| Hotline: 0983.970.780

Doanh nghiệp TĂCN... tố khổ!

Thứ Sáu 11/07/2008 , 08:00 (GMT+7)

Những ấm ức, dồn nén được dịp “bùng nổ” tại cuộc họp ngày 10/7 giữa Cục Chăn nuôi, đại diện Ngân hàng, Hải quan, Tài chính…với các DN sản xuất TĂCN.

Mở đầu cuộc họp, ông Hoàng Kim Giao-Cục trưởng Cục Chăn nuôi thông báo một tin giật mình, tốc độ tăng trưởng của ngành chăn nuôi trong 6 tháng đầu năm gần bằng “mo”, chỉ đạt 0,03%. “Để đạt tốc độ đặt ra ban đầu 4-5%/năm thì 6 tháng cuối năm ngành chăn nuôi phải tăng trưởng ít nhất 8-10%. Muốn vậy phải không để xảy ra dịch bệnh, phải ổn định TĂCN cả về số lượng, chất lượng và giá cả”.

Theo Cục chăn nuôi, gần đây số DN TĂCN bị "biến mất" khá nhiều, năm 2006 có 241 cơ sở, năm 2007 còn 214, 6 tháng đầu năm 2008 ước 30-40 DN đã tạm ngừng hoạt động. Sở dĩ có điều ấy vì một loạt những khó khăn như giá nguyên liệu NK tăng vọt. Hơn thế, các thủ tục kiểm tra các lô hàng bột thịt, xương đại gia súc NK, kiểm tra vệ sinh và kiểm dịch với bột cá NK theo các DN là còn "chưa thoáng", một số cửa khẩu chỉ cho phép thông quan khi toàn bộ lô hàng về cảng (không cho trừ dần), các Chi cục Hải quan cửa khẩu không tuân thủ thực hiện áp mã HS các mặt hàng TĂCN đã được công bố tại các danh mục…

Ngoài ra, khó khăn về tiền tệ như tỷ giá hối đoái cao, không ổn định, phí giao dịch mua ngoại tệ cao (2.000đồng/USD), số lượng tiền ký quỹ thanh toán hợp đồng nước ngoài quá lớn, lãi suất ngân hàng từ 21-22%, khó vay vốn…đã vô hình “tưới dầu vào lửa”, bóp chết dần các NM TĂCN vừa và nhỏ.

Người chăn nuôi phải gồng mình vì giá cám tăng

Gần hai chục đại diện NM ngồi dự cuộc họp là những đơn vị cực kỳ bền bỉ trong việc chống đỡ khó khăn. Ông Phạm Đức Bình-Giám đốc Cty Thanh Bình đề nghị nên xem xét cách "chung sống" với dịch "tai xanh" bởi dịch này đã có ở trong Nam cả chục năm nay. Chính sách chống dịch cần phải rõ ràng, không nên “cá mè một lứa” theo kiểu áp dụng chung cho hộ nuôi vài chục con lợn không khác gì hộ nuôi cả chục ngàn con. Ông Bình cũng phản ánh thời gian vừa qua, hiện tượng đầu cơ của nhiều Cty thương mại, mua dự trữ nguyên liệu TĂCN dẫn đến méo mó thị trường và ông đề nghị dùng hàng rào thuế để ngăn cản XK ngô vì hiện tại giá ngô trong nước đang thấp hơn thế giới.

Ông Đoàn Trọng Lý-Giám đốc Cty Aprocimex phản ánh chuyện “giấy phép con” gây khó dễ trong việc nhập bột thịt: “Không biết có chuyện tiêu cực trong vấn đề này không nhưng chúng tôi phải mua giấy phép con của các DN khác mỗi khi nhập bột thịt”. Ông Nguyễn Như So-Giám đốc Cty Dabaco đề nghị để giảm giá thức ăn thì những nguyên liệu trong nước nên giảm thuế (hiện tại 5%) và bỏ thuế VAT nguyên liệu nhập từ nước ngoài. Ông cũng "kêu gọi" Chính phủ  đưa TĂCN vào nhóm hàng thiết yếu: “Vừa rồi chúng tôi nhập 6.000 tấn mà đi tới 4 ngân hàng để mở L/C trong khi hạn mức vẫn còn một đống. Giá nguyên liệu thế giới cứ tăng như thế này nếu không có biện pháp kịp thời giá TĂCN trong nước dự tính sẽ còn tăng nữa”.

Ông Lê Quang Thành-Giám đốc Cty Thái Dương đề nghị nhà nước nên có chính sách dài hạn chứ cứ thay đổi như vừa rồi ngân hàng “phanh” đột ngột không cho DN vay, khiến Cty phải trả hàng triệu USD tiền lưu công tàu biển vì không có tiền lấy về. Đã thế công tác quản lý cầu cảng quá kém dẫn đến năng suất giao nhận chậm cũng gây thiệt hại cho DN. “Vốn lưu động năm nay cần gấp đôi năm ngoái do giá nguyên liệu tăng nhưng ngân hàng giảm cho vay, nếu vay được cũng lãi suất cao tới 21% thì chỉ có sản xuất hàng giả mới đáp ứng được. Nếu cứ như thế này ngành chăn nuôi chỉ đi xuống vì hộ nuôi vừa và nhỏ đang lỗ nặng”. Bà Đỗ Kim Chi-đại diện Cty New Hope thì nói gay gắt chuyện ngân hàng bắt chẹt DN ở chỗ bán đô theo kỳ hạn, đẩy giá lên dẫn đến cảnh đơn vị không có đô thanh toán với đối tác…

Hàng loạt kiến nghị của DN bức xúc là vậy nhưng đại diện ngân hàng, tài chính, hải quan…suốt cuộc họp  rất "kín tiếng" hoặc trả lời nhưng không trúng bức xúc của DN mà chỉ hứa sẽ ghi nhận, phản ánh lại với cấp trên. Kết luận hội nghị, Thứ trưởng Vũ Văn Tám khẳng định sẽ kiến nghị Chính phủ bổ sung nguyên liệu TĂCN vào mặt hàng thiết yếu… “Các DN phải công bố chất lượng, giá cũng như kiểm soát tốt hệ thống phân phối để làm sao cho người chăn nuôi mua cám với giá rẻ nhất. Về lâu dài nhà nước cần quy hoạch cảng chuyên dụng, kho bãi để nhập nguyên liệu thức ăn song song với việc đầu tư cho SX ngô, đậu tương trong nước”.

Ông Sooksant - Tổng giám đốc C.P Việt Nam:

Ông Sooksant

“Không nên dùng hành chính vào quản lý giá. Giá gà, lợn đang cao là do dịch bệnh vừa xảy ra, thiếu nguồn cung. Muốn phát triển chăn nuôi phải làm sao cho nông dân được ưu tiên vay vốn để họ đầu tư vào chăn nuôi, tạo nguồn cung thực phẩm dồi dào mới mong bình ổn giá được. Khi người chăn nuôi có lợi nhuận đó là điều tốt và ngược lại.

Kinh nghiệm cho thấy rằng những nước gặp vấn đề về xã hội là những nước nông dân không có lợi nhuận. Việt Nam là đất nước nông nghiệp, không có lý do gì để nhập sản phẩm nông nghiệp, đặc biệt là những sản phẩm không chính thống (ngoài luồng) vì sẽ phát sinh dịch bệnh”

 

Xem thêm
Lưu ý khi bón phân cho cây mía ở vùng đất phụ thuộc vào ‘nước trời’

Miền Trung và khu vực giáp ranh đã bắt đầu vào vụ mía mới 2023 - 2024, giá mía khởi sắc khiến bà con nơi đây thêm phần phấn khởi với loài cây lắm 'truân chuyên' này...

Thuốc diệt mầm cỏ ruộng lúa Bé Bụ 30SE sản xuất theo công nghệ mới

Thuốc diệt mầm cỏ ruộng lúa Bé Bụ 30SE là sản xuất theo công nghệ mới, diệt trừ được nhiều loại cỏ như đuôi phụng, lồng vực, cháo, chác, rau mác, rau mương... rất an toàn.

Tập đoàn Hùng Nhơn có thêm thành viên thứ 16

Sau thương vụ mua bán và sáp nhập (M&A) với Công ty cổ phần Đầu tư và Phát triển công nghệ sinh học Visakan, Hùng Nhơn Group chính thức có thêm thành viên thứ 16.