ĐBSCL có tiềm năng phát triển bền vững
Ngày 30/10, Bộ NN-PTNT phối hợp với UBND TP Cần Thơ tổ chức Hội nghị xúc tiến đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn vùng ĐBSCL, nhằm đánh giá kết quả thu hút đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn của vùng trong thời gian qua. Đồng thời đề ra các giải pháp nhằm thu hút đầu tư, đẩy mạnh phát triển nông nghiệp và nông thôn của vùng ĐBSCL trong thời gian tới.
Trong những năm qua, ĐBSCL đã có nhiều chủ trương, chính sách quan trọng đầu tư để phát triển nông nghiệp và nông thôn. Nhờ đó, kinh tế - xã hội của ĐBSCL đã có bước phát triển mạnh mẽ, đời sống của nhân dân được cải thiện rõ rệt.
ĐBSCL đã thu hút được nhiều dự án đầu tư trong và ngoài nước vào lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn. Tổng vốn đầu tư đăng ký vào lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn vùng ĐBSCL giai đoạn 2021 - 2025 dự kiến đạt 350 nghìn tỷ đồng, tăng 29,3% so với giai đoạn 2015 - 2020 với nhiều dự án lớn, có quy mô và công nghệ hiện đại. Tuy nhiên, ĐBSCL vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức như biến đổi khí hậu, nước biển dâng, hạn hán, xâm nhập mặn. Cơ sở hạ tầng, kết cấu kinh tế - xã hội chưa đồng bộ, nguồn nhân lực chất lượng cao còn thiếu.
Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Trần Thanh Nam cho rằng, đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn vùng ĐBSCL sẽ mang lại nhiều lợi ích cho các nhà đầu tư trong và ngoài nước khi đến miền Tây sông nước, vì ĐBSCL là vùng sản xuất nông nghiệp hàng hóa lớn của cả nước và giàu tiềm năng. Đặc biệt nơi đây với nhiều sản phẩm chủ lực như lúa gạo, trái cây, thủy sản. Nhu cầu tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp ở trong nước và quốc tế ngày càng tăng cao, tạo cơ hội cho các nhà đầu tư khai thác thị trường.
ĐBSCL có tiềm năng phát triển bền vững bởi có nhiều lợi thế tự nhiên như: đất đai màu mỡ, khí hậu thuận lợi, nguồn nước dồi dào. Các nhà đầu tư có thể áp dụng các công nghệ tiên tiến để nâng cao năng suất, chất lượng, giá trị sản phẩm, góp phần bảo vệ môi trường và phát triển bền vững.
ĐBSCL được hưởng chính sách hỗ trợ của Chính phủ nhằm ưu đãi cho các nhà đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, như hỗ trợ về vốn, đất đai, thuế. Các nhà đầu tư có thể tận dụng các chính sách này để giảm thiểu chi phí và nâng cao hiệu quả đầu tư.
Cần Thơ trở thành trung tâm liên kết, sản xuất, nông nghiệp
Ông Nguyễn Ngọc Hè, Phó Chủ tịch UBND TP Cần Thơ, cho biết: Nông nghiệp vùng ĐBSCL đóng góp trên 33% GDP nông nghiệp cả nước và 30% GDP của vùng. ĐBSCL đứng đầu cả nước về sản lượng lúa gạo, thủy sản và trái cây, đóng góp 56% sản lượng lúa gạo (24,5 triệu tấn), 98% sản lượng cá tra (1,41 triệu tấn) và 60% các loại trái cây cả nước (4,3 triệu tấn), 95% lượng gạo xuất khẩu và 60% lượng thủy sản xuất khẩu. Trong đó, diện tích đất nông nghiệp của TP Cần Thơ khá khiêm tốn so với các tỉnh khu vực ĐBSCL chỉ khoảng 78.000ha đất lúa, trên 23.000ha cây ăn trái và khoảng 8.800ha nuôi thủy sản.
Tuy nhiên, ngành chế biến nông sản, thủy sản xuất khẩu là thế mạnh của Cần Thơ. Hiện có 45 doanh nghiệp đủ điều kiện xuất khẩu gạo trực tiếp và 44 doanh nghiệp chế biến xuất khẩu thủy sản với vùng nguyên liệu ở khắp các tỉnh thành vùng ĐBSCL.
Để thu hút đầu tư thực sự hiệu quả, Cần Thơ đã tập trung triển khai thực hiện các chính sách khuyến khích phát triển hợp tác, liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp. Thời gian qua địa phương đã xây dựng Trung tâm liên kết, sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp vùng ĐBSCL theo Nghị quyết số 45/2022/QH15 về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP Cần Thơ.
Đặc biệt, Trung tâm liên kết, sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp vùng ĐBSCL tại Cần Thơ sẽ khuyến khích hình thành mô hình liên kết giữa nông dân với doanh nghiệp để thiết lập mối quan hệ giữa nơi sản xuất nguyên liệu với công nghiệp chế biến sản phẩm. Xây dựng thương hiệu hàng hóa, góp phần gia tăng lượng hàng hóa xuất nhập khẩu và giá trị gia tăng của sản phẩm với mục tiêu “một điểm đến đa dịch vụ”.
Trung tâm sẽ thu hút các dự án đầu tư chuyên sản xuất hàng công nghiệp và cung ứng dịch vụ cho sản xuất công nghiệp, đặc biệt là công nghiệp chế biến sâu đối với sản phẩm nông nghiệp vùng ĐBSCL. Thu hút các dự án đầu tư công nghệ cao, công nghệ thông tin cũng là nơi để để tập trung bảo quản chế biến các sản phẩm nông sản chủ lực của vùng có lợi thế. Có hệ thống hoàn chỉnh về kết cấu hạ tầng giao thông (đường biển, đường bộ, đường hàng không) là nơi kỳ vọng sản phẩm nông sản của ĐBSCL được vươn nhanh.
Để phát huy tiềm năng, lợi thế, đưa vùng ĐBSCL phát triển nhanh, bền vững, cần có sự đầu tư mạnh mẽ của các doanh nghiệp, các nhà đầu tư trong và ngoài nước.
Ông Nguyễn Phong Phú, Giám đốc kỹ thuật Vina T&T Group, chia sẻ: Lĩnh vực nông nghiệp nói chung, trong đó trái cây nhiệt đới Việt Nam đã và đang được đầu tư và phát triển mạnh trong thời gian gần đây, canh tác với kinh nghiệm lâu năm, chất lượng cao và đa dạng. Vina T&T Group là đơn vị xuất khẩu các loại trái cây tươi: Xoài, nhãn, chôm chôm, dừa, vải, thanh long, sầu riêng, bưởi… sang thị trường khó tính, Vina T&T Group đứng đầu Việt Nam xuất khẩu trái cây tươi sang thị trường Hoa Kỳ. Bên cạnh đó, các đơn vị xuất khẩu trái cây vẫn còn những mặt hạn chế so với các nước xuất khẩu trái cây như Thái Lan.
Ông Nguyễn Phong Phú chỉ ra các vấn đề hiện nay các doanh nghiệp xuất khẩu trái cây còn bị vướng ở chỗ chưa đạt tiêu chuẩn an toàn vệ sinh thực phẩm, vẫn dính dư lượng thuốc BVTV khi xuất khẩu đi các thị trường khó tính. Mức độ kiểm soát dư lượng BVTV (MRLs) của nước sở tại càng lúc càng được siết chặt ở mức độ thấp nhất.
Chuỗi cung ứng không hiệu quả và chi phí vận chuyển cao; công nghệ bảo quản lỗi thời; chi phí sản xuất cao, sản xuất phân tán không tập trung; tỷ lệ hao hụt sau thu hoạch cao 10-25%; thời gian sử dụng ngắn do bệnh nấm, ruồi đục quả, rệp sáp gây ra.
Để định vị mục tiêu phát triển trong bối cảnh mới, ông Nguyễn Phong Phú đưa ra một số đề xuất về chính sách đến Bộ NN-PTNT. Theo đó, cần ưu tiên cho chính sách tập trung ruộng đất sản xuất nông nghiệp; Chính sách hỗ trợ các nghiên cứu trong lĩnh vực nông nghiệp; Chính sách bình ổn giá các vật tư đầu vào và sản phẩm đầu ra trong nông nghiệp; Chính sách đào tạo nâng cao nhận thức cho lực lượng sản xuất; Chính sách đào tạo nâng cao nhận thức cho lực lượng sản xuất; Chính sách về sử dụng nước trong lưu vực.
“Hội nghị Xúc tiến Đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn vùng ĐBSCL năm 2023 là dịp để các doanh nghiệp, các nhà đầu tư tìm hiểu, nắm bắt thông tin về tiềm năng, cơ hội đầu tư của ĐBSCL. Đồng thời trao đổi, kết nối, tìm kiếm đối tác, thúc đẩy đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn vùng ĐBSCL. Đặc biệt với sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, sự nỗ lực của các cấp, các ngành và sự tham gia tích cực của các doanh nghiệp, nhà đầu tư tại vùng ĐBSCL sẽ phát triển nhanh, bền vững, trở thành vùng trọng điểm phát triển của cả nước”, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Trần Thanh Nam khẳng định.