| Hotline: 0983.970.780

"Bỏng rát" vấn đề giống

Thứ Năm 22/09/2011 , 10:02 (GMT+7)

Một lần nữa, vấn đề cung ứng giống, đặc biệt là chất lượng khoai tây giống đã được hầu hết các địa phương bày tỏ sự lo ngại.

Nếu không NK khoai thương phẩm từ Trung Quốc về làm giống trong nước, miền Bắc chắc chắn sẽ thiếu giống khoai tây nghiêm trọng trong vụ đông 2011

Hôm qua (21/9), Bộ NN-PTNT cùng các tỉnh phía Bắc đã có hội nghị bàn sâu về các phương án cho việc SX cây khoai tây trong vụ đông 2011. Một lần nữa, vấn đề cung ứng giống, đặc biệt là chất lượng khoai tây giống đã được hầu hết các địa phương bày tỏ sự lo ngại.

>> Phập phồng khoai tây
>> Kịch bản khó vụ đông 2011
>> Dốc sức cho vụ đông

Hi vọng biến rủi thành may 

Không chỉ dừng lại ở kế hoạch mở rộng diện tích khoai tây lên mức từ 21- 25 nghìn hecta trong vụ đông này, lãnh đạo Cục Trồng trọt còn kỳ vọng, diện tích khoai tây vụ đông ở phía Bắc có thể sẽ có tiềm năng tăng lên tới 100 nghìn hecta trong tương lai, mà vụ đông 2011 sẽ là cơ hội rất tốt để lấy lại đà phát triển cho loại cây này trong tương lai.  

Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Bùi Bá Bổng nêu thực trạng đáng buồn, đó là trong khi các loại cây vụ đông truyền thống như ngô và đậu tương nhiều năm nay vẫn giữ nguyên diện tích, thì cây khoai tây ngày càng giảm mạnh, từ chỗ 30 nghìn hecta thời kỳ trước đây, nay giảm xuống chỉ còn 17 nghìn hecta. Nguyên nhân của tình trạng này, một phần lớn do trồng khoai tây đầu tư rất lớn, và đặc biệt là tốn công lao động. 

Hiện nay, bình quân một hecta khoai tây, thu hoạch trong vòng 3 tháng phải mất ít nhất 350 công lao động. Trong điều kiện lực lượng lao động phục vụ SX vụ đông khó khăn như hiện nay, với chi phí công lao động quá lớn như vậy, hiệu quả sản xuất sẽ thấp. Vì vậy, trong chiến lược phát triển cây khoai tây vụ đông ở miền Bắc, vấn đề tổ chức lại SX để thực hiện cơ giới hóa là yêu cầu bức thiết nhất nếu muốn tăng diện tích cây khoai tây.

Về vụ đông năm 2011, Thứ trưởng Bùi Bá Bổng cũng lạc quan cho rằng, việc các tỉnh phía Bắc buộc phải chuyển từ cây ưa nóng sang cây ưa lạnh, mà trọng tâm là cây khoai tây là điều phải đối phó với mùa vụ khắt khe. Tuy nhiên, đây có thể cũng là dịp để xốc lại tình hình èo uột của cây khoai tây ở phía Bắc trong nhiều năm nay, và cơ hội để “biến rủi thành may” cũng rất có thể sẽ thành công.  

Ủng hộ nhận xét này, nhiều ý kiến khẳng định, lợi thế của khoai tây hiện nay là nhu cầu chế biến, tiêu thụ sản phẩm đang rất lớn. Theo nhận định, nếu diện tích khoai tây ở miền Bắc hiện nay tăng lên dưới 50 nghìn hecta, thì vấn đề giá cả sản phẩm và thị trường tiêu thụ vẫn sẽ không đáng lo ngại. Đại diện Cty TNHH Phát triển công nghệ Tấn Phát (Cty Tấn Phát) – “ông trùm” về khoai tây ở miền Bắc cũng tiết lộ, Cty này đã đặt mục tiêu sẽ đưa cơ giới hóa “phủ xanh” vụ đông ở miền Bắc với diện tích khoai tây chiến lược lên tới 100 nghìn hecta, tương đương sản lượng 2 triệu tấn củ vào năm 2020 bằng các giống khoai tây chất lượng cao như Sinora, Aladin, kết hợp với xây dựng NM SX tinh bột khoai tây.  

Doanh nghiệp hô đủ giống, các tỉnh nghi ngờ 

Trước việc phải gia tăng diện tích, thì nhu cầu và đặc biệt là chất lượng khoai tây giống phục vụ cho vụ đông 2011 thu hút nhiều sự quan tâm nhất. Dự báo của Cục Trồng trọt, ngoài lượng giống khoảng 7 – 10 nghìn tấn nằm trong các kho lạnh ở các tỉnh, cộng thêm khoảng 8 nghìn tấn do Cty Tấn Phát NK từ Trung Quốc, thì nhu cầu giống mà các DN khác phải NK vẫn sẽ vô cùng lớn.  

Trong khi đó về chất lượng, hiện chỉ có lượng giống của Cty Tấn Phát là được SX và bảo quản một cách bài bản nhất. Còn ngay cả giống trong các kho lạnh do nông dân ký gửi, tuy có đảm bảo về sâu bệnh nhưng cũng được đánh giá là chất lượng thấp, không thể đạt yêu cầu năng suất.

Đặc biệt, đáng ngại nhất vẫn là lượng giống thiếu hụt mà các DN nhỏ lẻ sẽ NK từ Trung Quốc về tiêu thụ trong thời gian tới. Tiến sỹ Phạm Xuân Liêm (Viện KHNN Việt Nam) nhận xét, lượng khoai giống NK từ Trung Quốc về có thể nói là… không thuộc tiêu chuẩn chất lượng nào. Số liệu từ Trung tâm Giống cây trồng Lào Cai công bố, hiện mỗi năm tại các cửa khẩu tỉnh này có từ 12 đến 15 nghìn tấn khoai tây dạng thương phẩm trôi nổi trên thị trường được NK về từ Trung Quốc, mà đa số được đưa về để bán giống.

Xung quanh giải pháp nhằm chủ động giống khoai tây trong nước, Tiến sỹ Phạm Xuân Liêm kiến nghị, Bộ NN-PTNT nên đề xuất với Chính phủ có cơ chế hỗ trợ đặc biệt cho việc phát triển giống khoai tây. Hiện trong nước đã SX được các giống khoai tây nguyên chủng. Cần phải đầu tư cho nông dân ở khâu nhân giống lần 2 để luôn đảm bảo đủ nguồn giống trong nước. Đối với các diện tích khoai tây nguyên chủng chất lượng cao NK từ châu Âu, ở vụ SX thương phẩm lần một, cần phải có chính sách hỗ trợ cho dân để họ giữ lại một phần làm giống cho vụ sau.  

Đồng tình với quan điểm này, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Bùi Bá Bổng cũng chỉ đạo, mỗi tỉnh làm vụ đông phải bố trí được một vùng SX khoai tây chất lượng cao, cố gắng dành ra 70% diện tích làm giống, dân chỉ tiêu thụ thương phẩm 30%. Bộ NN-PTNT cũng như các tỉnh sẽ phải có đề án và chính sách cụ thể nhằm hỗ trợ cho nông dân giữ lại nguồn giống này.

Cũng về chất lượng giống được NK theo những con đường này, PV NNVN được biết, tại Thái Bình nông dân phản ánh trong vụ đông năm 2010, giống khoai tây không đảm bảo chất lượng, có nơi tỉ lệ thối, héo lên tới 20 – 30%. Còn tại tỉnh Lạng Sơn, trong vụ mùa 2011 vừa qua, không hiểu tỉnh này lựa chọn giống khoai tây gì cung ứng cho nông dân nhưng khi thu hoạch thì củ khoai mọc đầy mắt và mầm, vỏ và thịt củ trắng bệch. Riêng huyện Lộc Bình có trên 8.000 tấn khoai tây thu hoạch xong nhưng chất đống không thể bán được cho ai.

Trao đổi với PV, ông Trịnh Huy Đang - GĐ Cty TNHH MTV Giống cây trồng Hải Dương cho biết, vụ đông 2010, ngoài Cty của ông, ở Hải Dương còn có thêm 2 DN khác NK giống khoai tây từ Trung Quốc về phân phối cho nông dân qua kênh giống trợ giá của tỉnh. Thế nhưng sau đó, nông dân kêu ầm lên, không trả tiền giống vì chất lượng giống kém và không đạt năng suất. Vì vậy vụ đông năm nay, nghe đâu 2 DN kia đã rút lui vì lỗ, chỉ còn Cty của ông Đang là vẫn mạo hiểm có dự định sẽ NK khoảng 500 tấn khoai tây (giống VT2) từ Trung Quốc về bán.  

Tuy nhiên, hiện Cục Trồng trọt vẫn đang rất “lấn cấn”, chưa chính thức đồng ý cho các DN nhập khẩu giống khoai tây VT2 trong vụ đông này. Nguyên nhân là bởi giống VT2 nhập từ Trung Quốc đều chưa được kiểm tra chặt chẽ về nguồn gốc, có khi mua bán trôi nổi, được các DN Việt Nam NK về nước làm giống, nên chất lượng không ai kiểm định được. 

Trước tình hình giống khan hiếm, đại diện các DN đều nhận định, vẫn biết việc NK giống khoai tây trôi nổi từ Trung Quốc về Việt Nam bán giống là khó đảm bảo chất lượng. Thế nhưng nếu không nhập thì trong nước sẽ thiếu, đặc biệt vụ đông 2011 này còn thiếu trầm trọng hơn. Mặt khác, nông dân họ vẫn cần mua loại giống này vì giá rất “mềm”, chỉ 6.000 – 7.000 đ/kg.

Xem thêm
Hòa Bình có trên 6.000 cơ sở chăn nuôi nằm trong khu vực không được phép

Chăn nuôi là một trong những thế mạnh của tỉnh miền núi Hòa Bình với giá trị sản xuất cả năm 2023 ước đạt 4.130 tỷ đồng.

Xuất khẩu lô thuốc thú y đầu tiên sang thị trường Hồi giáo

BẮC NINH Công ty CP Đầu tư và Phát triển công nghệ sinh học Visakan, thuộc Hùng Nhơn Group vừa tổ chức Lễ xuất khẩu lô hàng thuốc thú y đầu tiên sang thị trường Hồi giáo.

Phân biệt rõ giữa thương lái và 'cò lúa'

CẦN THƠ Doanh nghiệp mua lúa qua thương lái, nông dân bán lúa cho thương lái để lấy tiền mặt. Vì vậy, cần xem thương lái là đối tác đồng hành trong chuỗi lúa gạo.

Độ mặn trên hệ thống thủy lợi Tả Trạch đảm bảo cho sản xuất

Các đơn vị quản lý, khai thác kiểm tra độ mặn ở các trạm bơm, cống lấy nước trước khi vận hành để đảm bảo yêu cầu sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng thuỷ sản.