| Hotline: 0983.970.780

Sản phẩm xanh, kinh tế tuần hoàn… hướng đến nền nông nghiệp xanh, bền vững

Thứ Năm 24/11/2022 , 06:28 (GMT+7)

Tăng trưởng xanh dần trở thành xu hướng của thế giới và Việt Nam có nhiều tiềm năng phát triển sản phẩm xanh, thân thiện môi trường… hướng đến nền nông nghiệp xanh, bền vững.

ống hút cỏ bàng12

Nông dân Long An thu hoạch cỏ bàng.

"Tái sinh" nguồn tài nguyên bản địa

Với mong muốn mang đến người tiêu dùng trong và ngoài nước những sản phẩm xanh, sản phẩm tự nhiên, thân thiện với môi trường, cơ sở Miền Tây Xanh (ấp Đông Trung, xã Tân Chánh, huyện Cần Đước, tỉnh Long An) đã tận dụng chính nguồn tài nguyên bản địa là cỏ bàng để tạo ra những sản phẩm "hợp xu hướng”. Đồng thời, tạo công ăn việc làm, tăng thu nhập cho hàng trăm người dân địa phương.

Nằm trong vùng đất mà trời phú cho một nguồn nguyên liệu phì nhiêu, anh Bùi Thành Được, chủ cơ sở Miền Tây Xanh đã nảy ý tưởng, phát triển vùng nguyên liệu cỏ bàng - một loại cỏ tưởng chừng bị “quên lãng” để có thể tạo ra những sản phẩm có giá trị, thân thiện môi trường.

Để có được nguồn nguyên liệu ổn định, anh Được liên kết với bà con nông dân trên tổng diện tích 150ha trồng cỏ bàng, bao tiêu đầu ra cho bà con nông dân. “Thay vì mình bán nguyên liệu xuất khẩu thì tại sao mình không tận dụng cơ hội có sẵn để làm các sản phẩm có giá trị, tối ưu hóa lợi ích, bán ra thị trường, đồng thời cải thiện cuộc sống của bà con từ chính nguồn nguyên liệu bản địa”, anh Được giãi bày.

ống hút cỏ bàng28

Các sản phẩm làm từ cỏ bàng của cơ sở Miền Tây Xanh luôn được chọn là sản phẩm tiêu biểu của Long An tại các hội chợ, triển lãm.

Cỏ bàng là giống cây mọc hoang dại ở vùng đất nhiễm phèn, nên khi chăm sóc không dùng thuốc trừ sâu hoặc phân bón hóa học. Cỏ bàng thu mua của bà con phải đảm bảo đúng tiêu chuẩn, đúng theo quy trình để sản xuất mà cơ sở đưa ra như lá cỏ bàng phải đủ độ tuổi, đủ chiều dài (đường kính thân cây từ 5 - 8mm), không nhiễm dư lượng hóa chất và “nằm” trong những vùng đất không bị ô nhiễm. Sau đó, cỏ bàng được ngâm trong nước tro để diệt khuẩn, tẩy phèn tự nhiên và sẽ đưa vào sản xuất.

Để nâng cao giá trị cũng như giảm chi phí, tối ưu giá thành, anh Được đầu tư nhập khẩu máy móc để tạo ra loại ống hút cỏ bàng có chất lượng đồng đều.

Với sản phẩm ống hút làm 100% từ cỏ bàng thiên nhiên được đầu tư kỹ lưỡng từ khâu sản xuất đến bao bì đóng gói thiết kế sang trọng, đẹp mắt. Nhờ đó, sản phẩm ống hút cỏ bàng của cơ sở có giá cạnh tranh, tạo sự khác biệt với các sản phẩm cùng loại trên thị trường. Ống hút cỏ bàng khô tự phân hủy ở môi trường tự nhiên trong vòng 8 tháng. 

Anh Được cho biết, năm 2021, ống hút cỏ bàng được công nhận là sản phẩm OCOP 3 sao của tỉnh Long An và được chứng nhận đạt tiêu chuẩn ISO 22000:2018, tiêu chuẩn HACCP. Hiện sản phẩm này đã có mặt tại các chuỗi cà phê, nhà hàng, khách sạn trong nước và xuất khẩu sang thị trường khó tính như Mỹ, Nhật Bản.

Empty

Sản phẩm ống hút từ thân cỏ bàng của cơ sở Miền Tây Xanh.

Bên cạnh phát triển dòng sản phẩm chủ lực là ống hút cỏ bàng, hiện cơ sở của anh Được tập trung sản xuất các sản phẩm nghiêng về thời trang như túi xách, ví, ba lô, nón du lịch… với nhiều mẫu mã đa dạng, hợp thời trang, mang tính ứng dụng cao từ chính bàn tay khéo léo, tỉ mỉ của những người thợ thủ công địa phương.

Hiện mỗi tháng, cơ sở này đưa ra thị trường khoảng gần 3 triệu ống hút cỏ bàng và khoảng gần 5.000 ba lô, túi xách. Các sản phẩm được bán trên các sàn thương mại điện tử trong nước cũng quốc tế như Alibaba, Amazon, Shopee, Lazada và đã xuất khẩu sang các thị trường như Pháp, Nhật, Mỹ, Đức, Séc, Ảrập Xêút, Hàn Quốc. Riêng sản phẩm ống hút cỏ bàng của anh Được đã tạo được lòng tin của người tiêu dùng và các đối tác trong nước, có mặt tại các nhà hàng, khách sạn, chuỗi cửa hàng tiện lợi, siêu thị trên địa bàn TP.HCM.

Nói về định hướng trong thời gian tới, anh Được cho biết mong muốn nhân rộng thêm vùng nguyên liệu, liên kết với nhiều bà con và mở rộng nhà xưởng để tạo ra những sản phẩm đa dạng, thân thiện với môi trường để cung cấp cho người tiêu dùng trong nước và xuất khẩu.

mật hoa dừa

Gian hàng của Sokfarm tại Vietnam Foodexpo 2022.

Trưởng thành từ Cuộc thi Dự án khởi nghiệp sáng tạo thanh niên nông thôn 2020 của BSA, mật hoa dừa Sokfarm của Phạm Đình Ngãi và Thạch Thị Chal Thi (Trà Vinh) đã dần tìm được chỗ đứng trên thị trường nhờ đầu tư vùng nguyên liệu theo hướng hữu cơ, an toàn trong toàn bộ quá trình canh tác, bảo vệ hệ sinh thái và môi trường, và đặc biệt, đưa công nghệ vào chế biến sâu như máy thanh trùng, máy ngào, máy làm nguội, đóng gói theo tiêu chuẩn 1 chiều để chuyển đổi tài nguyên bản địa thành những sản phẩm đáp ứng nhu cầu tiêu dùng xanh.

Phạm Đình Ngãi cho biết, Trà Vinh là một tỉnh giáp biển, có những vùng đất bị ngập mặn, thu nhập của người nông dân trồng dừa bị sụt giảm do năng suất cây trồng này bị ảnh hưởng do biến đổi khí hậu. Do đó, ngay từ những ngày đầu thành lập, Sokfarm đã chuyển đổi những vùng chỉ trồng dừa lấy trái này sang trồng dừa thu mật hoa dừa, hoặc vừa thu trái và mật hoa dừa, góp phần tăng thu nhập gấp 5 lần cho người nông dân so với trước đó.

Loại mật hoa dừa vị ngọt thanh, có chỉ số đường huyết thấp hơn so với mật ong, đường mía và có hàm lượng khoáng cao, rất thích hợp đối với những người bệnh tiểu đường, người có chỉ số đường huyết cao, người già bồi bổ cơ thể. Mật tiết ra từ hoa dừa được cô đặc thành mật, đường và nhiều sản phẩm khác…, giúp tăng giá trị kinh tế.

Với sự bền bỉ phát huy ngành nghề truyền thống của đồng bào dân tộc, giải quyết công ăn việc làm. Đặc biệt, phù hợp với xu thế phát triển tiêu dùng bền vững, biến đổi khí hậu, tiêu dùng xanh mà thế giới đang ưu tiên dùng những sản phẩm từ đường tự nhiên và dầu khoáng cao trong sản phẩm, năm 2021, Sokfarm là doanh nghiệp duy nhất tại Việt Nam được nhận giải thưởng ASEAN Business Awards ở hạng mục “Inclusive Business - Doanh nghiệp phát triển toàn diện” dành cho doanh nghiệp thực hiện kinh tế tuần hoàn, vì đã phát huy được ngành nghề truyền thống, giải quyết công ăn việc làm, phù hợp với xu thế phát triển bền vững, tiêu dùng xanh.

Hiện nhà xưởng được xây dựng và hoạt động theo chuẩn HACCP, sản phẩm mật hoa dừa Sokfarm đạt chứng nhận ISO 22000 – 2018, và đã đạt được những chứng nhận hữu cơ vào các thị trường Mỹ, EU, và Nhật Bản.

"Tôi cũng là người đi làm, thấy quê mình có điều kiện gì thì mình làm. Rồi khi làm thì tôi mới thấy phù hợp với hướng đó và theo đuổi, chứ ban đầu làm cũng chưa định hướng ngay được là kinh tế tuần hoàn, kinh tế bao trùm là gì”, Phạm Đình Ngãi chia sẻ.

ống hút cỏ bàng37

Áo sơ mi của Faslink được làm từ bã cà phê.

Kinh tế tuần hoàn

Kinh tế tuần hoàn đang được xem là công cụ, cách tiếp cận để hướng tới mục tiêu phát triển bền vững. Đặc biệt là việc tận dụng nguồn phế phụ phẩm trong nông nghiệp - nguồn tài nguyên tái tạo, để tạo ra những sản phẩm có giá trị cao, thân thiện môi trường đang được nhiều cơ sở, doanh nghiệp áp dụng hiệu quả.

Bà Trần Hoàng Phú Xuân, Giám đốc Công ty cổ phần Kết nối thời trang Faslink cho biết, Faslink đưa vào ứng dụng mô hình phát triển kinh tế tuần hoàn cách từ 6 năm trước và đang được nhiều lợi ích từ việc nghiên cứu thực hành mô hình kinh tế tuần hoàn này.

“Đơn giản và dễ nhìn thấy nhất là những gì ngành khác không dùng nữa như bã cà phê, rơm, thân cây sen... sẽ là nguyên liệu đầu vào cho Faslink. Cụ thể, những sản phẩm sợi từ bã cà phê, được kết hợp cùng nhựa tái chế tạo ra áo, tất, mũ. Ngay trong năm 2021. Faslink đã thương mại hóa thành công khi bán được 3 triệu sản phẩm đầu tiên như áo thun, áo sơ mi từ bã cà phê ở thị trường Việt Nam và một lượng lớn sản phẩm xuất khẩu”, bà Xuân dẫn chứng.

Theo bà Xuân, để tái sinh, tái chế những thứ tưởng chừng như vất đi ấy, ngoài ý tưởng, sáng tạo, thì quan trọng là phải đầu tư công nghệ sản xuất. Vì công nghệ sẽ giúp sản phẩm bảo toàn được những tính năng vượt trội của bã cà phê, nhất là tính năng khử mùi. Ngoài bã cà phê, Faslink còn có những sản phẩm từ sợi sen…

Là người có nhiều năm trong ngành sản xuất lúa gạo, anh Phạm Minh Thiện, Giám đốc điều hành Công ty TNHH Thanh Bình cho biết, anh đã đầu tư một khu đất trồng lúa ở huyện Tân Hồng, tỉnh Đồng Tháp. Cánh đồng lúa này không cần bón phân hay chăm chút khi canh tác, giúp giảm chi phí, giảm ô nhiễm cho đất. Đặc biệt, doanh nghiệp đang bắt đầu triển khai và phát triển chuỗi giá trị kinh tế tuần hoàn cho ra các sản phẩm từ cây lúa. Cụ thể, lúa sau thu hoạch được xay xát thành gạo đưa ra thị trường với giá cao (bởi không phân thuốc hoá học - PV); phụ phẩm sau khi thu hoạch lúa sẽ được doanh nghiệp tinh chế thành dầu cám được đối tác từ Nhật rất quan tâm; rơm dùng trồng nấm rơm; bột gạo và bã bột gạo dùng làm thức ăn chăn nuôi; trấu dùng làm trấu viên xuất khẩu dùng làm chất đốt trong công nghiệp, dân dụng...

PGS.TS Nguyễn Hồng Quân, Viện trưởng Viện nghiên cứu phát triển kinh tế tuần hoàn, Đại học Quốc gia TP.HCM cho rằng, phát triển kinh tế tuần hoàn là xu thế tất yếu giúp doanh nghiệp sản xuất kinh doanh bền vững. Xu thế này không chỉ tạo ra những cơ hội làm ăn mới và giảm phụ thuộc vào chuỗi cung ứng vốn khá dễ đứt gãy như hiện nay mà còn mang lại hiệu quả vượt trội về lợi thế cạnh tranh trên thị trường.

"Trước giờ chúng ta thấy phát triển kinh tế thường đi với những hệ lụy về môi trường. Kinh tế tuần hoàn giúp phá vỡ sự kết nối này, tạo nên mô hình vừa phát triển kinh tế mà không gây ô nhiễm môi trường, thậm chí đem lại những giá trị mới, “tái sinh” về môi trường, văn hóa, xã hội", Viện trưởng Viện nghiên cứu phát triển kinh tế tuần hoàn Nguyễn Hồng Quân nói.

Xem thêm
Thời của tôm sú?

Theo số liệu của Liên minh Thủy sản Toàn cầu (GSA), Trung Quốc, Việt Nam là hai quốc gia sản xuất tôm sú lớn nhất thế giới, với sản lượng mỗi nước khoảng 150.000 tấn.

Phú Lương lần đầu tổ chức Ngày hội hướng nghiệp, phân luồng học sinh sau THCS

Sáng 21/4, huyện Phú Lương (Thái Nguyên) tổ chức Ngày hội Tư vấn hướng nghiệp và phân luồng học sinh sau tốt nghiệp THCS năm 2024.

Chỉ với 1,5 triệu đồng, khám phá trọn vẹn Phú Quốc

ĐBSCL Nhằm giúp bạn tận hưởng trọn vẹn mùa hè sôi động sắp tới, Puolo Trip tung ra gói Combo du lịch tại đảo ngọc Phú Quốc 3 ngày 2 đêm với giá từ 1.490.000 đồng/khách.

Những gương mặt 'vàng' trong danh sách trả nợ trái phiếu doanh nghiệp bất động sản

Năm 2024, hơn 90 doanh nghiệp bất động sản có trái phiếu doanh nghiệp đáo hạn với tổng nợ vay gần 100.000 tỷ đồng. Trong đó, nhiều 'ông lớn' có nợ tới hàng nghìn tỷ.