| Hotline: 0983.970.780

8 kiến nghị của doanh nhân Nguyễn Hoàng Anh để tháo gỡ khó khăn ngành tôm

Thứ Bảy 25/03/2023 , 20:22 (GMT+7)

Doanh nhân Nguyễn Hoàng Anh đã nêu nhiều kiến nghị nhằm cấu trúc lại ngành tôm đang gặp nhiều khó khăn tại hội nghị quản lý giống tôm nước lợ tổ chức tại Ninh Thuận.

LTS: Hội nghị quản lý giống tôm nước lợ do Bộ NN-PTNT tổ chức mới đây tại Ninh Thuận có sự tham gia của lãnh đạo Bộ NN-PTNT, các cục, vụ, viện và ngành chức năng các tỉnh thành nuôi tôm cũng như hàng trăm doanh nghiệp hoạt động trong ngành tôm nước lợ. Tại hội nghị có rất nhiều ý kiến đóng góp nhằm tháo gỡ những khó khăn, những điểm nghẽn để ngành tôm phát triển bền vững. Báo Nông nghiệp Việt Nam đã ghi lại ý kiến và kiến nghị đầy tâm huyết để thúc đẩy ngành tôm phát triển của doanh nhân Nguyễn Hoàng Anh, Chủ tịch Tập đoàn Nam Miền Trung, đồng thời cũng là Chủ tịch Hiệp hội tôm giống tỉnh Bình Thuận.

Ngành tôm đối mặt khó khăn

Theo tôi, ngành tôm nước ta trước mắt và tương lai đang đối mặt với vô vàn khó khăn và thách thức. Qua rà soát, phân tích nhiều điểm nghẽn, khó khăn vướng mắc, hiện trạng môi trường từng địa bàn nuôi tôm trên cả nước, tôi nhận thấy hiện tại dịch bệnh không ngừng phát sinh với nhiều loại nguy hiểm, lây lan khó kiểm soát. Các nghiên cứu giải pháp để đáp ứng xu hướng phòng ngừa còn hạn chế.

Doanh nhân Nguyễn Hoàng Anh, Chủ tịch Tập đoàn Nam Miền Trung phát biểu tại hội nghị quản lý giống tôm nước lợ tại Ninh Thuận ngày 23/3. Ảnh: M.P.

Doanh nhân Nguyễn Hoàng Anh, Chủ tịch Tập đoàn Nam Miền Trung phát biểu tại hội nghị quản lý giống tôm nước lợ tại Ninh Thuận ngày 23/3. Ảnh: M.P.

Hạ tầng và hệ thống thủy lợi phục vụ ngành nuôi tôm gần như bằng không. Giá cả vật tư đầu vào phục vụ sản xuất luôn tăng, ít được kiểm soát, nhiều cơ chế chính sách không có hoặc doanh nghiệp khó thực thi, tiếp cận.

Chính sách tài chính tiền tệ ưu tiên hay khuyến khích cho ngành nuôi tôm không có mặc dù giá trị ngành nuôi tôm Việt Nam hằng năm doanh thu đạt mốc 4 tỷ USD, giải quyết hàng triệu lao động tham gia trong ngành tôm.

Từ những khó khăn nêu trên, đã khiến cho số lượng người tham gia nuôi tôm thời gian qua giảm đi đáng kể, số còn lại thu hẹp diện tích sản xuất, giảm số vụ, giảm số lượng mật độ thả nuôi. Như Công ty Nam Miền Trung đang hoạt động trên 3 lĩnh vực, nhưng lĩnh vực thủy sản đóng góp vào doanh thu hiện nay chỉ chiếm 12%. Nếu như gặp thuận lợi thì chắc chắn Nam Miền Trung đạt quy mô sản xuất mỗi năm 20 tỷ con tôm giống. Nhưng do gặp nhiều khó khăn, hiện nay mỗi năm chúng tôi loay hoay chỉ cung cấp 4-5 tỷ con giống và thu tiền được trên 2 tỷ con.

Bể nuôi tôm giống của Tập đoàn Nam Miền Trung mỗi năm có thể sản xuất đạt quy mô 20 tỷ con tôm giống. Ảnh: M.P.

Bể nuôi tôm giống của Tập đoàn Nam Miền Trung mỗi năm có thể sản xuất đạt quy mô 20 tỷ con tôm giống. Ảnh: M.P.

Bản thân tôi đã hoạt động trong ngành tôm được 26 năm. Qua theo dõi, hơn chục năm nay, ngành tôm đạt doanh thu 3- 4 tỷ USD. Với tình hình trượt giá hàng năm cũng như chi phí đầu vào ngày càng tăng mà giá trị không tăng thì những người hoạt động trong ngành tôm đối mặt với khó khăn là tất yếu.

Thực tế, con tôm không còn hấp dẫn do lợi nhuận không còn do trượt giá hàng năm. Ngành tôm bị hao mòn, những người hoạt động trong ngành tôm hiện nay thì teo tóp dần, diện tích nuôi, mật độ nuôi đã bị giảm đi. Thực tế những mắt xích tham gia trong ngành tôm đang chống chọi để duy trì, dẫn đến tình trạng có nhiều cơ sở, doanh nghiệp sẵn sàng làm bát nháo, gian dối.

Do vậy chúng ta cần phải chỉ rõ, nhìn thẳng vào thực trạng để từ đó có giải pháp căn cơ, cụ thể. Thực tế, hiện nay tỉnh nào cũng quy hoạch vùng sản xuất giống để chủ động nguồn giống, trong khi giống chỉ chiếm 5-7% chi phí trong một vụ nuôi. Chi phí này không quá lớn nhưng chất lượng con giống mới quan trọng.

Chất lượng ảnh hưởng đến tính đặc sản rất lớn, mà đặc sản khó thay thế dù chúng ta có công nghệ gì, công nghệ hiện đại đến đâu cũng chỉ làm thay đổi về mặt sản lượng chứ không thể thay thế về mặt đặc sản được. Tỉnh nào cũng nói mình sản xuất giống tốt nhưng tại sao ngành tôm khó khăn, tại sao người nuôi tôm mang nợ?

Để nâng cao chất lượng con giống, Tập đoàn Nam Miền Trung thường xuyên lấy mẫu nước kiểm tra. Ảnh: M.P.

Để nâng cao chất lượng con giống, Tập đoàn Nam Miền Trung thường xuyên lấy mẫu nước kiểm tra. Ảnh: M.P.

Chúng ta cũng phải thừa nhận rằng, trong công tác quản lý hiện nay còn lỏng lẻo. Một số cơ sở sản xuất giống không có một tiêu chuẩn, tiêu chí nào cả. Họ miễn sao sản xuất ra được con giống, bởi con tôm nó bơi trong nước nên người nuôi đâu phân biệt được còn nào chất lượng, còn nào kém chất lượng. Việc giám sát thực thi tiêu chí vào quản lý tiêu chí trong sản xuất tôm giống chúng ta còn đang bị bỏ ngỏ. Chính vì vậy con tôm giống của cơ sở lớn, cơ sở nhỏ, doanh nghiệp lớn, doanh nghiệp nhỏ bị đánh đồng như nhau, từ đó dẫn đến tình trạng tranh mua, tranh bán.

Nếu chúng ta không nhìn đúng sự thật, không nêu đúng thực trạng, không cùng nhau chủ động tìm giải pháp, không kịp cơ cấu lại thì ngành tôm Việt Nam dễ bị thâu tóm hoặc chịu sự cạnh tranh khốc liệt và dần sẽ mai một, nguy cơ dẫn đến sụp đổ ngành tôm nhanh hơn Thái Lan 10 năm trước.

8 kiến nghị cấu trúc lại ngành tôm

Từ những thực trạng khó khăn ngành tôm đang phải đối mặt, tôi xin nêu một số kiến nghị, mong rằng sẽ góp phần cấu trúc kịp thời cho ngành nuôi tôm Việt Nam.

Để đưa ra thị trường, tôm giống của Nam Miền Trung được kiểm tra, xét nghiệm theo quy trình nghiêm ngặt. Ảnh: M.H.

Để đưa ra thị trường, tôm giống của Nam Miền Trung được kiểm tra, xét nghiệm theo quy trình nghiêm ngặt. Ảnh: M.H.

Thứ nhất, các cơ cở sản xuất tôm giống phải đăng ký tiêu chuẩn chất lượng. Cơ quan quản lý chuyên ngành, liên ngành, chính quyền địa phương tiếp nhận thẩm định. Sau khi thẩm định xong cấp hạn ngạch để cơ sở sản xuất căn cứ vào đó hoạt động và cơ quan quản lý căn cứ để cấp kiểm dịch. Định kỳ, cơ quan quản lý lấy mẫu ngẫu nhiên của cơ sở để phân tích, xét nghiệm đối chứng tiêu chuẩn làm cơ sở quản lý chất lượng.

Thứ hai, vì điều kiện phụ thuộc, quản lý còn lỏng lẻo nên nhiều doanh nghiệp nước ngoài lợi dụng, tận dụng tăng giá sản phẩm, bắt đại lý, người nông dân phải mua lồng ghép. Tôi đề nghị cần kích hoạt điều khoản của luật cạnh tranh thương mại có dấu hiệu độc quyền mua bán bắt buộc lồng ghép. Chúng ta cạnh tranh bằng chất lượng chứ không thể cạnh tranh bằng kiểu mua bán lồng ghép. Anh sản xuất tập trung vào chất lượng chứ không thể lấy sản phẩm xấu để bán kèm sản phẩm tốt là không được.

Thứ ba, đề nghị cơ quan quản lý xây dựng tiêu chuẩn nguyên liệu đầu vào sản xuất thức ăn cho tôm và tiêu chuẩn thức ăn đầu ra làm căn cứ kiểm soát chất lượng sản phẩm định kỳ (có cơ chế giao cho người dân, hiệp hội giám sát chất lượng, sản phẩm bằng các hình thức trên cơ sở phân tích khoa học độc lập, được thông tin khuyến cáo rộng rãi sau khi có kết quả phân tích). Căn cứ quy trình sản xuất thức ăn, căn cứ tiêu chuẩn, cơ quan quản lý xây dựng giá trần theo từng tiêu chuẩn. Công ty sản xuất thức ăn phải đăng ký với cơ quan quản lý và niêm yết giá bán theo mức trần để bán thức ăn cho thị trường.

Thứ tư, vật tư phục vụ nuôi tôm như hóa chất, vi sinh, chế phẩm, thức ăn bổ sung… tất cả các loại này cũng phải được kiểm soát chặt chẽ như kiểm soát thức ăn đầu vào.

Tôm giống bố mẹ của Tập đoàn Nam Miền Trung. Ảnh: M.P.

Tôm giống bố mẹ của Tập đoàn Nam Miền Trung. Ảnh: M.P.

Thứ năm, căn cứ diện tích, sản lượng, giá trị ngành nuôi, hằng năm chúng ta phải cấu trúc lại quy hoạch mang tính trọng điểm theo ưu điểm lợi thế đặc sản vùng miền như: Sản xuất tôm giống ở đâu, vùng miền nào, sản xuất tôm thịt ở đâu, vùng miền nào.

Thứ sáu, chúng ta phải đầu tư cơ sở hạ tầng chuyên ngành. Hiện nay hạ tầng ngành tôm gần như bằng không, doanh nghiệp phải tự bơi. Người nuôi tôm phải tự múc ao, đắp bờ, tự kéo điện, tự tìm nguồn nước, do vậy dịch bệnh xảy ra là điều không tránh khỏi bởi hạ tầng không có sự đồng bộ, không có sự kiểm soát.

Thứ bảy, xây dựng quy chế chặt chẽ thực thi nghiêm túc quản lý chuyên ngành bao gồm dự báo, thời vụ, khuyến cáo mật độ nuôi.

Thứ tám, Chính phủ đã xác định ngành nông nghiệp là hệ thống bệ đỡ của nền kinh tế, do vậy kiến nghị Bộ NN-PTNT đề xuất gói tín dụng ưu đãi phục vụ sản xuất tôm, giúp cấu trúc lại ngành tôm tạo sự hấp dẫn để người dân, doanh nghiệp quay lại tham gia đầu tư giữ và phát triển ngành tôm Việt Nam.

Doanh nhân Nguyễn Hoàng Anh: “Với những kiến nghị trên nếu không có giải pháp đồng bộ, nếu không giải quyết được kiến nghị mang tính cấp thiết, chính đáng của người tham gia nuôi tôm thì ngành tôm Việt Nam sẽ bị cạnh tranh rất khốc liệt với các nước thế giới. Hiện nay, trên thế giới chi phí sản xuất tôm rẻ hơn so với ở Việt Nam là 1 USD/kg, do vậy chúng ta cần phải giải quyết được những nút thắt, những điểm nghẽn để ngành tôm tiếp tục phát triển”.

Xem thêm
Nuôi nhuyễn thể có thể là mũi nhọn lớn thứ 3 sau tôm, cá tra

Người tiêu dùng trong nước và trên thế giới ngày càng nhận thấy nhuyễn thể hai mảnh vỏ là thực phẩm giàu protein, ít béo…, đặc biệt việc nuôi trồng bền vững với môi trường.

Nghiệp đoàn Nghề cá: Điểm tựa vững chắc cho ngư dân vươn khơi

Từ nhu cầu thực tiễn, Nghiệp đoàn Nghề cá ra đời là nhu cầu cấp thiết và trở thành điểm tựa vững chắc giúp ngư dân yên tâm vươn khơi bám biển.

Xuất khẩu thủy sản Việt Nam sẽ giữ đà tăng trưởng trong năm 2025

Theo Cục trưởng Cục Thủy sản Trần Đình Luân, Việt Nam có nhiều ưu điểm vượt trội về năng lực sản xuất các sản phẩm thủy sản so với các quốc gia cạnh tranh khác.

Cứu ngư dân huyện đảo Cồn Cỏ rơi xuống biển

Quảng Trị Ngư dân huyện đảo Cồn Cỏ đi hái rau mứt không may trượt chân, rơi xuống biển đã được thuyền viên tàu cá Bình Định và tổ tự quản đưa lên bờ an toàn.