| Hotline: 0983.970.780

3.000 ha lúa ở Gò Công Đông có nguy cơ mất trắng vì hạn mặn

Thứ Sáu 06/03/2020 , 08:32 (GMT+7)

Toàn huyện Gò Công Đông (Tiền Giang) có khoảng 3.000 ha lúa ở giai đoạn làm đòng đến trổ trước nguy cơ mất trắng do khô hạn.

Những ngày này, những cánh đồng phía đông của tỉnh đã cạn kiệt nguồn nước ngọt. Nhiều diện tích lúa đến giai đoạn ngậm sữa và đòng trổ thì đất nứt nẻ chân chim. Hàng nghìn ha lúa đứng trước nguy cơ “chết trắng” do hạn mặn. Trong đó, tại huyện Gò Công Đông, địa phương ven biển của tỉnh Tiền Giang rơi vào tình cảnh khó khăn nhất, hạn mặn đang diễn ra khốc liệt.

Cánh đồng lúa ngả màu vàng do khô hạn. Ảnh: Minh Đảm

Cánh đồng lúa ngả màu vàng do khô hạn. Ảnh: Minh Đảm

Hiện nay, nhiều ruộng lúa ở huyện Gò Công Đông đã ngả vàng. Tuy nhiên, đây không phải màu vàng của lúa chín mà là màu vàng úa do lúa thiếu nước ngọt. Ông Cao Văn Hăng, nông dân ấp Hội, xã Tân Điền cho biết, ruộng lúa của gia đình ông dù gieo sạ đúng lịch thời vụ nhưng hiện nay không còn nước ngọt để bơm tác. Lúa đang trổ lẹt xẹt nhưng có nguy cơ chết trắng vào vài ngày tới. Nhìn thửa ruộng đang héo úa, ông Hăng bất lực nói:

“Lúa bây hết nước thất thu rồi, không có ăn rồi. Lúa mới trổ 1-2 bông mà bây giờ hết nước thì sao mà chín được, đất khô hết. Bây giờ chờ trời mưa, có nước mới bơm được không nước là thua. Bây giờ nếu lúa có chín thì cũng lép, lúa héo lá vàng. Khoảng 10-20 ngày nữa lúa chết”.

Toàn hệ thống kênh trục chính, kênh sườn ở huyện Gò Công Đông đã cạn đáy vì nguồn nước ngọt tiếp tế từ cống Xuân Hòa (huyện Chợ Gạo) đã cắt từ tháng trước. Một số tuyến kênh mương dù còn lượng nước hiếm hoi nhưng ô nhiễm nặng nên cũng không thể  cung ứng cho cây lúa. Vụ đông xuân 2019-2020, nông dân huyện Gò Công Đông gieo sạ trên 10.000 ha lúa. 

Đến thời điểm này, chỉ có khoảng 700 ha đã thu hoạch, 3.000 ha lúa đã chín; gần 3.000 ha lúa từ làm đòng đến trổ đều cần từ 10-20 ngày có nước ngọt. Giai đoạn làm đòng, trổ đều là giai đoạn là diện tích lúa được xác định có nguy cơ thiệt hại 100% do hết nước ngọt. Ngoài ra, huyện Gò Công Đông còn có  gần 4.000 ha lúa chín sáp (mới chín) cần từ 5-10 ngày nước, có nguy cơ giảm năng suất từ  50-60%.

Lúa đang trong giai đoạn trổ đều đang khát, nguy cơ thiệt hại nặng. Ảnh: Minh Đảm

Lúa đang trong giai đoạn trổ đều đang khát, nguy cơ thiệt hại nặng. Ảnh: Minh Đảm

Ở các xã có diện tích lúa xanh đang thiếu nước ngọt nhiều nhất là: Kiểng Phước, Bình Ân,  Tân Thành, Tăng Hòa, Tây Tây, Bình Nghị…  Nhiều nông dân huyện Gò Công Đông gieo sạ trễ lịch thời vụ, đến nay, lúa chưa ngậm đồng mà hết nước nên đành cắt làm thức ăn cho gia súc. Ông Lê Văn Minh, Chủ tịch UBND xã Phước Trung chia sẻ:

“Hiện nay, lúa thì số trổ chiếm đại đa số, còn lại khoảng 120 ha lúa đang chuẩn bị làm đòng. Số diện tích này gặp khó khăn đang bị cháy lá do thiếu nước. Cái này chưa lường trước được, nó chết dần dần. Có một số diện tích chưa làm đòng người dân cắt cho bò ăn luôn”.

Ở thời điểm này do kênh mương đã cạn nguồn nước ngọt nên chính quyền và nông dân địa phương không còn giải pháp cứu nguy cho cây lúa. Một số nông dân còn dùng bình phun xịt nước cho mát lúa nhưng cũng không thể “chống” lại cái nắng gay gắt vùng ven biển. Tại nhiều khu vực ven đê biển Gò Công như: Tân Thành, Tân Điền, Kiểng Phước… đất còn thẩm thấu nước mặn từ biển vào kênh mương nội đồng với độ mặn trên 5‰ không thể bơm lên ruộng lúa.

Ông Nguyễn Quốc Minh, Phó Chủ tịch UBND xã Tân Thành, huyện Gò Công Đông nói: “Tại xã Tân Thành nước nhiễm mặn ảnh hưởng lớn đến sản xuất. Trên tất cả những tuyến kênh kể cả kênh trục kênh sườn độ mặn 5‰. Có khoảng 80% diện tích lúa ở xã sẽ bị thất mùa do hạn mặn đến sớm. Nước dưới kênh đã khô cạn và nhiễm mặn không thể bơm lên phục vụ sản xuất”.

Đa số bà con nông dân huyện Gò Công Đông chỉ mong trời đổ vài cơn mưa to thì mới có thể làm cho cánh đồng lúa hồi sinh, giảm thiệt hại do khô hạn.

Xem thêm
Một con bò có thể tạo ra 2 tỷ điểm dữ liệu trong suốt cuộc đời

Theo các chuyên gia ngành chăn nuôi Mỹ, ứng dụng công nghệ gen đóng vai trò quan trọng trong nhân giống bò sữa, giúp tối đa hóa tiến bộ di truyền.

Truy tố những trường hợp để chó, mèo gây hậu quả nghiêm trọng

Đắk Lắk sẽ điều tra, truy tố, xử lý nghiêm những trường hợp không tuân thủ quy định trong việc nuôi, quản lý chó, mèo để xảy ra hậu quả nghiêm trọng.

Đốt rơm rạ là... đốt tiền

ĐỒNG THÁP Chưa khi nào nông dân thấy giá trị của rơm rạ như bây giờ, thu hoạch xong không đốt bỏ mà bán cho hợp tác xã, xử lý thành các sản phẩm đa dụng...

Bình luận mới nhất

Nông nghiệp tuần hoàn: Làm sao để tiết kiệm nguồn phụ phẩm thừa từ chế biến thủy sản? Trả lời: Ủ vi sinh để tận dụng, tiết kiệm phụ phẩm thừa từ quá trình chế biến thủy hải sản để tạo ra sản phẩm dành cho cây trồng. Ví dụ như các sản phẩm Đạm cá vi sinh, Đạm trứng vi sinh… Tình hình kinh thế thế giới nói chung hiện nay, Việt Nam nói riêng, thì nhu cầu về lương thực, cụ thể là ngành nông nghiệp đang rất thiết yếu và sáng sủa so với những ngành khác, vì vậy sản phẩm dành cho cây trồng, nhất là hữu cơ và sinh học được Nhà nước ủng hộ, cũng tốt cho môi trường nói chung. Còn khó khăn về pháp lý là việc sản xuất và lưu hành sản phẩm, như phân bón hoặc thuốc bảo vệ thực vật cho cây trồng thì yêu cầu các loại giấy phép nhiều như: Giấy phép môi trường, phòng cháy chữa cháy, chứng nhận ISO… Tuy nhiên, với dòng sản phẩm Chế phẩm vi sinh vật, điều kiện dễ dàng hơn, theo Tiêu chuẩn Việt Nam 6168:2002 –Chế phẩm vi sinh vật phân giải xenlulozo dành cho cây trồng. Doanh nghiệp hoặc hợp tác xã chỉ cần sản xuất đúng thực tế là đã có thể sản xuất và lưu hành sản phẩm được. Đây là 1 hướng mở để tận dụng được nguồn phụ phẩm trong ngành Chế biến thủy sản mà một số công ty đã và đang áp dụng vào thực tế. Minh Khang: 0967.292.160
+ xem thêm