vải thiều xuất khẩu được vận chuyển bằng đường biển hoặc đường hàng không, trong suốt quá trình vận chuyển/xuất khẩu, phải đảm bảo điều kiện bảo quản vải thiều về nhiệt độ.

Vải thiều Bắc Giang được người tiêu dùng Nhật Bản ưa chuộng với nhiều ưu điểm vượt trội so với vải Trung Quốc và Đài Loan. Ảnh: BG.

Vải thiều Bắc Giang được người tiêu dùng Nhật Bản ưa chuộng với nhiều ưu điểm vượt trội so với vải Trung Quốc và Đài Loan. Ảnh: BG.

Hành trình dài hơi…

Theo Sở NN-PTNT Bắc Giang, bằng nhiều giải pháp sáng tạo, chủ động và kiên trì, đến nay, quả vải thiều của tỉnh Bắc Giang đang được bảo hộ nhãn hiệu tại 8 quốc gia như: Trung Quốc, Mỹ, Nhật, Australia, Hàn Quốc, Singapore, Lào, Campuchia….

Đến tháng 3/2021 vải thiều Lục Ngạn đã trở thành sản phẩm nông sản đầu tiên của Việt Nam được chính thức bảo hộ chỉ dẫn địa lý tại Nhật Bản, đã mở đường cho việc thúc đẩy bảo hộ chỉ dẫn địa lý vải thiều tại các quốc gia khác. Đồng thời, là “giấy thông hành” để vải thiều Lục Ngạn xuất khẩu vào các thị trường lớn, tiềm năng khác.

Sau khi lô vải thiều đầu tiên của năm 2021 đến Nhật đã nhanh chóng được đưa vào siêu thị với giá từ 350.000 - 500.000 đồng/kg. Dù có giá thành khá rất cao nhưng một số lượng lớn vải đã được tiêu thụ và gần như luôn trong tình trạng "cháy hàng”.

Điều này cho thấy được chất lượng vải thiều đã được nâng lên, đảm bảo được yêu cầu và có được sự yêu thích của người dân xứ mặt trời mọc đối với loại trái cây nhiệt đới này. Tuy nhiên, để có thể đưa hàng ngàn tấn vải thiều từ "tâm dịch" đến một thị trường khó tính như Nhật Bản mà vẫn đảm bảo được chất lượng, giữ được giá thành cao không phải là một hành trình dễ dàng.

Để đưa được hàng nghìn tấn vải thiều Bắc Giang sang thị trường Nhật Bản không phải là câu chuyện dễ dàng. Ảnh: BGP.

Để đưa được hàng nghìn tấn vải thiều Bắc Giang sang thị trường Nhật Bản không phải là câu chuyện dễ dàng. Ảnh: BGP.

Do đó, để vải thiều có chất lượng cao nhất đáp ứng yêu cầu của tất cả các thị trường trong nước và quốc tế, tỉnh Bắc Giang cần có nhiều giải pháp hay, sáng tạo và kiên trì thực hiện trong thời gian dài. Ví dụ như: hỗ trợ, hướng dẫn, tư vấn người trồng vải thiều kỹ thuật canh tác, chăm sóc vải thiều, việc ghi chép truy xuất nguồn gốc, việc kiểm tra, giám sát nội bộ và giám sát từ bên ngoài…

Cùng với đó, giám sát chặt chẽ các vườn vải tham gia mô hình vải thiều hữu cơ; lắp camera giám sát, nhật ký chăm sóc điện tử, tạo nên vải hữu cơ có nhiều ưu điểm vượt trội.  Tiếp đó là thực hiện quản lý nghiêm ngặt các mã số vùng trồng vải thiều theo tiêu chuẩn Vietgap, GlobalGap, các mã số vùng trồng đối với thị trường Nhật Bản, Trung Quốc, Australia, Singapore và các nước trên thế giới.

Với thị trường Nhật Bản, Bắc Giang cần duy trì cơ sở xông hơi khử trùng, đóng gói đáp ứng yêu cầu xuất khẩu của một số doanh nghiệp đang hoạt động hiệu quả, đồng thời khuyến khích, mời gọi thêm doanh nghiệp khác đầu tư hệ thống xông hơi khử trùng phục vụ xuất khẩu.

Với các khâu sơ chế, bảo quản, xông hơi khử trùng cần tiếp tục chuẩn bị đầy đủ, sẵn sàng, cơ quan chuyên môn tập trung thực hiện giám sát công tác xông hơi khử trùng, kiểm dịch thực vật trước khi xuất khẩu theo đúng yêu cầu của Nhật Bản.

Hiện tại, đã có nhiều doanh nghiệp tham gia thu mua và xuất khẩu vải thiều sang thị trường Nhật Bản như: Công ty Chánh Thu, Công ty Amây, Công ty Rồng Đỏ, Công ty Toàn Cầu, Công ty Bam-bu.

Cùng với đó, tỉnh Bắc Giang tiếp tục đẩy mạnh xuất khẩu vào các thị trường: Mỹ, Australia, EU, Singapore, Thái Lan, Hàn Quốc, Malaysia... Các vùng trồng vải thiều đều được chỉ đạo thực hiện nghiêm các quy định để đáp ứng yêu cầu nghiêm ngặt của thị trường xuất khẩu.

Xem thêm
Xuất khẩu tới hơn 100 quốc gia, chè Việt Nam vẫn cần lưu ý điều gì?

Nhìn chung các thị trường đều yêu cầu ngày càng cao đối với an toàn thực phẩm, đặc biệt là truy xuất nguồn gốc, theo Cục Chất lượng Chế biến và Phát triển thị trường.

Xét tuyển công chức làm việc tại Cục Bảo vệ thực vật và Cục Thú y

Bộ NN-PTNT thông báo xét tuyển công chức làm việc tại Cục Bảo vệ thực vật và Cục Thú y thuộc Bộ, như sau:

Thương hiệu quốc gia Việt Nam 'Vươn mình tiến vào kỷ nguyên Xanh'

Tối 4/11, tại Hà Nội diễn ra Lễ công bố sản phẩm đạt Thương hiệu quốc gia Việt Nam năm 2024 với chủ đề ‘Vươn mình tiến vào kỷ nguyên Xanh’.

Dự án căn hộ duy nhất ở Tây Nam Linh Đàm đang được săn đón

Không ngạc nhiên khi dự án căn hộ duy nhất đang triển khai tại Tây Nam Linh Đàm, thuộc quận Hoàng Mai, Hà Nội là Hanoi Melody Residences đang được thị trường săn đón...