| Hotline: 0983.970.780

34 điểm sạt lở nghiêm trọng, Cù Lao Dung ‘bật’ chế độ ứng phó khẩn

Thứ Năm 14/03/2024 , 09:52 (GMT+7)

Sóc Trăng Nếu không kịp thời gia cố, khắc phục, tình trạng sạt lở ở Cù Lao Dung sẽ kéo dài, đe dọa hệ thống đê bao, sinh kế của người dân sinh sống quanh khu vực.

Nằm ở địa bàn xung yếu giữa sông Hậu, hàng năm huyện Cù Lao Dung, tỉnh Sóc Trăng thường xuyên xuất hiện các điểm sạt lở. Nguyên nhân đến từ hiện tượng xâm thực do tác động của thủy triều và dòng chảy, chủ yếu tại các khu vực thuộc tuyến đê Tả - Hữu. 

Ngành chuyên môn tỉnh Sóc Trăng khảo sát tình hình sạt lở tại huyện Cù Lao Dung, tỉnh Sóc Trăng. Ảnh: Kim Anh.

Ngành chuyên môn tỉnh Sóc Trăng khảo sát tình hình sạt lở tại huyện Cù Lao Dung, tỉnh Sóc Trăng. Ảnh: Kim Anh.

Được biết, tuyến đê Tả - Hữu có tổng chiều dài khoảng 80km. Thời gian qua, dù đã được ngành chức năng hỗ trợ nâng cấp giúp địa phương chủ động trong phòng, chống triều cường, hạn mặn, tuy nhiên thực tế, hiện tượng xâm thực từ dòng chảy trên sông Hậu gia tăng, làm xuất hiện ngày càng nhiều các điểm sạt lở. Thống kê của Phòng NN-PTNT huyện Cù Lao Dung, hiện toàn tuyến có 34 điểm sạt lở nghiêm trọng, tổng chiều dài khoảng 5,7 km. Trong đó, nhiều điểm đã lấn sâu vào chân đê, nguy cơ đe dọa đến thân đê.

Nguy cơ nhất tại xã An Thạnh Đông, tuyến đê Tả - Hữu trải dài khoảng 18km trên địa bàn. Trong năm 2022, xã chỉ ghi nhận 6 điểm sạt lở, nhưng đến cuối năm 2023, đầu năm 2024, đã có đến 33 điểm, với chiều dài khoảng 2.800m. Riêng từ mùng 2 - 4 Tết Nguyên đán, đã xảy ra 6 điểm sạt lở nghiêm trọng.

Trước tình thế cấp bách, Sở NN-PTNT tỉnh Sóc Trăng đã phối hợp cùng một số đơn vị liên quan khảo sát, đánh giá hiện trạng sạt lở trên toàn tuyến. Các cơ quan chuyên môn nhận định, đa số các điểm sạt lở nằm ngoài hệ thống đê bao Tả - Hữu. Với địa hình là vùng đất yếu, cao trình thấp, khi triều cường dâng cao cộng hưởng hiện tượng thời tiết xấu, nguy cơ gây tràn và vỡ đê rất khó lường trước.

Tuyến đê Tả - Hữu tại huyện Cù Lao Dung với chiều dài khoảng 80km được ngành chức năng thường xuyên thực hiện nâng cấp, giúp địa phương chủ động trong phòng, chống triều cường, hạn mặn. Ảnh: Kim Anh.

Tuyến đê Tả - Hữu tại huyện Cù Lao Dung với chiều dài khoảng 80km được ngành chức năng thường xuyên thực hiện nâng cấp, giúp địa phương chủ động trong phòng, chống triều cường, hạn mặn. Ảnh: Kim Anh.

Phương án khắc phục trước mắt được huyện Cù Lao Dung đưa ra là vận động người dân xung quanh khu vực tận dụng nguồn lực tại chỗ xây dựng kè sinh thái để hạn chế sóng và gió tác động vào thân đê, đảm bảo an toàn dân sinh.

Về lâu dài, ông Trần Văn Nguyên, Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Cù Lao Dung cho biết, địa phương đang đề xuất, kiến nghị cấp trên bổ sung kinh phí để khắc phục kịp thời những điểm xung yếu. Đồng thời đề nghị các cơ quan liên quan xây dựng phương án phòng, chống sạt lở mang tính hiệu quả hơn, có thể tính đến phương án trồng rừng hoặc vận động người dân trồng cây chắn sóng tại những khu vực không sản xuất tập trung.

Hiện nay, bên cạnh Dự án nâng cấp tuyến Đê Tả - Hữu (giai đoạn 1), tỉnh Sóc Trăng cũng cơ bản xây dựng hoàn thành phần cơ sở hạ tầng Dự án bố trí, ổn định dân cư phòng, chống thiên tai. Từng bước di dời 52 hộ dân sống ngoài đê, không có đất sản xuất để đảm bảo an toàn, ổn định sinh kế.

Ông Phạm Tấn Đạo, Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi, Chánh Văn phòng Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Sóc Trăng thông tin thêm, tới đây Sở NN-PTNT tỉnh sẽ đề xuất UBND tỉnh bố trí kinh phí nâng cấp đê Tả - Hữu (giai đoạn 2). Đồng thời, sớm có biện pháp khắc phục những điểm sạt lở nguy cơ đe dọa đến thân đê.

Dự án bố trí, ổn định dân cư phòng, chống thiên tai tại huyện Cù Lao Dung đã cơ bản hoàn thành việc xây dựng cơ sở hạ tầng, đảm bảo di dời người dân ra khỏi khu vực nguy cơ sạt lở. Ảnh: Kim Anh.

Dự án bố trí, ổn định dân cư phòng, chống thiên tai tại huyện Cù Lao Dung đã cơ bản hoàn thành việc xây dựng cơ sở hạ tầng, đảm bảo di dời người dân ra khỏi khu vực nguy cơ sạt lở. Ảnh: Kim Anh.

Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Sóc Trăng cũng lưu ý các địa phương ở vùng nguy cơ cao, cần nâng cao tinh thần chủ động ứng phó, theo hướng khẩn trương hoàn thiện công trình mới, nỗ lực bảo vệ các công trình hiện có.

Ngày 29/1/2024, UBND tỉnh Sóc Trăng đã ban hành Kế hoạch Phòng, chống hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn, phục vụ sản xuất nông nghiệp và nhân dân mùa khô năm 2023 - 2024.

Trong đó, để đảm bảo công tác thủy lợi và phòng chống thiên tai, lãnh đạo tỉnh Sóc Trăng yêu cầu các cơ quan chuyên môn và địa phương đẩy nhanh tiến độ thi công, sửa chữa các hạng mục công trình thủy lợi, phòng chống thiên tai theo kế hoạch năm 2024 và những năm tiếp theo, để kịp thời đưa vào khai thác, vận hành.

Xem thêm
Chính phủ sẽ nghiên cứu làm đường sắt tốc độ cao đến Cần Thơ, Cà Mau

Tuyến đường sắt tốc độ cao không chỉ dừng lại ở TP Hồ Chí Minh, Chính phủ và các cơ quan đang nghiên cứu kéo dài về Cần Thơ và đến tận Cà Mau.

Thủy lợi nội đồng cho vùng ngọt - nhiệm vụ cấp thiết

Cà Mau Giữ vùng ngọt, điều tiết nước hợp lý, đầu tư đồng bộ hệ thống thủy lợi để đáp ứng sản xuất là nhiệm vụ quan trọng với tỉnh Cà Mau.

68 ngày đêm thần tốc thi công khu tái định cư Làng Nủ

Lào Cai tổ chức lễ bàn giao 40 căn nhà mới ở Làng Nủ; 15 căn nhà mới ở Nậm Tông cho 48 hộ dân bị mất nhà do lũ quét, thiên tai.