| Hotline: 0983.970.780

EUDR - Cơ hội và thách thức cho ngành công nghiệp chế biến gỗ

Thứ Sáu 22/12/2023 , 14:33 (GMT+7)

Chứng chỉ rừng VFCS/PEFC mở ra cơ hội cho chủ rừng, doanh nghiệp đáp ứng yêu cầu sản xuất hàng hóa không gây mất rừng EUDR.

EUDR là câu trả lời cho bài toán giữ rừng của Việt Nam. Ảnh: Việt Khánh. 

EUDR là câu trả lời cho bài toán giữ rừng của Việt Nam. Ảnh: Việt Khánh. 

Ngày 20/12 tại Nghệ An đã diễn ra Hội thảo “Sản xuất hàng hóa không gây mất rừng theo quy định EUDR – Cơ hội và thách thức”, nhằm đánh giá cơ hội và thách thức cho người trồng rừng, ngành công nghiệp chế biến gỗ và SPG, từ đó đề ra những giải pháp thích hợp cho tỉnh Nghệ An và các tỉnh lân cận.

Hội thảo do Văn phòng Chứng chỉ quản lý rừng bền vững phối hợp với Sở NN-PTNT Nghệ An tổ chức.

Theo Cục Lâm nghiệp, quy định sản xuất không gây mất rừng (EUDR) được ban hành nhằm cấm các sản phẩm và hàng hóa gây mất rừng, suy thoái rừng và không tuân thủ pháp luật của quốc gia khai thác xuất khẩu để nhập khẩu, hoặc xuất khẩu từ thị trường Liên minh châu Âu (EU).

EUDR có hiệu lực từ ngày 29/6/2023, thời điểm áp dụng từ tháng 12/2024 đối với các doanh nghiệp xuất, nhập khẩu của EU, đáng chú y các doanh nghiệp nhỏ sẽ áp dụng từ tháng 6/2025.

Theo yêu cầu của EUDR, ngành công nghiệp chế biến xuất khẩu gỗ và SPG của Việt Nam sang EU có nhiều cơ hội để “cất cánh”.

Lợi thế trước tiên là sự đồng bộ, hoàn thiện, đầy đủ của hệ thống pháp luật (Nghị định 102/2020/NĐ-CP, Thông tư 26/2022/TT-BNNPTNT về quản lý và truy xuất nguồn gốc lâm sản…), Việt Nam đã ký Hiệp định VPA/FLEGT với EU (có hiệu lực từ 1/6/2019), thỏa thuận khai thác và thương mại gỗ bất hợp pháp với Hoa Kỳ (có hiệu lực từ 31/10/2021). Nhìn chung, hoàn toàn đảm bảo về tính hợp pháp của gỗ, đồng nghĩa nhiều cơ hội được xếp vào nhóm quốc gia có rủi ro thấp.

Kế đó là lợi thế từ chủ trương “đóng cửa rừng”, Việt Nam đã cấm khai thác gỗ rừng tự nhiên từ năm 2014, nguồn nguyên liệu hiện tại chủ yếu từ rừng trồng trong nước, điều này vừa đảm bảo giá thành đầu vào, đồng thời hạn chế được tối đa thủ tục liên quan.

Ngành công nghiệp chế biến xuất khẩu gỗ và SPG của Việt Nam có nhiều lợi thế khi áp dụng  EUDR. Ảnh: Việt Khánh.

Ngành công nghiệp chế biến xuất khẩu gỗ và SPG của Việt Nam có nhiều lợi thế khi áp dụng  EUDR. Ảnh: Việt Khánh.

Các chuyên gia nhận định, việc tuân thủ EUDR đồng nghĩa phải công khai, minh bạch nguồn gốc nguyên liệu, từ đó tăng sức cạnh tranh, thúc đẩy thị trường xuất khẩu cho các sản phẩm gỗ của Việt Nam ở những đích đến quan trọng như Hoa Kỳ, Nhật Bản, Hàn Quốc.

Thông qua EUDR, Việt Nam có cơ hội huy động, nhận được sự hỗ trợ về kỹ thuật và tài chính của EU và các quốc gia thành viên, cụ thể: Cải thiện chính sách và thể chế quản lý rừng, chế biến và thương mại lâm sản, nâng cao năng lực cho các cơ quan quản lý Nhà nước, doanh nghiệp và các hộ trồng rừng.

Ở chiều hướng khác, EU hiện là một trong những thị trường xuất khẩu nông – lâm – thủy sản lớn của nước ta, bên cạnh cà phê, hạt điều, cao su thì gỗ và sản phẩm gỗ là những mặt hàng chủ lực. Nếu áp dụng EUDR nhiều mặt hàng sẽ nằm trong danh sách phải điều chỉnh để kịp thời thích ứng.

Không chỉ có thế, ngành chế biến và xuất khẩu gỗ của Việt Nam sẽ đối mặt với hàng loạt khó khăn, thách thức sau: Phạm vi điều chỉnh rộng, cơ bản gồm toàn bộ các loại gỗ nguyên liệu; EU chưa có hướng dẫn cụ thể về yêu cầu, giám sát và công cụ giám sát để thực hiện đối với sản phẩm hàng hóa từ quốc gia xuất khẩu; gỗ và sản phẩm gỗ của Việt Nam xuất sang EU có khoảng 50% từ nguồn nhập khẩu, do đó cần xác định chỉ dẫn địa lý của nguồn gỗ…

Xoay quanh EUDR, Bộ NN-PTNT được giao chủ trì, phối hợp với Bộ Công thương va các cơ quan liên quan xây dựng kế hoạch hành động.

Trên tinh thần đó, Bộ NN-PTNT đã ban hành công văn thực hiện gửi đến các đơn vị liên quan. Ngày 29/6/2023 Bộ tổ chức lễ ký kết Bản ghi nhớ với Sở NN-PTNT của 5 tỉnh Tây Nguyên (Đắk Lắk, Đắk Nông, Gia Lai, Kon Tum, Lâm Đồng), Hiệp hội ngành hàng và các đối tác quốc tế nhằm phối hợp thực hiện, hỗ trợ xây dựng các vùng sản xuất bền vững.

Nhằm tháo gỡ nút thắt nhiều giải pháp đã được nêu ra, trọng tâm là xác định chỉ dẫn địa lý của mở rộng phạm vi được cấp chứng chỉ rừng bền vững, đây là những ưu tiên đặc biệt quan trọng của ngành lâm nghiệp.

Trên thực tế, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án Quản lý rừng bền vững và Chiến lược phát triển lâm nghiệp Việt Nam giai đoạn 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050, đặt ra mục tiêu có 1 triệu ha rừng được cấp chứng chỉ vào năm 2030.

Hệ thống Chứng chỉ rừng quốc gia (Vietnam Forest Certification Scheme - VFCS) được thiết lập trên cơ sở Quyết định số 1288/QĐ-TTg ngày 1/10/2018 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án Quản lý rừng bền vững và chứng chỉ rừng. Giai đoạn 2019-2021, Tổng cục Lâm nghiệp đóng vai trò là Cơ quan chứng chỉ rừng quốc gia (NGB) và Văn phòng Chứng chỉ quản lý rừng bền vững (VFCO) thuộc Tổng cục Lâm nghiệp.

Ngành gỗ Việt Nam cần nhiều diện tích được cấp chỉ rừng hơn nữa. Ảnh: Việt Khánh.

Ngành gỗ Việt Nam cần nhiều diện tích được cấp chỉ rừng hơn nữa. Ảnh: Việt Khánh.

Trong giai đoạn này, Việt Nam đã trở thành thành viên thứ 50 của Chương trình chứng nhận chứng chỉ rừng quốc tế (PEFC) ngày 30/5/2019 và VFCS chính thức được PEFC chứng thực ngày 29/10/2020. Tháng 10/2021, vai trò NGB được giao cho Viện Khoa học Lâm nghiệp Việt Nam (VAFS) và VFCO được chuyển giao về trực thuộc Viện theo các Quyết định số 3924/QĐ-BNN-TCCB và Quyết định số 3925/QĐ-BNN-TCCB ngày 4/10/2021 của Bộ NN-PTNT.

Ghi nhận đến tháng 12/2023, qua 4 năm áp dụng có gần 160.000 ha rừng được cấp chứng nhận QLBVR theo hệ thống chứng chỉ rừng VFCS/PEFC, chiếm 37% tổng diện tích được cấp trên cả nước. Qua phân loại có 30 chứng chỉ được cấp trên địa bàn 19 tỉnh, bao gồm 20 chủ rừng tổ chức và 10 nhóm hộ gia đình…

Tại hội thảo, ông Ngô Sỹ Hoài, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội gỗ và lâm sản Việt Nam khẳng định cần tổ chức triển khai cấp chứng chỉ rừng theo hệ thống chứng chỉ rừng quốc gia, đã được Bộ NN-PTNT xây dựng bài bản, được tổ chức PEFC chứng thực.

Quy định EUDR hướng đến mục tiêu không làm mất rừng, suy thoái rừng sau năm 2020; sản xuất theo quy định của nước sở tại (phải tuân thủ quy định của pháp luật Việt Nam về đất đai, bảo vệ môi trường, bảo vệ rừng, tôn trọng quyền của cộng đồng, quyền của người lao động, tuân thủ quy định về thuế, phí…)

Việc thúc đẩy QLRBV và chứng chỉ rừng là giải pháp khả thi để thích ứng với quy định EUDR. Giai đoạn tới Văn phòng chứng chỉ rừng sẽ xây dựng các hướng dẫn cho chủ rừng, doanh nghiệp để đáp ứng yêu cầu EUDR. Đây là cơ hội lớn cho các doanh nghiệp Việt Nam sớm đáp ứng yêu cầu EUDR và thâm nhập tốt hơn vào thị trường EU.

Xem thêm
Ngành gỗ Bình Định đặt mục tiêu đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD

Cục Hải quan Bình Định vừa đối thoại với Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Bình Định về những vấn đề liên quan đến thủ tục hải quan khi tham gia xuất nhập khẩu.

Gia Lai trải ‘thảm đỏ’ cho các dự án đầu tư trồng rừng

Với mục tiêu đến năm 2030, tỷ lệ che phủ rừng đạt 49,2%, tỉnh Gia Lai đang chủ trương trải 'thảm đỏ' đối với các dự án đầu tư vào lĩnh vực trồng rừng.

Phú Yên ứng dụng công nghệ quản lý, bảo vệ rừng

Chi cục Kiểm lâm tỉnh Phú Yên đang ứng dụng những giải pháp công nghệ nhằm giúp cán bộ, nhân viên trong ngành hoàn thành nhiệm vụ.

Đặc sắc lễ cúng thần rừng của người Mông Nà Hẩu

Lễ cúng thần rừng là nghi lễ độc đáo được người Mông ở xã Nà Hẩu tổ chức vào ngày cuối cùng của tháng Giêng hàng năm.