| Hotline: 0983.970.780

9X trồng dưa lưới công nghệ cao, mở ra hướng đi mới

Thứ Năm 14/02/2019 , 06:30 (GMT+7)

Mô hình canh tác dưa lưới trong nhà màng ứng dụng công nghệ tưới nhỏ giọt của anh Phạm Văn Hải, xã Châu Bình, huyện Giồng Trôm, tỉnh Bến Tre mang lại hiệu quả và mở ra hướng phát triển nông nghiệp mới cho nông dân trên địa bàn huyện.

17-13-00_303
Mỗi vụ dưa lưới anh Hải thu hoạch hơn 3 tấn trái/1 nhà màng

Sau 3 năm đi xuất khẩu lao động tại Nhật Bản trở về nước, tháng 6/2017, thanh niên Phạm Văn Hải (31 tuổi) tiến hành đầu tư trồng dưa lưới công nghệ cao. Đây là mô hình mà Hải đam mê từ lâu, quyết tâm đi lao động để có số vốn thực hiện. Anh Hải tìm hiểu thông tin trên sách báo, trên mạng và quyết định mời Trung tâm Kỹ thuật và Công nghệ sinh học Tiền Giang trực tiếp đến khảo sát nguồn nước, địa hình để thực hiện mô hình.

Được đối tác chuyển giao khoa học kỹ thuật, anh tiến hành đầu tư xây dựng 830m2 nhà màng trồng dưa lưới. Hiện nay, anh đã xây dựng thêm một nhà màng tương tự, mỗi nhà trồng 2.000 dây dưa lưới.

Anh Hải cho biết, ban đầu vốn đầu tư cho nhà màng, hệ thống tưới nước nhỏ giọt, hạt giống và nhân công tốn 350 triệu đồng, số tiền này anh tích góp sau khi đi xuất khẩu lao động trở về. Mới áp dụng hơn một năm nay, mô hình của anh Hải đã thu được những thành công nhất định.

Theo anh Hải, với 60 - 70 ngày/vụ, mỗi trái nặng từ 1,6 - 1,7kg, dưa lưới công nghệ cao có thể canh tác được 4 - 5 vụ/năm. Hiện anh đã trồng được 7 vụ dưa lưới, sản lượng dưa lưới thu hoạch đạt 3 tấn/vụ/1 nhà màng, giá bán từ 30.000 - 35.000 đồng/kg dưa lưới. Sau khi trừ chi phí, khấu hao thiết bị, mỗi nhà màng cho lãi khoảng 50 triệu đồng/vụ, tính tổng số vụ gieo trồng trong năm thì lợi nhuận lên đến hơn 300 triệu đồng.

Hệ thống nhà kính trồng dưa lưới của anh Hải có ưu điểm vượt trội giúp chắn mưa, nắng, ngăn côn trùng xâm nhập, chủ động chế độ dinh dưỡng và do không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật mà chỉ sử dụng phân bón hữu cơ sinh học nên đảm bảo sản phẩm an toàn, giảm chi phí sản xuất.

Anh Hải áp dụng mô hình trồng dứa lưới theo một quy trình chuẩn, được kiểm soát chặt chẽ từ khâu chọn hạt giống, bồn cây, theo dõi quá trình sinh trưởng, nước tưới cho đến khi dưa được thu hoạch. Hạt không gieo trực tiếp xuống mặt đất mà trồng trong giá thể xơ dừa đã qua xử lý giúp cây tránh tiếp xúc với vi sinh vật có hại trong đất.

Đối với hệ thống tưới, anh dùng hệ thống tưới nhỏ giọt tự động ứng dụng từ công nghệ thủy canh Isreal, nước được tưới nhỏ giọt đến từng gốc cây. Phân được hòa vào nước rồi theo hệ thống tưới nhỏ giọt cung cấp dinh dưỡng cho cây phát triển. Hệ thống tưới tự động tưới chính xác cho mỗi cây nên dưa phát triển đồng đều.

17-13-00_304
Anh Phạm Văn Hải chăm sóc vườn dưa lưới vừa trồng khoảng một tuần

Khi dưa có trái, mỗi gốc dưa anh Hải chỉ để lại 1 trái để nuôi và thường xuyên cắt tỉa lá, nhánh để cây tập trung dinh dưỡng vào nuôi trái cũng như tránh dịch bệnh.

Anh Phạm Văn Hải cho biết: “Từ giai đoạn mình trồng đến khi lặt chèo, tỉa nhánh là khoảng 14 ngày. Đến khoảng ngày thứ 26 thì tiến hành thụ phấn cho dây dưa lưới. Việc thụ phấn được thực hiện bằng phương pháp thủ công, tức là lấy nhụy hoa đực úp vào hoa cái, do hoa cái có bầu trái, sau một tuần là dây bắt đầu hình thành trái. Mỗi dây nên để khoảng 3 để 4 trái, sau đó một tuần lựa một trái tốt nhất để lại để khi thu hoạch trái đều và đẹp hơn”.

Trồng dưa lưới mang lại hiệu quả kinh tế cao, tuy nhiên về lâu dài vẫn phải gặp khó khăn nhất định. Anh Hải cho rằng, đầu ra của sản phẩm do người sản xuất tự tìm kiếm nên dễ bị ép giá. Hiện tại anh Hải không lo lắng đầu ra nhưng về lâu dài nếu quy mô sản xuất đại trà sẽ khó khăn về đầu ra, việc phân phối sản phẩm ra thị trường với giá tốt nhất.

Mô hình canh tác dưa lưới trong nhà màng của anh Phạm Văn Hải đang là hướng phát triển mới, bền vững của ngành nông nghiệp để tạo ra sản phẩm chất lượng, sạch, an toàn thực phẩm. Việc nhân rộng mô hình này là cần thiết, bởi không chỉ giúp đẩy mạnh sản xuất tiến tới nền nông nghiệp công nghệ cao, mà còn góp phần nâng cao thu nhập cho người sản xuất.

 

Xem thêm
Trang trại heo Mavin đạt tiêu chuẩn toàn cầu Global GAP

Tháng 11/2024, 2 trang trại heo của Tập đoàn Mavin tại huyện Anh Sơn (Nghệ An) và huyện Kbang (Gia Lai) chính thức được cấp Chứng nhận Global GAP, phiên bản S.L.P.

Bí kíp nuôi công an toàn dịch bệnh tại các khu du lịch sinh thái

Hải Phòng Công hiện được nuôi làm cảnh tại nhiều khu du lịch sinh thái, do hằng ngày công tiếp xúc nhiều với khách du lịch nên công tác phòng chống dịch bệnh vô cùng quan trọng.

Đầu tư nhà màng cho Mộc Châu: Đã làm, phải lớn

Sơn La Nông dân Mộc Châu có đủ năng lực sản xuất nông nghiệp công nghệ cao. Vì vậy việc hỗ trợ đầu tư hệ thống nhà lưới, nhà màng cần thực hiện ở quy mô lớn.