| Hotline: 0983.970.780

60 năm đường Hồ Chí Minh trên biển: Vượt làn đạn

Thứ Sáu 22/10/2021 , 06:00 (GMT+7)

Phía trước mũi tàu là một vùng tối bưng. Đôi lần xuất hiện những đường đạn đỏ lừ từ dưới bắn lên, đan chéo tạo thành những đường cong.

Sau 2 lần gặp nạn trên biển, nhờ sự quyết đoán, mưu trí của thuyền trưởng Hồ Đắc Thạnh, sự đoàn kết của cán bộ, chiến sĩ tàu 41 (T41), con “tàu không số” đã vượt cạn thành công dù phải bỏ lại neo phải dưới đáy biển.

Trải qua nhiều khó khăn, gian khổ, T41 đã cập bến Vàm Lũng - Cà Mau an toàn, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ mang theo 60 tấn vũ khí và bốn cán bộ cấp cao từ miền Bắc vào chi viện cho miền Nam kháng chiến chống Mỹ”.

Ông Trần Văn Lịch và đồng đội quay trở lại thăm con tàu Bảo vật quốc gia tại Hải Phòng. Ảnh: Kim Thược.

Ông Trần Văn Lịch và đồng đội quay trở lại thăm con tàu Bảo vật quốc gia tại Hải Phòng. Ảnh: Kim Thược.

Thắc mắc được lý giải

Đèn Hòn Khoai loé sáng, chớp dài và rõ dần mạn trái. Thuyền trưởng và các sĩ quan trên tàu mừng lắm. Coi như đã đi được gần hết cung đường trong hành trình chuyển vũ khí, cán bộ vào miền Nam. Đèn Hòn Khoai chạy dần về phía đuôi tàu.

Chiến sĩ trên tàu được lệnh thu nguỵ trang, tắt đèn hành trình, đèn sinh hoạt. Tất cả thực hiện trong im lặng, chỉ còn tiếng máy chạy vo vo với tốc độ thấp, hạn chế chế độ sáng. Đứng ở vị trí 17ly7 sau tay lái, thuỷ thủ Trần Văn Lịch chủ yếu làm nhiệm vụ quan sát phía đuôi tàu và chếch hai bên mạn.

Lúc này, từ chỉ huy đến các vị trí đều phải căng tai căng mắt, sẵn sàng chiến đấu. Phải tập trung quan sát, tỉnh táo để nhận lệnh. Kỳ thực đã nhiều ngày lênh đênh trên sóng biển nhưng lúc này chẳng ai nghĩ đến mệt nhọc.

Phía trước mũi tàu là một vùng tối bưng. Đôi lần xuất hiện những đường đạn đỏ lừ từ dưới bắn lên, đan chéo tạo thành những đường cong. Các anh đã đi vào đây nhiều lần cho biết: “Đạn của ta bắn lên. Còn vùng sáng phía trước là hoả pháo của trinh sát địch bắn xuống vùng chúng khả nghi”.

Trên cung đường chọc bờ, thuyền trưởng Hồ Đắc Thạnh liên tục đứng trên ca-bin quan sát. Bên cạnh, anh Sắc (thuyền phó) cũng lên xuống như con thoi. Chính anh Sắc là người thẩm định lại ý kiến của thuyền trưởng và đưa ra những nhận định xác đáng về tình hình lúc đó.

Trong màn đêm, anh Hoa và anh Tiến (hai chiến sĩ thuỷ thủ tàu 41) lên hẳn mũi, đứng bám vào cột, căng mắt, căng tai đón nhận tín hiệu. Nhiều lúc, các anh còn xuống cuối boong soi đèn pin sát thành mạn nhìn màu nước, dòng chảy để nhận dạng cửa Vàm. Với khí tài hàng hải như: la bàn, máy đo góc kẹp 1/6, bộ lịch thuỷ triều vùng dùng cho việc xác định vị trí tàu, để chuyển hướng, bắt buộc các anh phải dựa vào đèn, vào núi.

Nay tìm cửa Vàm, ngoài kinh nghiệm, có một yếu tố không thể bỏ qua đó là nhận dạng màu nước, của dòng chảy. Mà để nhận dạng điều này, chắc chắn phải là những người có kinh nghiệm sống hoặc qua lại đây nhiều lần.

Cấp trên đã lo trước cho tàu, chính là sự có mặt của anh Hoa, anh Tiến trong chuyến đi này. Còn một trường hợp ngoại lệ, coi như “nhặt được vàng mười” với những tàu chuẩn bị cập bến đó là gặp được người dân đang làm nghề tại cửa vùng. Với giọng nói vùng sông nước của hai anh Hoa, Tiến, người dân ở đây sẽ an tâm, dễ dàng lên tàu làm hoa tiêu vào cửa Vàm nhanh nhất.

Tại bến đón, những ngư dân đồng ý làm hoa tiêu sẽ được chăm sóc chu đáo trong thời gian tàu trả hàng. Rồi sau đó, những ngư dân này được theo tàu ra Bắc. Đây cũng là một cách đảm bảo bí mật cho bến đón và cho những con tàu mang hàng chi viện. Điều này đã lý giải sự ngộ nhận của thuỷ thủ Lịch và những người lính trẻ lần đầu tiên bước chân vào cảng K20.

Tại đây, không ở đâu có những anh lớn tuổi lại mặc áo yếm chiến sĩ như mình. Đâu có thể ngờ rằng, các anh Hoa, Tiến cũng chính là “những ngư dân vùng cửa” ở các bến đón tàu không số trước đó. Ra miền Bắc, tạm thời các anh làm việc của những người lính hải quân trong Đoàn bộ. Chắc là đã nhận ra điều gì đó, anh Hoa vội chạy lên buồng lái gặp thuyền trưởng.

Chưa đầy 30 phút, có ánh chớp lạ phía mũi tàu. Thuyền trưởng Hồ Đắc Thạnh cho dừng máy “chớp hai” rồi “chớp ba” đáp lại. Chính trị viên Trần Hoàng Chiến thận trọng chuyển sang tín hiệu khác, hai bên đáp lại. Một giọng nói vừa đủ cho tất cả cùng nghe thấy: “Mình rồi, bến rồi!” Con tàu chưa dừng hẳn, chiếc xuồng ba lá đã áp mạn trái.

Thuỷ thủ Lịch nghe rõ tiếng anh Hoa: “Khoẻ không Ba ơi? Tau nè, Sáu Hoa đây nè!”. Trời tối, đâu có nhìn rõ được nhau, chỉ nghe giọng nói các anh đã nhận ra người cùng bến. Nhanh chóng lên tàu, họ ôm nhau, sau đó nắm chặt tay cùng bước nhanh lên ca-bin gặp thuyền trưởng. Sự việc diễn ra trong giây lát cũng biến đi trong giây lát.

Thuỷ thủ Lịch nghĩ bụng: “Chắc đây cũng là đặc thù của tinh thần bí mật, bất ngờ trong nhiệm vụ của những con 'tàu không số'. Những ai đã từng được chứng kiến, được đứng bên giây lát ấy để chứng kiến cái gặp nhau của tình đồng đội, cái thắng lợi của những con người cùng chí hướng quyện vào nhau chỉ trong giây phút cũng sẽ là những kí ức in đậm, khó quên trong đời lính”.

Cán bộ sỹ quan tàu 41 chụp ảnh năm 1963 trước khi chở hàng vào miền Nam. Ảnh tư liệu.

Cán bộ sỹ quan tàu 41 chụp ảnh năm 1963 trước khi chở hàng vào miền Nam. Ảnh tư liệu.

“Nhớ chuyến đi lịch sử này”

Trong màn đêm, tàu 41 định hướng chầm chậm đi vào cùng tối phía trước. Con tàu như tăng thêm sức mạnh, nhanh chóng vượt qua cửa Vàm, qua từng hàng đước ngoằn ngèo từng cung, từng đoạn trước khi tiến sâu vào đất liền. Tàu dừng máy, một không gian yên tĩnh đủ nghe tiếng lướt của mái chèo, tiếng động nhẹ của những bước chân trên mặt boong.

Đã gần về sáng, cung đường cuối cùng trong hải trình chở hàng chi viện từ cảnh K20 miền Bắc vào bến Vàm Lũng – Cà Mau an toàn và kết thúc. Hai mốt người trên tàu 41 vào phút chót này con tim như cùng một nhịp đập: “Vui, sướng, rộn ràng khó tả!”.

Chiếc đồng hồ trên buồng lái chỉ 3 giờ sáng 22/10/1964, hai đầu dây mũi lái của tàu 41 buộc cố định vào hàng cây đước của bến Vàm Lũng – Cà Mau. Tàu 41 chuẩn bị cho việc dỡ hàng. Mười chiến sĩ trên tàu đã thạo công việc của ngành.

Thuyền trưởng Nhợ chỉ nhìn qua hoặc nói nhỏ công việc đã đâu vào đấy. Quần áo bà ba, khăn rằn ô vuông, AK luôn bên người, trông họ cực kì nhanh nhẹn, thông thạo với công việc vận chuyển vũ khí. Trước khi vận chuyển, anh em ở bến cùng thủy thủ dùng chiếc vải dù to che kín cả phần đuôi boong và ca-bin để ngụy trang. Đảm bảo khi trời sáng, đoạn sông này như không có gì biến động. Lại nói về chiếc dù đó, sau bến đón đã tặng lại cho anh em trên tàu 41. Ngay sau ngày trả hàng, trên đường tàu ra Bắc, tấm dù đã được cắt ra chia đều cho các thuyền viên.

Thuỷ thủ Trần Văn Lịch được hai chéo, quấn lại đủ ấm. Trong những năm miền Bắc chống chiến tranh phá hoại bằng không quân, thuỷ thuỷ Lịch luôn mang nó theo bên mình, coi như chiến lợi phẩm của chuyến đi trên con tàu không số năm ấy.

Trời sáng dần. Ở Vàm Lũng không có tiếng gà gáy. Một nửa hầm hàng trên tàu mở rộng, hàng chi viện được chuyển lên ngay. Từng bó dài, bó ngắn vũ khí quấn vải còn đẫm mỡ vàng ươm. Tất cả được chuyền tay qua tay nhẹ nhàng xuống ghe, xuống xuồng. 

Không tiếng động, không ồn ào, xuồng ghe táp vô mạn rồi nhanh chóng toả ra, liên tục nhịp nhàng như guồng máy, như mạch nước ngầm chảy trong lòng đất.

Anh em trên tàu đang vui, đang nghĩ đến một sức mạnh, một chiến thắng của quân giải phóng miền Nam nay mai. Hàng chi viện đã được giao đến tận tay các đồng chí miền Nam an toàn, đầy đủ. Niềm vui còn tăng lên gấp bội trong buổi họp chia tay 4 vị khách đi theo tàu. Đơn giản nhưng thắm tình, có cả đại điện lãnh đạo bến Vàm Lũng tham dự.

Chính trị viên Trần Hoàng Chiến thay mặt anh em tàu 41 chúc các anh trong bến khoẻ và thắng lợi. Đến lúc này, thuỷ thủ trên tàu mới được biết rõ, chuyến đi đã mang đến cho chiến trường miền Nam một bác sĩ, hai sỹ quan pháo binh và một cán bộ dân chính cao cấp. Trong không khí ấm tình đồng chí, các anh cán bộ cấp cao vui lắm. Họ cười nhiều hơn nói, nắm chặt tay các sỹ quan rồi ôm từng người lính trên tàu.

Một người khách trên tàu đứng lên phát biểu: “Nhớ các bạn! Nhớ chuyến đi lịch sử này. Rồi đây, mỗi khi gặp gian khổ tại chiến trường miền Nam ác liệt, nhớ đến tàu, vượt cạn, vượt biển Đông sẽ là nguồn động viên, là sức mạnh của tụi mình vượt qua tất cả”.

Trước buổi chia tay ấy, thuỷ thủ Trần Văn Lịch không hình dung hết được sự gian khổ, khốc liệt của cuộc chiến tranh đến với từng người. Nhưng anh tin, quân giải phóng miền Nam sẽ vượt qua. Niềm tin trong tim người lính trẻ ấy cho đến nay chưa bao giờ tắt.

“Đây là thắng lợi lớn”

Tàu 41 ở lại bến ba ngày. Ngày 25/10/1964, tàu được lệnh ra Bắc. 19h25, tàu ra khỏi cửa Vàm. Chuyến ra Bắc lần này ai cũng hồ hởi, phấn khởi. Thủy thủ Lịch cảm thấy có một chút tự hào về thành công của chuyến đi vào Nam.

Trước khi tàu nhổ neo, anh em dưới bến đã đưa một lượng lớn củi đước để xuống hầm hàng nhưng không ăn thua gì so với trọng tải của tàu. Nước ngọt và dầu máy không phải bổ sung. Con tàu gần như ở trạng thái không tải nên luôn ngóc đầu. Khi chạy, gặp sóng gặp gió mũi tàu còn ngóc cao hơn nữa. Không riêng gì tàu 41, hầu hết các con tàu chi viện trong chuyến chạy ra đều ở trạng thái này.

Ông Trần Văn Lịch trò chuyện cùng với khách tham quan Khu di tích tưởng niệm đường Hồ Chí Minh trên biển tại Hải Phòng. Ảnh: Kim Thược.

Ông Trần Văn Lịch trò chuyện cùng với khách tham quan Khu di tích tưởng niệm đường Hồ Chí Minh trên biển tại Hải Phòng. Ảnh: Kim Thược.

Để hạn chế tình trạng không tải, các sỹ quan hàng hải đã tác nghiệp hướng đi trên từng cung, từng đoạn đường thật chi tiết, tỉ mỉ mới nguyên tắc: “Không được trùng lặp hướng đi vào, không đối đầu với gió mùa”. Mục đích sao cho phù hợp với sức chịu đựng của con tàu.

Tháng 10 hàng năm là tháng của gió mùa Đông Bắc trên biển Đông. Tàu 41 ra ngay từ cung đoạn đầu đã bị tác động và chịu ảnh hưởng mạnh của gió mùa. Đã có những cung đoạn tưởng như không nhích lên được. Trong tàu chỉ còn lại trên đầu ngón tay chiến sĩ chịu nổi những cơn đập của sóng, của gió mùa.

Ngành boong còn lại được hai người coi như trụ cột của ca lái là bác Trần Văn Nhợ (thủy thủ trưởng) và hạ sĩ Nguyễn Công Ở (thủy thủ viên). Ngành máy có máy trưởng Nhạn, máy ba Nguyễn Văn Tiến. Cái nghiệp say sóng biển rất may rủi.

Không phải cứ cao to, nặng kí thì không say. Các anh lớn tuổi thường bảo: “Sẽ quen dần, biết chịu đựng, cố vượt qua thì bớt say và không gục (“gục” có nghĩa là “bỏ ca”). Lính trẻ lần đầu đi biển, nghe lời các anh lớn nay nghiệm thấy là đúng.

Không ai gục nhưng mệt và cần đến sự tương trợ của đồng đội. Thử hỏi, cầm tay lái đang trong tình trạng nôn nao đã chạy ra thành lan can đôi lần thốc tháo lại có người đến vỗ nhẹ: “Đưa đây, lên quan sát đi” hoặc “Đưa đây, nghỉ chút đỉnh đi”. Được vỗ nhẹ như vậy sao nỡ từ chối mà không lên. Nhìn đồng đội lúc này thật thấm thía, trìu mến.

Đến nay, mỗi khi gặp lại nhau, nhắc đến chuyến ra này anh em ai cũng lắc đầu công nhận: “Bền thật, chuyến đó tưởng gãy đôi tàu”. Anh em trên tàu còn phục sát đất hạ sĩ Nguyễn Công Ở khi liên tục hai ca lái xong còn xuống bếp nấu nồi cháo tướng cho anh em trong điều kiện sóng gió này. Sức bền của sắt thép cộng với ý chí, quyết tâm của con người đã tạo ra sức mạnh cho tàu 41 trong chuyến đi ra tưởng như không nhích nổi.

Cuối cùng, tàu đã vượt qua từng cung, từng đoạn sóng gió buốt lạnh đi vào Vịnh Bắc Bộ giữa trưa ngày 31/10/1964. Ra đến Vịnh Bắc Bộ, coi như đã về đến nhà. 6 giờ ngày 01/11/1964, ca trực của thuyền phó Sắc bắt được đèn Long Châu với những pha chớp dài đặc biệt. Kế tiếp là đèn chớp trắng Hòn Dấu mạn trái. Không khí trên tàu vui hẳn lên.

Thuyền phó hai Hồng Lỳ đã nghĩ ngay đến nồi chè bí ngô khi tàu cập cảng. Bắt được phao số không, cửa luồng Nam Triệu chớp trắng liên tục, tàu theo hàng phao qua đoạn sông đào Đình Vũ, đi vào sông Cấm. Cả một vùng vầng sáng phía trước đó là cảng Hải Phòng và thành phố với ánh điện sáng rực ban đêm.

Đêm tháng 10 trời se lạnh, nhưng trong lòng chiến sĩ trên tàu thấy ấm áp. Ai cũng sung sướng với bộ quần áo bảo hộ màu xanh xám do trên cấp phát, dùng trong suốt cuộc hành trình vào Nam ra Bắc, chuyến ra sau này còn khoác thêm vuông vải dù, chiến lợi phẩm được cho là ít người có lúc bấy giờ.

Thuyền trưởng cho giảm tốc độ, tàu từ từ qua cảng, qua các con tàu ngoại quốc, cuối cùng là bến Bính quen thuộc. Tàu thẳng hướng vào càng K20, đối điện là nhà máy xi măng cùng những ống khói đen sì. Thuỷ triều xuống, thuận tiện cho tàu cập cảng K20 mạn phải an toàn. Liên tục ba hồi chuông máy, thuyền trưởng đặt tay gạt vào nấc “stop” máy, kết thúc chuyến đi đài ngày trên biển. Đồng hồ thuyền lúc này 22h15 ngày 01/11/1964.

Theo thông lệ, sau mỗi chuyến đi của những con tàu chở hàng chi viện cho miền Nam là họp thuyền. Lần họp này, do chuyến đi có nhiều sự kiện nên cán bộ các phòng, ban của Đoàn bộ xuống dự đông đủ. Thay mặt lãnh đạo Đoàn bộ, Chủ nhiệm chính trị, Trung tá Võ Hành phát biểu. Đến nay, thủy thủ Trần Văn Lịch còn nhớ từng lời từng chữ.

“Trong chuyến đi này, tàu 41 đã hoàn thành nhiệm vụ xuất sắc. Một chuyến đi đạt hai thắng lợi. Ở Đoàn ta đã có hai tàu trên đường hành trình đã bị cạn ở vùng biển xa không ra được, bắt buộc phải phá huỷ tàu và hàng. Bộ Tổng quân chủng và Đoàn ta âm thầm, bí mật, khẩn trương giải quyết. Nó liên quan đến vùng biển lận cận, tới bí mật mà quân đội và Đoàn ta đang theo đuổi. Ra được cạn, xử lý nhanh vứt bỏ neo, mang hàng tới bến, đây là thắng lợi lớn. Thay mặt thủ trưởng Đoàn, tôi cảm ơn các đồng chí, những con người đáng được tự hào về thắng lợi của mình”.

Ngày đó, thủy thủ Trần Văn Lịch suy nghĩ thật đơn giản. Anh chỉ coi đó công việc, là nhiệm vụ, bằng mọi giá để hoàn thành. Đâu có nghĩ sâu xa về một thắng lợi như sự đánh giá của Chủ nhiệm. Mãi sau này khi đất nước thống nhất, vào mỗi ngày 23/10 hàng năm, khi Bộ Quốc phòng, Quân chủng Hải quân kỷ niệm ngày thành lập đường Hồ Chí Minh trên biển, nghe những con số thống kê số đạn dược, vũ khí, cán bộ, chiến sĩ mà những đoàn “tàu không số” vận chuyển vào miền Nam mới thấy hết được giá trị của những chuyến đi đó.

Năm nay, kỷ niệm tròn 60 năm ngày mở đường Hồ Chí Minh trên biển, tuyến đường huyết mạch chi viện cho miền Nam trong những năm tháng đất nước tạm chia cắt làm hai miền, thủy thủy Trần văn Lịch từ chàng trai đôi mươi nay đã bước sang tuổi 83. Thế nhưng, “tàu không số” và lần vượt cạn, vượt gió bão biển vào Vàm Lũng - Cà Mau vẫn là hồi ức, là chuyến đi không thể nào quên.

Sự ra đời của tuyến vận tải chiến lược đường Hồ Chí Minh trên biển được đánh dấu bằng sự thành lập của Đoàn vận tải biển 759, nay là Lữ đoàn 125 Hải quân vào ngày 23/10/1961.

Đêm 11/10/1962, chiếc tàu gỗ gắn máy đầu tiên của Đoàn 759 xuất phát từ Hải Phòng lên đường vào Cà Mau. Tàu đóng giả tàu đánh cá chở theo 30 tấn vũ khí mở đầu cho những chuyến hành trình đầy bão táp của đoàn tàu không số trên tuyến đường Hồ Chí Minh trên biển huyền thoại.

Từ đó, để tránh tai mắt địch hầu hết các con tàu chở vũ khí chi viện cho chiến trường miền Nam đều được ngụy trang thành tàu đánh cá, không mang số hiệu cố định và liên tục thay đổi lộ trình trên đường đi. Tên gọi “tàu không số” cũng ra đời từ đó.

Bắt đầu chỉ với 4 con tàu gỗ thô sơ, tải trọng 35 tấn, cùng 38 chiến sĩ nòng cốt, đoàn “tàu không số” đã phát triển thành đoàn tàu vỏ sắt có trọng tải từ 50 - 100 tấn, rồi tàu vỏ thép chắc chắn hơn 100 tấn.

Từ 1961 – 30/04/1975, Lữ đoàn 125 đã huy động 1.879 lượt tàu thuyền, đi gần 4 triệu hải lý, vận chuyển 152.876 tấn vũ khí, đạn dược, thuốc chữa bệnh, hơn 80.000 cán bộ chiến sĩ từ Bắc vào Nam.

Xem thêm
Đưa cán bộ khuyến nông sang Nhật Bản học tập và làm việc

HÀ NỘI Ngày 22/4, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Trần Thanh Nam tiếp và làm việc với đoàn đại biểu quận Nikicho (tỉnh Hokkaido, Nhật Bản).

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Giây phút kinh hoàng qua lời kể của nạn nhân sống sót ở Xi măng Yên Bái

Một đêm dài vừa trải qua với các nạn nhân sống sót sau vụ tai nạn lao động nghiêm trọng, họ kể lại câu chuyện trong nỗi đau về cả thể xác và tinh thần.

Chuyện làm du lịch ở miền núi Phú Thọ: [Bài 1] Đồi chè Long Cốc, nàng tiên không ban cho dân được mấy tiền

'Không mấy ai nhìn ra giá trị của rừng Xuân Sơn, Tân Sơn nên bỏ lỡ cơ hội phát triển du lịch', TS. Ngô Kiều Oanh tiếc rẻ.