| Hotline: 0983.970.780

40 năm chèo đò nơi rốn lũ

Thứ Bảy 14/09/2024 , 08:39 (GMT+7)

'Ai cần là tôi chở, không nhận tiền. Giúp người cũng là giúp mình…', lời tâm sự của ông Thủ, người chèo đò nơi rốn lũ Tiến Tiên (xã Tân Tiến, Chương Mỹ, Hà Nội).

Con thuyền truyền qua 3 đời

Say gần 1 tháng khi trở về từ “rốn lũ” Tiến Tiên, tôi quay lại nơi “ốc đảo” này để hỏi thăm về thiệt hại của người dân vùng phân lũ của thủ đô Hà Nội sau ảnh hưởng của cơn bão Yagi. Ở xa xa phía trong cổng làng, bóng dáng một người đàn ông đang lầm lũi, chậm rãi chèo con thuyền nan về phía tôi. Đó là ông Nguyễn Đình Thủ, 63 tuổi, xã Tiến Tiên– người lái đò xóm Nằng.

Lênh đênh chiếc thuyền tre bọc bạt, “ông già gân” lái con thuyền băng qua những ngọn cây, lách qua những sợi dây điện ngập trong nước để tiến vào làng - nơi đã chìm trong biển nước sau đợt mưa lớn kéo dài vừa qua…

Cứ mỗi đợt lũ về, ông Thủ lại bận rộn với công việc chèo đò. Trên chiếc thuyền nan có tuổi đời hơn 40 năm, người đàn ông ở tuổi lục tuần này đã đưa không ít thế hệ học sinh, người lao động đến với con chữ, nơi làm việc mỗi mùa lũ về.

Chiếc thuyền nan dài chừng 2m được bọc bạt – phương tiện di chuyển chính của xóm Nằng, được đan từ năm 1980. “Khi đó nước to, sẵn mấy bụi tre ở nhà, ông cụ nhà tôi chặt tre, thuê người đan. Mất 3 ngày thì xong. Tôi còn đi xin nhựa đường ở xóm trên về để bôi lên cho khỏi ngấm nước… Vừa hoàn thiện buổi chiều thì cơn mưa lớn ập đến, trưa hôm sau nước lên, dâng đến tận sân, thế là dùng luôn. Lúc ấy chưa kịp làm mái chèo, phải khua nước bằng 2 cái đòn gánh, thế mà chở được tận 8 người”, ông Thủ nói.

Ông Thủ được coi là 'người vận chuyển' chính của bà con xóm Nằng, thôn Tiến Tiên. Ảnh: Minh Toàn.

Ông Thủ được coi là "người vận chuyển" chính của bà con xóm Nằng, thôn Tiến Tiên. Ảnh: Minh Toàn.

Hơn bốn thập kỷ trôi qua, đáy thuyền có ba vết thủng. Một vết đã được ông Thủ vá lại bằng bạt và nhựa đường. Hai vết còn lại tương đối nhỏ. Chỉ vào miếng bạt nơi đáy thuyền, chủ thuyền hồi tưởng lại: “Cái này là do tôi chủ quan, chèo đến chỗ nước thấp, tiện tay kéo thuyền lên, đáy thuyền mài xuống đường, mòn dần rồi thủng lỗ to, phải vá lại. Còn hai vết kia thì cũng do mài xuống đường nhưng do hàng xóm mài. Bây giờ ai mượn tôi đều nhắc không được kéo, đến chỗ nước thấp thì lấy dây buộc lại kẻo trôi…”.

Hai lỗ thủng ấy, ông Thủ chẳng vá nữa mà bọc bạt toàn bộ phần thân thuyền để nước không theo lỗ thủng tràn vào. Có năm, ông phải thay bạt hai lần trong một mùa lũ. Nhiều người dân trong thôn được ông Thủ chở thuyền vượt lũ từ những năm 1980 giờ đã con đàn cháu đống. Mỗi khi có khách gọi là "cái thuyền", ông lập tức nắn lời: "Phải gọi bằng 'chú thuyền’, ‘cô thuyền’, ‘bạn thuyền’… mới đúng”. “Chú thuyền” được truyền lại cho ông Thủ từ người cha đã khuất, đến nay đã phục vụ được 3 đời, như vật bất ly thân.

Tình trạng ngập lụt gây thiệt hại nghiêm trọng cho các hộ dân ở xóm Nằng, và nhà ông Thủ không phải là ngoại lệ khi sống chung với gà, vịt và mất trắng hơn 1,5 tấn cá. Ảnh: Minh Toàn.

Tình trạng ngập lụt gây thiệt hại nghiêm trọng cho các hộ dân ở xóm Nằng, và nhà ông Thủ không phải là ngoại lệ khi sống chung với gà, vịt và mất trắng hơn 1,5 tấn cá. Ảnh: Minh Toàn.

Con thuyền nghĩa tình

Hơn 40 năm, nhiều thế hệ học sinh đã quen mặt với ông lái đò xóm Nằng. Mỗi mùa lũ về, đám trẻ đủ lứa tuổi từ mầm non, tiểu học, trung học cơ sở, thậm chí là cả trung học phổ thông lại gọi ông Thủ ời ời. “Năm nay lũ về sớm tưởng thế là xong nhưng chưa đầy một tháng thì lại ngập, các cháu đi học khổ vô cùng. Cậu phải thấy cái thuyền lộm nhộm đứa to đứa nhỏ, trông vừa thương vừa buồn cười…”, ông Thủ cười nói.

Khách có lúc đông, lúc vắng, nhưng ông Thủ đặt ra quy tắc, đó là không bao giờ “nhồi nhét” học sinh trên một chuyến để kịp giờ học. An toàn là yếu tố hàng đầu. Mỗi chuyến chở tối đa 8 người. Cả ngày 8 lượt đi - về. Trên thuyền luôn có cái phao làm từ xăm ô tô để đề phòng bất trắc.

Ngày nay, mỗi gia đình thường trang bị cho mình một chiếc thuyền để chủ động trong việc di chuyển vào mùa mưa lũ. Thế nhưng ông Thủ vẫn rất “đắt khách”, không phải bởi giá vé là 0 đồng mà bởi sự an toàn mà người chèo đò mang lại.

Phần thân con thuyền của ông Thủ chi chít những vết tích của thời gian. Ảnh: Minh Toàn.

Phần thân con thuyền của ông Thủ chi chít những vết tích của thời gian. Ảnh: Minh Toàn.

Ngoài sản xuất nông nghiệp, không ít người dân trong thôn mưu sinh ở các xí nghiệp, doanh nghiệp trên địa bàn. Làm nghề buôn bán ở chợ nên mỗi sáng ông Thủ và vợ phải dậy từ sớm để kịp buôn cá tươi.

“Dù nắng hay mưa thì cứ 3 rưỡi sáng là vợ chồng tôi thức dậy. Tôi chở bà đi chợ rồi quay về đón các cháu học sinh. Có hôm trời còn tối đen như mực đã thấy có công nhân sang xin đi nhờ thuyền. Họ có việc gấp, nhưng sợ không dám chèo thuyền ban đêm nên mình vui vẻ nhận lời…”, ông Thủ tủm tỉm cười.

Ông Thủ còn là người giao hàng tin cậy của người dân xóm Nằng mỗi đợt lũ về. Thuyền của ông chở thập cẩm đủ thứ, từ thùng mì tôm cứu trợ, đến cọng hành hoa hàng xóm nhờ mua… Thậm chí, ông còn chở cả xe máy cho người dân ra đê để tiện đi lại.

Sau trận lụt do ảnh hưởng của cơn bão số 2, ông Thủ vệ sinh thuyền, bạt để bảo quản. Ảnh: Minh Toàn. 

Sau trận lụt do ảnh hưởng của cơn bão số 2, ông Thủ vệ sinh thuyền, bạt để bảo quản. Ảnh: Minh Toàn. 

Hơn 40 năm lái đò, nhưng ông Thủ chưa nhận một đồng tiền công nào của người trong làng. Ông nói: “Ai nhờ là chở, chứ thuyền to thế này mà chỉ chở độc nhà mình thì nói chuyện gì nữa. Quan điểm của tôi là những lúc khó khăn nhất thì mới phải nhờ vả đến nhau, còn bình thường thì mỗi người một công việc, đi làm để kiếm sống. Cũng có người bảo gửi tôi mấy đồng uống nước, nhưng mà tôi không lấy. Tôi chở mọi người vì tôi muốn chở chứ không phải vì đồng tiền…”.

Những ngày đầu mùa lũ, người ông Thủ lúc nào cũng trong trạng thái mệt mỏi, uể oải, hai vai đau nhức, da bàn tay phồng rộp, thậm chí mắt sưng đỏ do hơi nước ngập bốc lên vì chèo thuyền cả ngày đưa bà con đi lại. Thế nhưng ông chưa từng cảm thấy chán nản hay từ chối chở người làng vì mệt.

Với ông Thủ, giúp được bà con lúc khó khăn mới là điều quý giá. Bà Hải, vợ ông cũng chưa từng có một lời chê tiếng trách chồng rằng “ăn cơm nhà vác tù và hàng tổng”. Bởi với ông bà, giúp người cũng là giúp bản thân.

Cũng chính bởi tinh thần vì cộng đồng, mà ông Thủ, bà Hải được rất nhiều người trong làng, trong xóm nể trọng, kính mến. Ông Thủ kể: “Mấy hôm nhà tôi có việc, bà con trong xóm chẳng phải ruột thịt gì, vẫn bỏ công việc để làm đỡ. Cái đó mới đáng quý. Họ làm được vậy thì tại sao mình lại không bớt chút thời gian, công sức để giúp đỡ họ lúc khó khăn…”.

Thuyền trở thành phương tiện di chuyển chính của người dân xóm Nằng mỗi khi lũ về. Ảnh: Minh Toàn.

Thuyền trở thành phương tiện di chuyển chính của người dân xóm Nằng mỗi khi lũ về. Ảnh: Minh Toàn.

Hết mùa lũ, ông Thủ tháo cái bạt bọc thuyền để giặt bạt, giúp thuyền nhanh khô hơn. Thuyền cần được phơi 2 nắng. Sau đó gác lên cái nhà kho cũ cho tới mùa lũ tiếp theo.

Giữa trưa, ông Thủ chèo đò chở tôi ra đường lớn. Đôi bàn tay nhăn nheo, run lên từng cơn có lẽ vì đã quá sức trong đợt lũ vừa rồi. Tôi tạm biệt ông Thủ, trong lòng nể phục sự tận hiến của người đàn ông luống tuổi, khi đã góp phần mang con chữ, miếng cơm đến với nhiều hộ gia đình trong ngôi làng này.

Tôi tìm ông Nguyễn Trọng Huy (trưởng thôn Tiến Tiên) để hiểu hơn về người lái đò đặc biệt của xóm Nằng. Ông Huy cho biết: “Ông Thủ là công dân ưu tú, có đóng góp to lớn cho sự phát triển của địa phương. Đặc biệt, mùa mưa lũ, nếu không có ông Thủ thì nhiều người đã thất nghiệp, nhiều trẻ em đã thất học. Ngoài ra ông còn có nhiều đóng góp tích cực cho các hoạt động đoàn thể của địa phương…”.

Xem thêm
Báo chí phải phản ánh hào khí và sức vươn lên của dân tộc

Kỷ nguyên mới đặt ra yêu cầu nhiệm vụ mới, cao hơn đối với báo chí cách mạng, đòi hỏi báo chí cũng phải phát triển tương xứng, vươn mình cùng dân tộc, xứng tầm nền báo chí chuyên nghiệp, nhân văn, hiện đại.

Lai Vung tỏa sáng Ngày hội tôn vinh nghề truyền thống

Đồng Tháp Ngày hội tôn vinh Nghề truyền thống không chỉ là sự kiện giao lưu văn hóa mà là nền tảng xây dựng huyện Lai Vung hiện đại, văn minh và mang bản sắc đậm đà.

Nhận quà khủng, chủ xe VF 6 chốt cọc với mức giá từ 579 triệu đồng

VF 6 đang là mẫu xe đáng mua nhất phân khúc khi chi phí bỏ ra cho chiếc xe chưa đến 600 triệu đồng nhưng giá trị nhận được thì vượt xa con số này.

Đề xuất mức trợ cấp hưu trí xã hội hằng tháng là 500.000 đồng

Bộ LĐ-TB-XH đề xuất kể từ ngày 1/7, mức trợ cấp hưu trí xã hội là 500.000 đồng cho người từ đủ 75 tuổi trở lên không có lương hưu.