| Hotline: 0983.970.780

9 điều cần biết về Lệnh 248, 249 xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc

Thứ Sáu 05/11/2021 , 13:12 (GMT+7)

Báo Nông nghiệp Việt Nam phối hợp Văn phòng SPS Việt Nam cung cấp những thông tin cơ bản về hai Lệnh 248, 249 để giúp các doanh nghiệp xuất khẩu nắm rõ tình hình.

Vào tháng 4/2021, Tổng cục Hải quan Trung Quốc ban hành Lệnh 248 về "Quy định Quản lý đăng ký doanh nghiệp sản xuất thực phẩm nước ngoài nhập khẩu", và Lệnh 249 về "Biện pháp quản lý an toàn thực phẩm xuất nhập khẩu". Hai lệnh này có hiệu lực từ ngày 1/1/2022. Những doanh nghiệp nước ngoài, trong đó có Việt Nam, muốn xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc, bắt buộc tuân thủ những quy định mới.

Ông Ngô Xuân Nam, Phó Giám đốc Văn phòng SPS Việt Nam trả lời phỏng vấn Báo Nông nghiệp Việt Nam. Ảnh: Bảo Thắng.

Ông Ngô Xuân Nam, Phó Giám đốc Văn phòng SPS Việt Nam trả lời phỏng vấn Báo Nông nghiệp Việt Nam. Ảnh: Bảo Thắng.

Văn phòng SPS Việt Nam là cơ quan đầu mối tổng hợp những thông báo từ các nước thành viên WTO, bao gồm cả dự thảo lẫn văn bản quy phạm pháp luật có hiệu lực quy định về an toàn thực phẩm và kiểm dịch động, thực vật (SPS) có thể ảnh hưởng tới mặt hàng nông sản xuất khẩu của Việt Nam. Trong tháng 5/2021, Văn phòng SPS Việt Nam đã gửi bản dịch về hai Lệnh 248, 249 tới Sở NN-PTNT 63 tỉnh, thành phố, và các cơ quan Bộ, ban, ngành liên quan.

Cuối tháng 9/2021, Tổng cục Hải quan Trung Quốc tiếp tục ban hành thêm Công hàm 353 để hướng dẫn thủ tục, thời gian, hiệu lực đăng ký cho doanh nghiệp xuất khẩu. Dựa trên công hàm này, và hai lệnh trước đó, Văn phòng SPS Việt Nam đã hướng dẫn chi tiết cho các doanh nghiệp, với hy vọng hoạt động xuất khẩu được duy trì ngay từ khi hai Lệnh 248, 249 có hiệu lực.

1. Những điểm mới

Đối với hệ thống quản lý, giám sát an toàn thực phẩm, Trung Quốc sẽ thiết lập chế độ kiểm tra, đánh giá tình hình quản lý an toàn thực phẩm ở nước ngoài (gồm hệ thống của quốc gia và doanh nghiệp); bổ sung phương thức kiểm tra đánh giá, quản lý đăng ký doanh nghiệp nước ngoài, đảm bảo truy xuất nguồn gốc và truy hồi sản phẩm theo yêu cầu giám sát; yêu cầu trách nhiệm đôn đốc của các cơ quan có thẩm quyền quản lý của quốc gia xuất khẩu.

Đối với cơ quan có thẩm quyền nước xuất khẩu, quy định rõ thủ tục và nội dung chi tiết đánh giá rủi ro cũng như thời hạn xử lý hoặc có thể tạm dừng, hủy đối với hoạt động đánh giá rủi ro. 

Đối với doanh nghiệp, quy trách nhiệm chính của doanh nghiệp nước ngoài trong chuỗi nhập khẩu thực phẩm, giao nghĩa vụ tự chủ kiểm soát cho nhà nhập khẩu; đồng thời bổ sung nghĩa vụ thực hiện các quy định về thay đổi hồ sơ đăng ký quy định, yêu cầu cụ thể chi tiết về ghi nhãn thực phẩm và bổ sung chế tài nếu vi phạm.

Hai Lệnh 248, 249 cũng nhấn mạnh việc gia tăng các quy định kiểm soát gồm nâng cao tỷ lệ lấy mẫu giám sát thực phẩm nhập khẩu tương ứng. Ngoài ra, doanh nghiệp phải đăng ký khi sản xuất và xuất khẩu 18 nhóm thực phẩm vào thị trường Trung Quốc. Sản phẩm không thuộc nhóm 18 loại này, doanh nghiệp sẽ tự nộp hồ sơ đăng ký hoặc ủy thác đại lý thực hiện.

2. Cơ quan có thẩm quyền

Đây là vấn đề cơ bản nhất, quan trọng nhất mà các doanh nghiệp cần nắm. Theo Văn phòng SPS Việt Nam, 5 cơ quan thuộc 3 Bộ gồm: Cục Bảo vệ thực vật, Cục Quản lý chất lượng Nông, lâm sản & Thủy sản, Cục Thú y (Bộ NN-PTNT), Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) và Vụ Khoa học & Công nghệ (Bộ Công thương) mới có thẩm quyền đăng ký, tổng hợp danh sách doanh nghiệp xuất khẩu để gửi sang Tổng cục Hải quan Trung Quốc.

Các Sở NN-PTNT, Sở Công thương, Sở Y tế địa phương, hoặc bất cứ đơn vị nào khác, chỉ có chức năng tuyên truyền, thông báo hai Lệnh 248, 249 tới doanh nghiệp. Những cơ quan này không có thẩm quyền gửi danh sách sang phía Trung Quốc.

3. Thủ tục đăng ký

Nếu các Cục chuyên môn kể trên có hệ thống Chi cục tại địa phương, và ủy quyền đăng ký doanh nghiệp trên địa bàn cho Chi cục, doanh nghiệp có thể đăng ký thông qua Chi cục, trước khi Chi cục tổng hợp về 5 Cục, Vụ: Cục Bảo vệ thực vật, Cục Quản lý chất lượng Nông, lâm sản & Thủy sản, Cục Thú y (Bộ NN-PTNT), Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) và Vụ Khoa học & Công nghệ (Bộ Công thương). Chi cục có trách nhiệm hướng dẫn để doanh nghiệp điền đúng biểu mẫu mà phía Tổng cục Hải quan Trung Quốc yêu cầu.

Nếu không qua hệ thống Chi cục, các doanh nghiệp có thể gửi thẳng, qua đường online, về cổng thông tin điện tử của 5 Cục, Vụ kể trên. Trong trường hợp còn thắc mắc, doanh nghiệp có thể truy cập vào website của Văn phòng SPS Việt Nam tại link: http://www.spsvietnam.gov.vn/, gọi theo số đường dây nóng: (084)-024-37344764, hoặc gửi fax về: (084)-024-373 49019. Cán bộ Văn phòng SPS Việt Nam sẽ tận tình giải đáp những khúc mắc.

Những doanh nghiệp nước ngoài, trong đó có Việt Nam, muốn xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc, bắt buộc tuân thủ những quy định mới. Ảnh: Bảo Thắng.

Những doanh nghiệp nước ngoài, trong đó có Việt Nam, muốn xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc, bắt buộc tuân thủ những quy định mới. Ảnh: Bảo Thắng.

4. Những sản phẩm thuộc quyền quản lý của 2 cơ quan trở lên

Lệnh 249 về "Biện pháp quản lý an toàn thực phẩm xuất nhập khẩu" yêu cầu các cơ quan quản lý của Việt Nam giám sát chặt chẽ và chịu trách nhiệm về các vấn đề an toàn thực phẩm. Do đó, với những sản phẩm thuộc quyền quản lý của 2 Bộ trở lên, Văn phòng SPS Việt Nam hướng dẫn doanh nghiệp gửi hồ sơ về một trong ba Cục thuộc Bộ NN-PTNT. Nếu sản phẩm thuộc quyền quản lý của 2 Cục trở lên thuộc Bộ NN-PTNT, doanh nghiệp gửi đăng ký về Cục Quản lý chất lượng Nông, lâm sản & Thủy sản.

5. Đối tượng áp dụng

Với các doanh nghiệp xuất khẩu 4 loại sản phẩm: thịt, chế phấm thịt; thủy sản, sữa; tổ yến và chế phẩm từ tổ yến, đăng ký của doanh nghiệp tiếp tục có hiệu lực. Đối với các doanh nghiệp lần đầu xuất khẩu sang Trung Quốc 4 mặt hàng này, Tổng cục Hải quan sẽ đánh giá, thẩm tra với Hệ thống quản lý an toàn thực phẩm, tình hình an toàn thực phẩm của quốc gia và xác định yêu cầu kiểm nghiệm, kiểm dịch tương ứng.

Với doanh nghiệp xuất khẩu 14 sản phẩm: ruột (lòng); sản phẩm ong; trứng và chế phẩm từ trứng; dầu ăn và dầu; bột mỳ nhồi; ngũ cốc ăn được; chế phẩm ngũ cốc công nghiệp và mạch nha; rau tươi và rau khử nước; đậu khô; gia vị; các loại hạt và hạt giống; quả khô; hạt ca cao và hạt cà phê chưa rang; thực phẩm ăn kiêng đặc thù và thực phẩm bảo vệ sức khỏe, cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam tổng hợp từ ngày 1/1/2017 đến nay và gửi cho Cục An toàn thực phẩm xuất nhập khẩu (Tổng cục Hải quan Trung Quốc) trước ngày 31/12/2021 danh sách toàn bộ các doanh nghiệp theo các biểu mẫu tương ứng. 

6. Thời hạn ngày 1/11/2021

Trước ngày 1/11, những doanh nghiệp đăng ký danh sách cho 5 cơ quan thuộc 3 Bộ, sẽ được ưu đãi về thủ tục. Cụ thể, doanh nghiệp chỉ cần 3 giấy tờ gồm: giấy đăng ký kinh doanh, chứng nhận an toàn thực phẩm, và bản cam kết. Việc đăng ký trước ngày 1/11 giống như việc doanh nghiệp giữ chỗ để xuất khẩu sang Trung Quốc. Nếu kịp thời hạn này, doanh nghiệp sẽ được giãn thời hạn hoàn thiện hồ sơ tới tháng 6/2023.

Ngược lại, những doanh nghiệp đăng ký từ ngày 1/11 đến 31/12 sẽ phải thực hiện thủ tục đăng ký theo quy định tại Điều 8 của Lệnh 248.

7. Nhãn đóng gói thực phẩm

Theo quy định trong Lệnh 249, doanh nghiệp xuất khẩu sẽ phải in mã số doanh nghiệp cùng các thông tin liên quan lên bao bì đóng gói. Mã này không được cắt dán, mà phải in trực tiếp, cả trong lẫn ngoài bao bì, tới phần đóng gói nhỏ nhất không thể chia được. Mã số doanh nghiệp xuất khẩu sẽ do Tổng cục Hải quan Trung Quốc cấp, và được thông báo đến các cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam trong thời gian tới. 

Bao bì bên ngoài sản phẩm phải có nhãn hiệu chắc chắn, rõ ràng, dễ đọc bằng tiếng Trung Quốc/ tiếng Anh, hoặc tiếng Trung Quốc và nước xuất khẩu (khu vực). Các thông tin cần có: nước xuất khẩu, tên sản phẩm, số đăng ký của nhà sản xuất, số lô sản xuất, bao bì bên ngoài phải ghi thông số kỹ thuật, nơi sản xuất (cụ thể đến huyện/ tỉnh/ thành phố), và điểm đến phải ghi rõ là Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa, đồng thời có dấu kiểm dịch của cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam.

8. Chủ động hồ sơ, nhật ký ghi chép

Văn phòng SPS Việt Nam cho biết, đây không phải lần đầu Trung Quốc kiểm soát hồ sơ doanh nghiệp xuất khẩu vào thị trường nước này. Để thích ứng, doanh nghiệp phải chủ động nhập khẩu các nguyên liệu truy xuất được nguồn gốc, và được chứng nhận bởi các cơ quan có thẩm quyền.

Bên cạnh đó, doanh nghiệp cần chú trọng và thường xuyên cập nhật hồ sơ, nhật ký ghi chép. Theo Văn phòng SPS Việt Nam, phía Trung Quốc có thể kiểm tra thực địa, hoặc kiểm tra trực tuyến đột xuất. Nếu không đáp ứng được yêu cầu từ phía bạn, doanh nghiệp có thể bị gạch bỏ khỏi danh sách các nhà xuất khẩu.

9. Gia hạn đăng ký

Thời hạn để doanh nghiệp được cấp phép xuất khẩu vào thị trường Trung Quốc, theo quy định mới, là 5 năm. Trong khoảng từ 3-6 tháng trước khi giấy phép hết hạn, doanh nghiệp cần chủ động gia hạn đăng ký. Nếu bỏ qua bước này, doanh nghiệp sẽ phải đăng ký lại từ đầu.

Xem thêm
Xét tuyển công chức làm việc tại Cục Bảo vệ thực vật và Cục Thú y

Bộ NN-PTNT thông báo xét tuyển công chức làm việc tại Cục Bảo vệ thực vật và Cục Thú y thuộc Bộ, như sau:

Yến Sào Khánh Hòa lần thứ 4 liên tiếp đạt Thương hiệu Quốc gia

Công ty Yến Sào Khánh Hòa vinh dự lần thứ 4 liên tiếp đạt Thương hiệu Quốc gia và là doanh nghiệp duy nhất của Khánh Hòa đạt được kết quả này trong năm 2024.

Dự án căn hộ duy nhất ở Tây Nam Linh Đàm đang được săn đón

Không ngạc nhiên khi dự án căn hộ duy nhất đang triển khai tại Tây Nam Linh Đàm, thuộc quận Hoàng Mai, Hà Nội là Hanoi Melody Residences đang được thị trường săn đón...

Thu ngân sách Nhà nước gần 1,45 triệu tỷ đồng, tăng 17,9%

Sau 9 tháng, lũy kế tổng thu ngân sách Nhà nước ước đạt 1.448,2 nghìn tỷ đồng, bằng 85,1% dự toán năm và tăng 17,9% so với cùng kỳ năm ngoái...