Thông tin trên được chia sẻ tại Lễ Tôn vinh và trao danh hiệu “Doanh nghiệp xanh TP.HCM năm 2024”, do Hiệp hội Doanh nghiệp TP.HCM (HUBA) và Báo Sài Gòn Giải Phóng tổ chức, tối 29/8.
Đây là một trong chuỗi hoạt động hướng đến Diễn đàn kinh tế TP.HCM lần 5 với chủ đề “Chuyển đổi công nghiệp, động lực mới cho phát triển bền vững TP.HCM” diễn ra trong tháng 9 tới đây.
Ông Nguyễn Ngọc Hòa, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TP.HCM cho biết, năm 2024, danh hiệu doanh nghiệp xanh TP.HCM được trao cho 98 doanh nghiệp. Trong đó, có 53 doanh nghiệp thuộc lĩnh vực sản xuất kinh doanh và 45 doanh nghiệp thuộc lĩnh vực thương mại – dịch vụ, bất động sản và các hệ thống bán lẻ.
Đây là những tấm gương sáng, đại diện cho tinh thần trách nhiệm, sáng tạo, kiên trì trong việc bảo vệ môi trường. Các doanh nghiệp này đã thể hiện sự cam kết mạnh mẽ và triển khai những hành động thiết thực trong việc tuân thủ nghiêm các tiêu chuẩn môi trường, sử dụng hiệu quả tài nguyên và phát triển các sáng kiến xanh.
Theo ông Hòa, trong bối cảnh toàn cầu đang đối mặt với những thách thức lớn về biến đổi khí hậu và tài nguyên cạn kiệt, việc đầu tư vào các hoạt động phát triển bền vững không còn là lựa chọn, mà là yêu cầu tất yếu.
"Tôi kêu gọi toàn thể cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân thành phố hãy tiếp tục phát huy tinh thần trách nhiệm, tiên phong trong việc ứng dụng công nghệ xanh, sử dụng năng lượng tái tạo, thúc đẩy các hoạt động kinh doanh bền vững", ông Nguyễn Ngọc Hòa nói.
Ông Nguyễn Anh Đức, Chủ tịch Hiệp hội các nhà bán lẻ Việt Nam, Tổng giám đốc Saigon Co.op cho biết, nhu cầu tiêu dùng sản phẩm xanh tại Việt Nam tăng trưởng trung bình 15% mỗi năm trong giai đoạn 2021 - 2023.
"Có đến 72% người tiêu dùng Việt Nam sẵn sàng chi trả nhiều hơn cho các sản phẩm xanh, cho thấy nhận thức và sự quan tâm ngày càng tăng của người dân đối với vấn đề bảo vệ môi trường", ông Đức nói và cho biết, Saigon Co.op luôn định hướng phát triển hệ thống tới tiêu dùng bền vững. Trong đó, hệ thống đã ngừng sử dụng túi nilon khó phân hủy thay vào đó sử dụng 100% túi tự hủy sinh học, túi tái sử dụng nhiều lần; thay thế các sản phẩm như ống hút nhựa, muỗng nhựa… trên kệ hàng bằng sản phẩm có nguồn gốc từ bã mía, giấy, gạo hay các dạng nguyên liệu thân thiện môi trường...
Mặt khác, Saigon Co.op hỗ trợ doanh nghiệp cung ứng hoàn thiện quy trình sản xuất, tiến tới đạt chứng nhận doanh nghiệp xanh nhằm tạo cơ hội cho các doanh nghiệp phát triển thương hiệu, mở rộng thị phần trong nước và xuất khẩu thị trường nước ngoài.
Năm thứ hai được nhận danh hiệu “Doanh nghiệp xanh TP.HCM năm 2024”, đại diện MM Mega Market cho biết, trên hành trình hướng đến mục tiêu giảm phát thải ròng bằng 0, đơn vị có nhiều bước tiến vững chắc trong việc “xanh hóa” hệ thống phân phối và chuỗi cung ứng trên toàn quốc. Đơn cử như, giảm tiêu thụ túi nilon, khuyến khích khách dùng các loại túi sử dụng nhiều lần và túi phân hủy sinh học không để lại vi nhựa, giúp giảm thải ra môi trường trung bình 10 triệu túi nilong 1 năm; sử dụng hệ thống năng lượng mặt trời áp mái, sản xuất hơn 5.5 triệu kWh điện...
Đặc biệt, MM Mega Market cùng Green Connect thực hiện dự án "Giảm rác thải hữu cơ", nhằm tận dụng rác thải hữu cơ làm thức ăn cho gà, ấu trùng ruồi lính đen trong mô hình "Trại gà nhân đạo", giúp giảm đến 187 tấn thực phẩm dư thừa mỗi năm...
"Mỗi doanh nghiệp, mỗi người dân hãy tiếp tục phát huy tinh thần trách nhiệm và đồng hành cùng chính quyền để hành động một cách tự giác, thúc đẩy các hoạt động sản xuất kinh doanh và tiêu dùng bền vững, cùng chung tay bảo vệ môi trường", Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Võ Văn Hoan nói.