| Hotline: 0983.970.780

Hậu mưa lũ: Dân ùn ùn bán tháo sắn non

Thứ Năm 29/09/2011 , 08:56 (GMT+7)

Không chỉ bị tư thương chèn ép, trả giá thấp, mà do lượng sắn bán ra quá lớn, nhà máy thu mua không kịp nên việc tiêu thụ sắn hết sức khó khăn.

Sau những ngày mưa lũ dâng cao, tại nhiều địa phương vùng trũng ở  TT-Huế, bà con đang phải ồ ạt nhổ, bán tháo sắn non nhằm hạn chế thiệt hại. Không chỉ bị tư thương chèn ép, trả giá thấp, mà do lượng sắn bán ra quá lớn, nhà máy thu mua không kịp nên việc tiêu thụ sắn hết sức khó khăn.

Bán sắn non

Có mặt tại các nương sắn của các xã Phong Hiền, Phong An, Phong Xuân, Phong Sơn của huyện Phong Điền - một trong những địa phương có diện tích sắn lớn của tỉnh TT- Huế, từ dưới ruộng lên các đường thôn, đường lộ, đâu đâu cũng thấy bà con tất bật nhổ sắn. Theo người dân ở khu vực này cho biết, chỉ cần ngâm trong nước vài ngày nữa thôi, diện tích sắn bị chết, thối củ sẽ tăng lên chóng mặt, thiệt hại vô cùng lớn. Tại xã Phong An, nơi có Nhà máy tinh bột sắn TT- Huế, người dân đang ra sức thu hoạch, dùng đủ mọi phương tiện chở ra quốc lộ để nhập cho nhà máy sắn. 

Đoàn xe tải nối đuôi chờ nhập sắn tại nhà máy sắn TT- Huế

Ông Lê Tích Mong (thôn Đông Lâm, xã Quảng An) cho biết: “Như mọi năm còn hơn 1 tháng nữa bà con mới nhổ, nhập cho nhà máy. Năm nay do mưa lớn quá, nước lũ ngâm mấy ngày ni 0,5 ha sắn của tui vàng lá, sắp chết hơn nửa. Nếu trong hai ngày nữa mà không nhổ xong thì sẽ thối củ hết, lúc đó mang cho lợn ăn chứ bán chẳng ai mua”. Ông Mong ước tính, mọi năm với giá trên dưới 2.000 đồng/kg sắn người dân Phong An trồng còn có lãi. Năm nay do ồ ạt nhổ sắn chạy lũ nên chỉ được nhà máy mua từ 1- 1.200 đồng/kg thôi do sắn hơi bị non, chất lượng bột không đảm bảo. Bà Nguyễn Thị Điểu, vợ ông Mong nói thêm: “Cứ tính giá sắn như những năm trước, 1 sào thu được một tấn sắn, bán ra được 2 triệu đồng, tiền phân bón mất 900 nghìn đồng rồi. Những năm nay sắn non bán với giá như hiện nay thì chỉ ngang với tiền phân bón thôi. Dân trồng sắn lỗ to”.

Ở Phong An, nhà trồng ít nhất một vài sào, nhà trồng nhiều thì cũng 3 đến 5 ha. Đa số các diện tích đều rơi vào các vùng trũng, dù có nhà máy bên cạnh, người dân phải nhổ sắn khi chưa đến thời điểm chất lượng bột đảm bảo để thu hoạch nên sắn bị thu mua với giá thấp nên đều rơi vào hoàn cảnh tương tự như anh Mong. Anh Hoàng Công Minh- Phó Chủ tịch UBND xã Phong An cho biết, toàn xã có 186 ha sắn, trong đó số diện tích bị ứ đọng nước 90 ha, tính đến hôm nay, người dân đã thu hoạch 40 ha. Năm nay do bị ảnh hưởng lũ lụt, bà con phải nhổ sắn để chạy lũ nên giá sắn bán ra rất thấp, chỉ 1.200 đồng/kg, bà con không mặn mà lắm. Nhưng không nhổ bán, để như thế trong vài ngày nữa sẽ củ sẽ hỏng hết.

Tại xã Phong Hiền, bà con cũng đang hối hả thu hoạch sắn bán tháo nhằm giảm thiệt hại. Theo thống kê của UBND xã, toàn xã có 171 ha, trong đó số diện tích hơn 53 ha bị ngập úng đã được người dân thu hoạch xong. Số còn lại đang đợi thời gian nắng ấm sẽ cho thu hoạch tiếp. Ông Trương Như Hùng- Chủ tịch UBND xã Phong Hiền cho hay: “Hiện tại bà con trồng sắn của địa phương rất khó khăn vì sắn mang nhập cho nhà máy không tiêu thụ kịp, chi phí vận chuyển lớn. Người dân phải chờ chực do sắn bị ùn ứ trong 4 ngày nay. Biết bán không kịp nhưng không nhổ thì sẽ hư, thiệt hại vô cùng lớn.” 

Người dân xã Phong An ồ ạt nhổ sắn non bán

Người dân thiệt thòi

Do đồng loạt nhổ sắn bán chạy lũ, hạn chế thiệt hại nên trong những ngày qua, người dân đã dùng mọi phương tiện từ xe bò, xe kéo đến xe tải ồ ạt chở sắn về Nhà máy tinh bột sắn TT- Huế để tiêu thụ gây ra cảnh ùn tắc giao thông, lượng sắn ứ đọng lên vài nghìn tấn. Theo thống kê, chỉ tính riêng 2 huyện Phong Điền, Phú Lộc đã có khoảng 910 ha sắn bị ngập, đỗ ngã, thiệt hại từ 30-40%. Sau lũ, hàng nghìn hộ dân trồng sắn ở các địa phương trên đang rơi vào cảnh khó khăn.

Sáng 28/9, theo ghi nhận của chúng tôi,  đã có hàng trăm xe tải, xe kéo của người dân Phong Điền và các huyện lân cận chầu chực trước cổng nhà máy chờ nhập nguyên liệu. “Xe tui chở gần chục tấn sắn từ Phong Hiền về đây nhưng đợi đã 3 ngày nay rồi mà vẫn chưa nhập được. Sắn phơi nắng, phơi mưa đang bốc mùi nên lo lắm. Chưa năm mô mà người dân trồng lớn khốn khó như năm ni”- tài xế Trương Văn Hóa, cho biết. 

Xe chở sắn của người dân huyện Phong Điền và các huyện lân cận ồ tạ đỗ về Nhà máy tinh bột sắn TT- Huế chờ tiêu thụ

Theo thống kê, tỉnh TT-Huế có 7.500ha sắn nguyên liệu, sản lượng bình quân từ 150.000 - 170.000 tấn, phần lớn cung cấp cho Nhà máy tinh bột sắn TT - Huế. Hiện nay người dân thu hoạch khoảng 10% diện tích. Từ khi Nhà máy tinh bột sắn TT- Huế đi vào hoạt động, đến nay đã thu mua trên 30.000 tấn sắn nguyên liệu của nông dân với tổng giá trị gần 50 tỷ đồng.

Ông Nguyễn Văn Cho- Phó Chủ tịch UBND huyện Phong Điền cho biết, phía huyện đã có buổi làm việc khẩn cấp với lãnh đạo nhà máy sắn và bố trí lực lượng công an giao thông huyện đến hiện trường để phân luồng giao thông cho các phương tiện qua lại. Với diện tích sắn của huyện, khi người dân ồ ạt thu hoạch thì phải mất mấy ngày nhà máy mới thu mua hết được.

Việc chậm thu mua cùng với bà con đồng loạt nhổ sắn bán tháo do sợ hư hại khiến người dân đã bị tổn thất lại càng  thiệt thòi hơn. Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Đình Hưng, Phó Giám đốc Nhà máy tinh bột sắn TT- Huế cho biết: “Năm nay nhà máy thu mua sắn giá từ 1.300- 1.500 đồng/kg, giá này đã niêm yết từ ngày 20/9 cho người dân biết, chứ không có chuyện nhà máy thu mua chỉ 1.000 đến 1.200 đồng/kg như nhiều hộ dân phản ánh. Trong 4 ngày qua, người dân các huyện đưa sắn về nhập liên tục, trong khi công suất của nhà máy chỉ 350 tấn/ngày, kho chứa chỉ 1.200 tấn. Hiện nhà máy đang tăng cường thu mua từ 7 giờ sáng đến 110 giờ đêm”. Ông Hưng cho biết thêm, dự kiến trong vài ngày tới mới thu mua hết sắn cho bà con vùng trũng. Tuy nhiên, những hộ dân ở vùng cao hơn nếu cũng đồng loạt thu hoạch sắn sớm, khối lượng sắn đổ về nhiều thì nhà máy khó thể bao tiêu hết được.

Xem thêm
Sống lại ký ức hào hùng trên tuyến đường 1C huyền thoại

KIÊN GIANG Tuyến đường 1C nối đường Hồ Chí Minh trên bộ nhằm vận chuyển hàng hóa, vũ khí, thuốc cứu thương, nhu yếu phẩm và đưa rước cán bộ chi viện cho chiến trường miền Nam.

Syngenta tập huấn kỹ thuật, sử dụng drone an toàn, hiệu quả tại ĐBSCL

Vĩnh Long Ngày 26/4, tại Vĩnh Long, Công ty TNHH Syngenta Việt Nam tổ chức tập huấn cho 230 người điều khiển máy bay phun thuốc BVTV, cách sử dụng an toàn và hiệu quả tại ĐBSCL.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Bưu điện Việt Nam sẵn sàng 18.000 tỷ đồng chi trả lương hưu tháng 5

Bưu điện Việt Nam chuẩn bị nguồn lực sẵn sàng phục vụ chi trả lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội (BHXH) tháng 5/2024 cho hơn 3,3 triệu người sau kỳ nghỉ lễ 30/4.

Bình luận mới nhất

Tòa soạn chuyển cho tôi ý kiến bình luận của bạn đọc Kỳ Quang Vinh từ Cần Thơ, nguyên văn như sau: “Tôi cám ơn TS Tô Văn Trường đã có cái đầu lạnh của một người làm khoa học. Tôi thấy nội dung chính của bài báo là rất đáng suy nghĩ và làm theo. Tôi chỉ có một thắc mắc về kiểm soát lưu lượng bình quân ngày lớn nhất qua tuyến kênh là 3,6 m3/s”. Bạn đọc nên hiểu con số 3,6 m3/s chỉ là mở van âu thuyền cho nước đầy vào âu thuyền như thiết kế trong báo cáo của Campuchia. Chuyện mất nước trong bài báo tôi đã nói rõ rồi, đương nhiên hạn tháng 3-4 sẽ bị tác động lớn nhất theo tỷ lệ phần trăm vì lưu lượng thời kỳ này là thấp nhất. Lưu ý là ba kịch bản diễn giải như trường hợp 1 lưu lượng max bình quân ngày là 3,6 m3/s qua âu nghĩa là vận hành có kiểm soát theo thông báo của Campuchia. Các trường hợp 2 và 3 là vượt ra ngoài thông báo của Campuchia nghĩa là mở tự do bằng kịch bản 2 cộng gia tăng sản lượng nông nghiệp. Nhẽ ra, tôi nên viết rõ hơn là trường hợp 3 phải là như trường hợp 2 mở tự do kết hợp với gia tăng phát triển nông nghiệp. Tòa soạn cũng chuyển cho tôi bình luận của bạn đọc Nat về vị trí 3 tuyến âu, việc sử dụng nước và đánh giá chung là tác động của kênh đào Funan Techo không đáng kể đến đồng bằng sông Cửu Long. Điều tôi quan ngại nhất là khi Campuchia có ý định làm đập kiểm soát nguồn nước ở Biển Hồ hay là làm thủy điện ở sát gần biên giới Việt Nam. Trả lời bạn đọc thì mất thời gian trong khi quỹ thời gian của tôi rất eo hẹp nhưng cũng là niềm vui vì sản phẩm của mình làm ra được nhiều người quan tâm, đón đọc và bình luận. Tòa soạn cho biết ngay lúc đang buổi trưa 25/4 có gần nghìn người đang đọc bài viết của tiến sĩ Tô Văn Trường.
+ xem thêm