| Hotline: 0983.970.780

Về nơi không tổ chức HĐND: Chỉ có tốt lên

Thứ Ba 19/05/2009 , 13:38 (GMT+7)

Không tổ chức HĐND cấp quận, huyện, phường và nhất thể hoá Bí thư Đảng uỷ kiêm Chủ tịch UBND đã được nhân dân đón nhận như một “cải tổ” rất quan trọng của bộ máy Nhà nước. Ý chí, quyền lực và trách nhiệm đến cùng được tập trung vào người đứng đầu…

Không tổ chức HĐND cấp quận, huyện, phường và nhất thể hoá Bí thư Đảng uỷ kiêm Chủ tịch UBND đã được nhân dân đón nhận như một “cải tổ” rất quan trọng của bộ máy Nhà nước. Ý chí, quyền lực và trách nhiệm đến cùng được tập trung vào người đứng đầu…

Hoạt động hình thức thì nên bỏ

Từ ngày 25/4, 67 huyện, 32 quận và 483 phường thuộc 10 tỉnh, TP trực thuộc TƯ bắt đầu thực hiện thí điểm không tổ chức HĐND và nhất thể hoá Bí thư kiêm Chủ tịch. (Ảnh: Người dân ở thành phố và nông thôn luôn phải chờ đợi cơ quan công quyền khi làm các thủ tục hành chính)

Qua thực tế ở địa phương, không ít ý kiến đánh giá, ngày nay hoạt động của HĐND quận, huyện, phường mang tính hình thức. Nó không chỉ tiêu tốn ngân sách của Nhà nước mà sinh thêm một cấp trung gian.

"Vai trò… hờ"

Dù mới rời vị trí thành viên HĐND, nhưng nhắc đến vai trò thành viên HĐND phường, Phó Bí thư Đảng uỷ phường Cầu Tre, quận Ngô Quyền (Hải Phòng) Nguyễn Văn Bến vẫn cảm thấy “có lỗi” với người dân: “Tôi tham gia HĐND mấy khoá, nhưng giờ hỏi tôi làm gì mấy khoá vừa rồi thì tôi chịu. HĐND phường có hai nhiệm vụ chính, một là lắng nghe tâm tư nguyện vọng của dân, quyết định những công việc quan trọng của địa phương; hai là giám sát UBND.

Nhiệm vụ thứ nhất chủ yếu là triển khai công việc của quận, chứ chả quyết định được vấn đề quan trọng nào, UBND làm hết, HĐND chỉ thông qua, nhưng gần như UBND trình cái gì thì thông qua cái đó, phản biện rất ít. Còn nhiệm vụ giám sát thì chỉ thể hiện được một ít vai trò qua…những lá phiếu khi bầu ra các thành viên UBND, còn giám sát UBND thực hiện các nhiệm vụ, giám sát công chức kém hiệu quả”.

Trong khi đó, đại diện cho nhân dân, sát với nhân dân nhất là đại biểu HĐND ở khu dân cư, như trưởng khu, thanh tra nhân dân…cũng không làm được gì nhiều. Ông Bến bảo, ở phường Cầu Tre, những ông đại biểu của dân này đa số thuộc loại “đầu ra của cấp trên, đầu vào của cấp phường”. "Họ có trình độ, có lí luận…nhưng chưa sâu sát nhân dân, không đấu tranh, kiến nghị được nhiều cho dân. Ở phường Cầu Tre, mỗi lần đại biểu Quốc hội, HĐND thành phố về tiếp xúc cử tri, thì các ông ấy toàn kiến nghị những chuyện đâu đâu, lớn lao lắm, nhưng những bức xúc của công dân ngay ngõ xóm của mình về môi trường, về mất trật tự xã hội…họ lại "quên"-ông Bến kể.

Bí thư Đảng uỷ phường Lạc Viên, quận Ngô Quyền (Hải Phòng) Đào Văn Quang cũng cho rằng, HĐND phường là đại diện cho cơ quan quyền lực ở địa phương, nhưng quyền và lực thực tế lại rất hạn chế. HĐND không kiến nghị giải quyết được. "Đó là chưa kể “ông” hội đồng còn không dám nói vì nắm cả vị trí hội đồng lại kiêm nhiệm một chân bên UBND hoặc Đảng uỷ. Vì thế, có nhiều việc không kiến nghị được vì sợ “đụng chạm”, hoặc tự “buộc” mình. Nên cứ tồn tại hờ hờ thế thôi"-ông Quang nói.

“Nhiều lúc cũng thấy ngại với dân, vì ở sát dân mà không kiến nghị được nhiều. Những vấn đề nhỏ thì UBND phường họ biết, còn những vấn đề lớn như GPMB, quy hoạch đất treo…thì tiếng nói của chúng tôi gần như chả mang lại hiệu quả gì”. (Ông Nguyễn Đức Ninh, nguyên đại biểu HĐND khu dân cư số 3, phường Đà Nẵng, quận Ngô Quyền).  

Đối với HĐND cấp trung gian, tức cấp quận, huyện, Chủ tịch UBND quận Ngô Quyền (Hải Phòng) Nguyễn Xuân Phi cho rằng, ông hội đồng phường đã hình thức, ông HĐND quận, huyện còn hình thức hơn. Trên cuộc họp thì UBND “báo cáo” hội đồng, “kính thưa” hội đồng, nhưng về phòng làm việc thì HĐND lại “xin ý kiến”, “kính thưa” UBND, nghe theo nói theo, không thực quyền.

Ông Phi chỉ ra một thực tế là từ trước đến nay, cán bộ HĐND hầu hết thuộc diện yếu năng lực, không xông xáo so với cán bộ UBND. Ông hội đồng giám sát UBND, quyết những vấn đề quan trọng để UBND thực hiện mà kém năng lực hơn ông UBND, thì sao làm được?

Vui vẻ nghỉ vai "ông hội đồng"

Cho đến thời điểm này, việc bố trí cán bộ HĐND tất cả các phường và quận của quận Ngô Quyền (Hải Phòng) đã cơ bản hoàn thành mà không gặp một vướng mắc gì. Những cán bộ có năng lực được bố trí vào những vị trí phù hợp, những cán bộ kém năng lực bị “hạ chức” hoặc cho nghỉ. Chủ tịch UBND quận Ngô Quyền Nguyễn Xuân Phi cho biết, hầu hết anh em đều rất thoả mái, có anh em còn thấy mình kém năng lực không dám tham gia vào chức vụ mới tương đương do sợ “không gánh nổi trách nhiệm”. Vì làm việc bây giờ là làm việc thật, trách nhiệm thật chứ không chơi chơi như khi ông là ông hội đồng nữa.

Hầu hết các quận, phường tại Hải Phòng chúng tôi tiếp xúc đều cho rằng, bỏ HĐND cấp quận, phường không đơn giản chỉ là một sự hợp lí, mà đó còn là một sự “giải thoát” thực sự. Vì ở đô thị, nhiệm vụ quan trọng nhất của chính quyền là quản lí trật tự xã hội, giải quyết chính sách cho công dân chứ không phải phát triển kinh tế, chuyển đổi cơ cấu cây trồng như ở huyện, xã.

Bây giờ, tôi đố ông Chủ tịch UBND phường dám đứng ra bán đất, cấp đất sai chế độ. Nhưng trước đây, HĐND chẳng biết quyết nhiệm vụ quan trọng gì của địa phương lại đi quyết việc bán đất. Đến khi xử lý trách nhiệm thì UBND bảo đã trình HĐND được HĐND thông qua. Mà ông HĐND là ai? Rất chung chung, xử lý ông ấy thế nào? (Bí thư Đảng uỷ phường Lạc Viên Đào Văn Quang)

“Như vậy, nhiệm vụ của quận, phường luôn mang tính vụ việc, hành chính. Người dân cần gì ở chính quyền? Họ cần những vụ việc đó được giải quyết thật nhanh, công việc thông suốt. Muốn làm được việc đó, phải “cải tổ” bộ máy chứ không chỉ có cải cách hành chính. Bỏ HĐND thực sự là một việc rất đáng làm để “cải tổ” bộ máy”- Bí thư Đảng ủy phường Lạc Viên, quận Ngô Quyền (Hải Phòng) Đào Văn Quang nói.

Bí thư Huyện uỷ Bình Xuyên (Vĩnh Phúc) Nguyễn Văn Trần cho rằng, không chỉ bỏ HĐND quận, phường mang lại hiệu quả hoạt động cho cơ quan Nhà nước mà bỏ HĐND huyện cũng rất hợp lí. Vai trò HĐND huyện trước đây là có, nhưng mờ nhạt. Chức năng của HĐND huyện như thông qua kế hoạch ngân sách, giám sát, giờ chuyển lên tỉnh là xong. Chúng ta không còn tốn văn bản, giấy tờ, con người và thời gian ở cấp trung gian nữa. Như thế công việc sẽ thông suốt.

Trên thực tế, những năm gần đây, Nhà nước đã cố gắng cải cách thủ tục hành chính và cung cách phục vụ nhân dân, nhưng hoạt động của bộ máy Nhà nước vẫn không ít trì trệ, chính sách chậm triển khai, văn bản chồng văn bản, gây thiệt hại kinh tế cho nhân dân. Mấu chốt ở chỗ là bộ máy của chúng ta quá rườm rà, tập trung hai ba bộ phận về “một cửa” thì lại sinh ra hai ba bộ phận khác. Nhà nước cũng biết điều đó, nhưng cải cách mãi không được. Nếu bỏ được HĐND cấp quận, huyện, phường thì thực sự là cuộc “giải thoát”, vì người đứng đầu có nhiều trách nhiệm hơn, ý chí tập trung hơn. UBND mà đứng đầu là Chủ tịch UBND giờ phải trực tiếp lắng nghe, giải quyết những bức xúc của dân. Đó chẳng phải là mở rộng dân chủ trực tiếp ở cơ sở sao?

Xem thêm
Thường vụ Quốc hội đồng ý khởi tố, bắt tạm giam Bí thư Bắc Giang Dương Văn Thái

Ủy ban Thường vụ Quốc hội đồng ý đề nghị về việc khởi tố, bắt tạm giam, khám xét nơi ở, nơi làm việc đối với ông Dương Văn Thái.

ĐBSCL thiếu nước hay không biết giữ nước?

CẦN THƠ 'Sông có nước, trên trời có nước, vậy tại sao ĐBSCL lại thiếu nước?', vấn đề được các chuyên gia đặt ra để đi tìm giải pháp cho câu chuyện giữ nước của vùng.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

'Vườn treo' Nậm Pồ: Nghị quyết hồi sinh vùng đất khó

Khu nhà màng trồng rau trải dài theo những ngọn đồi nhấp nhô, từng bị bỏ hoang, nay trở thành nguồn cung cấp rau xanh cho hơn 16.000 học sinh của huyện.