| Hotline: 0983.970.780

32 quốc gia tham gia Triển lãm về chăn nuôi, thủy sản, chế biến, sữa, thịt

Thứ Tư 29/05/2024 , 15:38 (GMT+7)

Triển lãm Quốc tế về chăn nuôi, sản xuất sữa, chế biến thịt và nuôi trồng thủy sản 2024 (ILDEX Vietnam) thu hút sự tham gia của 230 đơn vị từ 32 quốc gia.

Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Phùng Đức Tiến phát biểu khai mạc Triển lãm ILDEX Vietnam 2024. Ảnh: Nguyễn Thủy.

Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Phùng Đức Tiến phát biểu khai mạc Triển lãm ILDEX Vietnam 2024. Ảnh: Nguyễn Thủy.

Ngành chăn nuôi đóng góp trên 26% vào GDP nông nghiệp

Triển lãm Quốc tế lần thứ 9 về chăn nuôi, sản xuất sữa, chế biến thịt và nuôi trồng thủy sản 2024 (ILDEX Vietnam) với chủ đề “Chăn nuôi sạch - Nông nghiệp xanh - Lợi ích bền vững” chính thức khai mạc tại Trung tâm Hội chợ và Triển lãm Sài Gòn, ngày 29/5. Sự kiện diễn ra đến ngày 31/5.

Phát biểu khai mạc triển lãm, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Phùng Đức Tiến cho biết, năm 2023, mặc dù thế giới đối mặt với những khó khăn, thách thức nhưng ngành nông nghiệp Việt Nam không những duy trì tăng trưởng mà còn đạt tốc độ tăng trưởng cao nhất trong nhiều năm gần đây.

So với năm 2022, tăng trưởng GDP toàn ngành nông nghiệp năm 2023 đạt 3,83%. Trong đó, tăng trưởng ngành chăn nuôi đạt 5,72%; đóng góp trên 26% vào GDP nông nghiệp.

Sản lượng thịt hơi các loại đạt 7,79 triệu tấn; sản lượng sữa tươi 1,17 triệu tấn; trứng 19,2 tỷ quả. Chăn nuôi lợn tiếp tục đứng thứ 5 thế giới về đầu con và thứ 6 về sản lượng; chăn nuôi gia cầm đứng Top đầu thế giới, trong đó đàn thủy cầm đứng thứ 2 thế giới; sản lượng TĂCN công nghiệp đứng đầu khu vực ASEAN.

Đối với thủy sản, năm 2023 đạt sản lượng 9,3 triệu tấn, tăng 2,3% so với cùng kỳ năm trước. 

Đối với ngành hàng sữa, có mức tăng trưởng về sản lượng sữa sản xuất luôn ở mức hai con số. Ngành hàng sữa Việt Nam dù đã vươn lên đứng thứ 11 các nước Châu Á về sản lượng sữa, đứng thứ 4 trong khu vực ASEAN nhưng sản xuất trong nước vẫn không đáp ứng đủ nhu cầu và hàng năm vẫn phải nhập khẩu một lượng lớn sữa và sản phẩm sữa phục vụ tiêu dùng trong nước. Tính riêng trong năm 2023, nước ta đã chi 1.170 triệu USD cho nhập khẩu sữa và sản phẩm từ sữa.

Thứ trưởng Phùng Đức Tiến tham quan các gian hàng tại Triển lãm ILDEX Vietnam 2024. Ảnh: Nguyễn Thủy.

Thứ trưởng Phùng Đức Tiến tham quan các gian hàng tại Triển lãm ILDEX Vietnam 2024. Ảnh: Nguyễn Thủy.

Theo Thứ trưởng Phùng Đức Tiến, có được những thành tựu đó là nhờ chính sách mở cửa, thu hút đầu tư trong và ngoài nước, qua đó giúp Việt Nam tiếp cận nhanh kỹ thuật, công nghệ và quản trị từ các nước phát triển.

Cùng với việc toàn ngành đã thống nhất từ nhận thức đến hành động, tổ chức thực hiện chuyển đổi mạnh từ “tư duy sản xuất” sang “tư duy kinh tế nông nghiệp”, từ phát triển đơn ngành sang hợp tác, phát triển đa ngành; thúc đẩy tích hợp đa giá trị trong sản phẩm nông lâm thủy sản; chuyển từ chuỗi cung ứng nông sản sang phát triển các chuỗi ngành hàng theo tinh thần Nghị quyết “Tam nông” và Chiến lược phát triển nông nghiệp, nông thôn bền vững.

Theo Thứ trưởng Phùng Đức Tiến, để ngành chăn nuôi phát triển bền vững, đem lại hiệu quả kinh tế cao hơn, cần tập trung quyết liệt giải quyết 3 điểm cốt lõi. Thứ nhất là quyết liệt với nhập khẩu, nhập lậu để bà con nông dân, doanh nghiệp tiếp tục mở rộng quy mô, nâng cao công nghệ. Thứ hai, rà soát lại hết nhập khẩu. Thứ ba, tập trung lực lượng thúc đẩy xuất khẩu, nhất là xuất khẩu trứng, sản phẩm chế biến, động vật và xây dựng vùng an toàn dịch bệnh.

Bên cạnh đó, sự hội nhập quốc tế trong lĩnh vực chăn nuôi, thủy sản là một yếu tố quan trọng góp phần nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và uy tín của ngành chăn nuôi và ngành thủy sản. 

Do đó, việc tạo ra môi trường thuận lợi để khuyến khích đầu tư, nghiên cứu, phát triển và chuyển giao công nghệ trong lĩnh vực chăn nuôi, thủy sản là rất cần thiết.

Để đạt được mục tiêu này, theo Thứ trưởng Phùng Đức Tiến, rất cần sự hợp tác chặt chẽ giữa các bên liên quan, giữa các cơ quan quản lý nhà nước, doanh nghiệp, nhà nghiên cứu, người nông dân và cộng đồng quốc tế.

Cập nhật tiến bộ khoa học kỹ thuật tiên tiến ngành chăn nuôi, thủy sản và sữa

Thứ trưởng Phùng Đức Tiến đánh giá, ILDEX Vietnam là cơ hội để cơ quan quản lý nhà nước, tổ chức đào tạo, nghiên cứu khoa học công nghệ, hiệp hội, doanh nghiệp và các chuyên gia… tiếp xúc, học hỏi, cập nhật và áp dụng những tiến bộ khoa học kỹ thuật tiên tiến của thế giới; trao đổi, thảo luận về thực trạng, thuận lợi, khó khăn, định hướng và giải pháp phát triển ngành chăn nuôi và thủy sản.

Ông Igor Palka, Giám đốc điều hành VNU Asia Pacific cho biết, ILDEX Vietnam 2024 thu hút 230 đơn vị đến từ 32 quốc gia. Trong đó, 85% diện tích triển lãm là các thương hiệu quốc tế đến từ Pháp, Hoa Kỳ, EU, Hà Lan và Thổ Nhĩ Kỳ, Brazil, Trung Quốc, Hàn Quốc...

Theo bà Wiraka Moodhitaporn, Tổng lãnh sự Thái Lan tại TP.HCM, đối với Thái Lan, thực phẩm và nông nghiệp là một trong 8 ngành mục tiêu đưa Thái Lan trở thành trung tâm công nghiệp toàn cầu. Trong khi đó, Việt Nam là quốc gia chủ chốt trên thị trường chăn nuôi toàn cầu, đứng thứ 1 ASEAN và thứ 6 thế giới về sản xuất thịt heo, với tổng sản lượng trên 2,7 triệu tấn vào năm 2023.

"Đây là cơ hội tuyệt vời để kết hợp thế mạnh của Thái Lan và Việt Nam trong ngành nông nghiệp và thực phẩm, phù hợp với chiến lược “Ba kết nối” do Thái Lan đề xuất nhằm củng cố nền kinh tế địa phương của cả hai nước thông qua hợp tác và cộng tác", bà Wiraka Moodhitaporn nói.

Nhiều máy móc thiết bị chuyên ngành trong nước và quốc tế được giới thiệu tại triển lãm. Ảnh: Nguyễn Thủy.

Nhiều máy móc thiết bị chuyên ngành trong nước và quốc tế được giới thiệu tại triển lãm. Ảnh: Nguyễn Thủy.

Trong khuôn khổ bên lề triển lãm, còn có 15 phiên Hội thảo chuyên đề với trên 2.000 người đã đăng ký tham dự nhằm kết nối giữa các nhà quản lý, các doanh nghiệp trong nước với doanh nghiệp quốc tế hợp tác, trao đổi về các vấn đề về quản lý chăn nuôi, dinh dưỡng, thức ăn, phòng trị bệnh; Giới thiệu các tiến bộ kỹ thuật mới, tiếp cận với các giải pháp toàn diện về chăn nuôi an toàn, bền vững; Chia sẻ các kinh nghiệm chăn nuôi an toàn đảm bảo phúc lợi động vật.

Xem thêm
Làng nghề làm khô cá đồng Tân Châu tất bật vào vụ Tết

An Giang Sản phẩm từ làng nghề làm khô cá đồng tại Tân Châu ngày càng được mở rộng kênh tiêu thụ thông qua thương mại điện tử, giúp nâng cao giá trị sản phẩm.

Tập đoàn Hóa chất Việt Nam cảnh báo lừa đảo tuyển dụng

Tập đoàn Hóa chất Việt Nam (Vinachem) đưa ra cảnh báo người dân về hiện tượng mạo danh Tập đoàn lừa đảo tuyển dụng nhân sự trên mạng xã hội.

Quỹ Vì Tầm Vóc Việt: Mục tiêu trở thành quỹ xã hội hàng đầu

Trong giai đoạn 2025-2034, Quỹ Vì Tầm Vóc Việt (VTVV) đặt mục tiêu dẫn đầu về chăm sóc sức khỏe học đường, bảo vệ trẻ em và phát triển phụ nữ.

Hà Nội sắp đưa vào sử dụng gần 6.000 căn nhà ở xã hội

Sở Xây dựng Hà Nội cho biết, gần 6.000 căn hộ tại 11 dự án nhà ở xã hội dự kiến sẽ hoàn thành và đưa vào sử dụng trong giai đoạn 2024 - 2025.