| Hotline: 0983.970.780

241 triệu liều vacxin Covid-19 có nguy cơ đổ bỏ

Thứ Tư 22/09/2021 , 13:46 (GMT+7)

Thống kê từ các cơ quan, tổ chức trung lập cho thấy có tình trạng mất cân đối nghiêm trọng về nguồn cung lẫn cơ hội tiếp cận vacxin giữa các quốc gia.

Xếp hàng tiêm vacxin ở Ấn Độ. Ảnh: Getty Images.

Xếp hàng tiêm vacxin ở Ấn Độ. Ảnh: Getty Images.

70% dân số được tiêm vacxin là mục tiêu an toàn để đạt miễn dịch cộng đồng, nhưng thực tế thì nhiều nước giàu hoặc tiêm đủ hoặc mời gọi nhưng người dân không tiêm, trong khi nhiều nước nghèo vẫn chật vật không kiếm đủ nguồn chỉ để tiêm chí ít 1 mũi.

Mất cân đối trầm trọng

Thống kê từ các cơ quan, tổ chức trung lập cho thấy có tình trạng mất cân đối nghiêm trọng về nguồn cung lẫn cơ hội tiếp cận vacxin giữa các quốc gia. Đến nay, còn có khoảng hơn một nửa số nước, vùng lãnh thổ chưa thể tiêm dù là mũi 1 vacxin phòng Covid-19 cho người dân.

Số liệu của Tổ chức Giám sát nhân quyền còn kinh khủng hơn, khi khoảng 75% lượng cung vacxin Covid-19 đang nằm trong tay 10 quốc gia phát triển.

Tổ chức Tình báo kinh tế (EIU) thì cho biết, một nửa lượng vacxin đã xuất xưởng toàn cầu được thu gom dành cho 15% dân số thế giới, đồng thời các nước giàu nhất đang sở hữu lượng vacxin cao gấp 100 lần các nước nghèo nhất.

Hồi tháng 6/2021, thành viên các nước G7 gồm Canada, Pháp, Đức, Italy, Nhật Bản, Anh và Mỹ cam kết viện trợ phi điều kiện 1 tỷ liều vacxin cho các nước nghèo trong vòng 1 năm.

“Nhìn con số đó không khỏi khiến tôi bật cười”, Agathe Demarais - tác giả chính báo cáo về tình trạng vacxin toàn cầu của EIU thổ lộ. “Tôi đã phải nhìn đi nhìn lại con số, bởi tôi biết rằng điều đó khó hoặc không bao giờ diễn ra”.

Nước Anh hứa hẹn đóng góp 100 triệu liều và đến giờ mới chỉ có tầm 9 triệu liều được gửi đi. Tổng thống Mỹ Joe Biden cam kết 580 triệu liều thì giờ quốc gia dẫn đầu sáng kiến mới đóng góp 140 triệu liều. EU hứa hẹn cung cấp 250 triệu liều nay đã được vỏn vẹn 8%.

Iran là một quốc gia có thu nhập trung bình như đa số các quốc gia khác. Họ mua vacxin thông qua chương trình Covax - một kênh toàn cầu được Tổ chức Y tế thế giới hậu thuẫn, dùng cơ chế thu mua vacxin từ tất cả các nguồn, sau đó bán lại với giá thấp cho các nước có thu nhập trung bình hoặc viện trợ cho các nước nghèo.

Nhưng Covax dù có cái “mác” Liên hợp quốc cũng đang chật vật tìm nguồn cung cấp. Chương trình đặt mục tiêu phân phối 2 tỷ liều vacxin trong năm 2021, dựa chủ yếu vào nguồn cung cấp từ Ấn Độ. Tuy nhiên, từ khi Ấn Độ hứng làn sóng dịch thứ hai khiến nước này lao đao vì nhiễm nhanh - chết nhiều thì việc xuất khẩu chấm dứt và đến nay chưa được nối lại.

Covax chuyển sang tìm kiếm nguồn cung từ các nước giàu, chủ yếu là viện trợ. Tuy nhiên, viện trợ thì bao giờ cũng có hạn nên đến nay nhiều nước dựa nhiều vào Covax để tiếp cận vacxin mới tiêm chủng được cho chưa đầy 2% dân số.

Nguy cơ lãng phí

Một hiện trạng đã được nhận ra nhưng chưa có cách khắc phục là số vacxin chuyển qua Covax ngay từ đầu vào số lượng đã ít lại thường bất chợt. Điều đó khiến cho vacxin đến được với “điểm trung chuyển Covax” còn quá ít hạn sử dụng, đặt ra thách thức hậu cần lớn, theo đánh giá của Aurélia Nguyen - Giám đốc điều hành Covax.

Tuy vậy, nguồn cung không phải là vấn đề nhức nhối duy nhất. Các nước giàu đã tích trữ được một lượng vacxin dư thừa so với nhu cầu rất lớn, báo cáo của Airfinity - một công ty phân tích dữ liệu khoa học y tế toàn cầu chỉ ra. Công suất sản xuất vacxin toàn cầu hiện ở mức 1,5 tỷ liều mỗi tháng, và đến cuối năm 2021 thế giới có khoảng 11 tỷ liều.

Nhưng theo tiến sĩ Matt Linley - nghiên cứu viên trưởng của Airfinity, các nước giàu hiện có sẵn 1,2 tỷ liều dôi ra so với nhu cầu kể cả khi họ tính đến mũi tăng cường. Khoảng 1/5 số lượng vacxin này, tức 241 triệu liều như tính toán của tiến sĩ Linley khả năng sẽ bị bỏ phí do hết hạn nếu chúng không được viện trợ sớm. Do điều kiện chung vận chuyển, bảo quản, phân phối tại các nước nghèo, nếu vacxin không được tiếp nhận tối thiểu 2 tháng trước khi hết hạn thì có được trao tận tay cũng như không.

“Nghĩ mãi tôi cũng không tìm ra lý do biện giải cho sự tham lam đó của các nước giàu có, họ cứ dùng tiềm lực để tích trữ mà không tính đến hết giá trị của vacxin ở thời điểm này”, tiến sĩ Linley nói.

Agathe Demarais cho rằng các nước giàu đang cố tình lờ đi các phân tích như của Airfinity chỉ vì lý do chính trị trong nước. “Cử tri sẽ chẳng vui nếu vacxin được trao đi khi mà tâm lý phòng bị trước dịch bệnh vẫn còn, họ (các chính phủ) cũng chẳng thích bị soi mói (về nguồn tích trữ vacxin)”.

Giám đốc điều hành Aurélia Nguyen cho rằng, không chỉ các nước giàu cần có trách nhiệm với Covax mà các nhà sản xuất vacxin cũng nên hành động. “Nước giàu nên xếp hàng và Covax cần được ưu tiên lên trên hết”, bà nói. “Không có lý gì khi mà công suất toàn cầu là 1,5 tỷ liều mà có quá ít đến được với các nước nghèo”.

Xem thêm
Tìm thấy virus dịch tả lợn châu Phi trong xác lợn rừng

Thủ phạm virus gây dịch tả lợn châu Phi (ASF) đã được phát hiện trong xác một con lợn rừng vừa được tìm thấy ở phía tây bắc Singapore.

Israel tấn công trả đũa nhắm vào các mục tiêu quân sự của Iran

Lực lượng Phòng vệ Israel (IDF) sáng 26/10 tuyên bố đã tiến hành ‘các cuộc tấn công chính xác vào các mục tiêu quân sự’ ở Iran.

Tổng thống Putin xác nhận việc sản xuất hàng loạt tên lửa Oreshnik mới

Tổng thống Nga Vladimir Putin hôm 22/11 xác nhận quyết định cho phép bắt đầu sản xuất hàng loạt hệ thống tên lửa siêu vượt âm Oreshnik mới.

Nga: Cây cầu 60 tấn bị trộm đem bán phế liệu

Cảnh sát Nga đang điều tra vụ trộm một cây cầu đường sắt khổng lồ ở phía tây đất nước dường như đã được bán phế liệu với giá chỉ hơn 15.000 USD.