| Hotline: 0983.970.780

ACIAR: Đối tác chiến lược cho tương lai nông nghiệp bền vững

Thứ Hai 30/12/2024 , 15:31 (GMT+7)

Bản ghi nhớ hợp tác nghiên cứu giữa Bộ NN-PTNT và ACIAR đã mở ra cơ hội nâng cao sinh kế cho nông dân tại các vùng Tây Bắc, Tây Nguyên và ĐBSCL.

Tháng 3/2024, Australia và Việt Nam chính thức nâng tầm quan hệ lên Đối tác Chiến lược Toàn diện, đánh dấu mức quan hệ ngoại giao cao nhất sau 50 năm hợp tác. Nhân dịp này, Bộ NN-PTNT và Trung tâm Nghiên cứu Nông nghiệp Quốc tế Australia (ACIAR) ký Bản ghi nhớ hợp tác nhằm đẩy mạnh nghiên cứu khoa học phục vụ phát triển nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản.

Sự kiện này đã tái khẳng định Chiến lược hợp tác ACIAR - Việt Nam (2017 - 2027), với những định hướng cụ thể phát triển nông nghiệp ở Tây Bắc, Tây Nguyên và ĐBSCL. Đây là những vùng có tiềm năng để phát triển nông nghiệp, nhưng cũng là nơi chịu nhiều thách thức của thiên tai, biến đổi khí hậu, suy giảm tài nguyên thiên nhiên, là nơi sinh sống của nhiều nông hộ nhỏ, tập trung đồng bào dân tộc thiểu số.

Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan và Tổng giám đốc ACIAR ký Bản ghi nhớ hợp tác đẩy mạnh nghiên cứu khoa học phục vụ phát triển nông nghiệp tháng 3/2024. Ảnh: ICD.

Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan và Tổng giám đốc ACIAR ký Bản ghi nhớ hợp tác đẩy mạnh nghiên cứu khoa học phục vụ phát triển nông nghiệp tháng 3/2024. Ảnh: ICD.

Nâng cao sinh kế cho đồng bào dân tộc thiểu số

Chương trình ACIAR Việt Nam hỗ trợ hợp tác nghiên cứu để đưa ra giải pháp dựa trên bằng chứng khoa học, giúp nông dân có giải pháp sản xuất, thực hành tốt hơn. Theo bà Nguyễn Thị Thanh An - Trưởng đại diện ACIAR Việt Nam, từ 2017, mỗi năm ACIAR đầu tư khoảng 4,5 triệu đến 6 triệu đô la Úc cho hợp tác nghiên cứu ở Việt Nam hoặc liên quan đến Việt Nam.

“Tôi rất vui khi đã thấy những thay đổi tích cực ở những địa phương này trong thời gian qua”, bà An bày tỏ.

Ở vùng Tây Bắc, thông qua nguồn lực của ACIAR, các nhà khoa học trong nước và quốc tế đã cùng bà con nông dân và chính quyền địa phương phát triển các mô hình trồng rau an toàn, nông lâm kết hợp, quả ôn đới. ACIAR đặc biệt chú trọng kỹ thuật canh tác để bảo toàn đất dốc, nuôi bò thịt thâm canh có lãi, đảm bảo sinh kế cho bà con, giúp cho các địa phương phát triển bền vững theo hướng nông nghiệp sinh thái phù hợp.

Khác xa với 10 năm trước, giờ đây nông dân ở Mộc Châu, Vân Hồ (tỉnh Sơn La), Sa Pa, Bắc Hà (tỉnh Lào Cai) đã rất thành thục trong việc sản xuất rau an toàn. Họ đã kết nối, xây dựng những hợp tác xã chuyên canh rau và thành công ở những thị trường xa như Hà Nội, Hải Phòng và một số tỉnh khác.

Vườn rau ở Mộc Châu, Sơn La được dự án ACIAR hỗ trợ. Ảnh: Đại sứ quán Úc tại Việt Nam.

Vườn rau ở Mộc Châu, Sơn La được dự án ACIAR hỗ trợ. Ảnh: Đại sứ quán Úc tại Việt Nam.

Trưởng đại diện ACIAR Việt Nam lấy ví dụ về câu chuyện của bà Đinh Thị Xoa, 61 tuổi ở Vân Hồ (tỉnh Sơn La) - một trong những người phụ nữ đầu tiên tham gia dự án nghiên cứu và phát triển rau do Úc tài trợ.

Lúc đầu, 7 thành viên của Hợp tác xã Rau an toàn Vân Hồ đã gặp khó khăn vì họ không quen với quy trình trồng và cung cấp rau an toàn. Với sự hỗ trợ kỹ thuật từ dự án, bà Xoa đã phổ biến thông tin cho nhóm về cách trồng rau để tuân thủ các tiêu chuẩn VietGAP.

Nhờ đó, các thành viên đã dần thay đổi phương pháp canh tác, từ việc viết báo cáo đến ủ phân chuồng, sử dụng phân bón và thuốc bảo vệ thực vật đúng cách và áp dụng đúng khoảng thời gian trước khi thu hoạch và đã thành công trong việc trồng nhiều loại rau ăn lá.

3 năm đầu tham gia dự án, các thành viên đã tăng thu nhập gấp 10 lần so với trồng ngô và lúa như trước kia trên cùng một đơn vị diện tích. Một số nông dân như ông Vàng A Sa, người dân tộc Mông sau đó phát triển hợp tác xã mới, mua xe tải để vận chuyển nông sản đến các siêu thị lớn tại Hà Nội như BigC, Aeon thường xuyên.

Cán bộ dự án nhận xét người Mông là cộng đồng rất gắn bó. Nhìn thấy hiệu quả kinh tế nên nông dân trong khu vực cũng tích cực học hỏi lẫn nhau để mở rộng quy mô sản xuất rau VietGAP.

Cầu nối giữa nông dân và thị trường xuất khẩu

Tương tự, các hoạt động của ACIAR ở Tây Nguyên và ĐBSCL ưu tiên tạo cơ hội phát triển của các nông hộ nhỏ. Nhưng hoạt động ở hai khu vực này tập trung nhiều hơn vào giải quyết các vấn đề liên quan đến biến đổi khí hậu. Ví dụ như vấn đề canh tác trong điều kiện nước tưới hạn chế ở Tây Nguyên hay xâm nhập mặn ở ĐBSCL.

Ngoài ra đây là những vùng sản xuất hướng tới xuất khẩu nên việc kết nối với các doanh nghiệp và hiểu biết về nhu cầu thị trường cũng được chú trọng đối với các ngành hàng chủ lực như cà phê, hồ tiêu, lúa gạo, thủy sản.

Đại sứ Úc Andrew Goledzinowski (bên phải) thăm dự án Nâng cao tính bền vững, năng suất và giá trị kinh tế của hệ thống canh tác và chuỗi giá trị của cà phê và hồ tiêu ở khu vực Tây Nguyên (V-SCOPE). Ảnh: ACIAR.

Đại sứ Úc Andrew Goledzinowski (bên phải) thăm dự án Nâng cao tính bền vững, năng suất và giá trị kinh tế của hệ thống canh tác và chuỗi giá trị của cà phê và hồ tiêu ở khu vực Tây Nguyên (V-SCOPE). Ảnh: ACIAR.

Ở Tây Nguyên, sự liên kết chặt chẽ giữa nông dân, doanh nghiệp và các nhà nghiên cứu như hợp tác xã Ea Tân với Công ty Xuất khẩu Cà phê Simexco DakLak trong dự án đã giúp nông dân nâng cao năng lực, có thêm nhiều thông tin về thị trường, hiện đang mạnh dạn đầu tư hoàn thiện hoạt động rang xay, đóng gói nâng cao chất lượng sản xuất và vững tin theo đuổi con đường cà phê đặc sản.

Nông dân trồng lúa ở ĐBSCL với những thách thức về biến đổi khí hậu lại có câu chuyện khác. Một số vùng chuyên trồng lúa nay gặp hạn mặn thường xuyên hơn khiến việc canh tác lúa không còn phù hợp. Các nghiên cứu luân canh lúa tôm, hay thay thế lúa bằng các cây trồng ngắn ngày chịu mặn tốt hơn đã được thực hiện trên đồng ruộng. Nhờ có các thử nghiệm này, nông dân ở một số vùng ở Cà Mau, Bạc Liêu biết xử lý đất, thau chua rửa mặn sau vụ tôm để trồng lúa.

Còn nông dân ở vùng Sóc Trăng, Hậu Giang thì đang theo đuổi thử nghiệm những loại cây chịu mặn tốt hơn như cây bắp, củ dền, dưa hấu với các biện pháp quản lý ẩm độ và quản lý mặn trong đất. Nhiều nông dân mong muốn thử nghiệm trồng củ dền - loại cây trồng chịu mặn tốt và mang lại thu nhập cao hơn gấp 20 lần so với trồng lúa. 

Ở vùng chuyên lúa như An Giang và Kiên Giang, ngoài những nghiên cứu chuyên sâu, dự án ACIAR đã trở thành cầu nối giữa nông hộ nhỏ với Tập đoàn SunRice - nhà xuất khẩu lúa gạo nổi tiếng của Úc. Nông dân thực hành quản lý dịch hại tổng hợp tốt, đạt chuẩn dư lượng tối đa cho phép (MRL) còn nhận được phần thưởng khuyến khích của công ty ngoài giá đã thỏa thuận. 

Hướng đến mục tiêu 2027

Trưởng đại diện ACIAR tại Việt Nam khẳng định: “Lịch sử hợp tác, sự tin tưởng và hiểu biết lẫn nhau giữa các bên đã giúp chúng tôi có được những thành tựu như hiện nay. Chiến lược của ACIAR - Việt Nam dựa trên sự cần thiết, nhu cầu nghiên cứu của Việt Nam kết hợp với thế mạnh về nghiên cứu và phát triển nông nghiệp của Úc”.

Để Chiến lược hợp tác ACIAR - Việt Nam đạt các mục tiêu vào năm 2027, đại diện ACIAR đề xuất Bộ NN-PTNT phối hợp cập nhật danh sách ưu tiên hàng năm để đảm bảo tính thời sự và tính cấp thiết của các dự án mới.

ACIAR kỳ vọng các dự án tại Việt Nam sẽ thu hút thêm nhiều đối tác ở các lĩnh vực khác nhau. Ảnh: Quỳnh Chi.

ACIAR kỳ vọng các dự án tại Việt Nam sẽ thu hút thêm nhiều đối tác ở các lĩnh vực khác nhau. Ảnh: Quỳnh Chi.

Ngoài ra, vấn đề cùng đầu tư cũng là một điểm quan trọng trong Chiến lược. Hiện nay hầu hết các dự án thuộc chương trình Nghiên cứu Kinh tế nông nghiệp (AGB) của ACIAR Việt Nam đã được Bộ NN-PTNT hoặc doanh nghiệp tham gia cùng đầu tư. Tuy nhiên, số đầu dự án này còn khiêm tốn, mới chỉ chiếm khoảng 1/3 tổng số dự án hiện tại. ACIAR kỳ vọng cùng với việc chủ động đề xuất vấn đề cần hợp tác, động thái “cùng đầu tư” minh chứng rất cụ thể về cam kết ưu tiên của Việt Nam.

Cuối cùng, những thách thức như vấn đề biến đổi khí hậu, về quan hệ đa tầng để giải quyết bài toán phát triển kinh tế đòi hỏi các nghiên cứu cần tiếp cận hệ thống, đa ngành. ACIAR kỳ vọng các dự án tại Việt Nam sẽ thu hút thêm nhiều đối tác ở các lĩnh vực khác nhau. Đóng góp hiểu biết chuyên sâu của nhiều bên sẽ giúp Việt Nam và ACIAR đạt các mục tiêu chung.

Xem thêm
Việt - Pháp cùng nỗ lực ứng phó biến đổi khí hậu trong nông nghiệp

Đại sứ Pháp tại Việt Nam chia sẻ về việc tăng cường hợp tác song phương và đa phương nhằm ứng phó với biến đổi khí hậu, đặc biệt trong lĩnh vực nông nghiệp.

Kế hoạch hành động Đề án phát triển công nghiệp sinh học ngành nông nghiệp

Bộ trưởng Bộ NN-PTNN vừa ban hành quyết định về việc ban hành kế hoạch hành động thực hiện Đề án phát triển công nghiệp sinh học ngành nông nghiệp đến năm 2030.

Kon Tum điều tra vụ tai nạn lao động khiến 5 người tử vong

Ngày 31/12, UBND tỉnh Kon Tum đã có chỉ đạo điều tra, xử lý vụ tai nạn lao động tại dự án Thủy điện Đăk Mi 1 (huyện Đăk Glei, tỉnh Kon Tum).