| Hotline: 0983.970.780

Bản văn hóa 4.0 chuyển mình với những 'dự án 0 đồng'

Chủ Nhật 05/05/2024 , 06:48 (GMT+7)

Bản văn hóa Nà Sự, xã Chà Nưa có gần 140 hộ dân người dân tộc Thái cùng sinh sống và có nét đặc trưng văn hóa, phong tục độc đáo.

Một góc bản văn hóa 4.0 Nà Sự, nhìn từ trên cao. Ảnh: Văn Việt.

Một góc bản văn hóa 4.0 Nà Sự, nhìn từ trên cao. Ảnh: Văn Việt.

Bản văn hóa 4.0

5h sáng, Lò Văn Mai, người dân tộc Thái trắng, tất bật chuẩn bị bữa sáng cho mấy vị khách phương Tây và khách Việt Nam. Rau quả từ Hợp tác xã nông nghiệp công nghệ cao Si Pa Phìn, gà nhà tự nuôi, cá từ bản bên. Rất nhanh. Mấy món ăn đặc trưng của người Thái, có cả pa pỉnh tộp (cá nướng kiểu người Thái, tẩm mắc khén), bày biện ngay ngắn.

Xong xuôi, Mai đi quét dọn qua sân nhà, trước ngõ. Gần như không có rác, có chăng chỉ là lá cây, hoa rụng xuống. Công việc của Mai, cũng là việc mà hơn 140 hộ dân trong bản vẫn làm mỗi ngày. “Giữ cho bản mường xanh sạch hơn”, tấm pano lớn treo trên vách núi, như đang dõi theo mỗi gia đình.

Với mức giá chưa đến 300.000 đồng mỗi người cho một ngày ở bản Thái, ăn uống sạch sẽ, vệ sinh đầy đủ, khó tìm được nơi thứ hai mang lại không khí trong lành, yên bình như tại Nà Sự.

Vài trăm năm trước, thế hệ người Thái đi khai phá tại đây, đã mua lại bản từ một số hộ của dân tộc khác. Bản thân “Nà Sự” trong tiếng Thái có nghĩa là “ruộng mua”. Ruộng mênh mông, ít bậc thang. Suối róc rách chảy quanh bản ngày này qua tháng khác. Núi cao vây quanh, che chắn gió. Trên núi có cả mạch nước ngầm. Mọi thứ đều thuận cho người Thái, nên họ quyết định mua toàn bộ ruộng vườn, đất đai.

Ngày nay, Nà Sự được biết đến là “bản du lịch văn hóa được số hóa toàn diện”, theo lời kể mang đầy tự hào của người dân Điện Biên.

Số hóa từ mỗi cánh cổng trước từng căn nhà. Mã QR cho phép khách du lịch biết từng nhà, từng người, biết cả wifi, số phòng... Không cần phải hỏi nhiều, giơ điện thoại lên quét mã là đủ.

Điểm ấn tượng tiếp đến ở Nà Sự là sạch. Sạch bong. Từ trong nhà ra ngoài ngõ. Nhà nào cũng có ý thức tự tô điểm cho căn hộ bằng hàng rào cây xanh, bằng những bông hoa giấy rực đỏ sức sống.

Bí thư xã Chà Nưa, ông Khoàng Văn Van, người Thái, cho biết từ ý tưởng làm du lịch cộng đồng bị dồn nén suốt 2 năm do đại dịch, khi triển khai ý tưởng đó đã “bung ra” một cách ngoạn mục từ sự quyết tâm cao độ của cả cộng đồng, sự đồng lòng, chung sức của hàng nghìn cán bộ và nhân dân trong huyện.

Trẻ em người Thái trắng đang vui chơi trên những con đường ở bản Nà Sự. Ảnh: Bảo Thắng.

Trẻ em người Thái trắng đang vui chơi trên những con đường ở bản Nà Sự. Ảnh: Bảo Thắng.

Bản Nà Sự bây giờ không chỉ là "của riêng" của một bản, đó là công sức của tập thể. Tận dụng vị trí đắc địa, Ban Thường vụ huyện Nậm Pồ vài năm trước đã phát động "Ngày cuối tuần tình nguyện", kêu gọi hàng trăm đoàn viên, thanh niên Chà Tở, Chà Cang, Pa Tần, Na Cô Sa, Si Pa Phìn và Phìn Hồ tham gia giúp dân bản Nà Sự xây dựng khu du lịch cộng đồng.

Hàng trăm cán bộ, công chức thuộc các cơ quan, đoàn thể khối huyện cũng đã đóng góp công sức cùng người dân bản Nà Sự chỉnh trang, làm đẹp không gian.

Chỉ trong vòng hơn một tuần, bản Nà Sự vốn đã đẹp lại càng nên thơ hơn bởi được đầu tư bài bản trên nguyên tắc tôn trọng tự nhiên, giữ gìn bản sắc với sự hướng dẫn của chuyên gia du lịch.

Ông Phạm Hải Quỳnh - Chủ tịch Hội du lịch cộng đồng Việt Nam, người góp nhiều công sức xây dựng mô hình tại bản Nà Sự, khẳng định mục tiêu lớn nhất của mô hình này chính là đem lại sinh kế bền vững cho người dân nơi đây.

Vì thế, để mô hình du lịch cộng đồng đi vào hoạt động hiệu quả và bền vũng, một "bộ máy" quản lý đã được thành lập để điều phối các hoạt động khép kín từ khi tiếp nhận khách đến khi khách đi.

Bí thư Khoàng Văn Van nói, để đảm bảo quyền lợi hài hòa của các thành viên trong cộng đồng các tổ: du lịch, truyền thông, hậu cần, văn nghệ... cũng đã được thành lập. Các hộ không tham gia vào các hoạt động du lịch, cũng được định hướng để cung cấp thực phẩm và các sản phẩm dịch vụ.

Mạng wifi 'căng đét' tại bản văn hóa 4.0 Nà Sự. Đây là bản du lịch cộng đồng số hóa toàn diện đầu tiên ở Điện Biên. Ảnh: Bảo Thắng.

Mạng wifi "căng đét" tại bản văn hóa 4.0 Nà Sự. Đây là bản du lịch cộng đồng số hóa toàn diện đầu tiên ở Điện Biên. Ảnh: Bảo Thắng.

"Ngay sau khi được đồng chí Bí thư Huyện ủy Lê Khánh Hòa cho ý kiến gợi ý triển khai mô hình này, xã đã tiến hành họp bản và 100% người dân hưởng ứng", ông Van nói.

Nà Sự có ngày hôm nay, còn nhờ đến các "dự án 0 đồng". Bí thư xã Chà Nưa kể lại, khi bản văn hóa đi vào hoạt động năm 2023, điều ông và người dân tự hào nhất là phát huy được sức mạnh cộng đồng. Do đó, xã đã triển khai được nhiều dự án, công trình bằng sức dân mà không phải chờ nguồn kinh phí hỗ trợ của Nhà nước.

Một số "dự án 0 đồng" đang giúp Nà Sự ngày càng thu hút như: Trồng 1.200 cây hoa ban, làm 11 tuyến đường tuần tra, bảo vệ rừng dài 36km. Hay làm gần 10km đường nội đồng, xây dựng 106 lò đốt rác thải sinh hoạt. Tất cả đều do người dân tự đóng góp và bỏ công sức ra thực hiện để phục vụ lợi ích của chính mình và của địa phương.

Nông thôn mới hiện hình đầy thuyết phục ở Nà Sự. Dù vài năm trước, có ý kiến thắc mắc việc hàng trăm hộ dân tình nguyện viết đơn xin ra khỏi hộ nghèo: Liệu Chà Nưa về đích nông thôn mới có phải do "chín ép"? Hàng trăm hộ dân viết đơn xin ra khỏi hộ nghèo liệu có bị áp lực từ phía chính quyền?

Nhắc lại chuyện này, ông Van cười nói: “Khi ấy cũng nhiều nhà báo đặt câu hỏi như vậy, tôi chỉ trả lời rằng, các bạn cứ xuống gặp dân, hỏi dân thì sẽ tìm được câu trả lời khách quan nhất”.

Mang chuyện này hỏi dân Nà Sự, nhiều người cười nói: “Bản này có ai nghèo? Điện nước, wifi đầy đủ, kém gì Hà Nội. Mà còn hơn ở chỗ sạch, thoáng mát. Chim chóc kéo về từng bầy, vì không ai đặt bẫy, không săn bắn. Thủ đô chắc gì bằng được ở đây”.

Với địa thế sơn thủy hữu tình, tựa lưng vào núi quay mặt ra sông, Nà Sự đem đến vẻ đẹp mà không ở đâu có được. Ảnh: Văn Thành Chương.

Với địa thế sơn thủy hữu tình, tựa lưng vào núi quay mặt ra sông, Nà Sự đem đến vẻ đẹp mà không ở đâu có được. Ảnh: Văn Thành Chương.

Đẹp như phim

Nói không ngoa, Nà Sự đẹp như phim, nằm bên dòng suối Nậm Bai uốn lượn quanh, như vòng tay người mẹ nâng đỡ che chở cho người con.

Ông Van nói Nà Sự bây giờ đầu tư đường sá cho xe khách cỡ trung vào được thoải mái. Du khách khi thăm quan A Pa Chải, một điểm đến hấp dẫn tại huyện Mường Nhé, có thể nghỉ ngơi tại bản Nà Sự. Tại đây, du khách được thưởng thức các món ẩm thực Thái, chiêm ngưỡng vẻ đẹp miền biên viễn, giao lưu văn hóa và văn nghệ.

“Việc xây dựng và phát triển du lịch cộng đồng tại bản Nà Sự sẽ góp phần thúc đẩy phát triển du lịch, kinh tế xã hội của huyện Nậm Pồ. Nhân dân bản Nà Sự đã họp bàn và thống nhất cải tạo cảnh quan trong bản tạo điểm nhấn đón khách tham quan và trải nghiệm. Bà con dân tộc Thái chúng tôi đã tự quản lý, tự chăm sóc và tự khai thác các hoạt động du lịch, từ đó mang lại lợi ích kinh tế cho cộng đồng địa phương”, Bí thư Van kể với giọng tự hào.

Bí thư xã Chà Nưa, ông Khoàng Văn Van, tới thăm các hộ gia đình làm du lịch cộng đồng ở bản Nà Sự. Ảnh: Văn Việt.

Bí thư xã Chà Nưa, ông Khoàng Văn Van, tới thăm các hộ gia đình làm du lịch cộng đồng ở bản Nà Sự. Ảnh: Văn Việt.

Điều khác mà ông Van và nhiều cụ cao niên ở Nà Sự, Chà Nưa "ưng cái bụng" nhất, là việc phát triển du lịch cộng đồng còn giúp bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống Thái.

Bên một nhánh thủy lợi vừa tưới tiêu, vừa tạo cảnh đẹp cho Nà Sự, có nhiều cọn nước truyền thống Thái. Thực ra cọn nước bây giờ không cần lắm, song nó tạo điểm nhấn. Bí thư xã, lãnh đạo UBND xã, mỗi người đều tự làm một cọn nước giúp dân. Tự tay làm, không phiền, không nhờ ai.

Mỗi chiếc cọn nước là cả một kỳ công như những bí quyết được truyền lại từ nhiều thế hệ. Tất cả vật liệu làm cọn đều có nguồn gốc từ trong tự nhiên như tre, nứa, gỗ, mây, vầu,... Hình dạng của chiếc cọn được định hình bởi phần guồng, trục quay và hàng trăm năm qua nó trở thành bộ khung vững vàng.

Tùy thuộc vào kích thước cọn nước để xác định độ dài tương ứng và số lượng của các nan cọn. Nan cọn được nối với trục quay thành khung vững chắc bằng cách đục lỗ khéo léo trên thân trục tương ứng với số nan sao cho vừa khít, sau đó cố định bằng những sợi dây mây, dây rừng dẻo dai.

Mỗi chiếc cọn nước là cả một kỳ công như những bí quyết được truyền lại từ nhiều thế hệ. Chính các lãnh đạo xã Chà Nưa tự tay làm cọn nước phục vụ dân bản. Ảnh: Văn Thành Chương.

Mỗi chiếc cọn nước là cả một kỳ công như những bí quyết được truyền lại từ nhiều thế hệ. Chính các lãnh đạo xã Chà Nưa tự tay làm cọn nước phục vụ dân bản. Ảnh: Văn Thành Chương.

Bứt phá

Dẫn chúng tôi đi khắp xã, Bí thư Van ngâm nga: “Chà Nưa, Chà Tở, Chà Cang. Trong ba Chà ấy anh ưa Chà nào?”. Ở cái tuổi gần 60, ông Van vẫn leo đồi dốc thoăn thoắt như thanh niên. Câu chuyện về ba xã đều bắt đầu bằng Chà, ông Van bảo đã dày công tìm hiểu, song vẫn chưa giải được "bí mật". “Cứ theo câu ca kia thì trong tiếng Thái chúng tôi là Chà đầu, Chà giữa, Chà cuối. Còn từ Chà là gì thì ngay các cụ cao niên cũng không hoàn toàn giải thích được, có thể là tiếng của dân tộc khác, từ thời các cụ đến khai phá nơi này”.

Ông Van nói nhìn ruộng ở Chà Nưa rất đẹp, song từ khi còn là Hiệu phó trường cấp 2 tại đây, ông đã nghĩ: “Ruộng nhiều thì chỉ để tô điểm thêm không gian, chứ cứ trông vào ruộng thì không bao giờ khá được”.

Chăn nuôi, trồng trọt dưới tán rừng sản xuất, ông Van là người đi đầu. Trang trại trên núi của ông có hàng chục con lợn. Gà rừng cũng lui tới như gà nhà. Mô hình bản du lịch, ông Van cũng tiên phong với việc xây nhà sàn đúng bản sắc người Thái xưa. Nhà sàn của Bí thư xã không thu phí, có thể làm "điểm trung chuyển", hay điểm nghỉ chân của bất cứ du khách nào tới xã.

Nà Sự và các bản khác ở Chà Nưa, đều vươn tới "chuỗi giá trị", liên tục tìm tòi, lao động, thay vì chỉ dựa vào cây lúa.

Việc học rất quan trọng, ông Van luôn nhắc thế trong mỗi cuộc gặp với dân. Từ một xã mà bằng tốt nghiệp tiểu học còn đếm trên đầu ngón tay, vài chục năm nay, Chà Nưa không thiếu người học đại học, học cao đẳng nghề.

“Thời tôi làm Hiệu phó rồi Hiệu trưởng, có mấy thầy giáo lười lắm. Chỉ rượu. Tôi mời đi chỗ khác hết. Tôi bảo họ, các ông đến đây để dân chúng tôi sáng mắt ra, chứ rượu suốt thế thì đổ cát vào mắt, dân tôi mù hết à”.

Cái chữ ngày ấy ít được coi trọng. Ông Van mở thêm lớp riêng, dạy hết con cháu trong nhà, làm gương cho cả xã. Ngọt nhạt, kiên quyết. Toàn bộ con cháu họ Khoàng đều học ít nhất hết cấp 3. Học đại học, học nghề, rồi quay lại làm giàu cho xã. Việc học từ ấy lan ra cả xã Chà Nưa.

Con cháu ông Van, không ai làm ở xã. Họ đều tách ra làm nông, làm dịch vụ du lịch. Trưởng họ của ông Van, có lần lên xã nhờ ông cháu Bí thư giúp đỡ trong tranh chấp đất. “Tôi mời ông cụ về. Tôi bảo chú ơi, chú về nhà mình làm trưởng họ, chứ lên đây thì ai cũng bình đẳng”. Sự kiên quyết ấy, khiến Chà Nưa bây giờ yên bình. Hòm thư góp ý được đặt kín đáo, đảm bảo người góp ý không bị ai thấy. Song cả năm, xã không nhận được phàn nàn nào.

Từ Nà Sự, đến các Nà khác, người dân đồng lòng xây dựng cho chính mình, cho xã giàu đẹp hơn.

Bản Nà Sự bây giờ, người nói được tiếng Anh thành chuyện bình thường. Xác định phải biết ngoại ngữ, nên chẳng ai bảo ai, người dân tự học. Cười cười hiền hiền thế thôi, nhưng ai nấy đều tiếng Anh, tiếng Thái, tiếng Kinh luân chuyển nhanh như gió. Số hóa toàn diện, gìn giữ văn hóa truyền thống, khó có nơi nào tốt hơn Nà Sự hôm nay.

Xem thêm
Hỗ trợ nông dân có lúa bị thiệt hại bên đường cao tốc qua Hậu Giang

Hậu Giang Các đơn vị liên quan thống nhất hỗ trợ nông dân có diện tích lúa bị thiệt hại cặp bên dự án làm đường cao tốc đoạn qua tỉnh Hậu Giang.

VinFast VF 3 - 'chân ái' sang xịn mịn của dân văn phòng

Với mức giá chỉ từ 240 triệu đồng, chính sách trả góp hơn 2 triệu đồng/tháng, thiết kế nhỏ gọn và phong cách, VF 3 đang là cái tên 'hot rần rần' với người dùng Việt, đặc biệt là giới văn phòng, công sở.

Sụt lún đoạn bê tông đã lót gạch vỉa hè kè sông Cần Thơ

Tiếp tục xảy ra hiện tượng sụt lún, nứt dọc cục bộ tại một số vị trí vỉa hè đã được lát gạch tại dự án kè sông Cần Thơ.