| Hotline: 0983.970.780

"Đặc trị" vật nuôi bằng thuốc người

Thứ Tư 14/09/2011 , 10:50 (GMT+7)

Người nọ truyền tai người kia. Và đến bây giờ thì từ gia súc, gia cầm, đến cả các đầm cá, đầm tôm, hễ cứ mắc bệnh là người dân ra mua thuốc tây về chữa trị.

Người nọ truyền tai người kia. Và đến bây giờ thì từ gia súc, gia cầm, đến cả các đầm cá, đầm tôm, hễ cứ mắc bệnh là người dân ra mua thuốc tây về chữa trị. Vậy nên, hầu hết các hàng thuốc tây ở mấy huyện vùng biển Nam Định tấp nập cảnh người người vào mua từng bọc, từng bịch nặng trĩu về điều trị cho… vật nuôi khiến cho các quầy thú y kế bên phải phát thèm.

Vật nuôi bị bệnh cứ...dã thuốc Tây

Tại những hàng thuốc tây cửa kính, đèn neon sáng choang, sạch sẽ, người ta thường nghe thấy các mẩu đối thoại như thế này: “Cô ơi, bán cho tôi ít thuốc ỉa chảy cái. Đàn lợn nhà chẳng hiểu ăn nhầm cái gì đi ỉa cả loạt”. “Chị để cho em ít thuốc nấm. Cá trong ao tôi dạo này lở loét, tụt nhớt nhiều quá”. “Bác bán tôi ít thuốc để tiêm cho con chó nhà đang bị kiết lị, tiện thể kèm theo ít thuốc bổ tổng hợp cho gà nhé”. Các chủ tiệm thuốc tây khi vớ được những “bệnh nhân” thú vật kia lòng vô cùng mừng rỡ vì phần đa khách mua không phải một vài viên nhộng, một hai vỉ kháng sinh mà là cả bọc, cả túi thuốc nặng trĩu, vài triệu đồng một lượt. Họ xăng xái tư vấn con vật hay đàn vật đó bao nhiêu cân, bị triệu chứng ra sao, có nôn hay không…rồi kê những liều thích hợp. 

Nghiền thuốc người cho vật nuôi ăn

Câu chuyện tưởng vô cùng kỳ quặc đang là chuyện thường ngày ở huyện tại một số địa phương Nam Định khiến chúng tôi hết sức tò mò. Điều tra ở bốn hiệu thuốc tây xung quanh địa phận thị trấn Rạng Đông (huyện Nghĩa Hưng) tôi thấy tỷ lệ khách mua thuốc nhân y về điều trị cho gia súc, gia cầm chiếm thế áp đảo. Chị Phạm Thị Hoan, chủ cửa hàng thuốc Triệu Hoan ở khu 8 Nghĩa Phúc cho biết: “Toàn khách quen, họ hỏi mua vài triệu tiền kháng sinh một lúc là biết ngay mua về điều trị cho tôm, cho cá. Cloxit, Trimazon, Tetaxilin, ambi…là những loại thuốc thường dùng cho điều trị đi ngoài, nhất là những khi mua phải cá mồi ươn, phải trộn thêm thuốc này ngừa đau bụng.

Nếu nấm loét cũng dùng thuốc nấm của người để chữa. Các thuốc bổ C, B1, B6, B12 cũng rất hợp với gia súc, gia cầm. Cửa hàng tôi hầu hết những kháng sinh hay những thuốc dòng này đến 80% là bán cho gia súc, doanh số một tháng 30 triệu đồng đến 15 triệu đồng là nhờ thú y. Đến con lợn nái nửa đêm bỗng trở dạ, đẻ khó nông dân cũng đập cửa hỏi mua Oxytocin của người về để nó co bóp tử cung, đẻ con dễ dàng hơn. Đa số thuốc của người đều dùng cho vật được, chỉ thấy mỗi…bao cao su, que thử thai là chưa thấy ai mua cho vật dùng mà thôi”.

Rải hàng tỷ đồng thuốc người...xuống nước

Mới sáng ngày ra, căn chòi của ông Lã Ngọc Nhạ đã có mấy chủ đầm đến uống nước, rít thuốc lào sòng sọc chờ hội chẩn bệnh, kê đơn thuốc cho đàn cá bớp, cá mú. Khu đầm Đông Nam Điền rộng mấy trăm ha với khoảng 500 chủ đầm vài năm nay hầu hết đều có thói quen tự dùng thuốc của người để chữa cho tôm, cá. Anh Lãm một chủ đầm với trên 20 năm kinh nghiệm bảo: “Xưa môi trường tốt, cua, cá bớp mua giống ngoài tự nhiên thả, cho ăn rồi chỉ việc ngồi rung đùi chờ đủ kích cỡ xuất bán. Dăm năm gần đây, không có thuốc tây của người, không có bạn bè chiến hữu phán bệnh thì làm đầm rất dễ thua. Đàn cá, tôm là toàn bộ sinh mệnh của mình nằm dưới ao đầm, tính toán mà sai chỉ còn nước con đang học ở Hà Nội cũng phải lôi về quê làm ruộng…Chúng tôi nghĩ thuốc của người phải là thật, là xịn bởi làm giả, làm kém người uống lăn quay ra chỉ có tù mọt gông nên mới thử dùng cho vật, ai ngờ rất tốt. Đấy như tôi có hai con chó, lúc chúng ốm đến cả hai hàng thuốc thú y, thuốc nhân y miêu tả: “Tôi có con chó chẳng hiểu sao ăn vào cứ nôn”. Ông thú y bảo: “Đây cho thuốc đặc trị” nhưng về tiêm mãi chẳng khỏi. Ông dược sĩ đưa cho liều thuốc dặn về tiêm vào bắp, hai hôm sau là chó ngúc ngoắc đuôi, ăn được ngay”.

Liều lượng khi sử dụng thuốc nhân y cho động vật được nông dân tính mò theo kiểu ang áng, người lớn nặng 50-60 kg dùng bao viên, đàn vật mình nặng khoảng bao nhiêu kg thì cứ tỷ lệ đó mà áp dụng. Kháng sinh quá liều sinh còi cọc, nhẹ liều là chết nổi trắng ao. Kinh nghiệm dần dần tích lũy qua những thành bại của các mùa vụ. Một chủ đầm  cho hay, thủy sản thường hay mắc hai loại bệnh tiêu hóa và ngoài da (đốm đỏ, lở loét, ăn vây, ăn đuôi, tụt nhớt, xuất huyết nội, ngoại): “Chúng tôi thường miêu tả bệnh cho quầy thuốc rồi mua về tự chữa, thậm chí còn hỏi thuốc này cộng với thuốc kia có gây phản ứng gì không?. Người bán bảo không thì mua nhiều loại thuốc, cả đau bụng, hô hấp lẫn bệnh ngoài da về cho vào cối xay sinh tố ghiền nhỏ rồi trộn với thức ăn rắc xuống ao. Chẳng trúng bệnh này cũng khỏi bệnh kia. Cá tươi mua về bỏ quên một đống đấy đi uống rượu lúc về thấy gà mổ ăn nhiều, diều chướng, ngộ độc, ỉa phân trắng, phân bết vào lông, bóp cổ, vạch mỏ thả cho vài viên cloxít, nuốt tọp cái là khỏi tắp. Lúc chuyển đổi công thức cho gà ăn cám công nghiệp sang cám thường mà khó tiêu đã có Berberin. Cá hễ đau bụng đã sẵn Amoxicillin, Cotrimoxazol. Lở loét hạng nặng phải có anh Xít-tép, loại vẫn dùng chữa lao ở người. Thuốc người rất hiệu quả mà lại tiện bởi nửa đêm ngoài đầm chủ bị sôi bụng chơi luôn vài viên “thuốc gà” Berberin hay bật quạt ngủ quên sáng ra đau họng tọng vài viên “thuốc cá” Cotrimoxazil, amoxicillin là khỏi sớm”.

Ông Lã Ngọc Nhã bảo với tôi kinh nghiệm nếu dùng thuốc cloxít quá liều cá sẽ sinh dị dạng, cong đuôi. Các loại kháng sinh khác dùng quá liều dù không gây dị dạng cũng đều làm cho vật nuôi chậm lớn. Bởi thế sau mỗi lần điều trị dứt một đợt kháng sinh đặc trị muốn hồi phục đường ruột phải dùng men tiêu hóa của người mà trộn vào thức ăn cho cá, tôm hay ăn, chóng lớn. Nói rồi ông Nhã than thở: “Ngày xưa thi thoảng có đợt cán bộ đến hướng dẫn cách té vôi, tu sửa ao định kỳ, phòng chữa bệnh, vài năm gần đây không có gì cả. Họ buông hết, nuôi con gì, làm gì cũng mặc miễn sao nộp sản đầy đủ. Chúng tôi phải tự bơi, tự mày mò cách dùng thuốc người chữa bệnh cho thủy sản. Năm nhiều mỗi ha dùng cỡ 10 triệu tiền thuốc, năm ít cũng phải 5 triệu, ước tính 600 ha ở đây dùng đến vài tỉ tiền thuốc người”.

Thú y bán thêm thuốc...người

“Mỗi khi đầm có hiện tượng lạ là chúng tôi mời bạn bè đến vạch mang cá, bóc vỏ tôm hay lộn ruột gan ra mà hội chẩn, kê toa” - Một chủ đầm cho hay.

Hiện tượng thủy sản, gia súc, gia cầm dùng thuốc người phổ biến đến mức các hàng thuốc thú y ở Nghĩa Hưng bị co lại trong thế yếu.

Ông Đỗ Quang Tỉnh-Trưởng Thú y xã Nghĩa Thắng kiêm chủ một quầy thuốc thú y thú thật cũng phải bán cả thêm thuốc…người tại quầy (gồm 4 thuốc phổ biến Teta, cloxit, trimezola, Trimidazol) vì dân đến hỏi nhiều quá.  “Gà, vịt bị ốm bà con còn dùng thuốc thú y, mời thú y viên đi chữa, đi tiêm. Còn lợn bệnh chủ yếu là bà con tự chữa, chỉ đến khi nguy cấp lắm mới mời tới” - ông Tỉnh cho hay. 

Ông Đỗ Quang Tỉnh: "Dân hỏi nhiều quá nên tôi bán cả thuốc người"

Bà Đỗ Thị Dung-cán bộ Trạm Thú y Nghĩa Hưng khẳng định đúng là có thói quen dùng thuốc người chữa cho vật trong một bộ phận nhân dân: “Đến ngay cả thuốc bảo hiểm của công nhân nông trường Rạng Đông dùng không hết người ta cũng cầm ra thú y hỏi có thể dùng để chữa bệnh gì cho gà, cho lợn khỏi bỏ phí. Tuy nhiên thói quen dùng lẫn thuốc này không thể chữa được một số bệnh như tụ huyết trùng ghép thương hàn, tụ huyết trùng ghép hen, cầu trùng… nên nhiều người sau khi dùng thuốc nhân y không khỏi lại phải cầu cứu đến thuốc thú y”.

Xem thêm
Bò dự án lăn đùng ra chết, nhà thầu không cấp bù

Bò dự án cấp chưa đầy 1 tháng thì lăn đùng ra chết. Người dân không biết đi đòi ai trong khi địa phương cũng không có phản ứng gì với nhà thầu.

Dịch tả lợn Châu Phi lan rộng, tỉnh Bắc Kạn chỉ đạo khẩn

BẮC KẠN Dịch tả lợn Châu Phi lan rộng tại tất cả các huyện, thành phố, UBND tỉnh Bắc Kạn chỉ đạo khẩn thực hiện các giải pháp phòng, chống dịch.

Lớp tập huấn đầu tiên về quy trình canh tác lúa giảm phát thải

SÓC TRĂNG Từ ngày 17 – 23/5, Trung tâm Khuyến nông Quốc gia tập huấn quy trình canh tác lúa tiên tiến tại 5 địa phương thí điểm Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao.