| Hotline: 0983.970.780

Việt Nam thừa trên 130 nghìn hecta sắn

Thứ Hai 23/02/2009 , 10:15 (GMT+7)

Với diện tích vượt trên 130 nghìn hecta so với dự kiến, đây lại là một bài học đau xót về việc chạy theo thị trường, phá vỡ quy hoạch, ồ ạt tự phát chuyển đổi cây trồng, vật nuôi.

Thua mua sắn để sấy khô. Ảnh: Thái Sinh

Nhiều hộ dân trồng sắn đang lâm vào  tỉnh cảnh thất điên bát đảo (NNVN đã có loạt bài phản ánh). Với diện tích vượt trên  130 nghìn hecta so với dự kiến, đây lại là  một bài học đau xót về việc chạy theo thị trường, phá vỡ quy hoạch, ồ ạt tự phát chuyển đổi cây trồng, vật nuôi.

>> Yên Bái tìm cách cứu cây sắn

>> Đồng Nai: Cây sắn cũng ''chết đứng''
>> Hoà Bình: Ngán sắn đến tận cổ
>> Thê thảm cây sắn

Tình trạng sắn rớt giá thảm hại ngoài những tác động của khủng hoảng kinh tế còn có nguyên nhân lớn do nông dân ồ ạt tự phát trồng sắn, không theo quy hoạch. NNVN đã trao đổi với ông Hoàng Tuấn Hiệp – Phó phòng Phân vùng kinh tế Nông nghiệp (Viện QHTKNN) về việc quy hoạch cây sắn. Ông Hiệp cho biết: Từ năm 2002 đến 2004, Bộ NN- PTNT đã giao cho Viện QHTKNN nghiên cứu và hoàn tất bản “Quy hoạch phát triển các vùng trồng sắn nguyên liệu phục vụ chế biến XK đến năm 2010”. Căn cứ vào quỹ đất và nhu cầu thị trường, chúng tôi dự kiến quy hoạch diện tích sắn toàn quốc đến năm 2010 vào khoảng 375 nghìn ha. Thế nhưng đến năm 2007, tổng diện tích sắn cả nước đã lên tới 497 nghìn ha- tăng hơn 122 nghìn ha. Vụ sắn 2008, diện tích sắn cả nước tiếp tục tăng, ước tính không dưới 510 nghìn ha - vượt hơn 135 nghìn ha so với dự kiến đến năm 2010.

Theo quy hoạch, vùng nào không chủ trương mở rộng diện tích sắn, thưa ông?

Trong 5 vùng kinh tế nông nghiệp (KTNN) trồng nhiều sắn, chúng tôi không chủ trương mở rộng diện tích ở Tây Nguyên và Trung du miền núi phía Bắc. Vùng TDMN phía Bắc đa số diện tích sắn được trồng ở độ dốc trên 25 độ nên tình trạng rửa trôi đất diễn ra rất nhanh. Còn Tây Nguyên mở rộng diện tích sắn thường đi đôi với phá rừng. Trồng sắn nếu không đi kèm  với phục hồi đất thì sau 2 đến 3 vụ đất sẽ bạc màu, khó phục hồi.

Diện tích sắn ở những vùng nào tăng nhanh nhất?

"Bên cạnh những hậu quả về môi trường, việc gia tăng diện tích sắn quá mức làm cho cung vượt cầu khiến giá sắn hạ là chuyện tất nhiên"

Sau khi hoàn tất bản quy hoạch vào năm 2004, chúng tôi đã gửi Bộ NN- PTNT đề nghị các tỉnh có quy hoạch cụ thể về vùng trồng sắn. Thế nhưng trên thực tế, diện tích sắn tại Tây Nguyên và TDMN phía Bắc từ đó đến nay vẫn tăng chóng mặt, đặc biệt là Tây Nguyên. Quy hoạch đến năm 2010 vùng này chỉ nên giữ diện tích ở mức dưới 65 ngàn ha sắn nhưng đến năm 2007, đã xấp xỉ 130 ngàn ha.

Kon Tum và Gia Lai vừa là hai tỉnh trồng nhiều sắn nhất, vừa có tốc độ tăng diện tích lớn nhất. So với năm 2006, diện tích năm 2007 ở 2 tỉnh này đã tăng thêm hơn 7 nghìn ha – lớn hơn diện tích tăng thêm của 2 vùng TDMN phía Bắc và Bắc Trung bộ. Bên cạnh những hậu quả về môi trường, việc gia tăng diện tích sắn quá mức làm cho cung vượt cầu khiến giá sắn hạ là chuyện tất nhiên!

Vì sao diện tích sắn lại có thể tăng đột biến như vậy, thưa ông?

Sắn là cây dễ tính thích hợp với nhiều chất đất và địa hình, trồng sắn hầu như không phải đầu tư gì đáng kể nên được xem như cây “xoá đói giảm nghèo”. Liên tiếp nhiều năm liền giá sắn dao động từ 700 đến 1.100đ/kg. Nếu so với các loại cây trồng khác như cà phê, mía, dứa…thì người trồng sắn lãi to. Vì thế từ năm 2006 đến nay, người dân không ngừng mở rộng diện tích đất hoang, đất rừng trồng sắn. Một số tỉnh Tây Nguyên và Bắc Trung bộ, nhiều diện tích mía, dứa và cà phê đã được thay thế bằng cây sắn.

Nhiều người còn nhắc đến một nguyên nhân nữa: Chúng ta cấp phép cho ra đời quá nhiều NM sắn?

Theo quy hoạch đến năm 2010, cả nước chỉ nên có 54 NM chế biến sắn. Nhưng hiện tại đã có trên 60 NM chế biến sắn hoạt động. Ngay từ những năm 2004 khi khảo sát quy hoạch, chúng tôi đã rất không đồng tình việc xây dựng quá nhiều NM chế biến sắn tại Tây Nguyên và vùng Tây Bắc. Thế nhưng sau đó vẫn có hàng chục NM được cấp phép xây dựng và hoạt động. NM sắn mở đến đâu, diện tích sắn mở ra đến đó.

 Làm thế nào đưa ra dự báo sát hơn nữa để duy trì vùng nguyên liệu sắn ổn định?

Quy hoạch dài hạn cho vùng nguyên liệu sắn trong 5 đến 10 năm lẽ ra đến nay đã phải rà soát lại quy hoạch để điều chỉnh trước biến động thị trường ngày càng nhanh. Nhưng đến nay, chúng tôi vẫn chưa có kinh phí từ Bộ NN- PTNT để làm điều này.

Xin cảm ơn ông!

Ông Nguyễn Trí Ngọc (Cục trưởng Cục Trồng trọt): Việc cảnh báo không mở rộng diện tích sắn chúng tôi đã nhiều lần đưa ra trong các hội nghị ngành Nông nghiệp, thậm chí tại các kỳ họp Quốc hội. Trong kế hoạch sản xuất hàng năm, Cục Trồng trọt đều có công văn chỉ đạo định hướng các tỉnh ra kế hoạch duy trì diện tích sắn phù hợp với quy hoạch dài hạn và canh tác cây sắn theo hướng bền vững. Trong dự thảo của Bộ NN- PTNT về “Chiến lược phát triển trồng trọt đến năm 2020” xếp cây sắn vào mục “Nhóm ngành hàng lợi thế thấp”, đầu ra cả thị trường trong nước lẫn nước ngoài chưa ổn định. Tuy nhiên, trên thực tế diện tích trồng sắn đến nay vẫn tăng chóng mặt nên khủng hoảng là điều tất yếu. Về phía mình, nông dân không nên chạy theo tín hiệu thị trường ngắn hạn để đổ xô trồng sắn khi giá lên hay chuyển đổi hàng loạt sang cây trồng khác khi giá hạ.

Ông Đinh Công Chính – chuyên viên Phòng Cây lương thực, cây thực phẩm (Cục Trồng trọt): Căn cứ vào diễn biến giá cả và nhu cầu thị trường, vụ xuân năm 2009 cần cắt giảm khoảng 135 nghìn ha sắn và duy trì diện tích ở mức 400.000ha. Một số tỉnh Tây Nguyên, TDMN phía Bắc và Nam Trung Bộ như Gia Lai, Kon Tum, Phú Yên, Bình Thuận, Yên Bái, Hoà Bình, Sơn La...chúng tôi khuyến cáo bà con nên chuyển các diện tích đất dốc trồng sắn sang luân canh các loại cây trồng khác, nhất là cây họ đậu để vừa cải tạo đất, vừa hạ cơn sốt dư thừa sắn như hiện nay.

Xem thêm
Yêu cầu giới hạn định lượng thuốc nhuộm Sudan cho ớt xuất khẩu Đài Loan

Cùng với Trung Quốc, Thái Lan và Thổ Nhĩ Kỳ, doanh nghiệp Việt Nam phải cung cấp báo cáo thử nghiệm về thuốc nhuộm Sudan, kèm ghi chú phương pháp thử, đơn vị thử nghiệm.

Phú Lương lần đầu tổ chức Ngày hội hướng nghiệp, phân luồng học sinh sau THCS

Sáng 21/4, huyện Phú Lương (Thái Nguyên) tổ chức Ngày hội Tư vấn hướng nghiệp và phân luồng học sinh sau tốt nghiệp THCS năm 2024.

Bức tranh 'Chiến dịch Điện Biên Phủ' nhiều kỷ lục đến với người dân Thủ đô

Đây là bức tranh toàn cảnh đầu tiên tại Việt Nam, có quy mô lớn nhất Đông Nam Á với 4 trường đoạn tái hiện lịch sử hào hùng, bi tráng của dân tộc.

Những gương mặt 'vàng' trong danh sách trả nợ trái phiếu doanh nghiệp bất động sản

Năm 2024, hơn 90 doanh nghiệp bất động sản có trái phiếu doanh nghiệp đáo hạn với tổng nợ vay gần 100.000 tỷ đồng. Trong đó, nhiều 'ông lớn' có nợ tới hàng nghìn tỷ.