| Hotline: 0983.970.780

108 vị anh hùng vỡ đồng hoang đất Cảng: [Bài 4] Đại điền đi 'nhặt' ruộng

Thứ Sáu 04/10/2024 , 06:00 (GMT+7)

HẢI PHÒNG 12h trưa, đang ngồi uống trà bỗng nghe tiếng động cơ nổ cành cành ngoài ngõ, anh Nguyễn Xuân Dáng - đại điền ở xã Đồng Minh reo to: 'A phi công đã về rồi'.

Con trai anh Nguyễn Xuân Dáng điều khiển máy bay hạ cánh sau khi rải phân. Ảnh: Dương Đình Tường. 

Con trai anh Nguyễn Xuân Dáng điều khiển máy bay hạ cánh sau khi rải phân. Ảnh: Dương Đình Tường. 

Phi công về làng

Bài liên quan

Phi công là con trai 27 tuổi của anh Dáng đang lái chiếc máy kéo đằng sau rơ móoc đặt chễm chệ một máy bay vừa làm nhiệm vụ phun thuốc trừ sâu vừa có thể bón phân. Máy bay không người lái (drone) anh Nguyễn Xuân Dáng năm ngoái mua mất 325 triệu đồng, được công ty bán hàng tặng 1 suất học lái 1 tháng trên Hà Nội nên mới cử con trai đi học. Sau đó nó trở về làng, trên tay là chứng chỉ bay làm anh Dáng hởi lòng hởi dạ. 

Trước, anh phải mất 3 ngày cầm dây đi phun thuốc BVTV mới hết số ruộng của nhà, mệt đến mức không ăn nổi cơm trưa, chỉ uống nước ngọt cầm hơi nên quyết định mua cái máy bay về để giải phóng sức lao động nặng nhọc. Đầu giờ chiều, nắng gay gắt, khoác chiếc áo bảo hộ có gắn 2 cái quạt gió ở bên hông, anh chở tôi ra thăm ruộng bằng xe máy.

Nếu vừa đi vừa dừng lại chỗ này, chỗ kia để kiểm tra lúa phải mất cả buổi bởi xuyên qua tới ba cánh đồng Kênh, Cái Cua và Hạ Ứng của xã Đồng Minh (huyện Vĩnh Bảo, TP Hải Phòng), còn nếu đi bộ thì phải mất cả ngày. Thế mà với tổng diện tích 45 mẫu ruộng ấy, lao động thường xuyên chỉ có hai vợ chồng anh, còn con trai thỉnh thoảng phụ thêm vào.

Anh Nguyễn Xuân Dáng tiếp phân vào máy bay. Ảnh: Dương Đình Tường.

Anh Nguyễn Xuân Dáng tiếp phân vào máy bay. Ảnh: Dương Đình Tường.

Bài liên quan

Đợi một hồi, con trai anh Dáng cũng đánh máy kéo chở theo cái máy bay tới để thả phân cho lúa. Sau một thao tác trên màn hình điều khiển, bốn cánh quạt quay ào ào, luồng gió phả ra từ đó thổi rạt cả đám cây cối. Dưới bụng máy bay, những hạt phân màu đo đỏ bắn ra như mưa rào. Chỉ chừng dăm phút, bao phân hơn 20kg đã được bón xong, bao khác lại được đổ tiếp vào, máy bay lại ào ào cất cánh.

Chúng tôi ngồi dưới một gốc đa giữa cánh đồng nghỉ giữa chừng. Gió mát lồng lộng, trời cao trong xanh vời vợi, anh Dáng bắn một “bi” thuốc lào, sảng khoái ngả đầu phả những làn khói mơ màng…

Vốn xuất thân từ nghề cơ khí, lúc đầu anh chỉ có cái máy cày dắt tay hiệu Bông Sen để làm đất cho mấy sào ruộng của nhà được chia theo đầu khẩu, đồng thời dịch vụ thêm ít diện tích nữa của bà con. Sau đó, thấy nhu cầu tăng dần, anh nâng cấp lên máy cày ba chân, ngồi lái ở đằng sau, rồi cái máy cày MTZ của Nga nhưng bởi nó nặng quá hay bị sa lầy, phải gọi cả nhà ra mà cứu hộ nên lại mua cái máy cày của Nhật.

Bài liên quan

Mỗi vụ anh nhận làm khoảng 60 mẫu đất, cấy khoảng 100 mẫu ruộng cho bà con và cả anh em đại điền không đủ nhân lực, máy móc hay khi thời vụ gấp gáp, cận kề.

Khi không có nghề phụ nông dân còn chú tâm đến đồng ruộng, khi các công ty xí nghiệp mọc lên như nấm sau mưa, cần tuyển người, họ bỏ nghề đi làm công nhân hết lượt. Thêm vào đó nạn chuột bọ hoành hành khiến tình trạng ruộng hoang mỗi lúc một lan ra nhiều. Tiếc của, sẵn máy móc, anh liền đi “nhặt” ruộng về để cấy nhưng ngặt nỗi mỗi chỗ một mảnh, cứ như xôi đỗ. Vụ đầu tiên do không quản lý được sâu bệnh, điều tiết được nước nên năng suất lúa chỉ đạt 1,7 tạ/sào (360m2).

Anh Nguyễn Xuân Dáng có thể điều khiển thành thạo các loại máy. Ảnh: Dương Đình Tường.

Anh Nguyễn Xuân Dáng có thể điều khiển thành thạo các loại máy. Ảnh: Dương Đình Tường.

Vụ sau, anh chấp nhận đổi mảnh ruộng tốt của mình lấy mảnh ruộng xấu hơn của nông dân để dần dần dồn vào được thành vùng, thành khoảnh lớn, có thể điều tiết nước cũng như áp dụng cơ giới hóa đồng bộ vào sản xuất.

Đến lúc này, anh gặp phải khó khăn là vốn để mua sắm máy cày, máy cấy, máy bay…, tổng đầu tư mất 3 tỉ đồng nên ngoài sổ đỏ của gia đình phải mượn sổ đỏ của người thân, hàng xóm để thế chấp. Sơ sểnh, mất mùa cái là toàn bộ số sổ đỏ ấy bị giam không biết bao giờ có thể chuộc ra được.

Khó khăn nữa là muốn đắp bờ, khơi thông mương máng, làm cầu cống, thủy lợi nội đồng nhưng do đất chưa phải của mình nên cũng không dám. Nếu thuê được 5 năm trở lên thì anh mới yên tâm đầu tư để mong có hiệu quả kinh tế cao, thậm chí không chỉ cấy 2 vụ lúa mà còn làm 1 vụ đông. Chính 1 vụ đông ấy mới là hái ra tiền bởi chỉ tính khiêm tốn 1ha lãi được 10 triệu đồng thôi thì đã gấp nhiều lần so với cấy lúa.  

Kỷ niệm buồn nhất và vui nhất

Tôi hỏi anh Dáng rằng kỷ niệm đáng sợ nhất và kỷ niệm đáng vui nhất của mấy năm làm đại điền là gì. Anh trả lời, kỷ niệm sợ nhất đó là vào tháng 5 năm 2024, tối hôm trước mọi người khi ra thăm đồng nhà anh vẫn còn khen nức nở, ấy vậy mà sáng hôm sau chỉ qua một trận dông nhẹ đã làm đổ 10ha, lúa nằm rạp trên mặt nước như chiếu trải trong khi ruộng xung quanh không hề đổ. Tất cả bởi cái lỗi bón phân quá tay.

Đau hơn nữa, vụ ấy anh hợp tác với doanh nghiệp để sản xuất giống, nếu gặt lúa đứng năng suất phải được 2,5 tạ/sào nhưng gặt lúa nằm chỉ được 1 tạ/sào, đã thế phẩm cấp lại thấp, chấp nhận mất đi số lãi 150 triệu đồng tưởng chừng đã trong tầm tay. Kêu trời, trời chẳng thấu, kêu đất, đất không hay, muốn khóc mà không nên lời, vợ chồng đành phải an ủi nhau để làm lại vụ sau.

Anh Nguyễn Xuân Dáng đi kiểm tra ruộng đồng. Ảnh: Dương Đình Tường.

Anh Nguyễn Xuân Dáng đi kiểm tra ruộng đồng. Ảnh: Dương Đình Tường.

Kỷ niệm vui nhất là hai năm 2022, 2023 sản xuất lúa đều được mùa, được giá, mỗi vụ thu gần 100 tấn, bán lãi 300 - 400 triệu đồng. Không chỉ về kinh tế mà còn về khía cạnh tinh thần, lúc cây lúa bắt đầu đỏ đuôi, hạt thóc dần vàng óng, nhìn thấy chắc ăn rồi thì lòng người cứ tự nhiên phơi phới như diều gặp gió.

Vĩnh Bảo có khoảng 30 đại điền, trung bình mỗi hộ cấy 20 - 30 mẫu lúa nhưng với anh Dáng - Tổ trưởng Tổ đại điền của huyện như thế vẫn còn là chưa xứng với tiềm năng. Nhiều khi nhìn trên tivi, trên mạng thấy nền nông nghiệp của nước ngoài quy mô lớn thế nào, máy móc tiên tiến ra sao, anh vô thức nuốt khan nước bọt vì thèm khát. Anh chỉ ước cả cánh đồng là của mình, rồi sắm máy móc hiện đại như nông dân Tây, đến vụ thu hoạch lúa xong không bán tươi mà giữ lại để sấy, xát gạo rồi đóng gói cấp luôn cho người dân trong vùng.

Phút nghỉ ngơi của những nông dân. Ảnh: Dương Đình Tường.

Phút nghỉ ngơi của những nông dân. Ảnh: Dương Đình Tường.

Để đạt đến cái đích trong mơ ấy vẫn còn là cả quãng đường dài. Anh bảo dù cán bộ khuyến nông, BVTV vẫn thường xuyên đồng hành với các đại điền về mặt kỹ thuật hay hỗ trợ một số mô hình nhỏ, về phía chính quyền Thành phố, huyện cũng chỉ mới động viên thôi chứ chưa có chính sách cụ thể gì.

“Tôi chỉ mong sao các cấp, các ngành quan tâm đến đại điền, có một chính sách nào đó đối với đất lúa để những nông dân không sử dụng nữa cho chúng tôi thuê thì mới yên tâm được. Thứ hai, đã là đại điền thì phải có nhà xưởng, có chỗ để dụng cụ..., vì thế nhà nước cần xem xét, có cơ chế cho phép chúng tôi được xây dựng theo một tỷ lệ nào đó trên đất nông nghiệp. Thứ ba là nhà nước cần hỗ trợ vốn vay không lãi cho các đại điền trong thời gian dài để chúng tôi đầu tư vào sản xuất”, anh Dáng nói.

Xem thêm
Nâng cao chất lượng đào tạo ngành chăn nuôi thú y: [Bài 2] Sinh viên ngồi ghế nhà trường đã khỏi lo đầu ra

Đào tạo ngành chăn nuôi và thú y là yếu tố quan trọng trong nền kinh tế nông nghiệp, giúp doanh nghiệp phát triển bền vững với nguồn nhân lực chất lượng.

Giám sát sức khỏe đàn vật nuôi thời điểm giao mùa

ĐBSCL Ngành chuyên môn khuyến cáo người dân chú trọng tiêm phòng vacxin đầy đủ cho vật nuôi để an toàn trong thời điểm giao mùa và dịp người chăn nuôi tăng đàn phục vụ Tết.

Giống sắn HN1 năng suất vượt trội, kháng bệnh khảm lá

Chi cục Trồng trọt và BVTV Bình Thuận triển khai 2 mô hình trồng giống sắn HN1 tại các huyện Đức Linh và Hàm Tân đều cho năng suất vượt trội, kháng bệnh khảm lá.