Với thời hạn EUDR sắp có hiệu lực vào cuối năm nay, các quốc gia đang gấp rút nâng cao khả năng tuân thủ các yêu cầu về xuất nhập khẩu nông sản trồng dưới tán rừng. Tuy nhiên, các báo cáo từ nhiều quốc gia châu EU cho thấy Quy định này sẽ gây tổn hại cho chính nông dân châu Âu.
EUDR được coi là công cụ để chống biến đổi khí hậu và bảo vệ đa dạng sinh học. Các nhà lãnh đạo châu Âu cho rằng, khu vực này gián tiếp phá rừng nếu sử dụng các sản phẩm có nguồn gốc từ phá rừng và gây suy thoái rừng, như chăn nuôi gia súc, ca cao, cà phê, đậu nành, gỗ… Quy định được áp dụng cho hàng hóa của tất cả các nước, không có ngoại lệ. Nông dân châu Âu cũng phải tuân thủ EUDR nếu muốn sản phẩm của mình đủ tiêu chuẩn tiêu thụ và xuất khẩu.
Tại cuộc họp cấp Bộ trưởng vừa qua ở Brussels (Bỉ), Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp Áo Norbert Totschnig đưa ra tuyên bố chung của các quốc gia châu Âu, kêu gọi Ủy ban Châu Âu (EC) tạm thời đình chỉ thời hạn EUDR có hiệu lực. 20 Bộ trưởng Nông nghiệp đã ủng hộ lời kêu gọi của Cộng hòa Áo về việc sửa đổi Quy định chống phá rừng của EU.
Theo văn bản chung của một số quốc gia EU, nhiều nông dân khu vực này khó chuyển đổi sinh kế nhằm thích ứng với EUDR. Thêm nữa, hệ thống thông tin truy xuất nguồn gốc của các nước châu Âu cũng chưa hoàn chỉnh.
Vẫn chưa có thông tin từ người phát ngôn của Ủy ban Châu Âu về khả năng sửa đổi Quy định này. Gần đây, các cuộc biểu tình rầm rộ và căng thẳng của nông dân khắp châu Âu đã buộc các nhà lãnh đạo EU phải dỡ bỏ nhiều biện pháp bảo vệ môi trường.