| Hotline: 0983.970.780

40 năm phát triển thủy lợi ĐBSCL - Những thách thức

Thứ Hai 10/08/2015 , 06:09 (GMT+7)

Do đặc tính của một vùng đất bằng phẳng, trũng, thấp, mới được bồi đắp bởi sông Mekong, ĐBSCL có những đặc điểm riêng biệt. 

Đồng bằng sông Cửu Long – Những đặc tính cơ bản

Sông Mekong là một trong những con sông dài nhất trên thế giới với 4.200 km, chảy qua 6 nước: Trung Quốc, Myanmar, Lào, Thái Lan, Campuchia và Việt Nam, có diện tích lưu vực 795.000 km2.

Nhờ phù sa bồi đắp đã tạo nên đồng bằng châu thổ phía hạ lưu, riêng phần của nước ta, đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), có diện tích 39.400 km2, chiếm 5% diện tích lưu vực sông Mekong và bằng 12% diện tích cả nước, sau hơn 300 năm khai phá(1), đến nay đã trở thành vùng đất trù phú, một vùng chuyên canh nông nghiệp lớn của Việt Nam.

Tuy nhiên, cho đến năm 1975, ĐBSCL phần lớn vẫn chỉ được canh tác một vụ và chủ yếu phụ thuộc vào thiên nhiên. Chỉ từ sau khi nước nhà thống nhất, được Nhà nước đầu tư mạnh về khoa học, công nghệ, và nhất là đầu tư cho công tác thủy lợi, ĐBSCL mới có những bước phát triển vượt bậc.

Do đặc tính của một vùng đất bằng phẳng, trũng, thấp, mới được bồi đắp bởi sông Mekong, ĐBSCL có những đặc điểm riêng biệt. Với diện tích 3,9 triệu ha nhưng có từ 1,4 đến 1,9 triệu ha(2) hằng năm bị ngập lụt với độ sâu từ 0,5 đến 4,5m, kéo dài từ 3 đến 5 tháng mùa mưa (từ tháng 8 đến tháng 11); đồng bằng còn có từ 1,4 đến 1,6 triệu ha bị xâm nhập mặn trong thời gian từ 2 - 5 tháng mùa khô với độ mặn trung bình 4g/l, mặn xâm nhập sâu vào các cửa sông và nội đồng khoảng từ 40 đến 50 km.

Ngoài hai yếu tố trên, còn có khoảng 1,9 triệu ha bị nhiễm phèn 0,7 triệu ha đất chua mặn và 0,96 triệu ha đất phù sa(2). Những khu vực bị nhiễm mặn, nhiễm phèn nghiêm trọng nhất bao gồm Đồng Tháp Mười, Tứ giác Long Xuyên và Bán đảo Cà Mau.

So với cả nước, ĐBSCL có cơ sở hạ tầng thuộc loại yếu kém, chủ yếu là giao thông đường thủy, nhiều vùng đất bị chia cắt bởi hệ thống kênh rạch đan xen.

Để khắc phục tình trạng trên, đòi hỏi phải đầu tư xây dựng nhiều hệ thống thủy lợi để hạn chế tác hại của lũ lụt, ngăn mặn, điều tiết nước ngọt để giảm phèn, cải tạo đồng ruộng, mở rộng diện tích canh tác …

Nhưng cho đến năm 1975, mới chỉ có kênh Vĩnh Tế nổi tiếng được xây dựng năm 1819 dưới thời vua Gia Long(1), ngoài ra thủy lợi vùng này chưa có gì, do vậy mặc dù đã khai phá được diện tích đất canh tác rộng lớn khoảng trên dưới 2 triệu ha, nhưng phần lớn vẫn chỉ gieo cấy lúa một vụ, năng suất thấp, hoàn toàn phụ thuộc vào thiên nhiên, năm 1975 sản lượng lương thực toàn đồng bằng chỉ đạt 5,14 triệu tấn(5).

Thành tựu nổi bật

Sau ngày đất nước thống nhất, Nhà nước ta đã có những quyết sách đúng đắn về đầu tư để phát triển mạnh mẽ vùng đất giàu tiềm năng của ĐBSCL, để trước mắt giải quyết về cơ bản nạn thiếu lương thực cho nhân dân trong vùng và cả nước.

Từ tháng 9 năm 1975(2), các đoàn nghiên cứu, khảo sát đầu tiên đã được Bộ Thủy lợi cử vào ĐBSCL, trong điều kiện cơ sở vật chất còn rất thiếu thốn, các nhà khoa học thủy lợi đã vượt qua nhiều khó khăn, nguy hiểm do những tàn tích của cuộc chiến tranh để lại, từng bước vừa nghiên cứu, quy hoạch, vừa thiết kế xây dựng công trình.

Các lĩnh vực được ưu tiên nghiên cứu là đánh giá nhu cầu nước tưới cho gieo trồng lúa, cây trồng cạn, chống ngập lụt, ngăn mặn, cải tạo đất chua phèn bằng các giải pháp thủy lợi...

Tiếp đến là tăng cường các hoạt động điều tra cơ bản, xây dựng cơ sở dữ liệu, khảo sát phân vùng chua, mặn, sạt lở, biến hình lòng sông, bờ sông, bờ biển… và tác động của công trình thủy lợi đến môi trường đất, nước và các hệ canh tác đặc thù ở nhiều vùng sinh thái khác nhau.

18-07-18_thuy-loi-noi-dong-o-dbscl-nh-le-hong-vu-1
40 năm qua, công tác thủy lợi đã có những đóng góp to lớn mang tính quyết định về nhiều mặt đối với sản xuất nông nghiệp ĐBSCL

Thực hiện các nhiệm vụ nghiên cứu cơ bản, nghiên cứu dự báo và nghiên cứu ứng dụng, tiến hành một cách có hiệu quả các mô hình thực nghiệm áp dụng tiến bộ kỹ thuật trong việc sử dụng lũ để vừa phân lũ, vừa phục vụ cải tạo đất, đặc biệt là đất chua phèn vùng Đồng Tháp Mười và Tứ giác Long Xuyên;

Nghiên cứu quản lý tài nguyên nước, thiết kế, thi công và quản lý khai thác các công trình thủy lợi phòng chống lũ lụt, đồng thời từng bước đầu tư xây dựng các công trình thủy lợi, vừa tạo điều kiện cung cấp nguồn nước để cải tạo đất, vừa mở rộng diện tích canh tác, vừa thâm canh, tăng vụ kết hợp với việc lựa chọn những vật nuôi, cây trồng phù hợp… đã tạo nên sức mạnh tổng hợp để phát triển kinh tế - xã hội ĐBSCL.

Có thể nhận ra rằng 40 năm qua công tác thủy lợi đã có những đóng góp to lớn mang tính quyết định về nhiều mặt đối với sản xuất nông nghiệp ĐBSCL. Chúng ta đã thành công trong việc kiểm soát lũ, thau chua rửa phèn, ngăn mặn giữ ngọt… thông qua việc tập trung xây dựng nhiều hệ thống công trình, nhiều vùng dự án.

Trong đó, phải kể đến những dự án, những hệ thống công trình mang ý nghĩa đặc biệt như Tứ giác Long Xuyên, Đồng Tháp Mười, Quản Lộ – Phụng Hiệp, Nam Măng Thít, hệ thống cống đập Ba Lai…

Những dự án, những hệ thống công trình này vừa góp phần giảm lũ cho khu vực trung tâm của đồng bằng, vừa cung cấp nước cải tạo đất chua phèn, đất nhiễm mặn, hạn chế ngập lụt, mở rộng diện tích canh tác, nâng cao năng suất và sản lượng cây trồng, bổ sung nguồn nước sinh hoạt cho cư dân thành thị và nông thôn.

Có thể khẳng định rằng, qua 40 năm phục vụ phát triển ĐBSCL, ngành thủy lợi đã được đầu tư lớn nhất và cũng là ngành có những đóng góp thiết thực nhất, hiệu quả nhanh nhất đối với sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội cho một khu vực rộng lớn có hơn 17 triệu dân, chủ yếu sinh sống bằng nghề nông.

Mỗi dự án, mỗi hệ thống công trình thủy lợi trong số đó đều đã có tác động tích cực đến cả một vùng rộng lớn gồm hàng trăm ngàn hecta, tăng sản lượng tới hàng triệu tấn thóc mỗi năm và cải thiện đời sống cho hàng triệu cư dân trong vùng.

Nhờ có sự giúp sức của hệ thống các công trình thủy lợi, ĐBSCL đã mở rộng diện tích canh tác lúa từ 2 triệu hecta gieo trồng một vụ lên 2,6 triệu hecta đất nông nghiệp đủ điều kiện gieo trồng từ một vụ đến ba vụ lúa và trồng xen kẽ các vụ màu, cây ăn quả, tùy thuộc vào các vùng sinh thái khác nhau; trong đó diện tích được tưới cả năm lên đến 4,2 triệu hecta.

Từ chỗ phụ thuộc vào thiên nhiên, năng suất lúa bình quân hàng năm chỉ đạt khoảng trên dưới 2 tấn/ha, đến năm 2000 năng suất đã đạt 4,2 tấn và năm 2010 đạt được 5,47 tấn/ha (vụ đông xuân cho năng suất cao nhất đạt 6,5 tấn/ha).

Những năm qua, trung bình mỗi năm sản lượng lúa tăng thêm hơn 0,5 triệu tấn; đến năm 2014 sản lượng lúa ĐBSCL đạt 25,2 triệu tấn(4).

Ngoài trồng lúa, một phần diện tích đất đã chuyển đổi để nuôi trồng thủy sản, đưa sản lượng thủy sản nuôi trồng tại ĐBSCL lên 2,4 triệu tấn; trong đó, có 1,2 triệu tấn cá tra và 440 ngàn tấn tôm là nguyên liệu chủ yếu phục vụ cho chế biến xuất khẩu đạt giá trị khoảng 5 tỷ USD (số liệu thống kê năm 2014).

Cũng tại ĐBSCL đã thể hiện rõ rệt nhất việc nghiên cứu và áp dụng KHCN vào sản xuất, điển hình là việc cải tạo đất chua phèn. Nhiều cán bộ lão thành nhớ lại vào năm 1976 có rất nhiều ý kiến khác nhau, cho rằng chỉ có thể cải tạo đất chua phèn bằng vôi và cần từ 20 đến 30 tấn cho một hecta(3); nhưng trong hoàn cảnh ĐBSCL lúc bấy giờ với yêu cầu cải tạo cho hàng triệu hecta vùng Tứ giác Long Xuyên và Đồng Tháp Mười thì sử dụng cách này là điều không tưởng.

Ngành Thủy lợi đã nghiên cứu và sử dụng giải pháp thủy lợi; tuy vậy, cũng có rất nhiều ý kiến phản đối cho rằng xổ phèn ở nơi này thì phèn lại xuất hiện ở nơi khác…, song nhờ có những nghiên cứu và quyết định đúng đắn chúng ta đã thành công, và chỉ một vài năm sau đã cho những kết quả đầu tiên mà đồng ruộng mang lại và đời sống của người dân được cải thiện là những minh chứng chính xác nhất. 

Tài liệu tham khảo

(1) Đồng bằng sông Cửu Long (Bách khoa toàn thư mở: Wikipedia –http//:Wikipedia.org)

(2) Lịch sử Thủy lợi Việt Nam (Phan Khánh - Chủ biên, NXB Thời đại – 2014)

(3) Lịch sử Thủy lợi Việt Nam (Phan Khánh - Chủ biên, NXB Thời đại – 2014) (Trang 390)

(4) Số liệu thống kê 2014

(5) 40 năm giải phóng miền Nam, thống nhất nước nhà (GS.TS Võ Tòng Xuân)

(6) Báo cáo của Bộ Tài nguyên và Môi trường – 2013

(7) Quản lí tổng thể thủy lợi ĐBSCL trong điều kiện biến đổi khí hậu – nước biển dâng (PGS.TS Lê Mạnh Hùng - Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam)

Tổng cục Thủy lợi

Xem thêm
‘Đòn bẩy’ nuôi gà thả đồi

Mô hình liên kết nuôi gà thịt gắn với tiêu thụ tại Hoài Ân là ‘đòn bẩy’ thúc đẩy chăn nuôi gà thả đồi giai đoạn 2022 - 2026 theo chính sách khuyến khích của Bình Định.

Bí kíp nuôi công an toàn dịch bệnh tại các khu du lịch sinh thái

Hải Phòng Công hiện được nuôi làm cảnh tại nhiều khu du lịch sinh thái, do hằng ngày công tiếp xúc nhiều với khách du lịch nên công tác phòng chống dịch bệnh vô cùng quan trọng.

Đầu tư nhà màng cho Mộc Châu: Đã làm, phải lớn

Sơn La Nông dân Mộc Châu có đủ năng lực sản xuất nông nghiệp công nghệ cao. Vì vậy việc hỗ trợ đầu tư hệ thống nhà lưới, nhà màng cần thực hiện ở quy mô lớn.