| Hotline: 0983.970.780

6 bệnh nhân ngộ độc botulinum giờ ra sao?

Thứ Sáu 26/05/2023 , 08:12 (GMT+7)

TP.HCM Một nam bệnh nhân (45 tuổi) ngộ độc botulinum đã tử vong do không thể chờ thuốc giải độc Botulism Antitoxin Heptavalent (BAT) do WHO hỗ trợ khẩn cấp.

Bệnh viện Nhân dân Gia Định tiếp nhận 1 lọ thuốc giải độc Botulism Antitoxin Heptavalent (BAT). Ảnh: SYT.

Bệnh viện Nhân dân Gia Định tiếp nhận 1 lọ thuốc giải độc Botulism Antitoxin Heptavalent (BAT). Ảnh: SYT.

Ngày 25/5, Sở Y tế TP.HCM cho biết, ngay sau khi tiếp nhận thông tin về các trường hợp ngộ độc botulinum toxin tại các bệnh viện ở TP.HCM (Bệnh viện Chợ Rẫy, Bệnh viện Nhân Dân Gia Định và Bệnh viện Nhi Đồng 2), Cục Quản lý Dược, Bộ Y tế đã có công văn khẩn cấp gửi đến Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đề nghị hỗ trợ thuốc giải độc Botulism Antitoxin Heptavalent (BAT).

Ngày 23/5, WHO đã tích cực rà soát, điều phối thuốc và có công văn phản hồi thực hiện phương án vận chuyển thuốc khẩn cấp dưới sự can thiệp và hỗ trợ của Bộ Y tế về thủ tục nhập khẩu thuốc.

Đến 7 giờ tối ngày 24/5, 6 lọ thuốc giải độc tố Botulism Antitoxin Heptavalent (BAT) về đến sân bay Tân Sơn Nhất, các bên đã làm các thủ tục giao nhận khẩn cấp hoàn tất.

"Với nỗ lực của cả hệ thống và sự hỗ trợ kịp thời của WHO, những lọ thuốc hiếm Botulism Antitoxin Heptavalent (BAT) đã về đến các bệnh viện phục vụ cho công tác cứu chữa người bệnh", đại diện Sở Y tế TP.HCM cho biết.

Tuy nhiên, nam bệnh nhân 45 tuổi đang điều trị tại Bệnh viện Nhân dân Gia Định đã bị biến chứng nặng và quá thời gian chỉ định dùng thuốc giải độc nên đã không qua khỏi.

Còn 2 anh em bệnh nhân (26 tuổi và 18 tuổi) đang điều trị tại Bệnh viện Chợ Rẫy đều không thể dùng thuốc giải độc. Bởi từ khi ngộ độc cho đến hôm nay là 10 ngày, quá muộn so với "thời gian vàng" chỉ định sử dụng thuốc giải độc đặc hiệu. Hiện 2 anh em phải thở máy, liệt cơ gần như hoàn toàn.

Bệnh nhi sinh năm 2009 (ôm gấu) vui đùa cùng các bạn trong phòng, em có thể xuất viện trong ngày 26/5 sau thời gian giành giật sự sống vì ngộ độc botulinum. Ảnh: BVCC.

Bệnh nhi sinh năm 2009 (ôm gấu) vui đùa cùng các bạn trong phòng, em có thể xuất viện trong ngày 26/5 sau thời gian giành giật sự sống vì ngộ độc botulinum. Ảnh: BVCC.

Cũng trong ngày 25/5, thông tin từ phía Bệnh viện Nhi Đồng 2 cho biết, 1 trong 3 bệnh nhi bị ngộ độc botulinum đã tự thở được, sức cơ 2 chi trên 5/5, sức cơ 2 chi dưới 5/5, đi đứng bình thường, hết sụp mi, ăn uống được, tiêu tiểu bình thường, dự kiến xuất viện ngày 26/5.

Còn bệnh nhi sinh năm 2010, hiện gọi biết, thực hiện được theo y lệnh, kích thích đau đáp ứng, sức cơ tứ chi chưa cải thiện, sức cơ 2 chi trên 2/5, 2 chi dưới 2/5, còn sụp mi, chưa tự thở, liệt ruột, đã được mở khí quản ngày 24/5 và tiếp tục thở máy thông số thấp, dinh dưỡng đường tĩnh mạch.

Bệnh nhi, sinh năm 2013, hiện tại tự thở yếu, sức cơ 2 chi trên 4/5, sức cơ 2 chi dưới 2/5, có nhu động ruột, cai máy 1 lần thất bại, còn thở máy thông số thấp, dinh dưỡng qua gavage.

Bệnh viện Nhi Đồng 2 đã hội chẩn với Bệnh viện Chợ Rẫy về hướng điều trị của 2 trường hợp bệnh nhi này. Cả hai sẽ được tiếp tục điều trị nâng đỡ (thở máy, dinh dưỡng, chống nhiễm trùng, chăm sóc nằm lâu) và không có chỉ định dùng BAT tiếp tục.  

Đại diện Bệnh viện Nhi đồng 2 cho biết, ba lọ thuốc giải độc vừa nhận từ Bộ Y tế tạm thời đơn vị chưa sử dụng điều trị cho 3 bệnh nhi này. Bởi trước đó, cả ba bệnh nhi đều đã được truyền thuốc giải độc (2 lọ thuốc BAT cuối cùng) trong vòng 24-48h sau ngộ độc.

Ngành Y tế Thành phố gửi lời cảm ơn, tri ân sâu sắc đến Bộ Y tế, WHO đã hỗ trợ các trường hợp ngộ độc botulinum toxin trên địa bàn Thành phố. Qua các trường hợp bị ngộ độc botulinum, ngành y tế Thành phố mong Bộ Y tế sớm có giải pháp về dự trữ thuốc hiếm cho những trường hợp cấp cứu tối khẩn cấp không có thuốc thay thế.

Thuốc Botulism Antitoxin Heptavalent (BAT) là thuốc gồm hỗn hợp các globulin miễn dịch phân mảnh được chỉ định trong điều trị ngộ độc thần kinh gây ra bởi chất độc botulium týp A, B, C, D, F hoặc G ở người lớn và trẻ em. Thuốc được sản xuất bởi nhà sản xuất Emergent Biosolutions Canada Inc., hạn dùng 1/3/2025. Thuốc được bảo quản nghiêm ngặt ở nhiệt độ dưới -15 độ C. Sau khi làm tan băng, phải bảo quản ở nhiệt độ 2 - 8 độ C cho đến khi sử dụng trong thời hạn 36 tháng.

Xem thêm
5 nguyên nhân phổ biến gây ung thư vú

Nguyên nhân phổ biến gây ra căn bệnh ung thư vú là sử dụng các liệu pháp thay thế hormone và thuốc tránh thai. Ngoài ra, thừa cân, béo phì cũng gia tăng xác suất mắc ung thư vú.

Nguyên nhân gây bệnh tim mạch và cách phòng ngừa hiệu quả

Bệnh tim mạch là một trong những bệnh nguy hiểm, với tỷ lệ tử vong cao. Cùng tìm hiểu nguyên nhân gây ra bệnh tim mạch.

Những điều người bệnh đái tháo đường cần lưu ý để phòng ngừa biến chứng

Bệnh đái tháo đường đang tăng nhanh, đặc biệt tại các nước khu vực châu Á, trong đó có Việt Nam. Bệnh có nhiều biến chứng nguy hiểm, tỷ lệ tử vong cao.

Ngâm chân bằng nước lá lốt thường xuyên có tốt không?

Ngâm chân bằng nước lá lốt là phương pháp Đông y phổ biến, giúp kích thích huyệt, đả thông kinh mạch và tăng tuần hoàn máu.