| Hotline: 0983.970.780

33 năm tù cho nhóm mưu toan lật đổ chính quyền

Thứ Năm 21/01/2010 , 09:56 (GMT+7)

Tòa án Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh đã tuyên phạt Trần Huỳnh Duy Thức 16 năm tù, thời gian quản chế 5 năm; Nguyễn Tiến Trung 7 năm tù, 3 năm quản chế; Lê Công Định và Lê Thăng Long cùng lĩnh mức án 5 năm tù và 3 năm quản chế.

Các bị cáo tại phiên tòa

Ngày 20/1, sau một ngày xét xử sơ thẩm vụ án “Hoạt động lật đổ chính quyền nhân dân” đối với 4 bị cáo Trần Huỳnh Duy Thức, Nguyễn Tiến Trung, Lê Công Định, Lê Thăng Long, kết thúc phiên tòa, Tòa án Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh đã tuyên phạt Trần Huỳnh Duy Thức 16 năm tù, thời gian quản chế 5 năm; Nguyễn Tiến Trung 7 năm tù, 3 năm quản chế; Lê Công Định và Lê Thăng Long cùng lĩnh mức án 5 năm tù và 3 năm quản chế.

Các bị cáo trên bị Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao truy tố về tội “Hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân” theo điều 79 Bộ Luật Hình sự.

Phiên tòa do ông Nguyễn Đức Sáu - Chánh Tòa Hình sự Tòa án Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh làm chủ tọa; ông Đỗ Ngọc Oánh và ông Trần Văn Cảnh - đại diện Viện Kiểm sát Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh giữ quyền công tố theo ủy quyền của Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao.

Bào chữa cho bị cáo Trần Huỳnh Duy Thức là luật sư Triệu Quốc Mạnh; bào chữa cho Nguyễn Tiến Trung là luật sư Đoàn Thái Duyên Hải. Riêng Lê Công Định tự bào chữa.

Tại phiên tòa, Hội đồng xét xử đã chấp thuận yêu cầu không nhận luật sư bào chữa là Nguyễn Minh Tâm của bị cáo Lê Thăng Long; đồng thời Hội đồng xét xử cũng bác yêu cầu vô căn cứ của bị cáo Thức khi bị cáo này yêu cầu thay đổi thành phần Hội đồng xét xử, đòi thay đổi công tố viên.

Tại phiên tòa, Nguyễn Tiến Trung và Lê Công Định đã thành khẩn khai báo, ăn năn, hối hận về hành vi phạm tội của mình.

Trong khi đó, bị cáo Trần Huỳnh Duy Thức và Lê Thăng Long lại quanh co chối tội, phủ nhận cáo buộc trong bản cáo trạng của Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao.

Theo cáo trạng của Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao, do thái độ cực đoan và tư tưởng bất mãn đối với đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước, từ cuối năm 2005, Trần Huỳnh Duy Thức đã thành lập tổ chức phản động có tên gọi “Nhóm nghiên cứu Chấn”, lôi kéo 4 đối tượng khác thuộc Công ty Cổ phần “Một kết nối” (do Thức thành lập và làm Tổng Giám đốc) gồm Lê Thăng Long, Lê Thị Thu Thu, Trần Thị Thu và Cù Thị Phương cùng tham gia.

Thông qua tổ chức phản động này, Trần Huỳnh Duy Thức đề ra đường lối, kế hoạch hoạt động nằm lật đổ chính quyền nhân dân.

Với ảo tưởng cho rằng năm 2010 là năm “vong” và năm 2020 là năm “tận” của Đảng Cộng sản Việt Nam, Thức đã đề ra phương thức hoạt động nhằm thay đổi chế độ chính trị tại Việt Nam thông qua kế hoạch “Đoài đánh Đoài”, tức là sử dụng những người cộng sản “đánh” cộng sản, từ đó, chia rẽ, phân hóa nội bộ trong Đảng Cộng sản Việt Nam và Nhà nước Việt Nam.

Chưa dừng lại ở đó, Thức còn cấu kết với Nguyễn Sĩ Bình, đối tượng cầm đầu tổ chức phản động có tên “Đảng Dân chủ Việt Nam” lưu vong ở nước ngoài, để bàn bạc, thống nhất phương thức hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân.

Thức đã hăng hái tham gia các hoạt động của “Đảng Dân chủ Việt Nam”; nhận trách nhiệm thành lập tổ chức phản động khác mang tên “Đảng Xã hội Việt Nam” để tập hợp lực lượng cho “Đảng Dân chủ Việt Nam”.

Thông qua “Nhóm nghiên cứu Chấn” và “Đảng Dân chủ Việt Nam”, Thức đã làm ra 53 tài liệu, tàng trữ 7 tài liệu và tán phát lên mạng Internet (qua website, blog, email) tài liệu có nội dung tuyên truyền chống Nhà nước Việt Nam, xuyên tạc sự lãnh đạo của Đảng, sự điều hành của Chính phủ.

Năm 2006, tại Pháp, Nguyễn Tiến Trung thành lập tổ chức phản động có tên “Tập hợp Thanh niên dân chủ” với mục đích tập hợp lực lượng cực đoan, chủ yếu trong giới trẻ nhằm tuyên truyền chống Nhà nước Việt Nam.

Trung tham gia “Đảng Dân chủ Việt Nam”, được Nguyễn Sĩ Bình phân vào “Ban Thường vụ”, phụ trách vấn đề thanh niên, lập website cho “Đảng Dân chủ Việt Nam”, “Tập san Dân chủ”, chỉnh sửa “Cương lĩnh, Điều lệ” của tổ chức phản động này.

Trung đã móc nối, lôi kéo 23 đối tượng tham gia “Tập hợp Thanh niên dân chủ”, 5 đối tượng tham gia “Đảng Dân chủ Việt Nam”, làm ra 64 tài liệu, trong đó có 50 tài liệu có nội dung tuyên truyền chống Nhà nước Việt Nam; tàng trữ 13 tài liệu, trong đó có “Cương lĩnh, Điều lệ” của “Đảng Dân chủ Việt Nam”; tuyên truyền, lôi kéo, lừa gạt những người nhẹ dạ cả tin tham gia tổ chức này cũng như tổ chức “Tập hợp Thanh niên dân chủ”.

Thông qua sự giới thiệu của Nguyễn Tiến Trung, tháng 6/2008, Lê Công Định tham gia “Đảng Dân chủ Việt Nam”, được Nguyễn Sĩ Bình phân công vào “Ban Thường vụ”.

Tại đây, Định đã tham gia chỉnh sửa “Điều lệ” của “Đảng Dân chủ Việt Nam”, nhận tài liệu có tên “Tân Hiến pháp” với nội dung xóa bỏ chế độ chính trị hiện nay ở Việt Nam từ Nguyễn Sĩ Bình để nghiên cứu soạn thảo “Hiến pháp” của “Đảng Dân chủ Việt Nam”.

Định đã làm ra 33 tài liệu, tàng trữ 24 tài liệu và 32 cuốn sách có nội dung xuyên tạc, tuyên truyền, kích động chống Nhà nước, thể hiện dã tâm chống phá, bôi nhọ, tiến tới lật đổ chính quyền.

Từ ngày 1/3 đến 3/3/2009, Định tham gia khóa huấn luyện về phương pháp đấu tranh “bất bạo động” chống Việt Nam do tổ chức khủng bố Việt Tân tổ chức tại Thái Lan.

Bị Thức lôi kéo, Lê Thăng Long đã tham gia “Nhóm nghiên cứu Chấn” và đã làm 39 tài liệu để trao đổi với các đối tượng khác trong “Nhóm nghiên cứu Chấn”; vạch đường lối, phương hướng hành động để xuyên tạc, kích động nhằm lật đổ chính quyền.

Ngoài ra, Long còn tàng trữ 5 tài liệu có nội dung tuyên truyền chống Nhà nước Việt Nam, lôi kéo (nhưng bất thành) 8 người khác tham gia “Nhóm nghiên cứu Chấn”.

Đầu tháng 4/2007, Long tách khỏi tổ chức này, thành lập “Phong trào Chấn hưng nước Việt”, lập website “ChanhungnuocViet.info” và thành lập “Câu lạc bộ người cao tuổi chấn hưng nước Việt”, “Câu lạc bộ nhà báo chấn hưng nước Việt”, viết bài có nội dung chống Nhà nước Việt Nam.

Đối với Lê Thị Thu Thu, Trần Thị Thu, Cù Thị Phương, do mức độ, tính chất và hành vi phạm pháp (chủ yếu là bị lôi kéo, đã thành khẩn khai báo và có đơn xin được Nhà nước khoan hồng) nên được Hội đồng xét xử xem xét, không xử lý hình sự mà chịu hình phạt quản chế.

Theo Hội đồng xét xử, đây là vụ phạm tội đặc biệt nghiêm trọng xâm phạm an ninh quốc gia.

Hoạt động phạm tội của các bị cáo là có tổ chức chặt chẽ, có sự phân công nhiệm vụ cụ thể, có sự móc nối cấu kết với các tổ chức phản động người Việt Nam lưu vong và các thế lực thù địch để tập hợp lực lượng hình thành các tổ chức chính trị phản động, hướng tới lật đổ chính quyền nhân dân bằng phương thức “bất bạo động”, thực hiện âm mưu “diễn biến hòa bình” chống phá chính quyền nhân dân và đất nước Việt Nam.

Kết luận của Hội đồng xét xử đã được đông đảo những người tham dự phiên tòa đồng tình, ủng hộ.

(Theo TTXVN)

Xem thêm
Sống lại ký ức hào hùng trên tuyến đường 1C huyền thoại

KIÊN GIANG Tuyến đường 1C nối đường Hồ Chí Minh trên bộ nhằm vận chuyển hàng hóa, vũ khí, thuốc cứu thương, nhu yếu phẩm và đưa rước cán bộ chi viện cho chiến trường miền Nam.

Hạn hán ở Gia Lai gây thiệt hại gần 10 tỷ đồng

Bên cạnh 380ha cây trồng bị thiệt hại do hạn hán, tỉnh Gia Lai còn ghi nhận hàng trăm ha cây trồng khác đang thiếu nước và chưa thể thống kê đủ mức độ thiệt hại.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

'Hạ nhiệt' những 'điểm nóng' thiếu nước sinh hoạt

Những xã khu Đông huyện Phù Mỹ (Bình Định) luôn là 'điểm nóng' về thiếu nước sinh hoạt trong mùa khô hạn, nhưng năm nay khu vực này đã được hạ nhiệt căng thẳng.

Bình luận mới nhất

Tòa soạn chuyển cho tôi ý kiến bình luận của bạn đọc Kỳ Quang Vinh từ Cần Thơ, nguyên văn như sau: “Tôi cám ơn TS Tô Văn Trường đã có cái đầu lạnh của một người làm khoa học. Tôi thấy nội dung chính của bài báo là rất đáng suy nghĩ và làm theo. Tôi chỉ có một thắc mắc về kiểm soát lưu lượng bình quân ngày lớn nhất qua tuyến kênh là 3,6 m3/s”. Bạn đọc nên hiểu con số 3,6 m3/s chỉ là mở van âu thuyền cho nước đầy vào âu thuyền như thiết kế trong báo cáo của Campuchia. Chuyện mất nước trong bài báo tôi đã nói rõ rồi, đương nhiên hạn tháng 3-4 sẽ bị tác động lớn nhất theo tỷ lệ phần trăm vì lưu lượng thời kỳ này là thấp nhất. Lưu ý là ba kịch bản diễn giải như trường hợp 1 lưu lượng max bình quân ngày là 3,6 m3/s qua âu nghĩa là vận hành có kiểm soát theo thông báo của Campuchia. Các trường hợp 2 và 3 là vượt ra ngoài thông báo của Campuchia nghĩa là mở tự do bằng kịch bản 2 cộng gia tăng sản lượng nông nghiệp. Nhẽ ra, tôi nên viết rõ hơn là trường hợp 3 phải là như trường hợp 2 mở tự do kết hợp với gia tăng phát triển nông nghiệp. Tòa soạn cũng chuyển cho tôi bình luận của bạn đọc Nat về vị trí 3 tuyến âu, việc sử dụng nước và đánh giá chung là tác động của kênh đào Funan Techo không đáng kể đến đồng bằng sông Cửu Long. Điều tôi quan ngại nhất là khi Campuchia có ý định làm đập kiểm soát nguồn nước ở Biển Hồ hay là làm thủy điện ở sát gần biên giới Việt Nam. Trả lời bạn đọc thì mất thời gian trong khi quỹ thời gian của tôi rất eo hẹp nhưng cũng là niềm vui vì sản phẩm của mình làm ra được nhiều người quan tâm, đón đọc và bình luận. Tòa soạn cho biết ngay lúc đang buổi trưa 25/4 có gần nghìn người đang đọc bài viết của tiến sĩ Tô Văn Trường.
+ xem thêm