| Hotline: 0983.970.780

Người Hà Nhì giữ cực tây Tổ quốc

Chủ Nhật 05/05/2024 , 14:38 (GMT+7)

Nhờ sự tuyên truyền, vận động của đảng bộ, chính quyền xã Sín Thầu, gần 10 năm nay, khu vực biên giới tại huyện Mường Nhé (Điện Biên) luôn đảm bảo an ninh trật tự.

Chu Khai Phù trên đường lên Mốc số 0 tại A Pa Chải.

Chu Khai Phù trên đường lên Mốc số 0 tại A Pa Chải.

Khao khát thông thương

Bên chiếc xe máy cà tàng, Chu Khai Phù, dân quân xã Sín Thầu đang lấy kìm, mở nắp bình dầu. Cẩn thận châm que thăm nhớt rồi miết đi miết lại trên tay vài lần, như thể muốn kiểm tra sức khỏe “trâu sắt” có thể lên điểm cực tây Tổ quốc hay không. Chừng thấy màu vàng sánh vẫn lăn dài qua đầu ngón tay, Khai Phù mới mời tôi lên xe, dặn bám chặt vì đường ngoằn ngoèo lắm.

Nếu không khai tuổi, hẳn bất cứ ai gặp Khai Phù cũng đoán anh nhiều hơn cái tuổi 34. Gương mặt khắc khổ, quanh hốc mắt nhiều nếp nhăn, giọng nói tiếng Việt bập bẹ, nhiều chỗ phải ghé sát tai mới rõ lời, cán bộ xã Sín Thầu nhìn giống một lão nông trung niên nơi miền biên viễn hơn. Nỗi lo trong tôi chỉ vơi đi phần nào khi chiếc xe cẩn thận vượt từng khúc cua tay áo, hay chậm rãi ghìm số đoạn đường vòng nhìn từ xa như một chiếc sừng trâu nhọn hoắt chọc lên nền trời tím thẫm.

“Lần nào đi em cũng phải kiểm tra kỹ. Xe mới thì độ 5-6 lần, xe cũ chắc chỉ 3-4 lượt lên Mốc số 0 là phải thay dầu”, Khai Phù cười giải thích.

Nếu không tính đoạn đường đất vòng vèo, chớm từ trạm biên phòng đi ra đến bản Tá Miếu, tổng cộng chiếc xe phải vượt qua chừng 11km đường dốc. Phần lớn trong số đó là dốc 10 độ. Cách đây 10 năm, để lên được đỉnh cao thiêng liêng này chỉ có cách duy nhất là đi bộ băng rừng leo núi mất cả ngày trời.

Vài năm gần đây, chính quyền Điện Biên cùng các lực lượng trên địa bàn đã nỗ lực cải tạo, nâng cấp để việc chinh phục cực tây Tổ quốc, cũng như tuần tra biên giới của bộ đội biên phòng dễ dàng hơn. Nhưng cắt tối đa thì vẫn còn 7km đường nhỏ, chỉ vừa lọt 1 thân xe máy, men theo vách núi lên đỉnh Khoan La San. Nếu mới đi thám hiểm lần đầu, hẳn không ít du khách phải bịt mắt, tim đập mạnh trên hành trình tới Mốc số 0.

Tính từ lúc rời trạm biên phòng đến khi trở về độ khoảng 2 tiếng. “Nếu không có dân bản địa như các anh thì loay hoay nửa ngày đấy nhỉ?”, tôi hỏi và ngầm tự đánh giá về tiềm năng du lịch nơi đây. Khai Phù cười khẽ, rồi thủng thẳng đáp: “Bà con bên kia (Trung Quốc) nhiều người cũng muốn sang nhưng giờ đi lại còn khó lắm cán bộ à”.

Chị Pờ Mỳ Lế (trái), Bí thư Đảng ủy xã Sín Thầu, thăm vùng trồng cây sa nhân trên địa bàn. 

Chị Pờ Mỳ Lế (trái), Bí thư Đảng ủy xã Sín Thầu, thăm vùng trồng cây sa nhân trên địa bàn. 

Bà con, theo cách gọi của Khai Phù, chủ yếu cũng là người dân tộc Hà Nhì sống tại tỉnh Vân Nam (Trung Quốc). Do lịch sử để lại, người dân tộc này phân bố dọc biên giới, trải dài qua 3 tỉnh Điện Biên, Lai Châu và Lào Cai. Trước đây, khi chưa có hàng rào, người Hà Nhì thường qua lại, thăm hỏi lẫn nhau.

Đem chuyện hỏi chị Pờ Mỳ Lế, Bí thư Đảng ủy xã Sín Thầu, mới biết nhiều người Hà Nhì cao tuổi giao tiếp bằng 3, 4 thứ tiếng là bình thường. Cùng một lúc, họ có thể nói được tiếng Việt, tiếng Hà Nhì và tiếng Trung. Chính nữ Bí thư xã duy nhất của huyện Mường Nhé cũng có thể nghe hiểu tiếng Trung ở mức cơ bản, đủ để giao tiếp hằng ngày.

Nhưng khao khát mở rộng giao thương tại lối mở A Pa Chải không chỉ dừng ở mức thăm hỏi. Nhờ khí hậu ôn hòa, người dân chăm chỉ làm ăn, Sín Thầu gần đây năm nào cũng trúng mùa. Năm 2023, kế hoạch giao lúa vụ mùa gần 140ha, sản lượng hơn 790 tấn, nhưng người dân bảo nhau cày sâu cuốc bẫm. Cuối vụ, cả xã đạt gần 870 tấn, vượt gần 10%, chưa kể diện tích ngô, sắn và một số cây trồng khác. Đàn trâu, bò, lợn của Sín Thầu tổng cộng giờ cũng ngót nghét 3.000 con, thêm gần 6.000 con gia cầm nữa, nói như Bí thư Lế thì “không xuất khẩu, biết tiêu thụ vào đâu?”.

Trước dịch, việc thông thương tại lối mở A Pa Chải - Long Phú được tạo điều kiện. Trâu, bò mang sang Trung Quốc bán được giá tới 15 triệu đồng/con. Nhưng nay, đa số người dân phải bán ra ngoài huyện Mường Nhé, giá giảm xuống chỉ còn hai phần ba. Nếu không họ phải chờ một tháng hai lần, chợ phiên bên nước bạn họp. Đó cũng là dịp để cư dân biên giới trao đổi con trâu, con gà. Còn lại, chủ yếu bà con đi sang làm thuê và về trong ngày.

Hồi đầu năm, lãnh đạo tỉnh Điện Biên và tỉnh Vân Nam đã hội đàm, cùng nhất trí đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, nâng cấp lối mở thành cửa khẩu song phương đường bộ cho người và hàng hóa qua lại. Địa điểm dự kiến là từ Mốc số 2 đến Mốc số 3 đường biên giới trên đất liền Việt Nam - Trung Quốc, nằm trên địa phận xã Sín Thầu.

Ông Pờ Dần Xinh (phải), nguyên Chủ tịch, Bí thư xã Sín Thầu, luôn đi đầu trong việc phát triển VAC tại gia đình.

Ông Pờ Dần Xinh (phải), nguyên Chủ tịch, Bí thư xã Sín Thầu, luôn đi đầu trong việc phát triển VAC tại gia đình.

Ông Tạ Văn Sơn, Chủ tịch UBND huyện Mường Nhé, coi việc nâng cấp lối mở A Pa Chải sẽ mang đến vận hội mới, nhiều triển vọng cho huyện phát triển kinh tế. Huyện ủy và UBND huyện đã xin ý kiến tỉnh về việc liên kết sản xuất nông nghiệp quy mô hàng hóa với huyện Nậm Pồ và huyện Mường Tè (tỉnh Lai Châu). Chưa kể, sau lưng A Pa Chải còn một vựa nông sản trù phú mang tên Sơn La, với cơ man nào là cây ăn quả (xoài, mận, dứa) và nhiều cây lâm nghiệp có giá trị kinh tế như sa nhân, sơn tra…

Trong tháng Tư và Năm này, nhiều đoàn khảo sát của Trung ương sẽ về thị sát trực tiếp Mường Nhé để đánh giá lần cuối tiềm năng, cơ hội khai thác lối mở A Pa Chải, tránh để điểm cực tây này rơi vào cảnh “lãng phí”.

Đuổi thuốc phiện, yên tâm làm kinh tế

Năm 1954, khi bộ đội vào giải phóng huyện Mường Tè (huyện cũ, trước khi tách thành Mường Nhé), người Hà Nhì chưa quần tụ về trung tâm hành chính xã (bản Tả Kố Khừ hiện tại).

Ông Pờ Dần Xinh, nguyên Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Sín Thầu vẫn nhớ như in cuộc sống hồi nhỏ trên A Pa Chải và Tả Lao San, cách trung tâm xã bây giờ khoảng 8km. Lúc đó, nông nghiệp chưa phát triển do người dân chủ yếu canh tác trên triền đất cao, không đủ màu mỡ, điều kiện nước tưới khó khăn bởi địa hình lọt thỏm giữa chục quả núi lớn. Muốn ra huyện, người dân phải cõng gạo, cõng muối đi bộ, bơi sông cả tuần trời.

Nhận thấy điều ấy, cụ Pờ Pố Chừ - thân sinh ra ông Xinh, đảng viên đầu tiên của khu vực ngã ba biên giới - kiên trì vận động bà con về dòng Mo Phí. Từ một, hai hộ ban đầu làm ăn thuận lợi, đồng bào Hà Nhì kể cho nhau nghe về vùng đất mới (Sín Thầu trong tiếng Hà Nhì là “đất mới”), ấm no hơn, sung túc hơn. Trồng lúa không cần nhọc sức dẫn nước từ núi về. Đàn trâu hàng chục con, con nào cũng béo trục, béo tròn. Thanh niên xã và bộ đội cũng chung tay, đưa người Hà Nhì hạ sơn. Một trang sử mới mở ra.

“Mời được bà con xuống núi đã khó, giữ được bà con còn khó hơn”, ông Xinh trầm ngâm. Theo lời ông, trong mấy mươi năm người dân về Tả Kố Khừ, 2 vấn đề đau đầu nhất là nạn phỉ và thuốc phiện. Thậm chí đến cuối thập niên 1980, gần như nhà nào ở Sín Thầu cũng trồng thuốc phiện. Xã có hơn 1.000 người thì có tới 10% là nghiện. Niềm vui về thóc đầy bồ nhanh chóng nhường chỗ cho nỗi lo bỏ hoang hóa nương rẫy, nghèo đói bủa vây.

Con đường dẫn vào bản Tả Kố Khừ, trung tâm xã Sín Thầu.

Con đường dẫn vào bản Tả Kố Khừ, trung tâm xã Sín Thầu.

Để bà con nghe theo Đảng, chính quyền, ông Xinh quyết tâm đi đầu bằng việc vận động, thuyết phục mẹ vợ là cụ Pờ Lồng Sừ (người đã nghiện mấy chục năm). Do tuổi cao, sức yếu, nên mãi tới lần thứ 3 bà Sừ mới cai thành công. Đó là nguồn cổ vũ rất lớn với ông Xinh khi đi từng ngõ, gõ từng nhà, vận động những người nghiện khác trong xã tham gia cai nghiện. Cách làm của ông, là giữ những người trên 35 tuổi lại UBND xã và cho đi lao động công ích, mục đích là để cách ly với thuốc phiện. Người dưới 35 tuổi thì cai bằng cách tham gia làm nhà tại khu vực biên giới.

Sau 3 tháng kiên trì như vậy, dần dần người Hà Nhì ở Sín Thầu đã bỏ được thuốc phiện, tạo tiền đề đưa xã cực tây trở thành địa phương tiêu biểu với “4 không”: Không có người nghiện, không phá rừng, không di cư tự do và không truyền đạo trái phép. Người dân yên tâm làm nương, làm rẫy, phát triển kinh tế.

Từ năm 2014 đến nay, xã Sín Thầu còn một hướng đi nữa là bảo vệ rừng. Nhờ nguồn thu từ tiền chi trả dịch vụ môi trường rừng cho cộng đồng, người dân tham gia giữ rừng, mỗi hộ trung bình có thêm thu nhập từ 15-20 triệu đồng/năm. Ông Xinh nhẩm tính, số tiền này có thể sử dụng để làm nhà, cho con cái đi học xa, hoặc mua sắm đồ dùng trong gia đình. Chi tiêu hàng ngày thì trông vào tiền đi làm công, hoặc làm nương, rẫy.

Với tinh thần “giữ được rừng là có tiền cho con đi học”, người Hà Nhì không để xảy ra vụ cháy rừng lớn nào suốt 10 năm qua. Họ chia tổ đội, thường xuyên tuần tra và vận động toàn xã không cất giữ súng săn và bẫy thú trong gia đình. Tinh thần cộng đồng cùng tham gia bảo vệ rừng được nhân rộng. Hiện toàn bộ 7 bản trong xã đều thành lập đội dân phòng về phòng cháy chữa cháy, với 70 thành viên. Mô hình “Tổ liên gia an toàn phòng cháy và chữa cháy”, với nòng cốt là khu dân cư trung tâm bản Tả Kố Khừ, có đến 42 thành viên tham gia. Trong năm 2023, có đến 327 lượt người tham gia và ký cam kết bảo vệ rừng, tương đương một phần tư dân số.

Nhờ vậy, tính đến tháng 11/2023, diện tích đất lâm nghiệp có rừng của xã Sín Thầu là 11.946,56ha, tỷ lệ che phủ rừng đạt 73,36%, tiếp tục tăng 0,28% so với năm 2022.

Lực lượng công an xã Sín Thầu phối hợp bộ đội biên phòng tuần tra biên giới.

Lực lượng công an xã Sín Thầu phối hợp bộ đội biên phòng tuần tra biên giới.

Đi đầu và đứng đầu

Có được màu xanh bát ngát ở Sín Thầu như hôm nay, theo ông Xinh, là nhờ quyết tâm bám cái chữ của người Hà Nhì. Thời trai trẻ, ông không quản ngại 10 năm đi bộ từ Sín Thầu ra huyện học chữ, để rồi trở thành người đầu tiên trong xã được đi học THPT. Ông tin rằng, cái chữ đã mang lại cho ông nhiều thứ: tri thức, của cải, con cái hiểu biết... Nhiều gia đình trong xã muốn cho con cái đi học đều đến nhà hỏi ý kiến tư vấn của ông.

Gần 70 tuổi, nhưng ông Xinh vẫn nhớ nhất chuyện chị Lế. Ông bảo, ngày xưa con trai đi học đã khó, con gái đến lớp còn khó gấp 10. Từng có những lời xì xầm trong bản, rằng con gái không biết làm gì thì mới đi học, hay làm con gái chỉ cần ở nhà lấy chồng, sinh con, chăm lo cho gia đình là được. Định kiến ấy ăn sâu vào nếp nghĩ của bao thế hệ người dân trên đỉnh Tả Lao San.

Có lẽ, Pờ Mỳ Lế là một ngoại lệ. Ông Xinh biết chị từ khi Lế còn là cô bé tóc cháy nắng, thích câu cá, cưỡi ngựa và nhất là quyết tâm đi học sắt đá. Dù chịu nhiều dị nghị, gièm pha, lên 10 tuổi mới chính thức đi học lớp 1, chị vẫn kiên trì đi bộ hơn 200km, đến tận huyện Mường Tè bây giờ để ê a đánh vần, làm toán cùng các bạn. Mỗi năm về nhà hai lần. Lần nào về cũng sụt sùi, ôm mẹ khóc vì nhớ nhà.

“Trên đời này làm gì có đường, người ta đi mãi thì thành đường thôi”, chị Lế bảo nhớ nhất câu nói này của Lỗ Tấn khi nhìn lại hành trình đằng đẵng băng núi, vượt sông tới khi trở thành sinh viên trường Cao đẳng Kinh tế - Kỹ thuật, rồi trở về quê hương làm việc. Năm 2015, chị được Huyện ủy Mường Nhé tín nhiệm phân công giữ chức Bí thư Đảng ủy xã Sín Thầu, với hơn 90% là đồng bào dân tộc Hà Nhì.

Là con cháu của dòng họ Pờ, từng sản sinh ra người đảng viên đầu tiên của Sín Thầu (cụ Pờ Pố Chừ), huyền thoại tiễu phỉ (ông Pờ Xí Tài), hay bí thư của những cái nhất (ông Pờ Dần Xinh), chị Lế xác định nhiệm vụ ưu tiên số một là phải thay đổi nhận thức của bà con. Từ việc xắn quần lội ruộng, cuốc đất, trồng rau… cho đến hội họp địa phương, chị luôn gương mẫu đi đầu và thể hiện rõ tinh thần dám làm, dám chịu trách nhiệm.

Sau chưa đầy 1 nhiệm kỳ, chị Lế giúp Sín Thầu đạt chuẩn nông thôn mới, với mức thu nhập bình quân đầu người đạt 35,4 triệu đồng/năm. Từ một xã có trên 70% là hộ nghèo, đến nay giảm xuống còn gần 30%.

Công tác tuyên truyền, vận động người dân tham gia bảo vệ rừng, giữ gìn an ninh trật tự luôn được đảng bộ, chính quyền xã Sín Thầu quan tâm.

Công tác tuyên truyền, vận động người dân tham gia bảo vệ rừng, giữ gìn an ninh trật tự luôn được đảng bộ, chính quyền xã Sín Thầu quan tâm.

Đặc biệt, chị nhận thấy tư tưởng trọng nam khinh nữ vẫn còn lẩn khuất trong nhiều nếp nhà. Nghĩ là làm, chị bàn với chị em trong xã vươn lên, quyết chứng minh rằng phụ nữ Hà Nhì có thể gánh vác được việc lớn. Chẳng thế mà trước khi chị Lế nhận nhiệm vụ (năm 2015), toàn xã có 35 đảng viên thì hiện tại con số này đã tăng lên là 130 người, trong đó có 36 nữ, vượt xa kế hoạch đặt ra. Riêng năm 2022, Sín Thầu kết nạp được 5 đảng viên nữ.

Noi gương vị bí thư trẻ tuổi, nhiều thế hệ sau này quyết đem cái chữ về thắp sáng bản làng. Chu Cá Nu, người cháu gọi chị Lế bằng “dì”, cũng gần 10 năm “cõng chữ” trên đôi chân. Năm 2006, khi nhiều bạn bè đồng trang lứa ở các đô thị lớn biết dùng điện thoại di động, bắt xe buýt đến trường thì Nu vẫn miệt mài trên đôi dép cao su về Mường Nhé. Hỏi tại sao kiên trì đến thế, Nu ngẫm nghĩ hồi lâu rồi đáp: “Đi học chưa chắc sau này giàu hơn, nhưng không đi học thì chắc chắn sẽ khổ”.

Những năm trở lại đây, Sín Thầu đã giao lưu và đón nhận nhiều luồng sinh khí mới. Bên cạnh người Hà Nhì, người Mường, người Thái đã đến nhiều hơn với miền biên cương. Đặc biệt khi A Pa Chải đang được nghiên cứu, đầu tư phát triển thành cửa khẩu quốc tế, việc gìn giữ những giá trị truyền thống tốt đẹp của người Hà Nhì như lễ Gạ Ma Thú (cúng bản) càng cần phải được quan tâm nhiều hơn.

Chuyện của ông Xinh trước đây và chị Lế hiện tại có lẽ đã khép trọn bức tranh về Sín Thầu đang từng ngày, từng giờ đổi thay. Và để kết lại, có lẽ không gì thích hợp hơn ngoài việc kể lại công việc của họ sau khi trò chuyện cùng tôi. Ông Xinh ra khoảng vườn trồng cây ăn quả giữa homestay ông tự phát triển để tỉa cành, tạo tán cho mấy luống vừa trồng.

Còn chị Lế, lên xe máy phóng vút vào bản. Chị bảo, phía Trung Quốc dự định mở vùng trồng mía ngay Sín Thầu, sau khi cửa khẩu quốc tế được nâng cấp, như đã nghiên cứu tại khu vực cửa khẩu Ma Lù Thàng tại Lai Châu. Nữ bí thư 42 tuổi muốn chuẩn bị sớm, đồng thời lắng nghe ý kiến, nguyện vọng của bà con trước khi nhận lời.

Trung tá Lý Xú Tư, Trưởng Công an xã Sín Thầu cho biết, địa phương thường xuyên duy trì hoạt động 2 mô hình, 14 tổ chức quần chúng bảo vệ an ninh trật tự ở cơ sở theo hướng tự phòng, tự quản, tự bảo vệ, tự hòa giải.

Ngoài ra, xây dựng và sử dụng hiệu quả nhiều mô hình, tổ chức quần chúng làm công tác bảo vệ an ninh trật tự. Tiêu biểu là hoạt động của 6 tổ tự quản đường biên, mốc giới; xây dựng mô hình “Tự quản về an ninh, trật tự” tại tất cả 7 bản với 48 thành viên; lắp khoảng 18 camera giám sát dọc tuyến quốc lộ qua địa bàn xã, từ bản Tả Sú Lình đến bản Tá Miếu khoảng 25km.

Xem thêm
Phải đổi mới tư duy, phải 'cởi trói', phải quyết đoán, phải bứt phá, phải vượt lên chính mình

Tổng Bí thư nhấn mạnh việc tinh gọn tổ chức bộ máy đi đôi với tinh giản biên chế, cơ cấu lại đội ngũ cán bộ đủ phẩm chất, năng lực.

Tầm nhìn xanh bền vững: [Bài cuối] Lời hẹn từ Mộc Châu cho tương lai xanh

Sơn La Mộc Châu đang viết nên câu chuyện về một hành trình mới, hành trình hướng tới một nền nông nghiệp xanh, gắn kết giữa con người, môi trường và tương lai phát triển bền vững.

Nhận quà khủng, chủ xe VF 6 chốt cọc với mức giá từ 579 triệu đồng

VF 6 đang là mẫu xe đáng mua nhất phân khúc khi chi phí bỏ ra cho chiếc xe chưa đến 600 triệu đồng nhưng giá trị nhận được thì vượt xa con số này.

Hà Tĩnh: 4 năm nâng cấp, sửa chữa 22 hồ chứa

Để phòng ngừa, ứng phó nhằm giảm thiểu thiệt hại do thiên tai gây ra, từ năm 2021 đến nay tỉnh Hà Tĩnh đã nâng cấp, sửa chữa được 22 hồ chứa.