| Hotline: 0983.970.780

33 năm chuyện trò với đồng đội đã khuất ở nơi 'địa ngục trần gian'

Thứ Ba 07/02/2017 , 13:15 (GMT+7)

Côn Đảo, nơi từng có đến 113 năm là “địa ngục trần gian” của 2 đời đế quốc, nổi tiếng trong lịch sử loài người với hàng vạn người yêu nước đã vĩnh viễn nằm lại. 

Vẫn còn đó những chứng nhân, chứng tích về quá khứ hào hùng của dân tộc, nhưng vùng đất thiêng Côn Đảo hôm nay đã như một thiên đường. Những câu chuyện thú vị nơi biển xanh, cát trắng, nắng vàng trên đảo như muốn níu chân người ở lại.

Năm nay gần 80 tuổi, chân đã yếu, lưng đã còng nhưng mỗi chiều, khi hoàng hôn bắt đầu nhuộm tím rừng dương, bà lại bước thấp bước cao, vào nghĩa trang Hàng Dương thăm, trò chuyện với đồng đội. Hoặc đến nơi bà từng bị giam cầm, tra tấn. Bà là Nguyễn Thị Ni, nữ cựu tù Côn Đảo duy nhất trụ lại nơi bà từng trải qua những năm tháng khốc liệt nhất cuộc đời.

17-42-05_nh-1
Bà Ni hồi ức lại những tháng ngày bị giam cầm, tra tấn ở Côn Đảo
 

Ký ức về cô gái cứng đầu

Căn nhà nhỏ của vợ chồng bà Ni nằm trong con ngỏ nhỏ, yên tĩnh trên đường Nguyễn Chí Thanh, huyện Côn Đảo (tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu).

Khi tôi đến, bà Ni không có nhà. Chồng bà, ông Đỗ Nam Hoàn (tư Hoàn) đang ngồi trước cổng với cuốn sách dày trên tay, nghe tôi giới thiệu, ông bảo: “Bả đi thăm nhà cũ rồi. Đợi chút bả về giờ đó”. Tôi ngạc nhiên hỏi: “Cô chú còn nhà khác nữa ạ?”, thì ông cười to, đáp: “Làm gì có. Nhà cũ là Trại 2, trại Phú Hải. Chỗ hồi xưa bả bị giam đó. Chiều chiều nếu không mưa là bả lại lang thang vào nghĩa trang hay vào mấy khu trại tù cũ”. Tôi nghe vậy cũng gượng cười, nhưng trong lòng không khỏi trào dâng một cảm xúc lạ.

Theo chỉ dẫn của ông Tư Hoàn, tôi tìm ra khu di tích nhà tù Phú Hải, Côn Đảo, thấy bà Ni đang lặng lẽ rảo bước từ phòng giam này sang phòng khác. Ở tuổi 78, dấu thời gian hằn rõ trên từng bước chân chậm chạp của bà. Nghe tôi giới thiệu, bà Ni không tỏ ra ngạc nhiên mà hỏi: “Cháu đi có một mình thôi sao?”. Nói xong, không đợi tôi trả lời, bà tiếp: “Chân bà yếu lắm rồi, không biết còn ra đây, ra thăm các chị được bao lâu nữa”.

Sinh năm 1939, tại Tiền Giang, năm 17 tuổi, bà Ni tham gia cách mạng. Trong phong trào đồng khởi ở Bến Tre, Tiền Giang, bà là một trong những nòng cốt. Sau đó, bà trở thành chiến sĩ biệt động, hoạt động ở vùng Sài Gòn - Chợ Lớn. Khi đó, dù còn rất trẻ nhưng bà Ni đã nổi tiếng gan lỳ, cứng đầu, tham gia nhiều trận đánh lớn. Vì thế, bà trở thành một trong số những chiến sĩ biệt động thành bị truy lùng ráo riết nhất của địch hồi ấy.

Năm 1971, trong một trận càn lớn, bà bị bắt. Sau đó, bà lần lượt “tạm trú” nhiều trại giam như Chí Hòa, Thủ Đức (Sài Gòn), Tam Hiệp (Biên Hòa, Đồng Nai). Ở trong tù, tính cứng đầu, “thẳng như mực tàu” của bà khiến bà bị ghét, bị tra tấn nhiều hơn. Nhưng cũng chính vì thế mà bà đã khiến 1 tên lính ngụy tại trại giam Thủ Đức lay động. Anh lính này sau đó đã lôi kéo được một nhóm lính ngụy bỏ trốn, về đầu quân cho cách mạng.

17-42-05_nh-2
17-42-05_nh-4
Hạnh phúc hàng ngày của bà là được đến thăm lại nơi từng giam giữ bà và thăm đồng đội ở nghĩa trang Hàng Dương

 

“Có lần, bà thấy 2 chị giam cùng phòng bị tụi nó đánh dữ quá, sợ không chịu nổi nên bà chửi nó: “Sao chúng mày ngu thế? Để mấy thằng mắt xanh mũi lõ từ bên Tây sang đây, bảo chúng mày đánh những người chung dòng máu đỏ da vàng với mình như đánh cha mẹ mình như vậy. Chưa biết chừng mấy người mày đánh có bà con họ hàng với chúng mày nữa đấy. Thằng lính nghe vậy thì ngừng tay, im lặng bỏ đi. Từ đó, anh này không trực tiếp đánh chị em nữa. Sau này, bà tìm hiểu mới biết anh lính ngụy quê ở Long An này đã thuyết phục nhóm bạn bỏ trốn, về trở thành cơ sở tiếp tế cho cách mạng. Dù sao thì cái tính cứng đầu của bà cũng có lần giúp được người khác quay về với chính nghĩa đó chứ”, bà Ni cười hóm hỉnh.

Sau nhiều lần tra tấn nhưng không thể “cạy răng” bà Ni nửa lời, địch đày bà ra Côn Đảo, giam tại trại Phú Hải (Trại 2). Tại đây, bà tiếp tục chịu 3 năm sống mà như đã chết với hàng trăm trận đòn man rợ không bút nào tả xiết.
 

Hạnh phúc bên đồng đội

Suốt cuộc nói chuyện với tôi, bà Ni nhắc lại chuyện mình bị tra tấn bằng thái độ bình thản như bao chuyện bình thường khác. Nhưng khi nhắc đến đồng đội, những người bị giam chung như chị Hương, chị Thanh, chị Cúc, chị Xuân… bà lại rưng rưng xúc động. Đó cũng chính là lý do bà không thể rời xa hòn đảo này.

“Trong số các chị, bà thương nhất là chị Xuân. Những trận đòn dã man của địch đã không cho chị giây phút mỉm cười với bầu trời tự do”, bà Ni trầm ngâm nhớ lại.

"Mỗi năm có hàng ngàn người ra Côn Đảo viếng mộ nhưng nhiều ngôi vẫn quanh năm khói lạnh hương tàn. Họ ra đây, chỉ toàn viếng mộ chị Sáu và vài ngôi xung quanh. Để các anh chị đỡ tủi, lúc nào ra đây tôi cũng tìm những ngôi mộ xa nhất, khuất nhất để thăm viếng. Tất cả những liệt sĩ nằm ở đây, đều xứng đáng được nhận tình cảm chúng ta như chị Sáu”, bà Nguyễn Thị Ni.

Sau giải phóng, bà Ni về TP.HCM làm công tác công đoàn, hội phụ nữ. Tuổi không còn trẻ, lại thêm di chứng từ những trận đòn khiến bà mất hẳn thiên chức làm mẹ nên bà không nghĩ đến chuyện lập gia đình. Ấy vậy nhưng, duyên muộn vẫn mỉm cười với bà. Trong lần tham gia lớp bồi dưỡng chính trị, bà gặp ông Đỗ Nam Hoàn, cán bộ nguồn ở đặc khu Vũng Tàu - Côn Đảo. Sau vài lần trò chuyện, thấy tâm đầu ý hợp, cùng cảnh ngộ, năm 1983, họ trở thành vợ chồng.

“Năm 1984, tôi cùng bả ra đảo thăm đồng đội ở nghĩa trang Hàng Dương, thấy bả cứ khóc miết, cứ nấn ná không chịu đi, tôi mới gợi ý, hay ra đây sống luôn? Bả nghe vậy cười gật đầu cái rụp. Rồi bảo cũng có ý định này từ lâu, nhưng sợ ông không muốn nên ngại không nói. Thế là chúng tôi ở lại đảo", ông Hoàn cho hay.

Những ngày đầu đất nước mới giải phóng, còn vô vàn khó khăn, ở đảo lại càng khó khăn hơn. Chính vì thế, việc xung phong ra đảo của vợ chồng bà Ni khiến nhiều người không khỏi ngạc nhiên và nể phục. Ra đảo, bà Ni tiếp tục công tác công đoàn. Nhưng phải kiêm nhiệm thêm nhiều việc khác. Một trong những nhiệm vụ trọng tâm hồi ấy là tăng gia sản xuất, ổn định cuộc sống.

“Hồi đó công đoàn phát động phong trào thi đua tăng gia sản xuất giỏi, mỗi người phải sản xuất 30kg rau xanh một tháng, ai đạt chỉ tiêu sẽ được thưởng. Phong trào rầm rộ lắm, nhiều người làm rất giỏi, mỗi vụ thu hoạch cả tấn khoai lang; có củ nặng cả ký. Bà không chỉ trồng rau vượt định mức gấp đôi, mà còn nuôi heo giỏi nhất đảo. Ấy là hồi đó, bên thương nghiệp mang heo giống ra đảo vận động mọi người nuôi, nhưng vì chưa nuôi bao giờ, tiền bạc còn khó khăn, nên ai cũng ngại, không dám mua về nuôi. Bà xung phong nhận mua hết bầy heo con về nuôi. Ấy vậy mà cuối cùng bà thành công, trở thành người cung cấp heo giống cho cả đảo”, bà Ni cười, nhớ lại.

17-42-05_nh-5
Dù không còn khả năng làm mẹ do bị địch tra tấn, đôi vợ chồng già Đỗ Nam Hoàn - Nguyễn Thị Ni vẫn ấm áp, đủ đầy hạnh phúc

 

Tính đến nay, đã 33 năm kể từ ngày quay ra đảo, bà Ni vẫn sống với y nguyên ký ức, với niềm hạnh phúc là được ở bên cạnh, trò chuyện với đồng đội nơi nghĩa trang Hàng Dương. Ít nhất mỗi tuần một lần, bà lại ra chợ Côn Đảo mua trái cây, nhang đèn lên thăm mộ đồng đội. “Không lên thăm mấy chị, nhớ lắm, tối về không ngủ được”, bà nói.

“Có đêm, mới 4 giờ sáng, trời mưa lớn, tôi giật mình dậy, nhìn sang bên cạnh không thấy bả đâu, tìm quanh nhà không thấy, tôi biết chắc bả ra nghĩa trang. Bình thường thì không sao, nhưng trời mưa lớn nên tôi vội vàng lấy áo mưa, đạp xe đi tìm. Ra đến nghĩa trang, tìm đến khi trời sáng mới thấy bả đang run bần bật, trú mưa dưới một ngôi mộ. Sau lần đó, bả sốt mất cả tuần. Vậy mà vừa khỏi bệnh là lại vào đó ngay”, ông Hoàn kể.

Xem thêm
Ông Đinh Thế Huynh nhận huy hiệu 50 năm tuổi Đảng

Trao quyết định và tặng hoa, ông Trần Cẩm Tú chúc mừng ông Đinh Thế Huynh đón nhận Huy hiệu 50 năm tuổi Đảng - phần thưởng cao quý của Đảng.

Trang bị kỹ năng tận dụng phụ phẩm nông nghiệp cho nông dân

Trung tâm Khuyến nông Tây Ninh vừa tổ chức lớp tập huấn về 'Quy trình sản xuất sản phẩm có giá trị gia tăng từ phụ phẩm nông nghiệp địa phương'.

Nhận quà khủng, chủ xe VF 6 chốt cọc với mức giá từ 579 triệu đồng

VF 6 đang là mẫu xe đáng mua nhất phân khúc khi chi phí bỏ ra cho chiếc xe chưa đến 600 triệu đồng nhưng giá trị nhận được thì vượt xa con số này.

Xúc tiến, quảng bá, kết nối du lịch Đồng bằng sông Cửu Long

Đồng bằng sông Cửu Long từ lâu đã nổi tiếng là vùng đất bình yên của những người dân chất phác, thân thiện với phong cảnh thiên nhiên hữu tình, thơ mộng.