| Hotline: 0983.970.780

6 thập kỷ Bò và Đồng cỏ Ba Vì

Thứ Sáu 06/12/2019 , 12:39 (GMT+7)

Trung tâm Nghiên cứu Bò và Đồng cỏ Ba Vì (Viện Chăn nuôi Quốc gia) được hình thành từ Nông trường Ba Vì.

8e41c87dd6622f3c767316475497
Trụ sở Trung Tâm Bò và Đồng cỏ Ba Vì.

Nhìn lại chặng đường hơn 60 năm xây dựng và trưởng thành từ Nông trường Ba Vì, 30 năm đổi mới phương thức hoạt động, cơ chế quản lý, Trung tâm Nghiên cứu Bò và Đồng cỏ Ba Vì đã nối liền lịch sử của mình với sự nghiệp phát triển ngành chăn nuôi bò và cỏ Việt Nam.
 

Nhiều lần sáp nhập, chuyển đổi

Từ khi thành lập (1958) tới nay, trung tâm đã trải qua các giai đoạn lịch sử khác nhau. Giai đoạn 1958-1960, Nông trường Quân đội Ba Vì thuộc sự quản lý của Tổng cục Hậu cần Quân đội Nhân dân Việt Nam.

Thời gian này, nông trường hoạt động theo cơ chế kế hoạch hóa tập trung, bao cấp, góp phần xây dựng CNXH ở miền Bắc và sự nghiệp giải phóng Miền Nam, thống nhất đất nước. Nhiệm vụ cụ thể, lấy chăn nuôi là chủ yếu, trong chăn nuôi lấy chăn nuôi đại gia súc (bò) là chính, dần dần nâng tỷ lệ bò sữa lên.

Giai đoạn 1961-1977, Nông trường Quốc doanh Ba Vì thuộc Bộ Nông trường (1960-1970) và Ban Quản lý Nông trường Quốc doanh (1970-1977). Đến giai đoạn 1978 đến 1989, nông trường trực thuộc Viện Chăn nuôi.

Cụ thể, ngày 19/7/1977, theo Quyết định số 210/NN-TC-QĐ của Bộ Nông nghiệp và Công nghiệp Thực phẩm, Nông trường Quốc doanh Ba Vì được chuyển giao cho Viện Chăn nuôi trực tiếp quản lý. Đến ngày 12/10/1977, theo Quyết định số 292/NN-TC-QĐ của Bộ Nông nghiệp và CNTP, Trạm Nghiên cứu Bò và Đồng cỏ Ba Vì được sáp nhập vào Nông trường Quốc doanh Ba Vì.

Trong suốt giai đoạn này, Nông trường Quốc doanh Ba Vì luôn luôn bám sát nhiệm vụ chính trị là cơ sở nghiên cứu bò và đồng cỏ, thực hiện kế hoạch nghiên cứu, lai tạo giống, giữ giống và sản xuất giống bò, nghiên cứu các giống cỏ và xây dựng đồng cỏ, thực nghiệm đồng cỏ trên quy mô rộng theo phương thức nông - lâm kết hợp. các kết quả nghiên cứu về chế biến, bảo quản, dự trữ thức ăn cho đàn bò được áp dụng rộng rãi.

Giai đoạn 1989 đến 2019, một bước ngoặc lớn đánh dấu 30 năm chuyển đổi chế độ quản lý từ Nông trường Ba Vì sang Trung tâm Nghiên cứu Bò và Đồng cỏ Ba Vì. Trung tâm được Bộ Khoa học và Công nghệ cấp giấy chứng nhận đăng ký hoạt động khoa học và công nghệ số 263 ngày 06/4/1994; Bộ cấp giấy đăng ký hoạt động khoa học lần 2, số đăng ký A-988, ngày 01/8/2011; cấp lại lần 3, số đăng ký A-988,  ngày 30/11/2018.
           

Nhiều thành tựu khoa học công nghệ ấn tượng

Từ Nông trường quốc doanh Ba Vì (1958- 1989) một thời gắn liền với tên tuổi Anh hùng Lao động Hồ Giáo, mộc mạc, ban sơ đến Trung tâm Nghiên cứu Bò và Đồng cỏ Ba Vì ngày nay là cả một chặng đường lịch sử đầy gian khó và thử thách. Kế thừa thành quả ngành chăn nuôi bò sữa, bò thịt và cây thức ăn chăn nuôi; nâng cao, phát huy các thế mạnh và đạt được nhiều kết quả trong nghiên cứu khoa học cũng như chuyển giao công nghệ, đã giúp trung tâm ngày càng khẳng định được vai trò, vị thế của mình.

Giai đoạn 30 năm nghiên cứu chuyên sâu (1989-2019) về đại gia súc đó là bò sữa, bò thịt, từ thuở ban đầu, với những nghiên cứu khai sơ như lai tạo giống bò sữa bằng phương pháp tạp giao giữa bò lai sind với bò lang trắng đen Trung Quốc, nông trường đã tạo ra thế hệ bò lai hướng sữa đầu tiên có 50% máu HF. Các nhà khoa học vừa lai tạo vừa chọn lọc để lựa chọn những thế hệ bò lai phù hợp với điều kiện Việt Nam, đưa ra các quy trình chăm sóc nuôi dưỡng đặt nền móng cho chuyên ngành nghiên cứu về bò sữa, bò thịt sau này.

Từ năm 1991 đến 1995, trung tâm xây dựng được quy trình nuôi bò lai hướng sữa trên cơ sở hoàn thiện công thức lai hiện có và nghiên cứu công thức lai mới, đồng thời xây dựng các mô hình chăn nuôi bò sữa. Đến giai đoạn 1996-2000, với nhiều nghiên cứu trong lai tạo, dinh dưỡng thức ăn nên Trung tâm Bò và Đồng cỏ Ba Vì đã được Chủ tịch nước tặng “Giải thưởng Nhà nước về Khoa học và Công nghệ năm 2000”.  

Giai đoạn 2001 - 2009 trung tâm đã thực hiện 49 đề tài, 5 dự án, xây dựng và hoàn chỉnh các công tác chuyên ngành, tập trung vào lĩnh vực di truyền, dinh dưỡng, sinh sản, thú y, công nghệ hỗ trợ ...  10 năm gần đây là một khoảng thời gian khởi sắc nhất về các nghiên cứu công nghệ cao trong chăn nuôi, đánh dấu sự kế thừa và phát huy những kết quả của các bậc tiền bối, bắt kịp cùng xu thế phát triển chăn nuôi của thế giới.

Với vai trò sứ mệnh nghiên cứu góp phần xây dựng một ngành chăn nuôi bền vững, có hiệu quả, thân thiện với môi trường, theo định hướng chiến lược của Chính phủ, Trung tâm Nghiên cứu Bò và Đồng cỏ Ba Vì đã, đang và sẽ trở thành một trong những đơn vị uy tín về năng lực và có chiều sâu trong lĩnh vực này, góp phần thiết thực cho sự phát triển của ngành chăn nuôi đại gia súc nói riêng và chăn nuôi nói chung.
 

Đóng góp vào phát triển nông nghiệp, nông thôn

60 năm qua, Trung tâm đã cung cấp cho xã hội hàng trăm ngàn con bò giống thịt, sữa các loại; hàng trăm ngàn tấn giống cỏ góp phần phát triển nghành gia sức ăn cỏ và phủ xanh đất trống đồi núi trọc. Sản xuất ra hàng trăm triệu tấn sữa tươi cung cấp cho các nhà máy chế biến sữa góp phần nâng cao tâm vóc người Việt từ những thập kỷ 60 đến ngày nay. Trung tâm còn tham gia đào tạo, tập huấn cho hàng trăm kỹ thuật viên khắp cả nước,đi đến đâu cũng có dấu ấn cán bộ kỹ thuật trung tâm bò Ba Vì ở đó.

35c58f3e9021697f3030164802946
Đàn bò của trung tâm

Nếu sau hòa bình lập lại, đất nước chỉ có vài chục ngàn con con bò vàng nhỏ bé để cày kéo, lấy phân thì nay Việt Nam đã có trên 5,6 triệu con bò với tỉ lệ máu lai trên 65%. Ngành chăn nuôi bò trở thành ngành phát triển chủ lực cung cấp một phần thịt bò trong nước. Những đóng góp của trung tâm không những làm thay đổi ngành chăn nuôi bò thịt mà là còn thay đổi cả một hệ thống chăn nuôi loài gia súc ăn cỏ.

Đặc biệt, trung tâm đã đặt nền móng và tham gia tích cực vào việc phát triển nghành bò sữa và ngành sữa Việt Nam.

Khởi nguồn sữa trắng Ba Vì đã làm thay đổi trí tuệ, nhận thức và dáng vóc của nhiều thế hệ người Việt Nam. Chính từ nơi đây với đầy rẫy khó khăn, vất vả của nhiều lớp thế hệ cán bộ, công nhân, người lao động Nông trường Ba Vì một nắng ba sương tạo nên dòng sữa trắng, tạo cảm hứng để hình thành nên những thương hiệu sữa lớn, mang dấu ấn thời đại, như sữa Ba Vĩ, sữa Mộc Châu, Vinamilk, TH True milk... sau này.

Sự ghi nhận đó của xã hội trường tồn hơn cả một tấm huân, huy chương, nó đã đi vào lòng người bằng những vần thơ ca bất hủ được nhiều thế hệ người Việt nhớ đến: “Bóng chiếc thoi đưa, ánh mắt long lanh. Trời đất Hà Tây, tay em dệt lụa. Sữa trắng Ba Vì ... Hồn thơ Nguyễn Trãi". Nói đến Ba Vì người người nghĩ ngay đến Anh hùng Lao động Hồ Giáo- một biểu tượng cao đẹp của người công nhân yêu chăn nuôi, lấy con bò làm bầu bạn. Ngày nay với công nghệ 4.0 đã làm thay đổi diện mạo nghành chăn nuôi bò sữa nước nhà như công nghệ sinh sản, công nghệ phôi đều có dáng dấp, sự đóng góp về mặt khoa học của Trung tâm Nghiên cứu Bò và Đồng cỏ Ba Vì.

- Huân chương Lao động hạng Ba, Huân chương Lao động hạng Nhì

-  Giải thưởng Nhà nước về Chương trình lai tạo giống bò sữa, bò thịt Việt Nam

- Giải thưởng Bông lúa vàng Việt Nam

- Bằng khen của Chính phủ, Bộ, ngành và thành phố Hà Nội 

- Đã triển khai trên 60 đề tài nghiên cứu khoa học cấp Nhà nước, cấp Bộ, cấp Viện và cấp cơ sở thuộc các lĩnh vực về giống, dinh dưỡng, cây thức ăn gia súc, sinh sản và thú y.

Xem thêm
Sản phẩm từ mật hoa dừa xuất khẩu chính ngạch sang thị trường thứ 5

Các sản phẩm từ mật hoa dừa do Công ty Sokfarm chế biến đã xuất khẩu chính ngạch sang thị trường Nhật Bản, Hà Lan, Đức, Mỹ và mới đây là Australia.

350 lao động Đồng Tháp sang Hàn Quốc làm nông nghiệp thời vụ

Đã có 350 người lao động Đồng Tháp trúng tuyển để xuất cảnh đi làm việc thời vụ tại Hàn Quốc trong tháng 3 và tháng 4/2024.