| Hotline: 0983.970.780

100 triệu Euro chưa đủ sức gỡ lệnh cấm ngũ cốc Ukraine

Thứ Năm 20/04/2023 , 15:00 (GMT+7)

Các quốc gia chung biên giới với Ukraine lo ngại việc châu Âu nhập khẩu ngũ cốc miễn thuế của quốc gia này sẽ bóp méo thị trường, ảnh hưởng đến nông dân địa phương.

Ukraine là quốc gia dẫn đầu thế giới về xuất khẩu ngô, lúa mì, hướng dương, lúa mạch và các loại thực phẩm khác. Ảnh: Vadim Ghirda.

Ukraine là quốc gia dẫn đầu thế giới về xuất khẩu ngô, lúa mì, hướng dương, lúa mạch và các loại thực phẩm khác. Ảnh: Vadim Ghirda.

Cuộc đàm phán giữa Ủy ban châu Âu và năm quốc gia Đông Âu đã không giải quyết được tranh chấp đang ngày càng tăng liên quan đến việc nhập khẩu ngũ cốc miễn thuế của Ukraine. Các cuộc thảo luận đã diễn ra vào thứ Tư (19/4) trong một hội nghị truyền hình giữa ông Valdis Dombrovskis - Phó Chủ tịch điều hành của Ủy ban châu Âu phụ trách quan hệ thương mại, ông Janusz Wojciechowski - Ủy viên châu Âu về nông nghiệp, cùng các đại diện đến từ Ba Lan, Hungary, Slovakia, Romania, Bulgaria, và Ukraine.

Trước cuộc đàm phán, phía Vương quốc Bỉ đã đưa ra một loạt các biện pháp "đặc biệt" cho phép vận chuyển lúa mì, ngô, hạt cải dầu và hạt hướng dương của Ukraine qua năm quốc gia nhưng không được thu mua với mục đích tiêu thụ trong nước cũng như không được lưu trữ trong lãnh thổ của họ. Đồng thời, gói hỗ trợ mới cho nông dân bị ảnh hưởng trị giá 100 triệu euro cũng được đưa ra thảo luận.

"Chúng ta cần nhấn mạnh tầm quan trọng của việc nhanh chóng tuân theo cách tiếp cận chung của EU, thay vì các giải pháp đơn phương né tránh nhiều lệnh cấm hay các giải pháp khiến thị trường nội bộ gặp rủi ro", ông Dombrovskis và Wojciechowski chia sẻ trong một tuyên bố ngắn sau cuộc đàm phán diễn ra không thành công.

Năm quốc gia thành viên có liên quan, trong đó bốn nước có biên giới với Ukraine, đã khiếu nại trong nhiều tuần rằng ngũ cốc Ukraine giá rẻ đang tràn ngập thị trường của họ, lấp đầy kho chứa và khiến các nhà sản xuất địa phương gặp bất lợi.

Vào năm ngoái, Liên minh châu Âu đã đồng ý đình chỉ thuế quan đối với nhiều loại sản phẩm của Ukraine, bao gồm cả thực phẩm, với mục đích giúp nước này duy trì nền kinh tế vốn đang rất mong manh, đồng thời bù đắp cho sự gián đoạn ở Biển Đen, tuyến đường nằm dưới sự kiểm soát chặt chẽ của Nga.

Tuy nhiên, trong vài tuần trở lại đây, 5 quốc gia Đông Âu bắt đầu gióng lên hồi chuông cảnh báo về vấn đề cung vượt cầu đang khiến các nhà kho chật cứng, tắc nghẽn hậu cần và áp lực giảm giá quá mức. Lo sợ thiệt hại nặng nề về tài chính và việc làm, nông dân  các quốc gia này đã xuống đường biểu tình để yêu cầu chính phủ quốc gia của họ hành động khẩn cấp, chẳng hạn như hỗ trợ và áp dụng lại thuế quan.

Căng thẳng lên đến đỉnh điểm vào cuối tuần qua, khi Ba Lan và Hungary ban hành lệnh cấm tạm thời đối với việc nhập khẩu nhiều loại ngũ cốc và nông sản từ Ukraine. Những ngày tiếp theo, Slovakia và Bulgaria đưa ra các lệnh cấm tương tự. Đặc biệt trong trường hợp của Slovakia, nhà chức trách cho biết họ đã tìm thấy một loại thuốc trừ sâu bị cấm theo luật của EU trong 1.500 tấn lúa mì của Ukraine.

Các lệnh cấm gây xôn xao dư luận quốc tế đã buộc Chủ tịch Ủy ban Châu Âu Ursula von der Leyen phải can thiệp. Trong một bức thư gửi tới các nhà lãnh đạo của năm quốc gia thành viên, Chủ tịch Ủy ban Châu Âu hứa sẽ thực hiện "các biện pháp ngăn ngừa" nhằm giải quyết tình huống hiện tại và đưa ra gói hỗ trợ trị giá 100 triệu euro để bồi thường thiệt hại cho người nông dân.

Bà von der Leyen thừa nhận "những hậu quả không mong muốn" do các luồng miễn thuế gây ra, nhưng cho biết cần có một cách tiếp cận phối hợp để duy trì tính toàn vẹn của thị trường chung và liên minh hải quan. “Các biện pháp đơn phương chỉ có lợi cho các đối thủ của Ukraine chứ không nên bào mòn sự ủng hộ vững chắc của chúng ta dành cho Ukraine”, bà von der Leyen chia sẻ.

(Theo Euronews)

Xem thêm
Tìm thấy virus dịch tả lợn châu Phi trong xác lợn rừng

Thủ phạm virus gây dịch tả lợn châu Phi (ASF) đã được phát hiện trong xác một con lợn rừng vừa được tìm thấy ở phía tây bắc Singapore.

Israel tấn công trả đũa nhắm vào các mục tiêu quân sự của Iran

Lực lượng Phòng vệ Israel (IDF) sáng 26/10 tuyên bố đã tiến hành ‘các cuộc tấn công chính xác vào các mục tiêu quân sự’ ở Iran.

Tổng thống Putin xác nhận việc sản xuất hàng loạt tên lửa Oreshnik mới

Tổng thống Nga Vladimir Putin hôm 22/11 xác nhận quyết định cho phép bắt đầu sản xuất hàng loạt hệ thống tên lửa siêu vượt âm Oreshnik mới.

Nga: Cây cầu 60 tấn bị trộm đem bán phế liệu

Cảnh sát Nga đang điều tra vụ trộm một cây cầu đường sắt khổng lồ ở phía tây đất nước dường như đã được bán phế liệu với giá chỉ hơn 15.000 USD.