Cái nghèo như vòng kim cô đối với nhiều gia đình ở nông thôn dù họ đã cố vẫy vùng. Vay nợ theo chế độ ưu đãi ư? Họ không dám vay nhiều vì sợ nợ, vì không biết làm gì với thời gian vay quá ngắn ngủi. Vay ngoài lãi cao ư? Sơ sảy tí sẽ không có cơ hội cho chuyện làm lại từ đầu.
>> Hai bức ảnh về cuộc sống người miền núi
>> Thăm nhà giàu và nghèo nhất làng
>> Nông dân đang có gì?
Nhà anh Ngô Bá Huy ở thôn Vân An (Lương Phong, Hiệp Hòa, Bắc Giang) thuộc diện giàu nhất nhì làng, có thể tạm gọi là tiêu biểu cho một nông dân có của ăn của để ở vùng đồng bằng Bắc Bộ.
Ngoài 5 sào ruộng, 20 năm nay vợ chồng anh Huy xoay trần với dịch vụ xay xát và bán thức ăn gia súc gây dựng nên một cơ đồ khiến nhiều người làng phải nuốt khan cổ họng mà ước ao, mà khao khát.
Đó là một cái nhà xây ba tầng rộng thênh thang trị giá dăm bảy trăm triệu, ba cái xe máy đời mới ngót 50 triệu rồi tiền hàng, tiền vốn tổng cộng tất cũng phải đến 2 tỉ đồng, một số tiền rất lớn đối với vùng thuần nông như Lương Phong. Thế nhưng cứ như anh Huy thú nhận có được cơ ngơi ấy chủ yếu nhờ số vốn ban đầu do bố mẹ anh đi nước ngoài để lại cho 500 triệu.
“Hồi ấy 500 triệu tương đương 120 cây vàng, sau hơn chục năm làm ăn giờ tài sản của tôi có 2 tỉ tương đương 50 cây vàng, tính ra vẫn là lỗ đấy”, anh Huy cho biết. Vợ chồng anh Huy hiện tại mỗi tháng kiếm được cỡ 6-7 triệu đồng tiền lãi, mỗi năm có thể tiết kiệm được 30 triệu.
“Xuống thang” hơn so với anh Huy, ông Nguyễn Văn Quang thuộc hộ kinh tế trung bình ở trong thôn với tài sản là đàn gà đẻ 200 con, hai mẹ con bò, 1 lợn sề 3 lợn thịt, 50 gốc bưởi Diễn, tính ra mỗi tháng thu nhập trung bình 3 triệu.
Tài sản giá trị nhất của nhiều người dân là đàn lợn thịt
Trong ngôi nhà cấp bốn của ông có ti vi, tủ lạnh, máy giặt. Tạm tính tất từ con gà, con lợn, con bò, cái xe máy đến mọi đồ dùng ông đang sở hữu trị giá của chúng khoảng 100 triệu.
Để có được 100 triệu ấy, người đàn ông 58 tuổi này phải bươn chải cả đời, từ đãi vàng, đóng gạch, thợ xây, hàng xáo, thợ cơ khí… Để có được 100 triệu ấy ông phải đánh đổi bằng một sức khỏe suy nhược với đủ các bệnh loại tim, dạ dày, tiền đình hành hạ.
Lúc tôi đến, ông Quang đang chống gậy lọc cọc, lê lết cái thân thể còm nhom. Nhà nông như ông mấy sào ruộng chưa bao giờ được coi là một thứ tài sản đáng giá vì nó chỉ giúp cho họ đủ ăn còn tiền tiêu phải đặt cược vào đàn gà đẻ và con bò mẹ.
Năm ngoái, khi con bò cái đến ngày động cỡn mà gọi mãi không được tinh lai Sind. Triệu trứng động dục của loài động vật nhai lại này chỉ kéo dài mươi mười lăm tiếng, không phối kịp lại phải chờ đến chu kỳ sau. Cuống cà kê nên ông đành gọi một con bò đực đến “nhẩy” trực tiếp cho nó.
Một cú “nhẩy” hết 250.000 đồng, ông chẳng xót bởi một con bê lai Sind một năm tuổi có thể bán 16 triệu ngon lành mà mọi người vẫn tranh nhau đặc cọc. Thế nhưng không ngờ, con bò đực ấy chỉ được mỗi cái đẹp mã. Chín tháng mười ba ngày sau, bụng con bò cái nhà ông Quang xẹp đi. Nó đã sinh ra một con bê nhưng chỉ là loại bê “cóc”, gột nuôi mãi cũng chỉ bán được với 12 triệu rưỡi.
Giờ, ông Quang lại nuôi hy vọng vào con bê đang đẹp như tranh vẽ, đang vung vẩy đuôi, đang nhỏn nhẻn đón những túm cỏ xanh nõn từ tay vợ ông ngoài sân kia. Con bê có thể giúp ông trả hết số tiền nợ hơn mười triệu đồng của chuyến đi viện liên tu gần một tháng trời trải qua khắp các tuyến huyện, tỉnh đến Bạch Mai.
Tài sản giá trị nhất của ông Quang là mấy chục gốc bưởi Diễn
Nông dân Vũ Đình Thu năm nay mới 42 tuổi nhưng đã thoái hóa cột sống nặng, hậu quả của những tháng ngày đội nắng, dầm mưa đi phụ vữa, đi cán thép thuê. Có sổ bảo hiểm (người nghèo được cấp sổ bảo hiểm y tế - PV) đấy nhưng anh Thu rất sợ đi viện khám sẽ ra bệnh nào khác nữa chứ không chỉ thoái hóa cột sống, lại phải tốn thêm một món tiền.
Khi tôi đến cả hai vợ chồng vừa đi cắt ít đậu tương non chạy lụt về. Đậu phơi đầy trên sân nhưng chẳng có mấy hạt, toàn lép, lửng lại mốc meo hết cả. Gia đình anh chị thuộc diện hộ nghèo kinh niên trong thôn, nghèo từ lúc lấy nhau đến giờ đã có hai con, đứa lớn 13 tuổi, đứa nhỏ 8 tuổi vẫn chưa bao giờ thoát khỏi danh sách một lần. Thóc họ làm chỉ đủ ăn chứ không dư dật bán bao giờ, mọi thứ chỉ trông chờ vào chăn nuôi, trồng thêm rau màu.
Năm ngoái, nhà anh Thu gột đàn gà đẻ gần đến tuổi trổ mào đỏ má bỗng chẳng may mắc bệnh, bán tống bán tháo lỗ 20 triệu, số tiền còn lại chỉ đủ mua một con bò cóc già. Năm nay, hai con nái sề của nhà đang chăn bỗng hỏng một con, xuống cấp thành lợn thịt bán được một triệu, con còn lại đang ốm nằm bệt.
Cái cổ họng của đôi vợ chồng nghèo này như co thắt theo những tiếng ho thành từng tràng của con lợn bệnh. Quở mồm nói dại, nó mà chết đi lấy gì để trả nợ tiền giống, tiền cám bây giờ? Toàn là cám đong chịu, một bao 25 kg “tiền tươi” chỉ 265.000đ nhưng nếu “tiền héo” nợ trong hai tháng sẽ phải chấp nhận giá 290.000đ, tính ra một tạ cám mất đứt 100.000đ chênh lệch.
Đã thế mùa màng năm nay cũng bết bát. 1,5 sào dưa lê nhà trồng vừa rồi gặp mưa triền miên, quả thối rụng bằng sạch, mất đứt 3 triệu đầu tư. 2 sào đậu tương ngoài bãi cao là thế cũng bị mưa dìm trong biển nước khiến cho 800.000đ tiền vốn và biết bao sức lực, hi vọng của họ đổ xuống đất đen cầm bằng công cốc.
Thoái hóa cột sống, không đi làm thuê nay đây mai đó được nữa mới rồi anh Thu bàn với vợ vay 25 triệu mua cái máy tuốt lúa để làm dịch vụ quẩn quanh trong làng, ngoài xã. Cái máy được cất cẩn thận trong chái nhà để tránh mưa nắng.
Tính ra tổng số tài sản của vợ chồng anh Thu sau 15 năm lập gia đình trừ tất cả các món nợ, giờ bán tất họa chăng được 15 triệu, nghĩa là mỗi năm họ chỉ dôi ra được chừng 1 triệu đồng. Đập vào mắt tôi là một bữa trưa của gia đình chỉ có cơm và mớ khoai sọ nấu suông. Nồi canh nước trong leo lẻo không gợn một chút váng mỡ.
Trưởng thôn Vân An, ông Nguyễn Văn Thắng ước tính chỉ có khoảng 10% dân trong thôn mình là có sổ tiết kiệm, nghĩa là kinh tế dư dật một tí còn phần đa đều phải vay nợ: “Hộ nghèo thường vay 10-15 triệu để chăn gà, nuôi bò. Hộ trung bình thường vay 20-30 triệu để sản xuất, kinh doanh. Hộ khá giả vay để làm ăn hoặc xây nhà, mỗi lần 50-70 triệu".
Các nhà khoa học nói, có nhiều dạng tài sản, nào tài sản vật chất (đất đai, vật nuôi), tài sản tài chính (tiền bạc, sổ tiết kiệm), tài sản con người (giáo dục, nghề nghiệp..) nhưng xem ra nông dân Việt vẫn là những con người sở hữu ít thứ nhất trong xã hội. Nếu so với trước có thể cuộc sống của họ đã thay đổi, không còn đói nữa, trong nhà đã có ti vi, tủ lạnh, xe máy và một số tiện nghi khác nhưng xét cho cùng, giá trị của chúng chẳng đáng là bao so với những công sức vô cùng nặng nhọc họ đã đổ xuống đất đen.