| Hotline: 0983.970.780

Cần chủ động tôm giống bố mẹ để hạn chế phụ thuộc

Thứ Sáu 24/03/2023 , 12:46 (GMT+7)

Ngành thuỷ sản xác định, tôm bố mẹ có vai trò then chốt trong chuỗi sản xuất tôm nước lợ, vì vậy cần chủ động để hạn chế phụ thuộc nguồn nhập khẩu.

Nhu cầu tôm giống ngày càng tăng

Ngày 24/3, tại tỉnh Ninh Thuận, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Phùng Đức Tiến chủ trì Hội nghị Quản lý giống tôm nước lợ và ký quy chế phối hợp năm 2023.

Hội nghị Quản lý giống tôm nước lợ và ký quy chế phối hợp năm 2023 được Bộ NN-PTNT phối hợp UBND tỉnh Ninh Thuận tổ chức sáng 24/3. Ảnh: Minh Hậu.

Hội nghị Quản lý giống tôm nước lợ và ký quy chế phối hợp năm 2023 được Bộ NN-PTNT phối hợp UBND tỉnh Ninh Thuận tổ chức sáng 24/3. Ảnh: Minh Hậu.

Tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Phùng Đức Tiến cho biết, năm 2023, ngành tôm có thể tiếp tục phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức do sự bất ổn trên thế giới, lạm phát tăng cao, nhu cầu tiêu dùng giảm, giá các loại vật tư có thể tiếp tục tăng. 2 tháng đầu năm 2023 kim ngạch xuất khẩu thủy sản đã giảm 32,9% trong đó kim ngạch xuất khẩu tôm giảm tới 54,9%.

Cùng với đó, thời tiết lạnh kéo dài, hạn hán, xâm nhập mặn sớm, xảy ra ngay từ các tháng đầu năm 2023 là yếu tố bất lợi cho tôm nuôi. Đặc biệt, dịch bệnh ký sinh trùng bùng phát đang gây khó khăn cho sản xuất.

Theo Tổng cục Thuỷ sản (Bộ NN-PTNT), năm 2022, diện tích thả nuôi tôm nước lợ của cả nước ở vào khoảng 747 nghìn ha và nhu cầu tôm giống khoảng 150 tỷ con. Trong đó nhu cầu về giống tôm thẻ chân trắng khoảng 110 tỷ con. Số lượng tôm bố mẹ cần để sản xuất tôm giống là 250 nghìn con, trong đó khoảng 200 nghìn tôm thẻ chân trắng và 50 nghìn tôm sú. Hiện tại, nguồn tôm bố mẹ cung cấp cho sản xuất tôm giống từ nguồn nhập khẩu, khai thác tự nhiên và chọn tạo trong nước.

Trong năm 2023, nhu cầu tôm bố mẹ cần khoảng 260.000-270.000 con, trong đó nhu cầu tôm thẻ chân trắng 200.000-210.000, tôm sú 60.000 con. Ảnh: Minh Hậu.

Trong năm 2023, nhu cầu tôm bố mẹ cần khoảng 260.000-270.000 con, trong đó nhu cầu tôm thẻ chân trắng 200.000-210.000, tôm sú 60.000 con. Ảnh: Minh Hậu.

Số liệu thống kê của Tổng cục Thuỷ sản cho thấy, năm 2022, các cơ sở trong nước sản xuất được 50 nghìn con tôm bố mẹ. trong đó Công ty Việt - Úc chọn tạo, sản xuất được khoảng 20 nghìn con tôm thẻ chân trắng và chỉ cung cấp cho nhu cầu sản xuất tôm giống của doanh nghiệp. Công ty TNHH Moana Ninh Thuận sản xuất được 30 nghìn con tôm sú bố mẹ (tăng 50% so với 2021, đáp ứng được 60% nhu cầu tôm sú bố mẹ trong nước), số lượng tôm cung cấp ra thị trường 20 nghìn con bao gồm cả thị trường trong nước và thị trường xuất khẩu. Năm 2021, doanh nghiệp này bắt đầu sản xuất Nauplius cung cấp cho các cơ sở ương dưỡng tôm giống và đến năm 2022, sản lượng Nauplius của công ty cung cấp ra thị trường trên 1,2 tỷ con.

Theo Tổng cục Thuỷ sản, vừa qua cả nước nhập khẩu 171 nghìn tôm thẻ bố mẹ, 328 con tôm sú bố mẹ. Tôm thẻ chân trắng bố mẹ được nhập khẩu chủ yếu từ Mỹ và Thái Lan. Đến cuối năm 2022, cả nước có trên 2 nghìn cơ sở sản xuất tôm giống với sản lượng đạt 160,2 tỷ con. Khu vực sản xuất tôm giống trọng điểm của nước ta là các tỉnh Nam Trung bộ như Bình Định, Phú Yên, Khánh Hoà, Ninh Thuận, Bình Thuận với khoảng 687cơ sở sản xuất, ương dưỡng,  sản lượng đạt 72,3 tỷ con.

Riêng tỉnh Ninh Thuận sản lượng tôm giống đạt 39 tỷ con, chiếm 24,4% sản lượng của cả nước. Năm 2022, giá tôm giống vẫn giữ ở mức từ 70-140 đồng/con.

Tại hội nghị, ông Lê Huyền, Phó chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận cho biết, hiện nay tôm giống là một trong những sản phẩm nông nghiệp chủ lực có lợi thế của tỉnh.

Trong những năm qua, Ninh Thuận không ngừng đầu tư phát triển vào lĩnh vực này và địa phương đã trở thành nơi sản xuất tôm giống chất lượng nhất của cả nước. Năng lực sản xuất của các cơ sở tôm giống ở địa phương hiện đáp ứng 35% nhu cầu tôm giống của cả nước.

“Chúng tôi đề ra mục tiêu sản lượng tôm giống đến năm 2025 đạt 50 tỷ con và đến 2030 đạt 60 tỷ con. Đầu tư xây dựng đồng bộ, hoàn thiện cơ bản hệ thống cơ bản kết cấu hạ tầng thiết yếu vùng sản xuất giống thuỷ sản công nghệ cao An Hải, Sơn Hải. Đồng thời phấn đấu đến năm 2030 có 20% số cơ sở có quy mô công suất tối thiểu 0,5 tỷ con giống/năm, 100% cơ sở đủ điều kiện sản xuất, ương dưỡng giống thuỷ sản theo quy định và được giám sát an toàn dịch bệnh”, ông Lê Huyền, Phó chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận nói.

Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Phùng Đức Tiến chủ trì Hội nghị Quản lý giống tôm nước lợ và ký quy chế phối hợp năm 2023. Ảnh: Minh Hậu.

Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Phùng Đức Tiến chủ trì Hội nghị Quản lý giống tôm nước lợ và ký quy chế phối hợp năm 2023. Ảnh: Minh Hậu.

Theo Tổng cục Thuỷ sản, thời gian qua, để đảm bảo chất lượng tôm giống, cơ quan chắc năng đã tổ chức kiểm soát an toàn dịch bệnh trong sản xuất. Theo đó, tính đến nay, cả nước có 29 cơ sở sản xuất tôm nước lợ được cấp chứng nhận cơ sở an toàn dịch bệnh, trong đó có 25 cơ sở sản xuất tôm giống và 4 cơ sở nuôi tôm thương phẩm. Một số Chi cục Chăn nuôi và Thú y địa phương đang tiếp tục phối hợp các cơ sở sản xuất, ương dưỡng tôm giống để đẩy mạnh việc xây dựng cơ sở ATDB, giám sát dịch bệnh chủ động theo quy định.

Về công tác quản lý giống tôm nước lợ, đến năm 2022, Tổng cục Thuỷ sản đã kiểm tra cấp Giấy chứng nhận lần đầu cho 17 ương dưỡng giống thuỷ sản bố mẹ và tổ chức kiểm tra duy trì điều kiện 17/17 cơ sở đã tới thời hạn kiểm tra. Trong đó có 6 cơ sơ sản xuất, ương dưỡng tôm bố mẹ.

Các địa phương đã kiểm tra, cấp giấy chứng nhận cho 1.163/2.104 cơ sở sản xuất, ương dưỡng tôm giống và tổ chức kiểm tra duy trì điều kiện 100% số cơ sở tới thời hạn kiểm tra.

Cần 270 nghìn tôm bố mẹ

Ngành thuỷ sản lên kế hoạch phát triển diện tích nuôi tôm nước lợ lên 750 nghìn ha vào trong năm nay. Sản lượng khoảng trên 1 triệu tấn, trong đó tôm sú 280 nghìn tấn, tôm thẻ chân trắng 750 nghìn tấn, còn lại là tôm càng xanh và tôm khác. Theo Tổng cục Thuỷ sản, trong năm 2023, nhu cầu tôm bố mẹ cần khoảng 260.000-270.000 con, trong đó nhu cầu tôm thẻ chân trắng 200.000-210.000, tôm sú 60.000 con. Nhu cầu tôm giống khoảng 140- 150 tỷ con.

Ngành thuỷ sản xác định, tôm bố mẹ có vai trò then chốt trong chuỗi sản xuất tôm nước lợ, vì vậy trong nước cần chủ động nguồn tôm bố mẹ để hạn chế phụ thuộc tự nhiên và nguồn nhập khẩu. Ảnh: Minh Hậu.

Ngành thuỷ sản xác định, tôm bố mẹ có vai trò then chốt trong chuỗi sản xuất tôm nước lợ, vì vậy trong nước cần chủ động nguồn tôm bố mẹ để hạn chế phụ thuộc tự nhiên và nguồn nhập khẩu. Ảnh: Minh Hậu.

Hiện nay, ngành thuỷ sản đã đưa ra nhiệm vụ và các giải pháp trọng tâm trong phát triển tôm giống. Theo đó, tập trung thực hiện Đề án tổng thể phát triển ngành công nghiệp tôm nước lợ Việt Nam đến năm 2030. Nghiên cứu, gia hóa và chọn tạo tôm sú bố mẹ, tôm thẻ chăn trắng bố mẹ tăng trưởng nhanh, có khả năng kháng một số bệnh thường gặp để chủ động nguồn cung cho các cơ sở sản xuất.

Theo Tổng cục Thuỷ sản, ngành đặt ra nhiệm vụ sản xuất giống tôm nước lợ đủ về số lượng, đảm bảo chất lượng phục vụ cho các vùng nuôi thương phẩm. Đồng thời đề xuất bổ sung và tập trung thực hiện các nhiệm vụ khoa học công nghệ để hoàn thiện quy trình công nghệ trong khâu chọn tạo, sản xuất tôm giống. Cùng với đó là khuyến khích, hỗ trợ các đơn vị nghiên cứu hợp tác với các đơn vị nghiên cứu có uy tín để tiếp cận, nhận chuyển giao các công nghệ mới, tiên tiến, rút ngắn thời gian nghiên cứu, đặc biệt là công nghệ chọn tạo giống.

Ngành thuỷ sản xác định, tôm bố mẹ có vai trò then chốt trong chuỗi sản xuất tôm nước lợ, vì vậy trong nước cần chủ động nguồn tôm bố mẹ để hạn chế phụ thuộc tự nhiên và nguồn nhập khẩu. Các địa phương có điều kiện tự nhiên thuận lợi cho phát triển sản xuất tôm giống cần đẩy mạnh sản xuất, nâng cao chất lượng để cung cấp cho nhu cầu thả nuôi của người dân.

Cùng với đó là phải điều chỉnh các nhiệm vụ khoa học công nghệ để tập trung nguồn lực, lựa chọn đơn vị đủ năng lực giao nhiệm vụ nghiên cứu lâu dài về chọn tạo giống tôm nước lợ, đặc biệt là tôm sú để phù hợp với mỗi tiểu vùng sinh thái của nước ta. Cần chọn tạo tôm giống theo hướng: sạch bệnh, tăng trưởng nhanh và kháng bệnh, tăng trưởng nhanh. Khuyến khích các doanh nghiệp liên kết với các đơn vị nghiên cứu để đưa nhanh sản phẩm vào thực tế sản xuất.

Theo Tổng cục Thuỷ sản, hiện nay, kết quả nghiên cứu, chọn tạo tôm bố mẹ trong nước vẫn còn hạn chế. Tôm bố mẹ phụ thuộc vào nguồn nhập khẩu 90% đối với tôm thẻ chân trắng và khai thác từ tự nhiên 40% đối với tôm sú. Nguồn tôm bố mẹ trong nước mới cung cấp được một phần, dẫn đến sản xuất tôm giống bị lệ thuộc.

Ngoài ra, vào mùa cao điểm thả giống, tại các tỉnh trọng điểm nuôi tôm thương phẩm vẫn còn số lượng lớn tôm giống được vận chuyển từ các tỉnh Nam Trung bộ không có nguồn gốc, chưa qua kiểm dịch.

Xem thêm
Một số nơi phát triển nóng nuôi cá nước lạnh

Cá nước lạnh đang có lợi thế phát triển mạnh ở nước ta. Tuy nhiên, việc sản xuất gặp không ít khó khăn về môi trường, dịch bệnh..., một số nơi phát triển nóng.

Tập huấn thực hiện đồng quản lý trong bảo vệ nguồn lợi thủy sản

CÀ MAU Ngày 19/12 tại TP Cà Mau, Cục Kiểm ngư phối hợp với Sở NN-PTNT Cà Mau tổ chức tập huấn hướng dẫn thực hiện đồng quản lý trong bảo vệ nguồn lợi thủy sản.

Xuất khẩu thủy sản Việt Nam 11 tháng đạt 9,2 tỷ USD

Với đà tăng trưởng hiện tại, ngành thủy sản Việt Nam năm 2024 có thể hoàn thành mục tiêu đạt 10 tỷ USD xuất khẩu, tăng 11,5% so với năm 2023.

Xây dựng nông thôn mới ở các làng, nơi ven biển thành nơi đáng sống

Đây là mục tiêu mà Cục trưởng Cục Thủy sản Trần Đình Luân chia sẻ về câu chuyện chuyển đổi nghề cho ngư dân vùng ven biển.