| Hotline: 0983.970.780

Khi sinh viên bị "sang xe"

Thứ Ba 23/04/2013 , 10:56 (GMT+7)

Có lẽ chưa năm nào tình trạng không tuyển đủ chỉ tiêu ở các trường ĐH (cả công lập lẫn ngoài công lập) lại “nóng” như mùa tuyển sinh năm 2012. Thậm chí nhiều trường cố kéo dài thời gian tuyển sinh để “vớt” thêm những thí sinh còn sót lại nhưng tình hình không được cải thiện.

Có lẽ chưa năm nào tình trạng không tuyển đủ chỉ tiêu ở các trường ĐH (cả công lập lẫn ngoài công lập) lại “nóng” như mùa tuyển sinh năm 2012. Thậm chí nhiều trường cố kéo dài thời gian tuyển sinh để “vớt” thêm những thí sinh còn sót lại nhưng tình hình không được cải thiện.

>> Đẩy sinh viên vào thế khó

Khi không tuyển đủ chỉ tiêu, nhà trường tháo gỡ khó khăn bằng cách đẩy phần bất lợi về phía sinh viên. Không có lựa chọn nào khác, người chịu “thiệt đơn thiệt kép” chính là những sinh viên đã “trót” thi đỗ vào những chuyên ngành chỉ tuyển được vài người, không đủ để duy trì trong cả một khóa học.


Nhiều sinh viên rơi vào “cửa khó” khi bị các trường Đại học “sang xe” (Hình ảnh chỉ mang tính minh họa)

Vận động vào ngành khác

Kết thúc mùa tuyển sinh năm 2010, trường ĐH Đ. (Hà Nội) thông báo đóng cửa 2 ngành học vì không tuyển đủ thí sinh. Đó là ngành điện tử viễn thông và ngành thông tin học. Khi tiếp cận với một số sinh viên trong hoàn cảnh này, do còn theo học tại trường nên nhiều em khá e dè và chỉ chia sẻ khi đề nghị giấu tên và tên trường để tránh bất lợi trong những năm học còn lại.

Việc đóng cửa này đã khiến những sinh viên trúng tuyển vào các ngành trên chưa kịp vui mừng đã hết sức lo lắng, như ngồi trên đống lửa. Bởi nếu ngành học đóng cửa, việc học hành tiếp theo của họ sẽ thế nào, khi mà mùa tuyển sinh đã kết thúc, họ không còn cơ hội vào học ngành tương tự ở các trường khác.

Chưa hết lo lắng lại đến bức xúc, những sinh viên này cho biết họ cũng không đồng tình với cách giải quyết sau đó của nhà trường. Nhà trường đã vận động họ chọn ngành khác có cùng khối thi, cùng điểm chuẩn. Những lựa chọn thay thế gồm: công nghệ môi trường, công nghệ sinh học, quản trị du lịch – không liên quan gì đến chuyên ngành ban đầu mà thí sinh lựa chọn nhưng cùng thi khối A và cùng điểm chuẩn.

Phải đảm bảo quyền lợi cho thí sinh trúng tuyển

Ông Bùi Anh Tuấn, Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học, Bộ GD-ĐT cho biết các trường ĐH được tự chủ trong việc đưa ra chỉ tiêu tuyển sinh căn cứ trên các tiêu chí đảm bảo chất lượng theo quy định của Bộ GD-ĐT. Việc không tuyển đủ thí sinh phụ thuộc vào nhiều yếu tố như thương hiệu, năng lực đào tạo, vị trí của trường, ngành nghề đào tạo, tình hình phát triển kinh tế của đất nước…

Khi không tuyển đủ thí sinh, vấn đề giải quyết thế nào sẽ tùy thuộc vào hoàn cảnh cụ thể của từng trường, tuy nhiên dù giải quyết theo hướng nào thì cũng phải đảm bảo quyền lợi hợp pháp của những thí sinh trúng tuyển.

Sinh viên Nguyễn Quang T – người đã thi đỗ vào khoa Điện tử viễn thông của trường này – bức xúc thuật lại: “Từ thế chủ động trong chọn ngành học, về lâu dài là chọn công việc, nghề nghiệp của mình, thì lúc đó em lại rơi vào thế bị động hoàn toàn. Do nhà trường đóng cửa ngành Điện tử viễn thông một cách đột ngột (khi mùa tuyển sinh đã kết thúc) nên em không kịp xoay xở hoặc làm gì khác”.

Theo T, nếu không đồng ý với hướng giải quyết trên, em cùng 5 thí sinh còn lại thi đỗ vào ngành này chỉ còn cách là phải “bảo lưu” kết quả, chờ mùa tuyển sinh sang năm xem có “sáng sủa” hơn không để tính đến chuyện ghép số sinh viên trúng tuyển qua 2 năm lại rồi mở lớp đào tạo.

Nếu cũng không đồng ý với cách này, những sinh viên trên chỉ còn cách chấp nhận… trượt ĐH. Bởi đã đỗ nguyện vọng 1, họ không có giấy báo nguyện vọng 2 để đi nộp hồ sơ ở những trường khác (hơn nữa lúc đó các trường khác cũng đã “khép” cửa tuyển).

“Cả gia đình em đều khó có thể chấp nhận phương án cuối này, và ai cũng ấm ức vì mình không làm gì nên tội, thi vượt điểm chuẩn của trường mấy điểm, đã thông báo trúng tuyển rồi đùng một cái lại thành ra “trượt” đại học. Nếu ở nhà suốt một năm em không biết phải làm gì và cũng rất áp lực”, T kể lại.

Khi đem thắc mắc đi hỏi, T được lãnh đạo nhà trường giải thích: “Các ngành có ít sinh viên sẽ khó duy trì đào tạo. Do vậy nên ghép ngành hoặc đóng cửa ngành. Đây là việc bình thường”.

Cuối cùng, sau khi cả gia đình bàn bạc và hỏi han ý kiến những người đi trước, cách giải quyết được đưa ra là T sẽ chọn lựa ngành công nghệ môi trường nhưng có đưa ra “điều kiện” với nhà trường rằng: Nếu sang năm nhà trường tuyển đủ được sinh viên ngành Điện tử viễn thông và mở lớp trở lại thì T phải được chuyển sang ngành đó.

“Lý do là năm học đầu toàn học đại cương, các ngành cơ bản học giống nhau nên em đã đưa ra điều kiện như vậy và cũng được nhà trường chấp nhận để “xoa dịu” tình hình và giữ chân sinh viên”, T cho hay.

Song sự việc cuối cùng cũng không như T dự tính. Trong một năm “học tạm” tại ngành công nghệ môi trường, nhận thấy tương lai năm sau cũng chẳng có gì sáng sủa hơn, T đã được gia đình động viên ôn thi để thi vào trường khác. Vậy là trong suốt một năm sau đó, T vừa học cầm chừng vừa ra sức ôn thi. Cuối cùng cậu cũng thỏa ước nguyện với niềm đam mê ngành điện tử viễn thông của mình.

“Thấy ĐH Công nghiệp năm 2010 lấy điểm chuẩn ngành này là 15, trong khi em thi năm trước cũng đã được 15 điểm. Vì thế, năm sau thi đỗ 16 điểm vào ngành này tại ĐH Công nghiệp Hà Nội, em đã rút hồ sơ để chuyển trường”, T nói.

Hiện tại, T đã được học đúng ngành nghề mình chọn. Chỉ có điều cậu sẽ bị “chậm” hơn các bạn cùng trang lứa  một năm.

Thay đổi tương lai

Khi có “sự cố” đóng cửa ngành học, có trường còn đưa ra phương án bảo lưu kết quả cho sinh viên, đợi mùa tuyển sinh năm sau; lại có trường “gửi” sinh viên sang trường khác có đào tạo cùng ngành để “ghép” lớp theo dạng liên kết. Lại có trường “vận động” các em chọn những ngành cùng trình độ, cùng khối thi trong trường để “giúp nhà trường” giải quyết hậu quả; v.v. Cách nào cũng khiến thí sinh không hài lòng, thậm chí từ đây tương lai của nhiều em đã rẽ sang một hướng khác.

Thi đỗ vào khoa Công nghệ thông tin của trường ĐH M. (Hà Nội), sinh viên Tạ Quang Thuận (Bắc Giang) chưa kịp “xả hơi” thì tin xấu đã ập đến khi nhà trường thông báo sẽ “gửi” gần chục sinh viên đỗ năm đó sang trường khác có cùng ngành công nghệ thông tin để phối hợp đào tạo với lời “trấn an” rằng chương trình học vẫn như nhau, bằng vẫn do nhà trường cấp, học phí chênh nhau không nhiều…

Lý do là vì cả 2 trường đều thiếu sinh viên cho ngành này, giải pháp được nhà trường đưa ra là trường này đóng cửa ngành, gửi sinh viên sang trường khác, vừa để giúp mình giữ được sinh viên vừa giúp trường bạn có đủ thí sinh nhập học.

Sau khi tìm hiểu, Thuận thấy học phí của trường mình được gửi sang cao hơn học phí trường mình đã thi đỗ. Hơn nữa, nhận thấy có sự bất công và thiệt thòi, Thuận có hỏi phòng đào tạo nhưng vẫn nhận được câu trả lời như trên. Nghĩ cách học này “có vấn đề”, gia đình lại không có điều kiện để theo học ở nơi có học phí cao mà bản thân lại chưa chắc chắn về chất lượng, Thuận không đồng ý với việc bị mang đi gửi như thế này.

Kết cục, sau bao ngày suy nghĩ, cân nhắc, đắn đo và cả đấu tranh tư tưởng với bản thân lẫn gia đình, cuối cùng cậu chấp nhận phần thiệt về mình, đợi sang năm ôn rồi thi lại, nhưng lần này cậu vào TP.HCM để học với lý do cùng một ngành nhưng điểm trúng tuyển trong đó thường thấp hơn ở Hà Nội và gia đình cậu cũng có người thân quen trong đó.

Thuận hi vọng điều này sẽ mang lại may mắn cho mình. Lần này Thuận rất cẩn thận khi chọn lựa. Cậu chọn những trường ĐH có tiếng một chút, lại chọn ngành mà chỉ tiêu tuyển sinh ổn định, không biến động nhiều qua các năm và có điểm chuẩn gần với điểm thi của mình.

Cuối cùng, năm 2012, cậu cũng thỏa nguyện vì đã thi đỗ vào khoa Công nghệ thông tin của ĐH Hồng Bàng mà không bị gửi, không bị ghép ngành học, không phải học ngành mà cậu không thích. Từ sự lựa chọn này, cuộc đời Thuận đã rẽ sang hướng khác khi mà cậu sẽ học tập và lập nghiệp tại mảnh đất phương Nam xa xôi.

Khó khởi kiện nhà trường

Trong trường hợp bị “đá bóng” như trên, câu hỏi được đặt ra là liệu thí sinh có thể kiện nhà trường để đòi lại quyền lợi hợp pháp của mình?

Luật sư Trịnh Văn Dũng (Đoàn Luật sư TP Hà Nội) cho biết có thể kiện được, vì ngay từ đầu nhà trường đã sai các cam kết với thí sinh khi mở ngành đào tạo rồi đột ngột thông báo ngưng vì những lý do gây khó khăn cho nhà trường. Sau đó, phần giải quyết hậu quả lại đẩy hết cái khó về phía sinh viên thì không công bằng.

Tuy nhiên, ông Dũng cũng cho rằng có thể kiện nhưng rất khó đi đến một kết quả như mong muốn, bởi việc không tuyển được thí sinh là điều nhà trường không mong muốn, trong đó nguyên nhân khách quan cũng có nhiều.

(Còn nữa)

Xem thêm
Thường vụ Quốc hội đồng ý khởi tố, bắt tạm giam Bí thư Bắc Giang Dương Văn Thái

Ủy ban Thường vụ Quốc hội đồng ý đề nghị về việc khởi tố, bắt tạm giam, khám xét nơi ở, nơi làm việc đối với ông Dương Văn Thái.

ĐBSCL thiếu nước hay không biết giữ nước?

CẦN THƠ 'Sông có nước, trên trời có nước, vậy tại sao ĐBSCL lại thiếu nước?', vấn đề được các chuyên gia đặt ra để đi tìm giải pháp cho câu chuyện giữ nước của vùng.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Cò đã trắng trên miền cát mặn

Một bầy cò trắng tranh nhau dầm những đôi chân khẳng khiu trong hồ nước hiếm hoi giữa miền cát trắng. Nghe tiếng động, chúng nháo nhác bay lên, sải những đôi cánh trắng muốt...