Ruộng đồng khô khát
Chưa năm nào huyện miền núi A Lưới lại rơi vào tình trạng khô hạn, thiếu nước như thời điểm này. Vốn đã khó khăn về nguồn nước, thì nay càng diễn ra trầm trọng hơn; mực nước ở các con sông, khe suối thấp gần như cạn kiệt, tầng nước ngầm nơi đây cũng bị sụt giảm. Tình trạng này đang đe dọa hàng trăm ha lúa vụ đông xuân bà con nơi đây.
Nhìn ruộng lúa hơn 2 sào nứt nẻ, khô cháy gần hết, ông Hồ Xuân Đạt, trú tại thôn A Niêng - Lê Triêng 1, xã Trung Sơn buồn bã cho biết: Đầu năm thời tiết mưa lạnh nên bà con đã tiến hành gieo, cấy vụ đông xuân. Tuy nhiên, sau khi người dân gieo sạ lúa xong đã xảy tình hình hạn hán liên tục kéo dài suốt thời gian qua.
“Lúa từ khi gieo, cấy đến nay mới tưới được mấy lần trời mưa, trong khi đó, nước ở con suối suối Ta Ring bà con hay dùng tưới tiêu gần khu vực ruộng cũng rơi vào tình trạng khô cạn. Khoảng tuần nữa không có mưa thì coi như mất trắng”, ông Đạt lo lắng.
Theo thống kê của UBND xã Trung Sơn, hiện có khoảng 12 ha lúa vụ đông xuân của bà con ở xã bị thiếu nước tưới, hư hại. Trong đó, tập trung nhiều ở thôn A Niêng - Lê Triêng 1, Đụt - Lê Triêng 2. Nhằm chống “khát” cho lúa, xã Trung Sơn đã vận động người dân vét mượng khơi thông các nguồn nước từ khe, suối lấy nước cứu lúa. Đối với những diện tích không thể cứu vãn, vận động người dân chuyển sang trồng hoa màu như ngô, đậu, sắn.
“Do những diện tích này là đất chuyên canh cây lúa lâu nay, giờ vận động bà con chuyển đổi sang trồng cây khác cũng gặp nhiều khó khăn. Để khuyến khích người dân mạnh dạn chuyển đổi, xã có những chính sách hỗ trợ giống, tập huấn chuyển giao kiến thức canh tác, sản xuất mới cho bà con”, ông Lê Văn Khuých, Chủ tịch UBND xã Hồng Trung cho hay.
Không chỉ xã Trung Sơn mà hơn 300ha lúa đông xuân ở huyện A Lưới tập trung ở các xã A Ngo, Sơn Thuỷ, Trung Sơn, Quảng Nhâm, Phú Vinh, Lâm Đớt và thị trấn A Lưới cũng đang bị khô hạn. Trước đó, năm 2019, huyện A Lưới cũng đã mất khoảng 70ha lúa nước do hạn hán kéo dài.
Chuyển đổi cây trồng
Theo ông Văn Lập, Trưởng phòng NN-PTNT A Lưới, ngành nông nghiệp huyện đã thực hiện nhiều phương án phòng, chống hạn sản xuất nông nghiệp năm 2020, như sử dụng các máy bơm dầu lưu động, tận dụng các hồ, suối để chủ động bơm tưới tiêu cho lúa khi cần thiết như: đầu tư nâng cấp, sửa chữa nhỏ các công trình thuỷ lợi hư hỏng, xuống cấp; kiên quyết và vận động người dân chuyển đổi cây trồng.
Đặc biệt, việc chỉ đạo quyết liệt chuyển đổi cây trồng, đó cũng là biện pháp cách hiệu quả nhất trong việc ứng phó với biến đổi khí hậu. Một số xã như Sơn Thủy, Trung Sơn… đã thực hiện việc chuyển đổi này và đây cũng là mô hình để những xã các vùng trọng điểm khô hạn làm theo.
Cũng theo ông Lập, trước đó huyện A Lưới đã thực hiện nhiều mô hình chuyển đổi từ trồng lúa sang trồng các cây lương thực, hoa màu đem lại hiệu quả kinh tế cao, như: Trồng chuối già lùn, trồng hoa, rau sạch trong nhà kính, nhà lưới.
Vụ đông xuân 2019 - 2020, tỉnh Thừa Thiên- Huế gieo cấy hơn 28 ngàn ha lúa và 3.591 ha rau các loại. Trước tình hình hạn hán kéo dài, dự kiến sẽ có hơn 2 ngàn ha lúa ở địa phương này bị khô hạn, tỉnh đã thực hiện những giải pháp để ứng phó với BĐKH như khuyến khích người dân chuyển đổi cây trồng.
Ông Nguyễn Mạnh Hùng, Chủ tịch UBND huyện A Lưới cho biết, trước tác động của việc biến đổi khí hậu, tình hình khô hạn kéo dài trên diện rộng khiến nguồn nước sông, suối và các hồ chứa ở địa phương giảm mạnh. Hiện, huyện A Lưới có 86 công trình thuỷ lợi, phần lớn là công trình tạm, bán kiên cố, nhiều trong số đó được đầu tư xây dựng đã khá lâu, nay đã xuống cấp, hư hỏng.
Huyện A Lưới đã đề nghị chủ đầu tư các công trình thuỷ lợi đang thi công, chọn phương án thi công tối ưu nhất để không làm ảnh hưởng đến nước tưới tiêu. đẩy nhanh thi những công trình như: Trạm bơm điện A Ngo, Điền Sơn (xã Sơn Thuỷ), Pa Lanh (Trung Sơn) để kịp hoàn lấy nước phục vụ sản xuất. Cùng đó, huyện sẽ đầu tư xây dựng các hồ chứa lớn và kiên cố hoá các công trình thuỷ lợi theo quy hoạch đã được phê duyệt.
Trước tình hình thời tiết diễn ra phức tạp, huyện A Lưới đã chỉ đạo các địa phương, đơn vị cần chủ động hơn nữa trong quá trình triển khai thực hiện các giải pháp theo phương châm “4 tại chỗ”. Căn cứ vào điều kiện thổ nhưỡng, tập quán canh tác của người dân để có giải pháp cụ thể, lâu dài trong việc chống hạn.
Đồng thời, chỉ đạo ngành nông nghiệp huyện cần quan tâm xây dựng các mô hình nông nghiệp hữu cơ, VietGAP, xây dựng các chuỗi cung ứng thực phẩm nhằm nâng cao chất lượng nông sản, đảm bảo sản xuất an toàn, bền vững.