Theo Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công thương), sàn thương mại điện tử Tiki bán khoảng 10 tấn rau củ quả, thực phẩm chế biến một ngày. Con số của Shopee là 30 tấn, còn Lazada là gần 10 tấn ngày.
Việc các mặt hàng thiết yếu như rau củ quả, thực phẩm chế biến được tiêu thụ mạnh qua sàn thương mại điện tử là giải pháp để các tỉnh, thành phố phía Nam đảm bảo nguồn cung lương thực, trong bối cảnh giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16.
Trong thời gian đầu tăng cung ứng, vận chuyển hàng hóa, theo công văn số 687/TMĐT-TTCNS của Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số, việc triển khai gặp nhiều khó khăn. Nguyên nhân bởi đứt gãy chuỗi cung ứng, khiến khâu vận chuyển, giao hàng chưa đáp ứng được kịp thời.
Đến ngày 22/7, việc lưu thông thực phẩm về cơ bản ổn định. Bà Nguyễn Thị Minh Huyền, Phó Cục trưởng Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số cho biết: "Kênh thương mại điện tử đã hỗ trợ cho kênh phân phối truyền thống, giúp người dân mua sắm thuận lợi tại nhà, và giảm nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh. Chúng tôi sẽ tiếp tục cùng các sàn thương mại điện tử đảm bảo nguồn cung hàng hóa, kể cả việc đưa từ miền Trung, miền Bắc vào trong Nam”.
Sau hơn một tuần đẩy mạnh tiêu thụ lương thực, thực phẩm qua sàn thương mại điện tử, những tín hiệu lạc quan được ghi nhận. Ngoài thống kê của Tiki, Shopee và Lazada, sàn thương mại điện tử Voso (nền tảng được phát triển bởi Viettel) cũng tiêu thụ hơn 150 tấn rau củ quả tại 34 điểm bán lưu động trong 20 quận huyện TP. HCM.
Với thế mạnh về logistics, Voso và Postmart (nền tảng được phát triển bởi Tổng Công ty Bưu Điện Việt Nam - VNPost) đã tổ chức được cả hình thức bán hàng bình ổn giá trực tiếp, kết hợp online. Ngoài ra, Viettel Post và Voso sẽ tiếp tục tăng lượng hàng nhập đầu vào, dự kiến 60-80 tấn/ngày, đảm bảo cung ứng và bình ổn giá cho thị trường TP. HCM.
Đặc biệt, hầu hết các sàn thương mại điện tử đều vận chuyển tới lương thực, thực phẩm tới khu vực cách ly hoặc bán trực tiếp tại các Bưu cục của Viettel Post, VietnamPost, bưu điện văn hóa xã.
Nhờ sự vào cuộc quyết liệt của các Bộ, ban, ngành và chính quyền địa phương, các thực phẩm từng bị khan hàng như trứng gia cầm, thịt tươi hiện ổn định. Phó Giám đốc Sở Công thương TP. HCM Nguyễn Nguyên Phương chia sẻ: "Hàng hóa cung cấp cho người dân TP. HCM hiện dồi dào. Chúng tôi đã làm việc với Tổ công tác tiền phương của hai Bộ và Sở NN-PTNT. Qua đó, Tổ công tác đã đề nghị TP. HCM rà soát, đăng ký thông tin lượng hàng TP.HCM còn thiếu để tìm giải pháp cụ thể".