Thế nhưng đến nay, đã hơn 5 năm trôi qua lời hứa của chính quyền vẫn không thực hiện.
Dân mỏi mòn chờ đợi
Trong 2 năm 2003 và 2004, thực hiện theo chính sách di dân, 81 hộ gia đình ở các huyện Tứ Kỳ, Ninh Giang, Nam Sách, Kinh Môn (Hải Dương) vào tỉnh Kon Tum làm công nhân cà phê cho nông trường cà phê tại huyện Đăk Hà. 5 năm sau đó, nông trường tuyên bố giải thể rồi sát nhập với với công ty TNHH MTV cà phê 734 đồng thời thanh lý lại vườn cây với giá 75 triệu đồng/ha đất có cà phê; 25 triệu đồng/ha đất trống.
Người dân trao đổi vụ việc với PV |
Sợ không có việc làm nên những công nhân trước đây làm trong công ty quyết định vay mượn tiền bên ngoài để mua lại vườn cây. Bên cạnh đó, phía công ty cam đoan trong vòng 3 năm, nếu các hộ gia đình trả được 80% số tiền mua lại diện tích đất thì sẽ cấp sổ đỏ. Thế nhưng, cách đây 5 năm, cả 81 hộ đã trả được 90% số tiền nhưng đến nay vẫn không thấy động thái cấp sổ đỏ cho người dân từ phía công ty.
Bà Hoàng Thị Thương (xã Đăk Pxi) cho biết: “Năm 2008, tôi có mua 2 ha đất của công ty với giá 100 triệu đồng. Do nhà không có tiền nên đi vay bên ngoài 70 triệu đồng với lãi suất 2%/tháng của các đại lý. Lãi mẹ đẻ lãi con, dù đã trả bớt nhưng số tiền nợ nay đã lên tới 200 triệu đồng”.
“Năm nào đến mùa cà phê thì chủ nợ cứ tới lấy mỗi người từ 1 đến 2 tạ để trả nợ dần nhưng cũng chỉ đủ trả một phần tiền lãi chứ tiền gốc không biết đến bao giờ mới trả được. Hàng ngày, ngoài chăm sóc vườn cây thì 2 vợ chồng đi làm thuê mới đủ tiền nuôi 4 con ăn học”, bà Thương nói.
Không riêng gì bà Thương mà hầu như toàn bộ 81 hộ gia đình mua đất của công ty đều gặp phải hoàn cảnh tương tự. Tính cả tiền gốc lẫn lãi, có hộ gia đình đã nợ tới 4, 5 trăm triệu đồng. Trước hoàn cảnh khó khăn này, tất cả đều mong muốn phía công ty nhanh chóng thực hiện lời hứa để họ có thể lấy sổ đỏ thế chấp, trả lãi thấp hơn và ổn định làm ăn.
Trên chỉ đạo, dưới bảo khó
Quá bức xúc trước vấn đề này nên người dân đã làm đơn kiến nghị lên UBND tỉnh Kon Tum khẩn cầu cơ quan có thẩm quyền vào cuộc giải quyết. Ngay sau đó, ngày 2/8/2016, UBND tỉnh Kon Tum đã có công văn 803/QĐ-UBND “Về việc phê duyệt phương án sử dụng đất của công ty TNHH MTV cà phê 734 (Tổng công ty cà phê Việt Nam) khi chuyển sang cổ phần”. Thường trực Tỉnh ủy Kon Tum đã chỉ đạo ngành TN&MT khẩn trương kiểm tra, làm rõ nội dung kiến nghị của 81 hộ dân xã Đăk Pxi.
|
Văn bản chỉ đạo của UBND tỉnh Kon Tum về việc cấp giấy chứng nhận QSD đất theo đơn kiến nghị của người dân xã Đăk Pxi |
Ngay sau đó, Sở TN&MT Kon Tum đã có buổi làm việc với lãnh đạo huyện Đăk Hà, xã Đăk Pxi và đại diện công ty TNHH MTV cà phê 734 để bàn biện pháp giải quyết kiến nghị cấp giấy CNQSD đất trồng cà phê của 81 hộ dân xã Đăk Pxi.
Phía Sở TN&MT nhận định, nguyện vọng của các hộ dân là chính đáng và được quyền đề nghị cấp giấy CNQSD đất sau khi Công ty TNHH MTV cà phê 734 thanh lý vườn cây. Các bên có liên quan cần quyết liệt để xem xét, sớm đáp ứng nguyện vọng cho các hộ dân; đề nghị UBND huyện Đăk Hà chỉ đạo Phòng TN&MT, Văn phòng Đăng ký QSD đất phối hợp với UBND xã Đăk Pxi tổ chức họp các hộ dân (được công ty thanh lý vườn cây) để hướng dẫn lập thủ tục, hồ sơ xin giấy chứng nhận; tiến hành đo đạc, xác định ranh giới sử dụng đất và lập hồ sơ địa chính để tham mưu UBND huyện cấp giấy chứng nhận QSD đất ngay khi có quyết định của UBND tỉnh về thu hồi và bàn giao đất cho địa phương quản lý.
Mặc dù đã có công văn của UBND tỉnh Kon Tum cũng như chỉ đạo của Sở TN&MT nhưng đến nay tất cả cũng chỉ nằm trên giấy, sổ đỏ của người dân vẫn không thấy đâu. “Tưởng rằng mọi việc đã được giải quyết khi thấy chính quyền địa phương xuống đo đạc đất, đem hồ sơ cho chúng tôi kê khai. Vậy mà đến tận bây giờ, chẳng thấy thu hồ sơ để cấp giấy chứng nhận QSD đất gì nữa hết. Khi chúng tôi hỏi cán bộ xã thì nhận được câu trả lời chưa giải quyết được”, ông Nguyễn Văn Cuông (SN 1960, trú xã Đăk Pxi) nói.
Trao đổi với PV về vấn đề này, ông Phạm Văn Lập – Chánh văn phòng HĐND, UBND huyện Đăk Hà cho biết: Vấn đề cấp sổ đỏ cho 81 hộ dân ở Đăk Pxi đang còn một số vấn đề. Hiện tại phía công ty đang nợ tiền ngân hàng nên ngân hàng không đồng ý việc cấp sổ đỏ và ngân hàng cũng đã có ý kiến với UBND tỉnh. Về phía công ty cà phê 734, đang xin ý kiến Tổng công ty cà phê Việt Nam…
Ông Nguyễn Đình Khải – Chánh văn phòng Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Kon Tum cho biết: Sở đã bàn giao cho UBND huyện Đăk Hà làm sổ đỏ cho người dân, còn về phía Sở chỉ đôn đốc, theo dõi và chờ kết quả. Còn việc ngân hàng có ý kiến bằng văn bản với UBND tỉnh, để tạm dừng cấp sổ đỏ khi công ty cà phê 734 chưa trả tiền nợ ngân hàng, thì chúng tôi chưa nhận được văn bản. |