Anh Thuận với vườn cam sành đạt năng suất cao |
Nhìn căn nhà khang trang, đầy đủ tiện nghi của vợ chồng anh Trịnh Văn Thuận (1961, ấp Lợi Nhơn, xã Mỹ Lợi A, huyện Cái Bè, Tiền Giang) khó có thể ngờ gia đình anh từng lâm vào cảnh nghèo khó, túng thiếu. Nhờ ý chí vượt khó, mài mò học hỏi, áp dụng kỹ thuật vào canh tác giống cam sành có hiệu quả, gia đình anh mới có được cơ ngơi như ngày hôm nay.
Anh Thuận cho biết, năm 1986 lúc hai vợ chồng ra ở riêng được 2.000m2 đất nhưng trồng lúa thất mùa và nuôi vịt tàu lỗ nặng phải bán hết đất, sang luôn nền nhà phải ở nhà người anh bà con. Hai vợ chồng đi làm thuê chỉ mong có được bữa cơm qua ngày, chị Nguyễn Thị Hoa đi cắt lúa mướn, còn anh Thuận phải bôn ba ở Tam Nông, Đồng Tháp do một người quen giới thiệu, đó là những ngày vô cùng khốn khó.
Trở về quê, năm 1993, hai vợ chồng anh Thuận đi mua xoài lá, may mắn những năm đầu tiên có lời chúc ít, nhưng đến mùa thứ 3 thì hai vợ chồng lại lâm cảnh trắng tay. Năm đó xoài thất mùa mà giá lại rẻ nên hai vợ anh lỗ nặng. Chán nản nhưng không biết làm gì nên hai vợ chồng anh vẫn phải bám theo nghề mua xoài lá những mong kiếm được chúc vốn mua đất canh tác. Ban ngày đi xịt thuốc cho xoài, tối về anh Thuận đi dít đất mướn, làm cả ngày lẫn đêm, còn vợ anh cũng tranh thủ thời gian rảnh đi cắt lúa mướn. Nhờ cố gắng làm việc và tiết kiệm chi tiêu nên đến năm 2003 gia đình anh Thuận có được ít vốn mua 2.500m2 đất ruộng. Thời đó, ở vùng Mỹ Lợi A chỉ toàn ruộng lúa nhưng anh Thuận quyết định lên liếp trồng cam sành trong sự ngỡ ngàng của bà con xung quanh.
Anh Thuận cho biết: Thời gian đi mua xoài lá, ở những nhà vườn có trồng xen vài cây cam sành, tôi chăm sóc xoài nhưng cam vẫn phát triển tốt, mà lúc bấy giờ cam sành bán được giá nên tôi quyết định lên liếp trồng cam. Để nâng cao kỹ thuật tôi đi học ở những người đi trước, may mắn lúc đó ba vợ tôi ở An Thái Trung cũng trồng cam cho năng suất cao nên được ông hướng dẫn tận tình”.
Thời đó, chưa có ô đê bao, nên anh Thuận tự làm đê bao cho vườn nhà mình. Nhờ thổ nhưỡng phù hợp cộng với chăm chỉ tưới tiêu, áp dụng kỹ thuật học hỏi vào canh tác nên ngay năm đầu tiên gia đình anh thu hoạch được khoảng 10 tấn/1.000m2.
Giai đoạn đó giá vàng giá đất rẻ, nên số tiền lời sau nhiều năm tích lũy cũng giúp anh mua thêm 3.500m2 đất để canh tác. Thu nhập gia đình ngày càng tăng cao, gia đình anh Thuận từ cảnh nghèo khó đã cất được căn nhà khang trang đầy đủ tiện nghi.
Hiện anh thuận đã cho người con trai ra ở riêng miếng đất 3.500m2, anh thuê thêm hai mảnh đất khác, một mảnh diện tích 3.500m2, một mảnh 2.000m2 (chưa thu hoạch) để trồng cam sành trong 8 năm. Năm vừa rồi, mảnh đất 3.500m2 của anh cho năng suất trên 30 tấn, bán được mức giá trên 25 ngàn đồng/kg, thu nhập ước tính trên 750 triệu đồng. Nhờ những cố gắng trong học hỏi và áp dụng kỹ thuật canh tác hiệu quả trên cây cam sành nên hai năm vừa qua anh Thuận liên tiếp được tặng danh hiệu Nông dân sản xuất kinh doanh giỏi cấp Trung ương.
Anh Cao Tấn Ngoãn, cán bộ phụ trách nông nghiệp xã Mỹ Lợi A cho biết: Anh Thuận là tấm gương về nghị lức vượt khó, chăm chỉ làm ăn và biết áp dụng áp dũng kỹ thuật canh tác cây cam sành. Anh là một tấm gương tiêu biểu trong phong trào Nông dân sản xuất kinh doanh giỏi.