Sau khi Báo Nông nghiệp Việt Nam đăng tải loạt bài Phận nghèo những ngày phong tỏa, phản ánh về những trường hợp người lao động thất nghiệp, cuộc sống đang gặp nhiều khó khăn đã nhận được nhiều sự quan tâm của bạn đọc, các nhà hảo tâm và người lao động.
Đặc biệt, có nhiều trường hợp gọi điện đến đường nóng của báo tha thiết xin được hỗ trợ vì thực tế hiện đang gặp rất nhiều khó khăn.
"Các anh xem có cách nào kêu gọi hỗ trợ giúp chúng em với"
Nguyễn Văn Dũng, một cai thầu xây dựng ở Nghi Tàm, phường Yên Phụ, quận Tây Hồ, Thành phố Hà Nội gọi điện cho chúng tôi thông tin: Các anh xem có cách nào kêu gọi hỗ trợ giúp chúng em với, không thì nguy mất. Cả tháng trời nay em chạy đôn chạy đáo vay mượn khắp nơi để lo cái ăn cho anh em nhưng từ tuần trước đến giờ không thể lo nổi nữa rồi. Cứ tưởng cố bám trụ đến ngày Hà Nội hết phong tỏa nhưng không cố được. Đói rồi. Tiền bạc, cơm gạo hết đã đành, đồ dùng sinh hoạt cá nhân, thậm chí đến khẩu trang cũng hết sạch. Em đang phải đi vay lãi nóng để trả thuê nhà trọ cho anh em.
Nhóm thợ xây của Nguyễn Văn Dũng có tổng cộng 40 người, hầu hết là lao động tự do đến từ nhiều tỉnh thành như Hải Dương, Hưng Yên, Thái Bình, Phú Thọ, Thanh Hóa… Hiện họ đang sống tập trung trong những công trình xây dựng hoặc các căn nhà tạm lụp xụp thuê tại 3 địa điểm ở ngõ 310 phố Nghi Tàm.
Dũng nói, phải chia anh em ra như thế, vừa đảm bảo phòng chống dịch vừa hi vọng xem ai hỗ trợ được cái gì thì hay cái đó. Oái oăm ở chỗ nhóm lao động này chủ yếu theo kiểu mùa vụ, ít đăng ký tạm trú tạm vắng nên chỉ vài người nhận được hỗ trợ, còn lại không có bất cứ thứ gì.
Có người được phường hỗ trợ 5kg gạo, 10 gói mì tôm, 1 chai nước mắm nhưng cũng phải góp chung vào với nhau cho qua bữa. Từ những ngày đầu Hà Nội phong tỏa, anh em cũng đã có sự chuẩn bị và ăn uống tằn tiện, gói ghém lắm nhưng do thời gian quá dài nên chỉ được khoảng hơn 10 ngày thì bắt đầu khó khăn.
Lần lượt từng người trong nhóm, ai tích cóp được đồng nào đều phải bỏ ra để mua gạo, mỳ tôm, mắm muối. Khổ nỗi, hầu hết họ vừa mới đi làm trở lại được một thời gian ngắn, tiền công chưa được thanh toán nên vét hết cũng nuôi quân được vài ngày.
“Làm nghề xây dựng ngày nào trả công ngày đó. Bình thường khi nhận các công trình, cai thầu như chúng em đều xin ứng trước một phần nhưng tiền đó đã đổ hết vào thuê nhà trọ, sắm đồ dùng sinh hoạt và một ít gạo cho anh em.
Hà Nội bị phong tỏa, anh em nghỉ làm nên chủ công trình họ cũng không cho tạm ứng, chạy vạy vay mượn được đồng nào thì ăn đồng đó. Mà anh bảo, 40 con người đều trông chờ vào tiền bạc đi vay, chịu làm sao được, đấy là chưa kể tình hình dịch bệnh như thế, ai cũng khó khăn, đâu có sẵn tiền để cho mình vay đâu”, anh Dũng trần tình.
40 lao động trong nhóm của Dũng có số là lâu năm, có số chỉ mới lên Hà Nội được một vài ngày, thậm chí nhiều đứa trẻ con đi cùng với bố mẹ cũng lâm vào cảnh bị mắc kẹt không về quê được.
Mỗi người một quê, một hoàn cảnh nhưng chung quy một điểm là nghèo khó, làm ruộng không đủ sống nên phải kéo nhau ra Thủ đô bươn chải, bán sức lao động mưu sinh.
Thất nghiệp, khó khăn bủa vây đã đành, mỗi ngày trôi qua đối với anh Hà Đức Minh (40 tuổi) quê ở huyện Tân Sơn, tỉnh Phú Thọ càng thêm dài đằng đẵng khi đón nhận những thông tin bi đát từ quê nhà.
Cuộc sống gia đình anh Minh ở trên miền núi tỉnh Phú Thọ sống chủ yếu dựa vào mấy nghìn gốc chè nhận khoán. Đời sống của gia đình nhìn chung là khó khăn nên tranh thủ lúc chè chưa thu hoạch thì xuống Hà Nội gia nhập chợ người An Dương kiếm việc làm.
Anh vào nhóm thợ xây của Nguyễn Văn Dũng được khoảng gần 10 ngày thì Hà Nội bị phong tỏa. Họa vô đơn chí, đang lúc chưa kiếm được đồng nào thì vợ gọi điện báo thằng cu con đi chăn bò không hiểu giẫm phải cái gì mà đứt nửa bàn chân, hiện đang nằm điều trị ở Bệnh viện Sản nhi tỉnh Phú Thọ.
“Vợ em nói không có tiền trả viện phí cho con, phải đi vay nhưng mà còn phải điều trị thêm hơn một tháng nữa thì không biết xoay xở kiểu gì. Chồng thất nghiệp, vợ bận chăm con ở viện nên chè đến thời điểm cắt cũng không có ai cắt cho. Hoàn cảnh gia đình em bây giờ đúng là không có cái gì để trông cậy vào anh ạ. Ăn uống đói tý còn trụ được chứ tiền điều trị cho con khó khăn vô cùng. Mấy lần em định trốn về quê nhưng nghĩ bụng chắc là không lọt về được nên đành chịu cảnh mắc kẹt ở đây. Thương con nằm viện, thương vợ không có tiền mà bất lực anh ạ”, anh Minh chia sẻ.
Chị gái anh Hà Đức Minh tên là Hà Thị Thanh (43 tuổi) cũng lại là một hoàn cảnh thêm thảm.
Cũng chịu khó làm ruộng, làm chè nhưng không đủ sống, đã thế ông chồng lại còn mắc bệnh thần kinh từ lúc còn trẻ, đau ốm triền miên không lao động được gì. Gánh nặng gia đình trông cậy hết vào những mùa vụ đi làm thuê làm mướn với tiền công vào khoảng 200.000 đồng/ngày của chị. Hai anh chị có 3 người con, đứa lớn học lớp 11 vừa chăm bố vừa chăm em để mẹ xuống Hà Nội. Mấy hôm nay chị Thanh hết tiền điện thoại nhưng không có nộp, thỉnh thoảng lại phải nhờ người này người khác gọi điện hỏi han tình hình ở nhà.
“Tiếng là anh chị em đùm bọc nhau nhưng ai cũng hoàn cảnh, cũng khó khăn nên có muốn giúp nhau cái gì cũng khó. Bây giờ tôi chỉ mong được về nhà nhưng không biết bao giờ mới về được đây”, chị Thanh than thở.
"Chẳng biết trông cậy vào đâu"
Ông Hoàng Văn Phương quê ở huyện Kiến Xương, tỉnh Thái Bình đúc rút như thế. Mỗi lao động rời quê lên Hà Nội bán sức lao động ngoài nỗi lo cơm áo là chủ yếu kiếm thêm đồng tiền để trang trải cho con cái học hành. Hoàn cảnh dịch bệnh như hiện nay thì khi vào năm học mới không biết lấy đâu ra tiền để đóng học cho chúng nó. Người lo con cái ăn học, người lo người thân ốm đau bệnh tật. Hầu như làm lao động tự do không ai để dành ra được đồng nào cả. Kiếm được đồng nào là có việc đồng đó cho nên gặp dịp phải nghỉ làm như thế này thì đúng là không biết trông cậy vào đâu.
Như trường hợp ông Lã Ngọc Bình (xã Tuy Lộc, huyện Cẩm Khê, tỉnh Phú Thọ) chẳng hạn. Ông Bình năm nay đã ngoài 60 tuổi nhưng vẫn phải xuống Hà Nội làm thợ xây cũng là vì hoàn cảnh ở quê không biết làm nghề gì kiếm tiền cả. Nhiều lúc nghĩ những người khác ở tuổi mình họ được quây quần bên con cháu an nhàn hưởng tuổi già còn mình thì vẫn phải xa quê, xa vợ con để đi lao động chân tay thế này cũng tủi thân nhưng biết làm sao được.
Xuống Hà Nội từ hơn 6 năm nay, mỗi tháng làm việc cật lực thì cũng để ra được khoảng 3-4 triệu, một gia đình bình thường ở quê như thế không sợ đói ăn. Nhưng gia đình ông Bình không may ở chỗ trong 4 đứa con thì đứa con gái lớn lại mắc căn bệnh bại não.
“Mỗi ngày phải nghỉ làm là xác định một ngày khốn khó. Ăn uống thì không nói nhưng cái chính là không có tiền để gửi về thuốc thang cho con. Đau lắm chú ơi”.
Hoàn cảnh đến mức nhóm ông Bình hiện không có tiền để mua cả khẩu trang. Cái ăn tạm bợ vô cùng. Nhiều hôm phải úp mì tôm cho qua bữa nhưng cũng phải cố cầm cự chứ thực sự không biết phải làm gì.