Kể từ đầu năm đến nay, dịch tả lợn Châu Phi xuất hiện tại 7 xã, 9 thôn và 23 hộ chăn nuôi trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang. Số lượng lợn phải tiêu hủy là 178 con, với trọng lượng trên 5 tấn. Trong đó, tại huyện Hàm Yên dịch tả lợn Châu Phi xuất hiện tại 4 xã Minh Hương, Nhân Mục, Yên Lâm, Tân Thành; huyện Lâm Bình ở xã Phúc Yên; huyện Na Hang ở xã Thượng Nông và huyện Chiêm Hóa ở xã Kiên Đài.
Một đặc điểm chung tại các ổ dịch tả lợn Châu Phi trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang là các ổ dịch đều xuất hiện ở những hộ chăn nuôi nhỏ lẻ, không đủ các điều kiện về vệ sinh thú y, thiếu các biện pháp phòng, chống dịch.
Ông Đào Duy Quý, Chi cục Trưởng Chi cục Chăn nuôi Thú y và Thủy sản tỉnh Tuyên Quang cho biết, hạn chế đến mức thấp nhất tình trạng dịch tả lợn Châu Phi lan rộng, uy hiếp các trang trại, gia trại chăn nuôi quy mô lớn, ảnh hưởng đến giá trị ngành chăn nuôi, Sở NN-PTNT đã đề nghị các huyện, thành phố chỉ đạo các cơ quan chuyên môn, UBND các xã, phường, thị trấn tăng cường các biện pháp bảo vệ đàn vật nuôi, phối hợp lấy mẫu giám sát sự lưu hành của mầm bệnh để khuyến cáo các biện pháp phòng, chống kịp thời và hiệu quả.
Chi cục Chăn nuôi Thú y và Thủy sản Tuyên Quang phối hợp với Phòng NN-PTNT, Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp các huyện, thành phố tuyên truyền, vận đồng người chăn nuôi thực hiện nghiêm túc “5 không” theo đúng khuyến cáo (không giấu dịch; không mua, bán vận chuyển lợn bệnh, lợn chết; không giết mổ tiêu thụ lợn ốm; không sử dụng thức ăn thừa cho lợn ăn khi chưa qua xử lý nhiệt; không vứt lợn chết ra môi trường).
Huyện Hàm Yên là địa phương xuất hiện nhiều ổ dịch tả lợn Châu Phi nhất trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang. Hiện nay, toàn huyện có 5 thôn bị dịch tả lợn Châu Phi với tổng đàn là 66 con với 57 con lợn thịt, 3 con lợn nái và 6 con lợn con.
Ngày 28/5, đàn lợn của gia đình ông Trần Văn Bốn, thôn 2 Mỏ Nghiều, xã Tân Thành, huyện Hàm Yên bỗng biếng ăn, lười vận động, nằm ủ rũ, một số vùng da trắng ở vùng ngực và bụng chuyển sang màu đỏ. Thấy lợn có những biểu hiện của dịch tả lợn Châu Phi, ông Bốn đã báo cáo với cán bộ thú y của huyện đến lấy mẫu xét nghiệm thì đàn lợn dương tính với dịch tả lợn Châu Phi.
Ông Bốn cho biết, ngày 30/5, ngay sau khi có kết quả biết đàn lợn 20 con của gia đình bị mắc bệnh dịch tả lợn Châu Phi ông đã thực hiện nghiêm túc việc đào hố chôn lấp bằng vôi bột đúng theo quy định và hướng dẫn của cán bộ thú y.
Do thực hiện nghiêm túc các biện pháp thú y ngay sau khi phát hiện các ổ dịch tả lợn Châu Phi, đến nay tại huyện Hà Yên đã có xã Minh Hương qua 21 ngày không phát sinh điểm dịch mới và chuẩn bị công bố hết dịch. Các xã Nhân Mục, Yên Lâm đã gần 20 ngày không phát sinh ổ dịch mới.
Ông Trần Văn Tiếp, Phó Trưởng phòng NN-PTNT huyện Hàm Yên cho biết, các ổ dịch tả lợn Châu Phi trên địa bàn huyện xuất hiện từ ngày 5 đến 30/5. Ngay sau khi các địa phương thông báo có dịch, chính quyền địa phương, ngành NN-PTNT, Trung tâm dịch vụ Nông nghiệp huyện, cán bộ thú y xã đã đến các hộ dân có dịch tuyên truyền, vận động và yêu cầu không bán tháo, bán chạy đàn lợn.
Chính quyền xã quản lý chặt chẽ việc vận chuyển lợn ra, vào khu vực có dịch, hướng dẫn các hộ dân tiêu hủy theo đúng quy định, đồng thời hướng dẫn, yêu cầu các hộ gia đình mua vôi bột, phun thuốc khử trùng tại khu chăn nuôi và khu vực xung quanh để tiêu diệt mầm bệnh.
Trong số 7 xã có dịch tả lợn Châu Phi trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang, hiện nay chỉ có xã Kiên Đài, huyện Chiêm Hóa và xã Tân Thành, huyện Hàm Yên là có ổ dịch tả lợn Châu Phi gần nhất (ngày 30/5). Các địa phương còn lại các ổ dịch xuất hiện trước đó và không phát sinh thêm ổ dịch mới.
Hiện nay, ngành NN-PTNT tỉnh Tuyên Quang và UBND các huyện, thành phố tiếp cục chỉ đạo thực hiện nghiêm công tác phòng chống dịch tả lợn Châu Phi trên địa bàn, tránh lây lan ra diện rộng và thiệt hại đáng tiếc.
Tại các xã chưa công bố hết dịch, chính quyền địa phương và người dân đã và đang chủ động vệ sinh tiêu độc khử trùng, khoanh vùng có dịch để thực hiện các biện pháp thú y, nhằm khống chế, không phát sinh lợn bị mắc dịch tả lợn Châu Phi.