| Hotline: 0983.970.780

Đột nhập "Pháo đài rượu"

Thứ Năm 08/01/2009 , 09:30 (GMT+7)

Mới đây, TPHCM đã ghi nhận trên 10 ca tử vong do dùng phải rượu được chế từ cồn + nước lã. Mặc cho ai chết cứ chết, những làng chế rượu cồn dịp này cứ phải vận hành hết công suất để kịp cung hàng phục vụ bà con nhân Tết Kỉ Sửu. Đại Lâm - nơi được mệnh danh là "Pháo đài rượu cồn" đang tất bật trong guồng quay đó...

Mới đây, TPHCM đã ghi nhận trên 10 ca tử vong do dùng phải rượu được chế từ cồn + nước lã. Mặc cho ai chết cứ chết, những làng chế rượu cồn dịp này cứ phải vận hành hết công suất để kịp cung hàng  phục vụ bà con nhân Tết Kỉ Sửu. Đại Lâm - nơi được mệnh danh là "Pháo đài rượu cồn" đang tất bật trong guồng quay đó...

Bài 1: Nước lã + cồn + hương vị = rượu

Chỉ có một con đường độc đạo là đê sông Cầu chạy dọc từ đầu đến cuối làng, hai bên đường là những ngôi nhà với ít nhất 1-2 tầng hầm. Người ta gọi Đại Lâm là “pháo đài rượu cồn”, còn những ngôi nhà là “lô cốt rượu cồn”…

Người phụ nữ này đang chế một phuy rượu cồn
Chỉ còn cái mác… Đại Lâm

Con sông Cầu khéo chia 2 tỉnh Bắc Ninh, Bắc Giang và “ban” cho mỗi bên một làng rượu nổi tiếng. Bên bờ Bắc Giang có làng nấu rượu Làng Vân, đối diện Làng Vân là làng nấu rượu Đại Lâm, thuộc xã Tam Đa, huyện Yên Phong (Bắc Ninh). Về sự lâu đời và nổi tiếng, 2 làng này chẳng kém cạnh gì nhau. Chỉ có điều, Làng Vân thì nổi tiếng với rượu ngon, rượu thật còn Đại Lâm thì nổi tiếng với rượu sắn, rượu cồn.

Những người già ở Đại Lâm bảo rằng, thực ra Làng Vân hay Đại Lâm có được nghề nấu rượu, rượu ngon và nổi tiếng một thời ở vùng Kinh Bắc này là do nguồn nước sông Cầu tạo nên. Nhưng từ ngày đất nước đổi mới, cơ chế thị trường bung ra, sông Cầu ô nhiễm, nước sông Cầu không còn tinh khiết nữa, Làng Vân chuyển mình bằng việc đưa sản phẩm rượu quê ra thành thị phục vụ giới thượng lưu nhiều tiền qua thương hiệu “Rượu Làng Vân”. Đại Lâm cũng vươn ra thành phố, nhưng lại phục vụ thị dân đặc biệt là đội quân lao động nông thôn ra thành phố làm thuê, sinh viên ít tiền. Xét về đối tượng phục vụ của 2 làng rượu, thì người ta có vẻ…ấn tượng hơn với làng Đại Lâm. Nhưng, lại không phải thế…

Một số gia đình ở Đại Lâm nhiều đời gắn bó với rượu nay đã phải bỏ nghề cha truyền con nối một cách đầy lưu luyến. “Ông cha tôi truyền lại nghề nấu rượu này, chúng tôi sống bằng nghề rượu, rượu của chúng tôi làm ra, uống vào là say tình say nghĩa, để người ơi người ở đừng về như lời quan họ.

Chủ tịch UBND xã Hoàng Đắc Tư xác nhận: Số hộ nấu rượu theo cách truyền thồng của Đại Lâm không có khả năng mỗi ngày nấu ra nhiều rượu như thế. Rượu ở đây bán ra, có đến 80% là rượu cồn. Tức là nước giếng khoan hoặc nước sông Cầu + cồn + hương liệu = rượu cồn.

Nhưng nay, nếu cứ làm cái thứ rượu say tình say nghĩa ấy thì chả ai mua. Mà làm thứ rượu thị trường hiện nay vẫn gọi là rượu cồn pha với nước lã nguy hại cho sức khoẻ thì chẳng đành lòng, lương tâm dằn vặt. Vậy nên, nhiều hộ như gia đình tôi đành bỏ nghề đi làm thuê, nghèo thật nhưng thấy lòng mình thanh thản. Nhiều liền anh liền chị tiếc thay cho Đại Lâm, nói không có rượu Đại Lâm xịn thì câu quan họ Kinh Bắc cũng kém nồng, nhưng biết làm sao được…”- ông Nguyễn Văn Tân, một người nấu rượu lâu năm ở Đại Lâm tiếc nuối.

Cũng bởi cái thứ rượu cồn pha với nước sông Cầu ấy mà nhiều gia đình ở Đại Lâm trở thành triệu phú, tỉ phú. Về chất lượng thì thôi, khỏi bàn, nhưng so về sản lượng và doanh thu thì Đại Lâm hiện gấp nhiều lần so với Làng Vân. Cũng vì thế, nhìn từ xa xa, con sông Cầu lượn qua Đại Lâm như lượn qua một thành phố với nhiều nhà tầng và màu sắc, còn Làng Vân thì nằm ọp ẹp, lép mình sau mái đê…Một ông lão ở đầu làng Đại Lâm nói với tôi: “Ở cái thời buổi này, làm ăn đàng hoàng, làm ăn thật không bao giờ có thể giàu được. Anh cứ ở cái làng này vài hôm, sẽ thấy hết điều ấy…”

Những chiếc máy bơm lộ thiên bơm nước từ giếng lên và những người dân ấn vòi nước vào những chiếc thùng phuy để chế rượu

Đột nhập “lô cốt” rượu cồn

Người dân khu vực huyện Yên Phong (Bắc Ninh) và Việt Yên (Bắc Giang) coi làng Đại Lâm như một “thánh địa” bất khả xâm phạm với đầy ắp những bí mật chưa từng được khám phá. “Giang hồ” đồn rằng, từ nhiều chục năm nay, chưa có một tên trộm nào vào làng Đại Lâm ăn cắp mà thoát thân lành lặn, Đại Lâm chỉ có đường vào mà không có đường ra.

Trong khi đó, những hầm rượu là những “lô cốt” thường có đường thông ra sông Cầu hoặc cánh đồng, hoặc thông từ “lô cốt” này sang “lô cốt” kia dưới lòng đất nên khả năng “thoát thân” và tẩu tán tang vật nhanh như chảo chớp. Và cũng vì lẽ đó mà các cơ quan chức năng tỉnh Bắc Ninh trong nhiều năm tiến hành những cuộc “vây ráp” để bắt quả tang người dân ở đấy chế rượu cồn đều bất thành. Người dẫn mối cho tôi đột nhập vào “thánh địa” chính là người làng Đại Lâm dặn tôi rằng, tất cả những người lạ ra vào làng đều có thể bị phát hiện và đặt câu hỏi ngay tức khắc. Nếu bị tình nghi, mọi hoạt động chế rượu cồn trong làng sẽ biến mất trong giây lát chỉ sau một cú điện thoại. Nguy hiểm hơn, những người tình nghi nếu “quá đà” sẽ khó mà thoát thân.

Đại Lâm có trên 1.000 hộ thì có trên 300 hộ làm nghề nấu rượu. Trước đây, số hộ nấu rượu ở làng này lên đến 700 hộ nhưng mai một dần vì rượu Đại Lâm không thể cạnh tranh được trên thị trường.

Tuy nhiên, theo thống kê chưa đầy đủ, tổng số rượu mà trên 300 hộ của Đại Lâm hiện nay sản xuất ra mỗi ngày lên đến hàng ngàn lít, trong đó có khoảng 2.000 lít được xuất ra khỏi làng bằng những chiếc ôtô tải, chuyển đi khắp các tỉnh phía Bắc tiêu thụ mà chủ yếu là Hà Nội.

Đến Đại Lâm mới thấy, quả là “danh bất hư truyền”. Làng Đại Lâm ôm chặt lấy con đê sông Cầu bên bờ Bắc Ninh bằng những ngôi nhà hình ống, thường có ít nhất 1-2 tầng hầm. Hai bên là dòng sông Cầu và những cánh đồng. Từ những hầm rượu, thi thoảng xuất hiện những vòi nước lộ thiên chạy xuống dưới lòng sông Cầu và vươn lên cửa hầm. Các đường ống này làm nhiệm vụ dẫn nước từ dưới sông hoặc dưới giếng khoan lên các thùng phuy bằng một chiếc máy bơm cỡ nhỏ. Trên cửa các hầm rượu hoặc bên trong hầm rượu là những thùng phuy nhựa, mỗi thùng phuy có thể chứa từ 200-250 lít nằm la liệt. Ban ngày, những chiếc thùng phuy nằm lặng lẽ bất động, cùng với những cánh cửa im ỉm khoá của những hầm rượu tạo nên những “lô cốt” lạnh lùng.

Vậy nhưng, sự xuất hiện của tôi cũng gây nên sự chú ý của nhiều người mặc dù tôi đã cải trang cho “gần ” với dân buôn. Những cái đầu từ các “lô cốt” liên tục nhô ra và “chát” vào mặt tôi những câu hỏi, dạng như “tiếp thị hàng gì đấy”? Cả một ngày ở làng rượu, nhưng tôi cũng chỉ dám đi qua vòng lại một lần. Cuối cùng thì tôi cũng tóm được một quy luật: Màn đêm buôn xuống, các hộ chế rượu cồn bắt đầu bơm nước lã vào các thùng phuy. Đến khuya, những thùng cồn và hương liệu bắt đầu được lôi từ trong hầm ra hoặc vận chuyển ở nơi khác về và dân bắt đầu chế bằng việc đổ cồn và hương vị vào thùng phuy có sẵn nước. Thời gian chế mỗi thùng phuy rượu cồn 200 lít chỉ mất đúng 5 phút. Có những hộ dân chế hàng chục thùng rượu cồn mỗi đêm. Tôi đã lên kế hoạch cho một đêm xem chế rượu cồn…

Xem thêm
Đại tướng Tô Lâm, ông Trần Thanh Mẫn được giới thiệu làm Chủ tịch nước, Chủ tịch Quốc hội

Đại tướng Tô Lâm, Bộ trưởng Công an, được Trung ương giới thiệu để Quốc hội bầu giữ chức Chủ tịch nước. Ông Trần Thanh Mẫn, được giới thiệu để bầu Chủ tịch Quốc hội.

Đông Nam bộ đủ nước cho vụ hè thu

Đông Nam bộ đã bắt đầu bước vào mùa mưa. Mực nước hiện tại ở các hồ chứa trong khu vực có khả năng đáp ứng đủ cho sản xuất vụ hè thu.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Tây Ninh đã có thiệt hại do mưa lớn, dông lốc

Cơn mưa lớn chiều các ngày 16/5 và 17/5 đã khiến cho địa bàn tỉnh Tây Ninh có những thiệt hại đầu tiên về của. Rất may không ai bị thương, nguy hiểm tính mạng.